Ông Mười hưởng ứng phong trào Đông Du và tích cực vận động về mặt tài chính để nuôi dưỡng phong trào. Ông bỏ công, bỏ của, giao hết việc nhà cho vợ con. Ông đi hết vùng này sang vùng khác bí mật gây quỹ xuất dương. Nhiều khi quyên không đủ tiền mà chuyến đưa du học sinh đi lại gấp, ông bán lúa thiên, ruộng mẫu củ mình rẻ mắc gì cũng không tiếc.
Khi công cuộc đổ bể, ông bị bắt và bị đày đi Côn Đảo. Suốt mấy năm trời ngoài hải đảo, không biết vì lý do gì mà ông Mười không có thơ từ về nhà.
Bà Mười tuổi còn trẻ, người cũng dễ coi, lòng còn xuân phơi phới. Gia sản của ông Mười để lại cho bà kể ra cũng đứng vào hạng giàu có nên bà ăn mặc đài các phong lưu. Bà lại xuất thân là con nhà trâm anh thế phiệt nên chỉ quen ở không mà chơi chẳng mấy khi chân rời đôi dép, không làm việc gì đụng đến móng tay. Con người ta có dư ăn, dư mặc mới nghĩ đến chuyện nọ việc kia, chớ sớm đập lúa, tối giã gạo, ngã lưng xuống chiếu là ngủ như chết, đầu óc có rảnh rang gì mà tính điều kia điều nọ.
Vả lại mấy năm rồi ông bận rộn bôn ba, việc chăn gối với bà cũng họa hoằn. Rồi ông bị bắt đày Côn Đảo xa xôi, trách nào sống trong cảnh dị vọng bà chẳng khao khát. Ác nghiệt hơn nữa, đàn con bà còn nhỏ, nhà lại không có người lớn, chỉ có một người đàn ông xấp xỉ tuổi bà, ở làm mướn trong nhà.
Nếu không phân biệt chủ tớ, thì bà với thằng ở làm bạn rất xứng đôi. Thỉnh thoảng có mấy tay lái lúa đến làm tưởng người ở là chồng bà. Những lúc vui buồn, cũng như đau ốm, con thì khờ dại, bà chỉ trông cậy vào người đàn ông trung thành, tận tụy ấy. Trai gái đồng cah5n gần nhau như lửa với rơm, lâu ngày ắt phải bén, … Cuộc giao tình lén lút giữa hai người xảy ra không biết từ lúc nào và kết quả là một đứa trẻ ra đời.
Thời gian cũng qua mau, ông Mười được ân xá trở về đất liền sum họp với gia đình. Dù không thư từ liên lạc với gia đình, nhưng ông vẫn biết được tin tức ở nhà.
Tin ông Mười sắp về làm bà nửa mừng nửa sợ. Nếu không có guyện vụn trộm kia thì nay tái hiệp gia đình vui mừng biết mấy.
Là vợ, bà biết tánh tình của ông Mười. Ông thương người lắm nhưng khi người ấy có lỗi thì khó lòng mà ông tha thứ. Đã vậy tánh ông lại nóng nảy, gặp cơn thịnh nộ ông cũng dám giết người cho hả tức chứ không phải làm hùm làm hổ rồi bỏ qua.
Bà Mười sợ chỗ đó hơn hết. Hoàn cảnh xui khiến bà lỗi đạo với chồng, chớ phải đâu bà là hạng lăng loàn trắc nết. Suy tính mãi bà mới thấy một kế: giúp người ở một số vốn đi làm ăn xa, còn đứa trẻ đem cho người khác nuôi để tránh cuộc trả thù đẫm máu và có thể mất thêm một mạng người nữa là chồng khi bị tòa xử án sát nhân. Còn bà thì tùy chồng thương phán xử thế nào bà cũng chịu.
Mọi việc vừa thu xếp xong thì ông Mười về đến. Sau bao năm xa cách, nay thấy lại cảnh cũ người xưa, ông mừng lắm. Ông Mười gọi bà, biểu.
– Ngày mai bà đi chợ mua đồ nấu, làm thịt con heo nuôi trong chuồng để tôi đi lễ trước tạ ơn đất nước ông bà, sau là đãi đằng bà con lối xóm, dầu sao thấy tôi về ai cũng mừng.
Bà Mười ríu rít làm theo. Thấy ông không hỏi việc nhà mà bà hằng lo sợ, thái độ bình thản của ông làm bà sợ hơn. Bà lo sợ chỉ có mấy hôm mà già đi thấy rõ. Ông Mười nhờ người mời bà con, bạn bè đến cùng vui với ông một bữa. Ông gọi bà Mười lại nói riêng.
– Công việc gì ở nhà tôi biết hết. Nhưng mình đừng lo sợ gì cả. Tôi sẵn sàng tha thứ hết, chỉ yêu cầu mình hai điều: Một là cho mời thằng Sáu (tên người ở) về đây để tôi nói chuyện. Hai là đòi thằng nhỏ mà bà đã cho người ta.
Bà Mười sợ toát mồ hôi hột, lật đật sụp xuống lạu liên hồi. Ông Mười kéo bà đứng dậy không cho lạy, rồi biểu.
– Tôi đã biểu thì cứ nghe. Cãi tôi sanh lớn chuyện.
Bà Mười biết tánh chồng, nên nghe là hơn. Bà như một cái xác không hồn. Ông Mười lấy cây mác vót ra hòn đá mài bén như gươm. Bà Mười nhìn lưỡi mác nghĩ đến tấn kịch khủng khiếp sắp xảy ra. Mấy đứa con ông Mười lặng khe không dám thở mạnh.
Thằng bé được ẵm về trước, ông Mười bồng nó không tỏ vẻ gì vui mừng hay oán ghét. Anh Sáu khép nép tới sau, mặt xanh như tàu lá. Ông Mười vui vẻ hỏi thăm, dường như mừng hơn là giận.
Thái độ kỳ lạ ấy mới giết chết con người trong cuộc, chẳng đáon được những gì sẽ xảy đến cho mình và đến lúc nào. Nhứt là bà Mười lo sợ đến phát điên lên được.
Ông Mười vẫn bình thản làm mọi công việc cần thiết cho bữa tiệc được chu đáo. Sau khi làm lễ ông bà xong, khách đến đầy nhà, ông luôn miệng vui vẻ chào đón mọi người. Mỗi chuyện ông đều hỏi bà Mười như chẳng có chuyện gì đang và sẽ xảy ra.
Bà Mười nói tùy ông, thì ông cãi lại.
– Tùy tôi sao được, phải đồng vợ đồng chồng chớ!
Cúng xong, tự ông đặt giữa nhà một cái bàn, trên đó ông để một cái nhạo rượu, một cái ly và … cây mác vót bén như gươm. Ông còn để hai cái ghế ở hai đầu bàn. Không ai hiểu ông sẽ làm gì.
Xong đâu đấy, ông Mười thưa với khách.
– Thưa bà con cô bác, hôm nay tôi còn sống về đây là phước lớn, tưởng đâu đã bỏ xác vì mấy trận đòn ác độc ngoài Côn Đảo. Vì vậy tôi đặt bữa tiệc hôm nay, trước cúng ông bà sau đãi bà con cô bác. Nhưng trước khi đãi khách, tôi phải đền ơn nghĩa những người mà tôi đã chịu ơn, xin bà con cô bác chờ tôi một chút.
Khách khứa im lặng, bà Mười chết đứng, ai nấy đều hồi hộp lo sợ, nhưng cũng nóng lòng muốn coi sự việc sẽ ra sao.
Ông Mười lớn tiếng gọi bà Mười.
– Má thằng Hai đâu, ra tôi nói chuyện.
Bà Mười riu ríu bước ra như kẻ mất hồn, mọi người đều thương hại. Bỗng mấy đứa nhỏ con ông khóc rống lên. Ông chụp ;ấy cây mác vót hét lên như sấm.
– Khóc cái gì? Tại sao bây khóc? Nín hết, không thôi tao giết.
Đến phiên khách hoảng hồn, mấy người bà con dẫn mấy đứa nhỏ đi chỗ khác. Chẳng ai dám nói lời nào với ông Mười, vì họ đã hiểu tánh ý của ông. Có mấy người khỏe mạnh chực hờ nếu thấy “tới việc” là nhảy vào can ngăn.
Ông Mười chỉ ghế bên mặt, nói với bà Mười.
– Mình ngồi đây.
Bà Mười không còn biết gì nữa, rón rén ngồi xuống như cái máy. Ông Mười vẫn bình tĩnh nói.
– Tôi đã nói với bà chẳng có cái gì hết, vậy bà sợ cái gì? Cười lên cho vui chút đi.
Bà Mười ráng cười như mếu.
Ông Mười lại gọi anh Sáu.
– Thằng Sáu đâu, lên ngồi ghế bên này cho anh Mười nói một chút chuyện.
Anh Sáu cũng như bà Mười ríu rít lên ngồi, mặt xanh không còn chút máu. Ông Mười cầm nhạo rót rượu để trước mặt hai người rồi ông nói.
– Trong những năm tôi vì việc nước phải bỏ phế việc nhà, nhờ mình với thằng Sáu giúp tôi hết lòng nên mồ mả ông bà tôi không hoang, vùa hương, bát nước cha mẹ tôi không lạnh, nhà cửa tôi đàng hoàng, ruộng vườn tôi không mất, con tôi khôn lớn, tôi về đến nhà trông thấy rất lấy làm bằng lòng. Vậy mình với thằng Sáu uống cho tôi ly rượu này để tôi lạy mỗi người hai lạy đền ơn.
Nói xong ông Mười sụp xuống, bà Mười và anh Sáu hoảng kinh nhảy xuống ghế. Ông Mười vội rút cây mác vót.
– Bộ mấy người không để tôi đền ơn hả? Có ngồi cho tôi lạy không?
– Dạ không dám! – Bà Mười và anh Sáu cùng nói.
– Dám hay không dám cứ ngồi đó!
Ai nấy lấy làm kỳ lạ, lại nghĩ chắc ông Mười bày kế đền ơn rồi xử tội vì ơn thì đền, còn tội thì xử.
Ông Mười lạy mỗi người hai lạy rồi đứng dậy nói:
– Mình và thằng Sáu uống cạn ly rượu tôi mới vui.
D)ợi cho hai người đặt ly rượu xuống bàn rồi ông nói tiếp.
– Còn chuyện này nữa.
Phút quyết liệt đã đến, mọi người tim như ngừng đập. Nhứt là bà Mười muốn xỉu trên ghế. Ông Mười ngó bà Mười và anh Sáu cười tự nhiên, nói.
– Trong lúc tôi vắng nhà, mình với thằng Sáu tự tình với nhau và sanh một đứa con trai …
Ai nấy hồi hộp chờ ông Mười nói hết, nhưng không, ông Mười gọi người nhà ẵm thằng bé ra cho 6ong. Bà Mười và anh Sáu không dám ngó, cúi gằm mặt xuóng đất. Ông Mười bồng thằng bé trên tay, nói.
– Thằng nhỏ này ngoan, dễ thương lắm. Chắc mình với thằng Sáu nghe tôi nhắc chuyện cũ sợ lắm? Không, chẳng có gì phải sợ. Lỗi không phải tại mình, không phải tại thằng Sáu. Cảnh nhà hiu quạnh, gặp ảnh thằng Sáu chưa vợ lại ở gần bên nhau, lúc tối lửa tắt đèn, là tự nhiên dễ sanh tâm làm bậy. Tôi có mặt ở nhà chắc không có như vậy, vì tôi tin mình là người vợ tốt, thằng Sáu cũng là người hiền. Tôi dám hy sinh cho việc nước, lẽ nào tôi không xét đến việc tầm thường như vậy sao? Tôi coi mọi việc như không có, rồi mình tôi vẫn quý báu, rồi thằng Sáu tôi vẫn tin cậy, sẽ giúp đỡ nó lập gia đình. Còn thằng bé tôi nuôi nó như con tôi, vì nó có là do tôi. Những việc đã qua bỏ về quá khứ. Từ đây mình và thằng Sáu không được làm lại chuyện cũ nữa.
Ông Mười quơ cây mác làm cho bà Mười và anh Sáu nín thở, nói tiếp.
– Tôi mà hay được, cây mác vót này sẽ lấy đầu cả hai.
Nói xong ông Mười hỏi bà Mười.
– Mình có hứa là không diễn lại tấn tuồng ấy chưa?
– Mình thương mình bỏ quan, trâu chó gì mà dại dột như vậy.
– Còn thằng Sáu? – Ông day qua phía Sáu.
– Hú hồn! Một lần dại thì thôi! Tôi thề tôi coi anh như cha đẻ tôi một lần nữa.
– Mình nghe lời tôi là được. Thôi mình với thằng Sáu xuống lo phụ giúp bữa tiệc cho vui.
Ai nấy thở ồ một cái nhẹ nhõm.
Từ đó, cảnh gia đình ông Mười êm ấm, ai cũng khen. Khi vui miệng ông Mười nói với bạn bè.
– Tôi cũng ghen lắm chớ! Nhưng ghen làm sao cho đúng, chúng nó mới sợ, không dám tái phạm nữa, vậy mới là ghen.