Người thầy rắn ở Đồng Tháp Mười

Muỗi kêu như sáo thổi,

Địa lội lềnh tợ bánh canh.

Cỏ mọc thành tinh,

Rắn đồng biết gáy.

Đó là cảnh hoang vu của Đồng Tháp Mười cách đây khoảng hơn một thế kỷ. Rắn ở Đồng Tháp Mười ai cũng biết tiếng. Rắn ở đây chẳng những to mà còn độc. Đối với những người dân tiên phong đến khai phá Đồng Tháp Mười, rắn là một trong những mối đ dọa ghê gớm nhất. Nhưng vỏ quýt dày có móng tay nhọn. Ở đây dù thiên nhiên khắc nghiệt đến đâu con người vẫn tìm cách chinh phục được.

Khoảng năm 1858, tại vùng Đồng Tháp Mười xuất hiện một con mãng xà vương rất hung dữ. Ai đi vào vùng ấy, rủi gặp phải nó thì kể như chết.

Hôm nọ, có một nông dân tên là Năm Hơn vào rừng tìm trâu lạc, phải đi sâu vào nơi mãng xà vương ở. Anh vừa đi vừa dáo dác nhìn, thì bỗng thấy từ xa một người cao lớn vạm vỡ đang chạy như bay, đuổi theo một con rắn to lớn mà từ trước đến nay anh chưa từng trông thấy.

Người nọ và rắn quần nhau dữ dội. Rắb dữ dần dần đuối sức, bị người nọ khống chế: chân đè chặt khúc đuôi, một tay nắm chặt cổ rắn, tay kia mổ bụng giết rắn.

Năm Hơn, sau một hồi đứng nhìn sửng sốt, cah5y đến chào hỏi người ấy, và không giấu được tò mò.

 – Ông thiệt là phi thường mới trừ được con rắn ấy. Dám mong ông cho biết qu1y tánh.

Người ấy đáp.

 – Ta là Lê Huy Nhạc, nghe nói mãng xà về đây hại người, ta đã tìm kiếm nó suốt cả tháng, nay mới trừ được. Con rắn này độc lắm. Nó phì hơi ra cũng đủ giết được. Ta chuyên nghề bắt rắn từ nhỏ, đến giờ mà cũng phải ghê loại mãng xà vương này.

Năm Hơn vồn vã mời ông thầy rắn về nhà rồi sai vợ con làm cơm nước đãi đằng và tôn kính ra mắt. Sáng hôm sau, trước khi Lê Huy Nhạc rời đi, Năm Hơn nài nỉ xin theo học. Lê Huy Nhạc cảm động bởi lòng thiệt thà của Năm Hơn, bằng lòng nhận Hơn làm học trò.

Theo thầy học được một năm, Năm Hơn đã học được những kinh nghiệm quí báu. Tài bắt rắn của Năm Hơn nổi tiếng khắp vùng. Có điều là không ai gặp được ông thầy Lê Huy Nhạc, chỉ có Năm Hơn thì al6u lâu mới thấy ông đến thăm mình.

Bỗng một hôm, ở làng bên, có một con rắn lớn xuất hiện. Mình rắn nửa đen nửa trắng. Da rắn xù xì trông rất kinh khiếp. Hễ ai bị nó cắn thì không sao cứu chữa được. Dân làng sợ hãi, treo giải thưởng 30 nén bạc cho ai trừ được rắn dữ.

Năm Hơn được mời đi trừ hại. Được dịp giúp đời, Năm Hơn không chút nao núng, khăn gói vào rừng. Năm ngày sau, Năm Hơn tìm được hang rắn. Năm Hơn tìm cách nhử rắn lên khỏi hang rồi bắt giết đi. Năm Hơn xét tường tận thấy mình rắn cứ cách mỗi khoan đen lại có một vòng tròn nhỏ. Năm Hơn vốn có nhiều kinh nghiệm, nhưng không rõ rắn ấy thuộc loại nào, bèn xách vào làng cho dân chúng coi, rồi đem về nhà định phơi khô chờ thầy đến hỏi cho biết.

Năm Hơn vừa mang xác rắn về nhà thì ông thấy rắn đến. Sực trông thấy xác rắn, ông Nhạc kêu lên.

 – Trời đất! Nọc độc của thứ rắn này còn hơn mãng xà vương nữa. Mày làm sao hạ được nó vậy?

Năm Hơn thuật chuyện. Nghe xong ông Nhạc liền bảo.

– Phước là tao đã gặp mày sớm, không thì mày phải chết.

Năm Hơn kinh ngạc.

– Vì sao vậy? Xin thầy dạy cho.

Ông Nhạc giảng giải.

 – Đây là phi lan xa, loại rắn có thể bắn vẩy bay được. Ai đến gần nó, hay bắt nó không sao tránh khỏi vẩy nó bay trúng vào người, truyền nọc độc giết chết. Con đã bị truáng vẩy nó rồi. Chỉ chậm vài ngày nữa là vẩy nó đánh thấu tim, hết phương cứu chữa.

Năm Hơn còn nghi ngờ. Ông Nhạc biết ý, chỉ mấy cái vòng tròn trên xác rắn rồi biểu.

 – Đó là vẩy độc của nó. Tất cả có tám cái. Nay chỉ còn sáu cái, vậy nó đã bắn hai cái vào mình con rồi. Con cởi áo ra coi kỹ thì biết.

Quả nhiên trên người Năm Hơn có hai vòng nhỏ ấy, một cái trên rún, một cái bên cạnh sườn, hơi lộ ra ngoài da.

Ông Lê Huy Nhạc bảo.

– Con hãy nằm nhà, đừng đai đâu, chờ thầy đi tìm thuốc về trị cho.

Dặn xong, ông Nhạc đi ngay. Năm Hơn nằm nhà lát sau nghe ê ẩm cả người. Nọc chạy lên cổ khó thở lạ lùng. Khi ông Nhạc trở lại thì Năm Hơn đã mê sảng bất tỉnh.

Ông Nhạc lấy thuốc hòa rượu đổ vào miệng Năm Hơn. Rồi bảo vợ Năm Hơn lấy chiếu d0ắp kín người Năm Hơn lại và dùng dây trói chặt vào giường, phía dưới để một lò than cháy rực.

Xong đâu vào đấy, ông bảo vợ Năm Hơn lui ra ngoài sân. Ông cũng ra theo, đóng chặt cửa để một mình Năm Hơn nằm trong nhà.

Trời đang mùa nóng bức, lại trùm kín chiếu và bị hơ lửa đỏ, Năm Hơn bừng tỉnh vùng dậy kêu la dữ dội.

Vợ Năm Hơn lo lắng cuống cuồng, định tông cửa chạy vào mở trói cho chổng. Ông thầy rắn khoát tay bảo.

 – Có vậy mới sống được. Đừng sợ. Một lát thì khỏi.

Suốt mấy giờ vùng vẫy la hét, Năm Hơn dần dần thiếp đi. Nghe bên trong chỉ có tiếng thở đều đều, ông thầy rắn mới chịu mở cửa cho vợ Năm Hơn vào.

Lò than đã tàn. Trên giường, Năm Hơn nằm dài như chết. Người vợ, vừa khóc vừa giở chiếu coi kỹ. Năm Hơn thở đều. Mắt nhắm nghiền như đang say ngủ …

Đến khi tỉnh dậy, Năm Hơn thấy khỏe khoắn trở lại. Ông Nhạc vạch áo ra, xem xét kỹ bụng và sườn của Năm Hơn. Dấu vẩy rắn đã biến mất. Năm Hơn mừng khôn xiết, gắng ngồi dậy chắp tay xá ơn người cứu tử.

Từ đó, không ai gặp lại ông thầy rắn, kể cả Năm Hơn. Mãi về sau, người ta mới biết ông về quê ở Chợ Gạo theo  ụ Thũ khoa Huân chống Pháp.

Cuộc khởi nghĩa của Thủ khoa Huân thất bại, ông Nhạc trở về Đồng Tháp Mười ẩn náu và mất tại đó.

error: Content is protected !!