Lai lịch địa danh Thủ Thừa

Vào thế kỷ 17, vùng đất Thủ Thừa ngày nay được gọi là Thủ Đoàn, thuộc tổng Thuận An, một trong bốn tổng của huyện Tân Bình, phủ Gia Định, năm 1809, tổng Thuận An được đổi thành huyện Cửu An. Tên Cửu An tồn tại mãi cho đến lúc đổi thành huyện Thủ Thừa,

Địa danh Thủ Thừa xuất hiện cách đây không quá một trăm năm, nay Thủ Thừa là một huyện của tỉnh Long An.

Năm Minh Mạng thứ 10 (1829), Lê Văn Duyệt huy động gần hai vạn dân của trấn Phiên An và Định Tường đào một con kinh từ  vàm Thủ Đoàn đến Gò Liễu thuộc thôn Bình Ảnh dài 1.220 trượng, rộng 9 trượng, sâu một trượng. Xong, đặt tên là Lợi Tế nhưng thường dân gian vẫn gọi là kinh Thủ Đoàn hay Kinh Tà Cú (Trà Cú) sau hết gọi là kinh Thủ Thừa.

Kinh này là một thủy lộ quan trọng nối liền vùng Gia Định và miệt Lục tỉnh.

Đầu thế kỷ 19, vùng Thủ Thừa cũng như các nơi lân cận hãy còn hoang hóa, nhiều gò nổng, dân cư thưa thớt. Ông Mai Tự Thừa, người miền ngoài đến lập nghiệp. Nhờ cần cù lao động, siêng năng phá rừng làm ruộng, chẳng bao lâu trở nên khá giả. Nhiều người khác theo gương ông, thấy đây là chỗ giáp nước – giống như Ba Cụm trên sông chợ Đệm – dễ làm ăn mua bán, đến tụ họp ngày một đông đúc. Ông bỏ tiền ra lập một ngôi chợ – nay là chợ Thủ Thừa.

Thấy ông là người có uy tín trong vùng nên trong thời Lê Văn Duyệt còn là tổng trấn Gia Định thành, ông được cử giữ chức thủ ngự – trông coi việc Thử Thừa thuế – do vậy, dân chúng gọi ông là Thủ Thừa.

Tục truyền, lúc Lê Văn Khôi nổi dậy chiếm thành Phiên An (Gia Đinh) có giấy triệu các hào phú khắp nơi về giúp sức chống lại Minh Mạng, trong đó có thủ ngự Mai Tự Thừa. Thế là ông từ giã vợ con làng xóm lên đường đến thành Phiên An giúp Lê Văn Khôi.

Sau khi Minh Mạng diệt được Lê Văn Khôi, chiếm lại thành Phiên An, không thấy thủ ngự Mai Tự Thừa trở về quê quán. Mọi người cho rằng ông đã hy sinh trong thành hoặc đã bị giết và chém chung ở “mả ngụy”, nên lấy ngày ông ra đi làm ngày giỗ.

Chính quyền địa phương mới do Minh Mạng thành lập lấy cớ Thử Thừa đã theo Lê Văn Khôi, nên tịch biên toàn bộ tài sản và đem ngôi chợ ra bán đấu giá.

Để ghi nhớ công lao của ông, dân chúng gọi chợ này là chợ Thủ Thủ Thừa – địa danh Thủ Thừa có từ đó, và bài vị của ông được đem vào thờ ở đình làng Vĩnh Phong (Bình Phong Thạnh) đến ngày nay.

(Theo tài liệu còn giữ tại đình Vĩnh Phong).

error: Content is protected !!