Ông già Ba Tri

Vào đời Lê Cảnh Hưng năm thứ ba, Thái Hữu Xưa người phủ Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) vào Ba Tri (Bến Tre) làm ăn. Bấy giờ Ba Tri dân cư thưa thớt, chưa thành làng mà chỉ là một trại. Thái Hữu Xưa được cử làm cai trại, lo việc thu thuế. Con ông là Thái Hữu Chư, có sức mạnh giỏi võ  nghệ, thường đánh tan nhiều giặc cướp trên sông, nên ông Chư được cử làm chức quản trị lo tuần phòng giặc cướp.

Vào thời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát có lệnh phải lập làng. Thái Hữu Xưa xin đặt tên cho Ba Tri cá trại là làng An Bình Đông. Ông được cử làm thú khoán và con trai Thái Hữu Chư làm chức tri thâu. Về sau con của Thái Hữu Chư là Thái Hữu Kiểm được làm trùm cả làng An Bình Đông (Ba Tri).

Trùm cả Kiểm cất chợ Ba Tri, cho đắp lại con đường từ Ba Tri đi Vĩnh Đức Trung và từ ba Tri đi Phú Lễ. Nhờ thế chợ Ba Tri (còn gọi là chợ Trong) trở nên nhộn nhịp, đông đảo người bán kẻ mua. Chợ trước đó là chợ Ngoài, thuộc làng An Hòa Tây, cách chợ Ba Tri lối ba cây số thì lại thưa thớt, vắng vẻ. Thấy vậy ông xã làng An Hòa Tây cho đắp đập ngăn rạch, khiến cho ghe từ sông Hàm Luông không vào được chợ Ba Tri nữa, khiến chợ này dần dần càng thưa vắng người mua bán. Do mối bất hòa này, nên lúc đó có câu ca dao:

Chợ Dinh báo áo con trai,

Chợ Trong bán chỉ, chợ Ngoài bán kim.

Trùm cả Kiểm tức giận kiện làng An Hòa Tây, nhưng huyện và phủ đều xử Kiểm thất kiện với lý lẽ: làng nào cũng có quyền đắp đập nước trong địa phận của làng mình.

Tức giận, trùm cả Kiểm cùng với hai kỳ lão Ba Tri cơm gói áo đù đi bộ từ Ba Tri ra Huế, không còn đợi đến mùa gió nồm có ghe bầu đi từ Nam ra Quảng.

Lúc bấy giờ Gia Long đã mất, Minh Mạng nối ngôi. Mới nắm quyền, nhà vua tỏ vẻ cảm mến một người đã có công với dân địa phương và khen sự can đảm, chịu đựng gian khổ của một ông già đã dám đi bộ từ Ba Tri ra đến kinh đô Huế. Minh Mạng truyền chỉ: “Dù làng riêng nhưng rạch chung; huyện phủ phải coi phá đập”. Từ đó người ta gọi chợ Trong (chợ Ba Tri) là chợ Đập.

Thế lá trùm Kiểm thắng kiện. Để ghi nhớ công lao của trùm Kiểm đã lập chợ đắp đường, nhất là có lòng can đảm, ngay thẳng, dân chúng gọi ông là ông già Ba Tri. Từ đó, “ông già Ba Tri” là tên gọi để chỉ những người cao tuổi can đảm, kiên trì, không nề cực khổ đứng ra làm việc tốt.

error: Content is protected !!