Nghĩa hổ

Năm Tự Đức thứ tư, gia đình họ Võ ở làng Long Phụng, tổng Hòa Quới, huyện Kiến Hòa (nay thuộc tỉnh Bến Tre) có nuôi một con cọp con.

Cọp được gia đình thương mến và chăm sóc chu đáo. Ông Tú họ Võ dạy hai con mình – một trai, một gái, gọi cọp bằng anh Hai.

Vài năm sau, ông được lịnh ra Huế lãnh một chức vụ mới. Trước khi đi, ông căn dặn cọp ở nhà nuôi mẹ và em.

Ông Tú tài đi được vài hôm bỗng dưng cọp lại trước bàn thờ quì xuống, kêu rống thảm thiết. Người mẹ an ủi cọp, cọp bèn ra dấu tỏ ý muốn xin phép ra đi rồi về. Bà Tú tài đồng ý. Cọp mừng rỡ chạy mất.

Hôm nọ, ông Tú đang trên đường ra Huế, thình lình bị cọp đón đường. Nhìn kỹ hóa ra con côp ở nhà chạy theo. Ông biểu cọp về. Cọp khóc lóc, rồi cuối cùng đem dâng cho ông Tú tài một hoàn thuốc xạ hương để phòng bịnh dọc đường.

Khi trở về nhà, cọp biếng ăn. Về sau được thư của ông Tú tài gởi về, cả nhà mới biết cọp đi kỳ rồi là để dâng thuốc cho chủ. Ai cũng cảm động.

Vài năm sau, ông Tú tài đau nặng. Nhờ hoàn thuốc nọ bịnh tình có thuyên giảm đôi chút. Ông gửi thư về nhắn đứa con trai lớn ra săn sóc. Người con ra đến nơi thì ông đã chết.

Cọp ở nhà lo nuôi vợ ông và đứa con gái của ông. Cọp thường vào rừng bắt thú đem về cho bà Tú bán kiếm tiền chi dùng. Gia đình bà Tú tài ngày càng suy sụp. Bà nhuốm bịnh, rồi từ trần. Cọp khóc lóc thảm thiết, vật vã suốt ba, bốn ngày.

Mấy tháng sau, người con trai ở Huế về Bến Tre. Cọp gặp khóc lóc rồi đưa người con trai ra thăm mộ của bà Tú tài. Đến nơi, cọp đập đầu vào gốc cây gần mộ tự tử.

Người con trai bèn tống táng, để tang cho cọp và lập miếu thờ ngay trên mộ. Trong miếu có đề mấy chữ: “Nghĩa hổ trưởng huynh chi mộ”.

Đời sau có người nghe chuyện làm thơ khen tặng:

Hùm còn biết nghĩa nặng cùng người,

Trả thảo liều thên giữa đất trời.

Một tấm da dầu chôn chặt đất,

Trăm năm còn mãi tiếng khen đời.

(Theo Huỳnh Ngọc Trảng, sđd)

error: Content is protected !!