Núi Bà Đội Om

Thuở xưa, đất An Giang là chiến trường chinh chiến liên miên. Đời ông đến đời cha, đời con sang đời cháu, và mãi mãi về sau, thế hệ này sang thế hệ khác, người An Giang xưa luôn luôn phải đánh giặc giữ nước giữ làng.

Quân giặc từ xa, khi thì cưỡi ngựa, cưỡi voi, lúc đi thuyền chiến sang quấy nhiễu, chém giết, cướp phá nước ta. Giặc tới đâu, ở đó cửa nhà tan nát, lửa khói mịt mù trời, máu đỏ đất đai.

Ở làng kia, bấy giờ ta gọi là Thới Sơn, có đôi vợ chồng vừa sanh đượcv đứa con trai. Đứa con no tròn bụ bẫm, suốt ngày chơi giỡn, vợc chồng người ấy rất đỗi vui mừng. Sáng sớm, hai vợ chồng khi xuống ruộng lúc lên nương, cậu bé ở nhà, ngoan ngoãn trong vòng tay, trong tiếng ru ngọt dịu của bàn. Mỗi chiều về, sau một ngày cày cuốc vất vả, nhìn con nhoaẻn miệng cười, vợ chồng quên hết mệt nhọc cả ngày.

Thình lình giặt đến. Lần này chúng đến rất đông. Bóng giặc đen đặc cả đường bộ lẫn đường sông. Chúng đánh dẹp cả đất Chân Lạp để lấy lối đi. Trai tráng trong làng ùn ùn kéo nhau đánh giặc. Người chồng từ giã gia đình cầm kiếm lên đường. Anh bịn rịn ôm con và tỉ tê dặn vợ ở nhà chịu khó, cố gắng nuôi mẹ nuôi con.

Chồng đi rồi, người đàn bà tần tảo đưa mẹ và con vào một hang núi xa tránh giặc. Sáng xuống đồng chăm sóc lúa, chiều lên rẫy vun gốc khoai. Người vợ vắng chồng ấy – cũng như tất cả những người đàn bà vắng chồng đi chinh chiến nơi xa – chắt chiu củ khoai nuôi mẹ, nuôi con. Hôm nào không rau, không cá, mẹ con bà cháu cùng nhai cù mì đỡ lòng. Đêm đến chị đội cà om xuống làng lấy nước cho mẹ uống, tắm giặt cho con. Mỗi chuyến đi chị đội được một cà om nước, lò dò từng bước ngược lên trên đá, hẻm núi leo cheo. Mỗi đêm phải đội nước năm bảy lần như vậy mới đủ nước dùng cho ba người lớn nhỏ. Trên núi đôi nơi cũng có giếng nước mưa, nhưng dân làng bảo nhau để dành khi thắt ngặt. Ấy là lúc giặc đến chiếm làng.

Năm ấy hạn hán kéo dài, ròng rã mấy tháng hè trời không đổ một cơn mưa. Các khe suối khô cạn, giặc lại chiếm làng ở mãi không đi. Cả làng trông chờ vào mấy giếng nước con trên núi. Những bô lão trong làng pgải đứng ra phân phối nước uống nước ăn. Chuyện tắm giặt đã đến bước ngặt nghèo. Mỗi gia đình chỉ được múc một hoặc hai cà ôm nước trong ngày, theo số người nhiều ít.

Mỗi khi đội nước về, chén nước đầu tiên chị dành cho mẹ, chén kế dành cho con. Còn chị khi nào khát lắm mới hớp một hai ngụm, cho đỡ cháy lòng.

Giếng trên núi không còn một giọt nước, mẹ và con đã khát mấy hôm rồi. Mẹ không còn thở ra hơi, con khóc không ra tiếng, môi chị cũng khô rơm. Nhìn mẹ, nhìn con lòng chị đau như ai cắt ruột. Ngày ngày khi tới gần khuất bóng, chị vác cà om ra bãi đá ngồi chờ đêm xuống liền mò về xóm đội nước lên cứu mẹ, cứu con. Đêm nào chị cũng lần dò từng bước trong màn tối kín bưng, chân đi xiêu ngã, người chị nhẹ tênh như chiếc lá, lúc nào cũng chực quị xuống đường. Nhưng đã nhiều đêm rồi chị chưa mang cho mẹ cho con một giọt nước. Khi vừa đến bìa làng giặc đã rộ lên, đèn đuốc sáng choang, chị phải lùi vào lùm tránh giặc. Khi lấy được nước, mới đi được một quãng đờng, giặc đuổi theo, chị phải vứt cà om chạy trốn.

Một buổi hoàng hôn, chị tựa lưng vào tảng đá, đầu đội cà om, chờ đêm xuống lần bước về làng. Chợt nghe tiếng chiêng vang dội xa xa, chị đưa đôi mắt nhờ nhờ nhìn về phía khói lửa và cát bụi tung mù. Trong hai hố mắt hõm sâu ứa ra giọt nước. Chị biết nơi đó có người chồng thân yêu của mình và trai tráng trong làng đang liều thân đọ kiếm với quân thù. Trong lúc chị nghe được tiếng chiêng khua, ngựa hí và cả tiếng quân reo theo gió bay, về với chị. Chị thấy cả bóng chồng dũng mãnh vung gươm chém xả địch quân.

Chị đứng lặng um trong bóng hoàng hôn, không biết những tiếng ríu rít của đàn chim về núi và khỏi bụi nơi kia tan biến hồi nào. Thình lình trời nổi cơn giông, gió vun vút, mây đen cuồn cuộn kín mít bầu trời. Một lúc, mây đen mấy trắng loãng ra, cơn mưa ào ào đổ xuống. Mưa mù mịt, bầu trời trắng xóa nước mưa. Mưa dữ như đê vỡ, đập tràn. Núi rừng mất dạng trong mùa mưa. Suối ầm ầm chảy, nước băng băng vượt qua ghềnh đá, chồm lên đá tảng đá triền ào ạt tuôn xuống xóm làng. Cỏ cây, vật vờ trong nước. Người ngựa của giặc chết chìm chết nổi, trôi dạt xuống tận đồng xa.

Khi tời vừa đổ mưa, người đàn bà đứng bên tảng đá hết sức vui mừng, chị hét rất lớn: Nước! Nước” Mưa” Chị kêu lớn không rõ kêu ai, chị cám ơn ai. Hay tay run run bưng cà om đưa ra phía trước hứng lấy nước mưa. Một chút nữa thôi, mẹ và con sẽ hết khát. Mẹ sẽ uống no nê, con sẽ tắm tha hồ. Cà om nước đã đầy. Chị há miệng nuốt ừng ực từng ngụm nước mưa. Đưa cà om nước lên đầu, chị toan quay vào hang nhưng đôi chân không nhấc lên nổi. Người chị chực ngã về phía trước. Chị tựa sát vào vách đá, tay giữ chặt cà om nước trên đầu. Không sao nhấc lên một bước, chân tay cứng ngắc như tượng gỗ trong chùa. Chị muốn kêu lên, nhưng hai hàm răng nghiến chặt vào nhau, không thể nào há ra được. Một cơn đau đớn cùng cực lan khắp người lạnh cứng như băng của chị. Chị đứng im, càng tựa sát người vào đá, cố giữ cà om nước trên đầu đừng rời khỏi đôi tay.

Chị đứng như thế cho đến lúc lạnh hẳn cơn mưa dai khủng khiếp chưa thấy bao giờ. Chị đứng như thế cho đến khi người chồng hân hoan mang lá cờ chiến thắng ghim đầy tên nhọn trở về. Và chị đứng mãi mãi như thế trên triền núi nhỏ, xã Thới Sơn, mãi nhìn ra đồng bãi bao la cho đến bây giờ.

(Theo Mai Văn Tao)

Khảo dị

Vào cuối triều Gia Long, Thoại Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại tập trung nhân dân đi sưu đào kinh Vĩnh Tế. Số người đi sưu rất đông, có khi đến hàng mấy vạn.

Dân từ các nơi tập hợp về đây, lớp bị quan lại những lạm hạch sách, lớp ăn uống thiếu thốn, bịnh tật, nên nhiều người đã bỏ mạng nơi rừng thiêng nước độc này. Do vậy nên có nhiều người bỏ trốn về nhà, họ không dám đi đường cái quan, phải đi tắt đường rừng làm mồi cho cọp dữ, và lội qua Vàm Nao thì không sao thoát được nạn cá sấu. Dân chúng rất sợ bị bắt đi sưu đào ở kinh Vĩnh Tế.

Một anh nông dân bị bắt đi sưu đào kinh Vĩnh Tế cả năm không thấy về nhà mà cỹng không có tin tức gì, người vợ ở nhà, nhân mùa lúa vừa xong, việc nhà rỗi rảnh, đội một om gạo mới do tự tay mình cấy và xay giã, đi bộ tới làng quê xa xôi, lặn lội đến kinh Vĩnh Tế để thăm chồng.

Tới nơi, nghe tin sét đánh là chồng đã chết từ mấy tháng trước. Vì qua đau thương, tuyệt vọng, lại mòn mỏi sức gái dặm trường, thêm đói rét nên người thiếu phụ chết đứng trên núi, đầu đội om gạo, biến thành đá.

Từ đó, nhân dân gọi núi đó là núi Bà Đội Om, núi ở miệt Thất Sơn cao 251 mét, dài 1200 mét, ngang 600 mét thuộc huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang.

Ông Nguyễn Công Minh, một người hay làm thơ ở Thủ Dầu Một, qua đây cảm tác:

Hóa công cắc cớ vẽ riêng hòn,

Bà đội trông ai đứng giữa non.

Cây mọc bên mình che má phấn,

Đá che trước mặt ủ mày son.

Mưa chang nắng táp đều trơ trọi,

Gió dãi sương dầu vóc mỏi mòn.

Nặng kia phong trần môn đội mãi,

Khắt khe phận gái cánh thon non.

error: Content is protected !!