Khi Thực dân Pháp tấn công vào căn cứ Bảy Thưa (An Giang) của lực lượng nghĩa quân Trần Văn Thành (Đạo Thành) năm 1872, chúng chiếm được đồn Giồng Nghệ.
Chúng chỉ chiếm được đồn Giồng Nghệ chứ không tiến sâu vào Bảy Thưa vì đâu đâu cũng bị phục kích của nghĩa quân. Dân chúng ở hai làng Bình Mỹ và Vĩnh Thanh có phần lo sợ giặc Pháp lần ra manh mối gia đình nghĩa quân để bắt bớ, khủng bố, gây khó khăn, vì hầu hết nghĩa quân đóng ở đồn Giồng Nghệ đều có cha mẹ, vợ con ở hai làng Bình Mỹ và Vĩnh Thanh.
Biết được chuyện ấy, Trần Văn Thành ra lệnh cho hiệp quân Nguyễn Văn Tú chỉ huy một đạo quân kéo xuống Mặc Cần Dưng để do thám và tìm cách lấy lại ba bộ binh (bản danh sách nghĩa quân) đã mất. Tới nơi, sau khi dò xét hành tung của giặc, ông T1u được cô Sáu Khỏe, một thôn nữ làng Vĩnh Thanh tình nguyện đem hết sức mình để lấy lại ba bộ binh đó.
Cô Sáu Khỏe tên thật là Nguyễn Thị Khỏe. Tương truyền cô có thân hình cân đối, có thể nói là đẹp, koẻ mạnh lại tinh thông Hàn học và giỏi võ nghệ. Cô lại còn có biệt tài khảy dờn tranh. Từ hôm bọn giặc chiếm được đồn Giồng Nghệ, chúng đem một đoàn tàu nhỏ đậu ở rạch Vĩnh Thanh để tiện việc liên lạc và tiếp tế với tàu lớn ở bên ngoài. Tên trung úy Pháp (có vợ người Việt) chỉ huy một đạo quân ở lại giữ tàu, nghe tiếng cô Sáu Khỏe giỏi đờn, bèn gọi cô đến đánh đờn cho chúng nghe. Từ ấy, chúng thường cho gọi cô Sáu đến chơi luôn. Nhân đó cô mới có cơ hội thi hành nhiệm vụ của mình.
Hôm ấy, cô Sáu mặc áo bà ba mới, đầu đội nón cụ quai tơ, chân mang đôi giỏn, thong thả bước xuống tàu giặc.
Cũng như những lần khác, cô được tiếp đón niềm nở. Cô lân la đờn hát đến chiều, thừa lúc hai vợ chồng tên trung úy không để ý, cô lấy ra ba quyển kinh mà cô đã giấu sẵn trong bạt áo từ buổi sáng, đổi lấy ba bộ binh cất vào, rồi điềm tĩnh từ giã ra về.
Thế là cô Nguyễn Thị Khỏe đã hoàn thành nhiệm vụ một cách êm thấm và gia đình các nghĩa quân ở hai làng Bình Mỹ và Vĩnh Thanh không còn lo sợ sự truy tìm của bọn giặc Pháp nữa, tiếp tục dốc sức ủng hộ nghĩa quân chống giặc cứu nước.
(Theo lời kể của cháu nội bà Nguyễn Thị Khỏe)