Sự tích Hòn Cau và Hòn Trầu

Ngày xưa ở làng Cổ Ong (Côn Đảo) có đôi vợ chồng sanh sống bằng nghề chài lưới và làm vườn. Ông chồng giữ chức vụ hương câu trong làng, dân làng quen gọi bà vợ là bà Tranh. Hai ông bà chỉ có một đứa con trai là Trúc Văn Cau, nổi tiếng hay thơ phú.

Lúc bấy giờ trong làng có cô gái Mai Thị Trầu con gái duy nhất của ông Đinh và bà Bèo. Cô Trần là một thiếu nữ mặn mà duyên dáng, cũng theo đòi nghiên bút, nghiệp thơ văn chẳng kém gì chàng Cau.

Một hôm Cau đi thăm bẫu gà rừng trên núi, tình cờ gặp c6o Trần đang mang giỏ bẻ măng. Chỉ có hai người nên vắng vẻ, cô bèn mượn một câu ca dao thời cổ cất tiếng hát để ướm thử lòng chàng Cau.

Đêm khuya thiếp mới hỏi chàng,

Cau tươi ăn với trầu vàng xứng không?

Thấy người đẹp khéo lựa một câu ca dao có tên nàng và tên mình, chàng không khỏi bùi ngùi xúc động. Và là người hay chữ chẳng lẽ nào chịu kém. Chàng lựa một câu ca dao có hai họ Mai Trúc rất tình tứ để đáp lại.

Mai vàng chen với trúc xanh,

Duyên em sánh với tình anh đẹp vời.

Rồi thì mặt nhìn mặt cạn trời non nước, tay nắm tay kết chặt giải đồng. Lửa gần rơm ắt là phải bén, nàng đã trao duyên gởi phận cho chàng. Nhưng đây chỉ là mối tình thầm lặng giữa đôi trai gái, cha mẹ hai bên chưa hay biết.

Một hôm, chàng Cau ngỏ ý xin cưới nàng Trầu làm vợ. Thoạt nghe ông Cau biến sắc, sau một hồi lâu nghĩ ngợi băn khoăn, ông Câu bèn ghé vào tai con trai nói nhỏ.

 – Không thể được đâu con ạ! Việc này đáng lý ra cha phải giữ kín nhưng hôm nay, nếu cha không nói thiệt thì hai con sẽ lầm lạc mất. Con ơi! Con có biết không? Con Trầu tuy nó tiếng là con của ông Đinh, nhưng thật ra nó là máu huyết của cha. Vì ngày trước, khi bà Bèo về ăn ở với ông Đinh thì bà đã mang thei với cha trong những ngày ái ân vụng trộm … trước rồi.

Vừa nghe qua mấy lời cha bảo, khác nào sét đánh ngang tai. Chàng Cau hết sức khổ tâm, thì ra con người mà chàng yêu thương gắn bó bấy lâu, chẳng phải ai xa lạ, mà lại chính là cô em cùng cha khác mẹ!

Chàng âm thầm bỏ xứ ra đi, thả bè trôi ra một hòn đảo xa xôi, cách Côn Đảo khoảng hai mươi cây số mà ngày nay gọi là Hòn Cau. Để quên lãng mối tình éo le, sau khi qua đó ít lâu, chàng kết duyên với một nàng sơn nữ áo nâu và suốt đời ở luôn bên ấy.

Thương thay cho nàng Trầu, phải mang thai đến ngày sanh nở. Rồi thì ngày tựa cửa, đêm đêm nhìn mãi con thơ mà chẳng thấy bóng dáng chồng đâu. Cuối cùng tuyệt vọng nàng tự tử tại một cái đầm bên cạnh miếu Cậu. Tuy ngày nay bị cát lấp dần, nhưng cái tên đầm Trầu vẫn còn nhắc nhở cùng với mối tình ngang trái ấy.

Còn ông Hương Câu, sau khi câu chuyện tình giữa ông và bà Bèo vỡ lỡ, bị ông Đinh coi là tình địch, ông cũng bỏ nhà sang tận bên kia triền núi Chúa sống cuộc đời ẩn dật. Bà Bèo xấu hỏ cũng bỏ nhà vào tu ở một hóc núi. Duy có bà Tranh, tuy thương chồng, nhớ con, vẫn sống yên phận thủ thường tại ngôi nhà cũ.

Từ câu truyện này, ở Côn Đảo có thêm những địa danh như: Đầm Trầu, Hòn Cau, hóc Ông Đinh, bưng Bèo và bãi ông Câu, … Và mấy câu hát sau đây được hình thành để nhắc nhở câu chuyện bi thảm ấy.

Đi đâu mà chẳng thấy về,

Hay là quấn tía tựa màu áo nâu?

Ai về nhắc với ông Câu,

Hòn Cau cách bãi Đầm Trầu bao xa.

(Theo Sơn Vương, Phổ thông, số 126.1994)

error: Content is protected !!