Ông Tăng Chủ trị cọp

Ngày xưa, quãng đường từ Châu Đốc đến Núi Sam (tỉnh An Giang ngày nay) rừng rậm rạp nhiều cọp beo. Nhứt là cọp hoành hành rất dữ. Lúc bấy giờ có một số người đến đây phá rừng làm ruộng. Ban ngày làm gì cũng phải đông người, không ai dám đi riêng lẻ một mình, nhứt là nơi cây cối rậm rạp. Còn ban đêm thì ngủ trên chòi gác cao, cửa nẻo phải đóng kín. Dù vậy, vẫn hay có người bị cọp vồ mất xác.

Trong số người đến khai hoang có ông Tăng, tên thật là Bùi Văn Thân, sở dĩ người đời thường gọi ông là ông Tăng hay ông Tăng Chủ, vì ông có hiệu đạo là Bùi Thiên Tăng Chủ, một đồ đệ của Phật thầy Tây An.

Ông Tăng, người giỏi võ nghệ, thân vóc cao lớn, miệng rộng tai dài, cánh tay buông xuống dài tới đầu gối, chân tay lông mọc đầy kín, tiếng nói sang sảng như sâm, tâm tánh thì hồn nhiên quả quyết. Ở đây, ông đã từng làm chúa tể của chúa sơn lâm một thời.

Một lần nọ, cọp về xóm vào lúc chập tối, mọi người rút lên gác, đóng cửa kín mít, đánh mõ báo động vang trời. Ông Tăng một mình cầm mác thong trèo xuống thang rượt cọp. Dưới ánh trăng mờ mờ, cọp lao tới phủ lên mình ông. Ông lẹ làng rùn xuống, một tay dựng đứng má thong lên, một tay thủ thế chờ cọp rơi xuống. Cọp hoảng hốt khi gặp tọa độ của ông Tăng cùng với ánh sáng lấp lánh của ngọn mác thong, nó liền né sang một bên. Trong lúc cọp mất đà chai mình trên lưng chừng, ông đấm nhẹ vào hông nó một cú đấm thôi sơn rồi thuận chân bồi thêm vào hạ bộ nó một miếng đòn trời giáng. Cọp rống lên một tiếng vang trời rồi ngã lăn bất tỉnh.

Ông Tăng không giết cọp, bước tới lôi nó dậy, miệng lẩm bẩm.

 – Tao tha cho, từ này phải bỏ tính ngan tàng, đừng có đến đây nữa mà mất mạng!

Cọp gằm mặt xuống đất, kéo lết cái chân què đi vào rừng, và từ đó không dám bén mảng tới xóm nữa.

Có người hỏi ông.

 – Tại sao ông lại dưỡng hổ di họa, giết phắt nó đi cho mọi người nhẹ lo.

– Tôi không muốn sát sanh, mà chỉ muốn tâm phục bọn thú dữ thôi.

Không phải chỉ một lần như thế, mà rất nhiều lần ông đều đánh rồi tha chúng, cho nên lũ cọp không dám hoành hành như trước.

Có một lần khác, trên đường đi thăm ruộng về thì trời tối. Khi về gần đến nhà, ông thấy một con cọp nằm lù lù bên mép đường mòn. Thấy ông, nó đứng dậy há miệng, quáo cổ, rồi cúi đầu tỏ vẻ đau đớn lắm.

Ông hiểu ý nó, bảo.

 – Hóc xương rồi chớ gì! Sao không đến sớm tao cứu cho, mà để đến nỗi ốm o quá vậy. Thôi, nếu mắc xương thì ngay cổ ra.

Cọp riu ríu làm theo. Ông Tăng co tay ấn vào cổ nó một cái. Lập tức nó sặc lên mấy tiếng rồi khạc ra một miếng xương lớn.

Vài lần sau, cọp cũng tới trước sân trại ruộng ông Tăng mang một con heo rừng mà nó vừa quật chết để đền ơn cứu mạng.

Khảo dị

Vùng Bảy Núi (Tỉnh Anh Giang) ngày xưa có rất nhiều cọp. Ông Tăng Chủ đến đó phá rừng lập trại ruộng.

Một hôm, từ ngoài ruộng về, ông gặp con cọp bạch đứng chực sẵn ngoài cửa. Nhìn kỹ, ông thấy cọp nọ đau nặng, mình mẩy ốm nhom. Cóp há miệng ra, ngước mặt lên nhìn như cầu khẩn.

Ông hỏi:

– Làm gì mà bạch hổ đứng đây! À … chắc là mắc xương hả?

Cọp bạch gật đầu. Ông bảo cọp cúi đầu xuống rồi ông vung tay đấm ngay cổ nó. Khúc xương văng ra.

Ông bảo cọp:

– Từ rày về sau bạch hổ đừng tham ăn nữa nghe!

Cọp bạch nhìn ông tỏ ý biết ơn rồi rón rén chạy ra rừng. Từ đó, cách vài hôm, cọp bạch lại đem heo rừng đến để trước cửa nhà ông Tăng Chủ.

Có một dạo, ở núi Bà Đội Om có một con hạm rất dữ. Nó thường vồ bắt người qua lại để ăn thịt. Ông Tăng Chủ gọi bạch hổ đến cùng mình đi đánh nhau với hạm. Hạm bị bạch hổ và Tăng Chủ hợp sức tấn công dữ phải né tránh tìm đường thoát thân. Hạm loay hoay bị sa xuống hố chết.

Về sau khi ông Tăng Chủ qua đời, dân chúng bèn xây mộ cho ông và lập miếu thờ bạch hổ gần chùa Thới Sơn để nhớ ơn ân nhân của làng.

error: Content is protected !!