Sự tích Hòn Trác và Hòn Tài

Vào khoảng năm Ất Dậu (1885) một biến cố đã xảy ra ở kinh thành Huế: đó là giặc Pháp trả thù cuộc nổi dậy của vua Hàm Nghi và các quan chủ chiến ở triều đình Huế.

Suốt mấy ngày sau binh chiến, chúng thẳng tay cướp bóc, đốt phá … kinh thành Huế đang sống trong yên lành bỗng biến thành biển lửa ngập trời, khắp chốn đế đô nhuộm màu tang tóc.

Vua Hàm Nghi xuất bôn, truyền hịch Cần Vương. Ông Tôn Thất Thuyết cầm đầu đạo quân Cần Vương đánh nhau với Pháp nhiều trận quyết liệt và chiến cuộc kéo dài đến năm 1888. Vua Hàm Nghi bị tên Trương Quang Ngọc phản bội bắt nộp cho giặc. Ông Thuyết đành tuyệt vọng, từ đó phải sống cuộc đời lưu vong, rồi chết ở bên Tàu.

Tục truyền rằng: trong số quan quân theo vua Hàm Nghi trên đường xuất bôn có hai anh em nhà họ Đặng. Anh là Phong Tài, còn em là Trác Vân. Vốn là hai anh em sanh đôi, nên giống nhau như tạc. Người ngoài thường hay lầm lẫn người này với người kia.

Thuở hàn vi, gia đình họ Đặng có nuôi một trẻ mồ côi đó là Trương Quang Ngọc. Lúc ra phò vua giúp nước, ông Tài có đem Ngọc theo để hắn cùng hưởng lộc vua. Nhưng ít lâu sau, Ngọc sanh lòng phản trắc, có lẽ hắn nghĩ: Trung thành với một ông vua không ngai là một điều bất lợi, nên hắn toan tính đem vua nộp cho giặc để lấy tước hàm lãnh binh.

Ông Tài cũng bị bắt trong cuộc phản trắc đó, duy chỉ có người em là Trác Vân may mắn trốn thoát.

Phong Tài bị đày ra Côn Đảo vào cuối năm 1888. Hồi ấy, chế độ lao tù còn dễ dãi, nên Phong Tài lấy được vợ trong thời gian bị đày ở đây. Vợ chàng là người làng An Hải, tên là Đào Minh Nguyệt, tục danh là nàng tiên An Hội, vì nàng là thiếu phụ có một đời chồng nhưng sắc đẹp còn mê hồn. Cha nàng là vị hương cả trong làng cũng vốn là phạm nhân cựu trào, nhờ sự cần cù lao lực nên tài sản cũng liệt vào hàng khá giả nhất nhì ở Côn Đảo, có chu cấp cho vợ chồng nàng một khu vườn rộng (tức sở An Hội ngày nay).

Một hôm, ông Tài có việc phải vắng nhà ba bốn hôm mới về. Theo thói quen của vợ chồng nàng, thấy mặt chồng đi xa mới về, nàng thường chạy tới bá cổ và trao cho chồng mấy cái hôn nồng thắm. Nhưng lần này, nàng hết sức ngạc nhiên, vì chưa kịp làm theo ý định đã bị đẩy ra và nói:

 – Xin chị tha lỗi cho em, em là Trác Vân, em chồng của chị, em mới bị Tây đày ra đây, em được họ cho vào sở này để được cùng chung sống với anh chị.

Khi đó nàng Nguyệt mới ngẩn người ra, song cũng gắng gượng hàn huyên để gạn hỏi cớ sự làm sao. Thì ra từ ngày thoát nạn, Trác theo về với cụ Phan Đình Phùng để tiếp tục chiến đấu chống giặc, với ý định làm thế nào giết được Trương Quang Ngọc để trả thù cho vua Hàm Nghi. Nhưng khi ý nguyện đã đạt được thì lại bị bắt và bị đày ra Côn Đảo như anh của chàng.

Giữa lúc kể kể chuyện nước, chuyện nhà thì ông Tài về đến, Nỗi mừng mừng tủi tủi giữa hai anh em nhà họ Đặng gặp nhau trong cảnh tù đày thiệt là cảm động, không bút nào tả xiết.

Trong khi đó, nàng tiên An Hội chăm chú ngắm nhìn hai anh em, mà trong lòng nảy sinh bao cảm giác lạ lùng, khó tả, … Sự quá giống nhau giữa chồng và em chồng đã làm nàng thêm bối rối. Đối với Tài thì đó vẫn là đức ông chồng đáng kính, còn đối với chú Trác thì cũng là một con người nho nhã, lịch thiệp, …

Trước tình thế lưỡng long nhứt phụng, nàng thiệt khó phân giải tình cảm của mình. Rồi một hôm, nhân khi ông Tài đi đánh cá ngoài khơi, thì vẫn tuồng nhìn lầm hôn lộn lại được diễn ra lần thứ hai. Nhưng Trác Vân vẫn một mực từ chối, khiến nàng tiên An Hội hết sức ngỡ ngàng, vì thực tâm của nàng cũng muốn đem tấm tình của mình để chia sẻ với Trác Vân nỗi cô đơn của chốn lao tù, cốt làm cho chú Trác cũng được chung hưởng hạnh phúc với người anh. Ngở đâu, Trác lại vô trình khiến nàng không biết nói gì hơn là viện lẽ: chính mình nhìn lầm, cin chú tha lỗi …!

Tuy vậy, Trác Vân cũng đã thấy rõ mối ân tình của người chị dâu lãng mạn. Chàng những e ngại biết đâu chẳng có một ngày, chàng sa ngã rồi ra lỗi đạo luân thường. Chàng liền kết bè trẩy sang một hòn đảo phía trước Côn Sơn để tạm lánh. Ông Tài quá thương em nên phải sang theo. Nhưng khi đến nơi thì mới hay là Trác đã sang một hòn đảo khác gần mũi đá trắng. Ông Tài không dám sang bên em nữa, vì sợ Trác sẽ đi xa hơn, nên cứ ở như vậy cho gần em. Họ sống như thế cho tới lúc chết. Vì vậy, người ta gọi là hai hòn đó là Hòn Tài và Hòn Trác.

Thảm thương thay cho số phận nàng tiên An Hội. Giữa lúc tình duyên đang độ nồng thắm mà nàng phải sống cuộc đời cô độc quạnh hiu. Khi nhớ thương chồng, lúc chạnh lòng yêu ai! Năm canh vò võ, xác ve ngày một héo tàn.

Nên có thơ rằng:

Ai sang hòn Trác hòn Tài,

Cho tôi xin gửi một vài câu thơ.

Đêm sương gió lặng sao mờ,

Trăng khuya chích bóng vẫn chờ đợi mây.

Chừng nào núi Chúa hết cây,

Côn Lôn hết đá, dạ này hết thương.

Đó là những câu hát “ru em” mà người đương thời đặt ra để diễn tả tình cảnh hết sức éo le của nàng tiên An Hội. Trong câu hát trên đều có tên những người trong cuộc. Gió (ông Tài tên là Đặng Phong Tài có chữ phong là gió); Mây (cậu Trác là Đặng Trác Vân, vân là mây): Trăng (nàng tiên An Hội có tên là Đoàn Minh Nguyệt, nguyệt là trăng).

Người đời sau biết chuyện, rất thương cảm cho nàng tiên An Hội, có câu thơ:

Dẫu rằng cách mặt khuất lời,

Nàng tiên An Hội suốt đời vẫn yêu.

error: Content is protected !!