Ngày xưa, tại Giồng Nâu (thuộc làng Hữu Nghị, Gò Công) có một ông thầy chuyện dạy nghề võ, gia đình có hai người con: cô con gái lớn tên Hương tục gọi là Nàng Hai, cậu con trai thứ tên là Ba Thọ.
Tuy là phận gái, song Nàng Hai có sức mạch khác người. Phàm những cậu trai nào buông lời ong bướm để chòng ghẹo, cô sẽ dạy cho một bài học nhớ đời.
Vì thế những chàng trai cùng làng, không ai nghĩ tới việc cưới cô làm vợ. Trong số đó, không biết cậu nào cắc cớ viết câu này dán vào gốc đa ở đầu làng.
Trong làng có chị thằng ba,
Đụng đâu sầu đó ai mà dám thương.
Thuở ấy, làng bên có ông bá hộ Sương, sanh được một trai tên là hai Đụng. Vốn ỷ cha mẹ có tiền dư của sẵn, nên cậu Hai Đụng tha hồ xài phí, mặc sức ăn chơi, chẳng hề biết tiếc đồng tiền.
Nhìn thấy đứa con hư, ông bà bá hộ lấy làm lo ngại cho sản nghiệp của mình nếu sau này cả hai vợ chồng xa lìa dương thế. Bởi lẽ ấy nên ông bà đã để tâm tìm một nàng dâu thiệt cao tay ấn, mong kiềm chế bớt sự ăn chơi phung phí vô độ của con trai mình.
Trong xóm ngoài làng chỉ có Nàng Hai là đầy đủ điều kiện mà gia đình này mong ước. Sau khi khi cưới Nàng Hai về ít lâu, ông bà bá hộ lần lượt rủ nhau qua đời.
Cậu Hai Đụng quen thói ăn chơi phung phí, đã từng được Nàng Hai dạy cho nhiều bài học đích đáng bằng võ lực, ngoài mặt cậu phải hượng làm vui với cô để che mắt thiên hạ, chớ trong thâm tâm vẫn hằng toan tính phải làm sao trừ khử được nàng.
Thế rồi, một hôm cậu hái sẵn một trái dừa tươi về đem treo lên ngọn dừa bên bờ ao. Chờ đến khi Nàng Hai ra ngồi lặt rau, cậu Hai bèn giật dây cho trái dừa rớt xuống ngay đỉnh đầu nàng. Vợ chàng ngã lăn ra chết không trối.
Hàng xóm hay tin chạy tới, thấy Hai Đụng ngồi khóc thảm thiết bên xác vợ. Mọi người không ai nghĩ gì đều yên trí rằng Nàng Hai bị tai nạn chết bất đắc kỳ tử.
Thế là Hai Đụng đã rảnh được một nợ, từ đó mặc tình sống cuộc đời phóng đãng xa hoa. Với lối sống ngồi không ăn chơi xài phí thì dầu có của núi cũng có ngày phải cạn. Bởi thế chẳng mấy chốc số tài sản lớn lao của ông bà bá hộ để lại lần lượt về tay người khác, bạn bè trước kia đều ngoảnh mặt xoay lưng. Hai Đụng trở thành kẻ trắng tay, rổng túi không nơi nương tựa, ngày ngày phải đi xin ăn, đêm đêm phải ngủ ở đầu đường xó chợ.
Hận vì nỗi thói đời đen bạc, thương cho thân phận đói rách cô đơn. Nhứt là vụ ám hại Nàng Hai, người vợ tuy nóng tánh, nhưng đáng thương cần có nàng để cáng đáng việc gia đình. Nếu nàng không bị giết hại thì cậu Hai làm gì đến nông nỗi này.
Lương tâm cắn rứt, giày vò Hai Đụng, cậu sống vất vưởng như kẻ mất trí. Sự hối hận thúc đẩy cậu phải đến nộp mình tại cửa quan để chịu tội đã ám hại vợ. Mặc dù đã tự thú, song quan trên xét thấy đầy đủ chứng lý, nên Hai Đụng bị kết án mười năm về tội sát thê, bị đày ra Côn Đảo.
Thuở ấy, tù nhân được quyền lập gia đình trong số phạm nhân với nhau nhưng Hai Đụng vì quá hối hận và luôn tưởng nhớ đến Nàng Hai nên ở độc thân suốt đời, để chứng tỏ lòng chung thủy với người bạn vắn số.
Tại Côn Đảo, Hai Đụng cất nhà tại một bãi biển ở mặt sau quần đảo. Chiều chiều, nhìn mây trôi càng động mối thương tâm, nghe sóng vỗ như thầm khóc bạn, … Không nhắc đến thì thôi, hễ nhắc đến thì lòng thêm buồn khổ. Thương cho ai và không khỏi trách cho ai, ngập lòng sầu khi tưởng nhớ Nàng Hai.
Ăn năn thì sự đã rồi,
Đổ đà hốt lại có đầy được đâu ….
Vì sống mãi trong cảnh như vậy, nên chẳng bao lâu Hai Đụng qua đời tại bãi biển này. Và từ đó ở đây được dân đảo gọi là bãi Ông Đụng.
(Theo Sơn Vương, Phổ thông số 127, 1964.)