Sự tích địa danh Bãi Xàu

Khi nói tới Bãi Xàu thì người địa phương thường có thói quen nói luôn là Ba Xuyên Bãi Xàu. Ngày nay Bãi Xàu thuộc thị trấn Mỹ Xuyên tỉnh Hậu Giang. Theo đồng bào địa phương, địa danh Bãi Xàu phát xuất từ tiếng Khơ-me Nam Bộ: Sóc “Baixau” có nghĩa là sóc hay làng “cơm sống”.

Có truyền thuyết như sau:

Thuở xưa, có một ông vua giàu có lắm kẻ hầu người hạ. Trong số có nàng Chanh là người có tài nấu nướng khéo hơn cả. Hôm nào, nàng Chanh dâng cơm cũng được vua khen. Nhứt là món canh chua do nàng nấu thì ngon tuyệt, không ai bắt chướng được, do đó nàng rất được nhà vua yêu quý.

Có một người con gái, cháu viên quan cận thần, thấy nàng Chanh được vua sủng ái, đem lòng ganh tỵ, thường gièm pha nàng Chanh với viên quan cận thần. Từ lâu, viên quan này muốn đưa cháu mình lên làm hoàng hậu, nên khi nghe như vậy liền kiếm cách bịa chuyện để nói xấu nàng Chanh với vua. Hắn tâu với vua rằng nàng Chanh đã phạm tội khi quân. Cái món canh chua mà nhà vua ghiền ấy là do chất cáu bẩn trong móng tay mà nàng Chanh bỏ vào canh cho vua a9n. Vua nghe, nửa tin nửa ngờ, bèn sai tên lính hầu thân cận xuống bếp dò xem hư thực thế nào.

Tên lính làm bộ giúp nàng Chanh nấu nướng. Quả nhiên hắn thấy nàng Chanh khi nấu cơm thường dùng móng tay út để dài cong như cái muỗng múc nước canh đang nấu trên bếp để nếm thử. Tên lính vốn là tay nịnh bợ muốn lập công, nên khi tâu với vua, hắn dặm mắm thêm muối vào.

Nghe xong, vua cả giận quát tháo ầm ĩ, liền cho lính hầu bắt nàng Chanh xử tội. Được tin dữ, nàng vội gom góp tư trang của mình trốn khỏi hoàng cung, ra mé sông quá giang một ghe buôn để chạy trốn, nghe tin nàng Chanh bỏ trốn, đích thân nhà vua tập hợp binh sĩ, dùng thuyền cấp bách đuổi theo để bắt cho được kẻ phạm tội khinh mình.

Ghe chở nàng Chanh theo dòng sông Hậu chạy trốn. Đến Đại Ngãi thì ghe rẽ vào một sông nhỏ đi về Sờ-mo (tức Bãi Xàu ngày nay). Họ dừng lại ở đây kiếm cũi nấu cơm ăn. Khi cơm vừa sôi, thì họ nghe vọng lại tiếng chiêng trống, hò hét ầm ĩ cả một khúc sông. Biết lính nhà vua sắp tới, nàng CHanh sợ hãi, vội bỏ nồi cơm chưa kịp chín, lên ghe theo ngã sông Dù Tho chạy ra vàm Tấn (bây giờ là sông Mỹ Thanh). Đám quan lính đuổi theo càng lúc càng gần. Nàng Chanh lo sợ cuống quít và nghĩ chắc là nhà vua đuổi theo để đòi lại những của cải mà ngày trước vua đã ban cho nàng. Nàng bèn liệng tất cả đồ đạc tư trang mang theo cuống dọc sông, hy vọng nhà vua thấy vậy sẽ không đuổi nữa. Đến vàm sông nọ, nàng quăng luôn cái “cần tho” (ống nhổ) bằng vàng. Do vậy, vàm sông ấy mang tên là vàm Dù Tho.

Mặc dù đã liệng hết đồ đạc, nhưng nàng Chanh vẫn nghe tiếng quân lính đuổi theo mỗi lúc một gần. Thấy mình khó thể thoát khỏi tay vua, nàng Chanh đứng trước mũi ghe khấn nguyện: “Nếu tôi trong trắng vô tội, thì sau khi chết, xin máu tôi biến thành nước biển Đông, tóc tôi sẽ thành rễ cây gừa, vú tôi sẽ biến thành trái bần, và đùi tôi biến thành bập dừa nước để mãi mãi gần chặt với quê hương đất nước này.”

Nguyện xong nàng nhảy xuống sông tự tử, xác nàng trôi về một vàm sông ở Bạc Liêu, đó là vàm Nàng Chanh, đọc trại thành Mỹ Thanh. Dân chúng vớt xác và chôn ở vùng Vĩnh Châu. Ngày nay di tích ngôi mộ vẫn còn.

Cái chết oan ức của người phụ nữ khéo tay đó, truyền thuyết vẫn còn lưu lại: Nước biển Đông có vị mặn của máu nàng. Rễ cây gừa từ các nhánh rũ xuống từng chùm trên mặt nước ven sông như mái tóc dài và mịn của người phụ nữ. Cây bần sống trên đất phù sa sông Cửu Long màu mỡ, hàng năm vẫn ra những chùm trái mà đuôi trái có hình núm nhũ hoa đàn bà, bên cạnh bạt ngàn dừa nước mọc ven sông có những bập dừa mập mạp xinh xắn như bắp đùi cô gái.

Khảo dị

Truyện kể thứ hai cũng gần giống như truyền thuyết trên, song có mấy điểm khác.

Nàng Chanh không chỉ là người nấu bếp cho vua mà nàng còn là một trong số nhiều vợ của nhà vua. Khi nàng Chanh chạy trốn, nhà vua đuổi theo bắt được nàng và mặc cho nàng một mực kêu oan, vua không hề động lòng, chẳng hề suy xét. Quá tuyệt vọng, nàng Chanh nguyện rằng: nếu mình chết oan xin gửi xác vào mọi vật của trần gian.

Giết xong nàng Chanh, nhà vua cho liệng xác nàng xuống sông thì bỗng nhiên ở đó nước xoáy cuồn cuộn như nàng Chanh muốn bày tỏ nỗi oan ức bất bình của mình. Và về sau đúng như lời nguyện, từng phần thi thể của nàng được gửi vào cây cối và con vật dưới nước: đôi má mịn màng gởi vào trái “chân”, vú nàng được gửi vào trái bần, tóc nàng gởi vào rễ cây gừa và hương thơm của da thịt nàng được gởi vào cây trầm hương, móng tay nàng được gởi vào vỏ sò, vỏ hến …

Còn nhà vua, sau khi giết nàng, trở thấy lời khấn nguyện của nàng Chanh đã thành sự thật, đâm ra hối hận, suốt ngày bứt rứt không yên. Một hôm vua đến vàm sông cũ, nơi giết nàng, liệng cái ống nhổ vàng xuống nước, nguyện rằng nếu nàng Chanh vô tội thì cái ống nhổ nổi lên và trôi ngược dòng nước. Quả nhiên ống nhổ nổi lên và trôi ngược dòng nước. Nhà vua biết nàng Chanh vô tội, bèn hạ lệnh hàng năm cứ đến mùa hạ vào ngày trăng tròn dân chúng làm cốm giẹp cúng nàng Chanh và tổ chức cuộc đua ghe ngo ở vàm nàng Chanh hay ở vàm “Cần Tho” (ống nhổ) nơi vua liệng cái ống nhổ vàng.

Khảo dị 2

Thuở nọ, ở Bãi Xàu là rừng mây. Hàng năm dân chúng quanh vùng vào đây chặt mây về bán. Một hôm vào mùa khô, có một số người chặt mây nghỉ tay để nấu cơm trưa ăn. Vô tình họ đã nhúm lửa (dùng ba hòn đất để làm bếp) trên lưng một con cá sấu bị mắc cạn lâu ngày, bùn dính một lớp dày trên lưng khô cứng trong giống như một mô đất. Đến lúc cơm vừa sôi, sấu bị nóng lưng, quậy mạnh làm đổ nồi cơm khiến mọi người hoảng hốt bỏ chạy. Do đó, sau này những người chặt cây vào đây thường gọi chỗ này là “Baixau” tức là “cơm sống”, rồi dần thành quen và đọc trại thành Bãi Xàu.

Khảo dị 3

Ngày xưa, vùng Bãi Xàu còn là rừng rậm, có một hang rắn to gần như miễu Ông Tà. Trong hang có một cặp rắn hổ ngựa thần lớn bằng cột nhà, đầu có mồng đỏ. Bữa chiều nọ, một người đốn củi về bất ngờ ổ trứng rắn, bèn hốt đem về. Đến nhà, anh bắc nước luộc chín trứng. Khi đó cặp rắn thấy mất trứng liền đi kiếm. Chúng bay nhanh như ngựa phi nước đại, gây ra một trận giông dữ dội, làm cây cối nhà cửa sụp đổ, dân chúng một phen kinh hồn khiếp vía. Vì nhà cửa sụp đổ nên bếp núc, củi lửa tắt hết, cơm nhà nào cũng bị sống, và tối hôm đó mọi người phải ăn cơm sống. Từ đó sóc này gọi là sóc “cơm sống” tức là Bãi Xàu vậy.

error: Content is protected !!