Trước kia, khắp nơi chốn Lục tỉnh Nam kỳ, chủ nhà đều thờ ông Tà, cúng lễ đầy đủ để được ông Tà phù hộ độ trì giữa đất đai, ruộng vườn, súc vật. Không một ai dám làm gì, nói gì xúc phạm đối với ông Tà. Vì nếu không sẽ bị ông Tà quở phạt tức thì, bằng cách làm cho đau ốm, súc vật bị dịch, mất mùa, mất của, hạn hán, lụt lội, … Lúc bấy giờ phải cúng lễ linh đình tốn kém, ngoài gà, vịt có khi phải cúng bằng trâu, bò. Ông Tà có đủ uy quyền, nghên ngang một cõi.
Nhưng vì nặt bản tính của ông Tà thích rong chơi đây đó, ngao sơn du thủy, ít khi để tâm tới mọi việc đổi thay biến động của đời người, nên một hôm, bỗng ông Tà thấy tại sao càng ngày dân chúng càng ít thờ mình, cúng lễ cũng thưa thớt dần, đất đai cai quản ngày càng bị thu hẹp. Ông Tà bèn lên ngựa dạo quanh một số nơi để xem cơ sự ra làm sao mà có chuyện kỳ lạ như vậy. Bấy giờ ông Tà mới bật ngửa ra, là khắp nơi dân chúng đều thờ ông Địa ở trong nhà, còn mình thì họ lập miếu thờ ở ngoài ruộng, dưới gốc cây ven đường cạnh bờ sông.
Ông Tà cho rằng ông Địa ngang nhiên chiếm đoạt quyền cai quản trên đất đai của mình, hưởng hết mọi vật cúng lễ, nên đầu đơn thưa ông Địa với vị thần ở một cái đình gần đó.
Gặp ông Thần, ông Tà nói:
– Trình cùng chư thần, xứ này căn nguyên do tôi cai quản, người người đều thờ phượng, lễ cúng, đất đai từ chín sông đến bảy núi (1), từ bến Sấu đế Gò Công (2), đất rộng ngày dài, ngựa của Tà tôi tha hồ chạy ất chạy giáp. Nay bỗng nhiên ông Địa từ đâu đến đây, làm thế nào không biết được dân chúng thờ cúng và hưởng hết lộc thiện của tôi. Nhờ thần linh phán xử.
Ông Thần trả lời:
– Thôi, Tà đừng nói nhiều, mọi việc ta đã rõ mười mươi. Chắc Tà cũng biết, ai có công bồi đắp, vun vén thì sẽ được trời đất đền đáp cho; ai đào bòn, xới lở thì trời đất sẽ xử phạt. Luật trời cũng như luật thế gian: ai có làm. có chịu khó thì Trời mới cho ăn cho hưởng.
Nghe ông Thần nói vậy, ông Địa tay xoa bụng, tay phe phẩy quạt, cười hể hả xin nói:
– Địa tôi nào dám tranh quyền cai quản đất cát của Tà. Tôi chỉ được cái là hay theo sát nhà người ta, chịu thương chịu khó, để tâm tới mọi việc, hễ ai mất cái gì thì tôi chỉ, tôi tìm, bịnh hoạn sắp hoành hành ở đâu cho chim cú, chim heo báo trước, tôi hộ độ cho mọi người làm ruộng rẫy trúng mùa, mau may bán đắt, … nên họ biết ơn, thờ cúng tôi, đền ơn tôi nải chuối, chén chè chớ có chi là quý báu đâu!
Sau khi nghe hết hai bên, ông Thần nói:
– Bây giờ ta phán xử thế này, chắc Tà và Địa cũng biết người ta thường nói: hùm bắt được hùm ăn, sấu bắt được sấu ăn. Bởi do trước đây, Tà mải vui ngao du rong duổi đây đó, không bận tâm tới việc dân chúng trông chờ, không làm tròn việc của mình, nay có người khác làm trót việc của Tà, có phần tốt hơn nữa là khác, nên dân chúng theo về với người ta. Giờ thì mọi sự đã an bài. Ta nên tiếp tục trông coi ruộng rẫy ở ngoài đồng. Còn Địa thì ở trong nhà giữ đồ đạc, giúp mọi người được may mắn. Thôi Tà chớ có kêu nài, đòi hỏi chi nữa.
Ông Tà buồn bã ra về, ông Địa nghĩ thông xoa bụng, vỗ vai ông Tà nói:
– Tà cũng đừng buồn. Địa tôi Tà cũng cùng màu da màu nước, dù ở trong nhà hay ngoài ruộng cũng đều ở trên mảnh đất này, đều là anh em bạn bè cả. Địa với Tà hãy hòa thuận, hãy hợp nhau giúp đỡ hộ độ dân chúng làm ăn, giữ gìn đất đai. Ta chung sức nhau, kẻ trong người ngoài, tôi dám chắc là không kẻ nào dám chen vào đây nữa. Tà thích nay đây mai đó, lúc miền trên, khi miệt dưới, nên ở ngoài đồng tiện hơn. Tính tôi hay kim chỉ, thường để tâm tới việc vặt, nên tôi ở trong nhà chắc Tà cũng cho là phải?
Ông Tà gật đầu, đổi giận làm vui bước ra đi. Từ đó có câu: “Ông Địa giữ nhà, ông Tà giữ ruộng”.
(1): Sông Cửu Long đến Thất Sơn.
(2): Bến Sấu: Bến Nghé (Sài Gòn)