Nồi nào úp vung nấy

Có một bà mai nổi tiếng khéo ăn khéo nói, đám nào mà phải tay bà đứng ra mai mối thì nhứt định là phải xong.

Một hôm, có gia đình nọ, có một đứa con trai đến tuổi lấy vợ, nhưng ngặt nổi cậu ta cụt hết một chân, phải nhờ cậy bà mai này tìm nơi cưới vợ cho con. Bà mai vì đi đó đi đây nhiều, biết ở xóm trên có một gia đình khá giả còn một cô con gái đã lỡ thời do có tật sứt môi, nên bà nhận làm mai mối cho cậu trai. Bà mai sẽ được kiếng một cái đầu heo thiệt lớn.

Bà mai xách cặp rượu của nhà trai đến nhà gái, sau khi trầu cau, chuyện trò mưa nắng một hồi, bà mai mới nói với chủ nhà:

 – Có cái đám này muốn làm sui gia với nhà bà chị, nhưng kẹt một nỗi là nhà bà chị khá giả, còn ở bển, tôi cũng nói thiệt là có kém hơn nhà bà chị. Đàng trai thì khỏi phải nói, hết sức siêng năng, làm lụng giỏi giang, nhưng có điều là hơi nghèo, “không có chân đứng” mần ăn thôi!

Thấy con mình đã lỡ thời, lại có tật, nên bà mai nói vậy, nhà gái liền nói:

 – Không sao đâu chị, chị cứ về nói với ảnh chỉ ở bển là tôi thuận cho bước tới. Cái gì chớ cái không chân đứng, thiếu vốn liếng mần ăn thì lúc tụi nhỏ nó thành vợ thành chồng rồi tôi bao cho vợ chồng nó hết!

Thế là xong một phía, bà mai trở về nhà trai nói:

 – Xong rồi bà ơi! Bên nhà gái người ta khá giả lắm, lại ít con, mấy đứa lớn đã thành thân hết rồi, còn có ẻm ta là còn son giá. Phải chi bà có qua bên đó mà coi, ẻm làm lụng đâu đó vén khéo gọn gàng, một điều cũng dạ, hai điều cũng thưa, ẻm hết sức hiền lành nhu mì, chớ “không có môi mép” như người ta.

Nhà trai nghĩ con mình cụt một chân, nay may mắn gặp được một chỗ như vậy, còn lựa chọn gì nữa, nên thuận lòng ngay.

Thế là xong cả hai phía. Nhưng còn phải tính sao để làm đám cưới ngay, cho cô cậu không kịp biết nhau trước ngày đám cưới. Nghĩ vậy, bà mai liền đến nhà trai rồi sang nhà gái nói y hệt một câu, để đốc thúc hai bên làm đám cưới gấp, bỏ hết nghi lễ rườm rà, bà mai nói:

 – Con của bà có tật nguyền, mà bên kia người ta chịu làm sui với mình, sao bà không chịu tính tới làm đám cưới gấp cho rồi, để lần hồi kẻ nói ra, người nói vào, ở bển người ta đổi ý làm sao. Tôi nói thiệt, chớ hụt đám này thì khó kiếm được đám nào như vậy.

Thế là hai bên nhà trai, nhà gái qua bà mai đã ưng thuận làm đám cưới ngay không dám chần chờ.

Đến ngày rước dâu, khi thấy chàng rể chống nạng bước vào nhà, cả họ nhà gái mới bật ngửa. Bà sui gái sừng sộ bà mai:

 – Tại sao thằng cụt hết một giò mà hồi đó bà không chịu nói? Tôi biết cơ sự như vầy, tôi đâu có chịu gả.

Bà mai trả lời:

 – Tôi có nói rõ ràng chớ, tại bà không để ý đó thôi. Tôi nói rằng “Thằng không có chân đứng để mần ăn”, bà nhớ chưa?

Bà sui gái đàm im, kêu cô gái ra chào ba mẹ chồng. Cô dâu mắc cỡ, tay cầm chéo áo, tay cầm khăn che miệng:

 – A, ưa ía, ưa á ới a! (Dạ, thưa tía, thưa má mới qua!)

Bà sui trai trợn mắt, nắm tay bà mai:

 – Trời ơi! Sao kỳ vậy bà mai? Môi mép gì mà bất nhơn vậy? Sao hồi đó bà không nói trước?

Bà mai bình tỉnh cười đáp:

 – Bà bây giờ cũng như bà sui gái hồi nãy. Bà hãy nhớ lại coi, tôi đã nói là “ẻm không có môi mép như người ta”, bà nhớ lại chưa?

Hai họ cười ầm lên.

Lúc bấy giờ ông sui trai mới nắm tay ông sui gái nói:

 – Thôi anh, con gái anh sứt môi, con trai tôi cụt giò. Như vậy cũng xứng đôi vừa lứa lắm, nồi nào úp vung nấy mà!

error: Content is protected !!