Những chuyện kể về vàng ở Đồng Tháp Mười

Ngày trước, không hiểu do đâu mà có tin đồn là ở miệt Tháp Mười có nhiều vàng, nên thiên hạ đổ xô về đây rất đông, ghe xuồng đậu chật kín, chợ Tháp Mười đông nghẹt người, hầu hết là dân nghèo ở tứ xứ. Gia tài chỉ một cái xuồng, một cái nóp, một cái cà ràng. Tới nơi, họ sắm thêm một cái leng, cái cuốc để đào bới. Họ hì hục đào quanh Tháp, ngày này qua ngày khác.

Những người đi tìm vàng tạo thành cảnh tấp nập đông vui. Sáng sớm, từng đoàn, từng tốp người hăm hở kéo nhau đi từ chợ Gáy lên Tháp, rồi chiều tối quay trở về chợ, vừa đi vừa hỏi nhau: “Có được gì không?”. Thậm chí có người cất chòi ngay trên giồng Tháp bới từ sáng đến tối mịt mới nghỉ tay, để khỏi mất thời giờ đi lại.

Nhưng chắc là không ai đào được gì, nên về sau họ chán, bỏ đi lần lần. Họ vốn dĩ đã nghèo lại càng nghèo thêm mà chỉ lợi cho mấy tiêm buôn bán tạp hóa ở chợ.

Do đó, có nhiều chuyện về vàng, sau đây là vài chuyện tiên biểu.

1 – Nuôi chó tìm vàng

Trong khi mọi người đua nhau đào xới để tìm vàng, có một người dân tộc Khmer không biết từ đâu đến mướn ruộng mần ăn. Anh ta lùng sực khắp xóm trên xóm dưới mua được một con chó mực rặc đen tuyền độ chừng vài ba tháng tuổi, đuôi cụp, luói đen đem về nuôi.

Phải nói anh ta thờ con chó mới đúng! Nhà rất nghèo, không có một cái áo lành lặn để bận, mà dám bỏ ra mỗi ngày tới hai ba cắc đi mua thịt bò cho chó ăn và đích thân anh ta cho ăn. Anh ta cưng nó vô cùng, xích nó bằng sợi xích tốt, lựa chỗ sạch sẽ trong nhà trải manh đệm cho nó nằm, cấm vợ con không được động tới. Đêm nào anh cũng thức rất hkuya, khi mọi người trong nhà đã ngủ yên hết, anh thắp ba cây nhang bên cạnh con chó, rồi quỳ xuống thì thầm khấn vái cái gì đó không ai nghe rõ.

Ba giờ sáng anh đã thức dậy hứng sương đọng trên tàu lá chuối và phải hứng được gần một chén đem về cho nó uống. Tất cả các việc làm này anh ta đều giấu kỹ. Có một lần anh ta đáp đập vợ rất tàn nhẫn, chỉ vì chị vợ tọc mạch dám đứng ngó anh ta đương lúc khấn vái bên cạnh con chó. Nhưng riết rồi cũng có người ngó anh ta đương lúc khấn vái bên cạnh con chó. Nhưng riết rồi cũng có người biết chuyện nuôi chó kỳ quái của anh. Khi ông chủ đất biết chuyện, ông ta cho rằng anh này luyện bùa ngải gì đây, muốn đuổi anh ta đi nhưng còn e ngại, sợ anh ta dùng bùa ngải để trả thù.

Chủ đất kêu anh ta tới hỏi, anh ta trả lời:

 – Tôi là tá điền của ông, tôi nhờ cậy ông chủ, tôi không làm gì hại ông chủ đâu, ông chủ đừng nghi tôi tội nghiệp.

Anh t nhứt định không cho chủ biết ý định của mình. Chủ đất dọa đuổi thì anh ta van lạy:

– Xin ông chủ đừng nghi tôi tội nghiệp.

Thấy giọng nói và cử chỉ của anh ta rất thật thà, hơn nữa từ trước đến nay anh ta rất trung thành, nên chủ đất cũng bỏ qua.

Anh ta tiếp tục nuôi chó đến ngày thứ 99, đêm thứ 99, nhằm đúng đêm rằm, sau ba ngày ăn chay tắm gội sạch sẽ, anh ta thắp nhang đèn bên cạnh con chó rồi khấn vái một hồi lâu. Đúng 12 giờ khuya anh ta vác leng, cầm cuốc, dắt chó ra đi. Tới Tháp, anh ta thả chó chạy loanh quanh và theo dõi từng bước một của nó. Anh ta đánh dấu chỗ nào con chó đứng lại hít hít, quào quào mặt đất. Sau đó anh ta hì hục đào những chỗ làm dấu, hy vọng vớ được vàng, nhưng cuối đêm ấy và bốn năm đêm sau chẳng được gì, cuối cùng anh ta bỏ cuộc.

Một buổi sáng nọ, anh ta ôm con chó lại nhà chú đất nói:

 – Thưa ông chủ, tôi tưởng tìm được vàng, hóa ra lại tốn thêm tiền, tốn tới mấy chục đồng vì con vật này. Tôi xin biếu ông chủ đó.

Con chó to, nuôi toàn bằng thịt bò, uống sương buổi sớm nên thiệt mập, lại là chó mực nên ông chủ đất không ngần ngại nhận ngay.

 2 – Được vàng

Ông Xi nghe nói đâu là người ngoài Trung vào lập nghiệp ở Cao Lãnh đã lâu. Sau đó ông đưa gia đình vào Đồng Tháp Mười, cất nhà trên bờ kinh và sinh sống bằng nghề tát đìa, đặt lợp, giăng câu. Gia đình có hai con, một trai, một gái. Dù nghèo nhưng vợ chồng ông vẫn cố gởi hai đứa con đi học, nên hai vợ chồng phải làm quần quật quanh năm suốt tháng mà vẫn không dư dả gì cho lắm.

Một đêm nọ, ông chiêm bao thấy có một ông già mặc áo dài xanh, đầu bịt khăn đỏ, tay chống gậy trúc, tướng mạo rất phương phi, nói rằng;

 – Ta thấy con nghèo, nhưng chí thú làm ăn, ta cho con một vật quý ở gần nhà con, dưới gốc cây ổi ở hiên nhà, nhưng con phải chờ đúng ba tháng mới đào lên lấy. Đừng cãi lời ta không nên.

Ông già nói xong đi ra gốc ấy ổi rồi biến mất.

Thức dậy, ông Xi nửa tin nửa ngờ, ông thường không tin vào mộng mị. Lúc bấy giờ trời chưa sáng hẳn, ông nhìn ra cây ổi, dường như có ánh sáng lờ mờ từ dưới đất bốc lên. Thấy lạ, ông cho vợ hay và kể cho vợ nghe về giấc chiêm bao. Cả hai mừng rỡ, ngồi ngó gốc ổi cho tới sáng.

Từ đó, đêm nào hai người cũng ngó về nơi ấy và cũng thấy hình như có ánh sáng tỏa lên, chỉ trừ hôm nào trời mưa thì không có. Ông đếm từng ngày, lấy dao khắc vào cột nhà làm dấu, mỗi gạch là một ngày và rất nóng lòng thấy thì giờ đi quá chậm.

Ông nôn nao đốn nỗi không còn làm được việc gì nữa, đến hai tháng rưỡi ông thấy không thể đợi được thêm nửa nên bàn với vợ:

 – Tôi nóng ruột lắm, không đêm nào ngủ yên giấc được, cứ thấp thỏm sợ người ta ăn cắp thì uổng công mình gìn giữ, chờ đợi bấy lâu nay. Tôi tính đào lên coi vật gì rồi đem vào trước nhà chôn, chờ đúng mười lăm hôm nữa thì lấy lên xài cũng đúng thời hạn ba tháng vậy.

Bà vợ lúc đầu không chịu, cho rằng làm như vậy không đúng lời thần linh mách bảo, hơn nữa rủi xảy ra việc gì thì sao. Nhưng về sau, bà sợ có người biết vì đêm nào ánh sáng từ gốc cây ổi cũng tỏa lên, nên bà cũng sợ mất của trời cho. Bà đồng ý với chồng. Giữa đêm ấy, hai người âm thầm vác leng, cuốc ra gốc ổi đào xuống chừng non một thước thì gặp một nải chuối cau gồm 16 trái, lớnbằng chuối thiệt, toàn là vàng khối. Ông lấy nải chuối lên và để vào cái lu nhỏ, rồi đào một lỗ ở trước nhà để chôn xuống.

Yên trí của trời cho bằng vàng, cũng không sợ ai lấy. Đúng mười lăm ngày sau, ông bà đếm đúng 90 gạch trên cây cột, xách cuốc đào cái lu lên, không thấy nải chuối vàng đâu nữa. Cái lu trống trơn như không có để vật gì từ trước.

Ông tiếc ngẩn ngơ, buồn rầu nhìn vợ, thở dài một tiếng. Ông rữa tay rồi lên giường nằm, sáng hôm sau bà thấy ông đã tắt thở từ lúc nào không biết. Bà hoảng hồn, nổi mõ một hồi kêu lốixóm tiếp giùm làm đám ma. Chôn cất ông xong, bà phải bịnh nặng rồi ba ngày sau cũng chết theo chồng!

Hay tin anh mất, người em của ông ở Cao Lãnh bơi xuồng đưa hai cháu tới chỉ còn thấy hai nấm mộ nằmg song song bên nhau.

(Theo Nguyễn Hiến Lê – Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười)

error: Content is protected !!