Tương truyền, thuở trước Cù lao Trâu không lớn như bây giờ. Một phía là sông Tiền, một phía khác là sông Cao Lãnh bao bọc. Sông Cao Lãnh hồi ấy rất rộng. Hàng năm phù sa tiếp tục bồi đắp, nên các bãi “lang thang” hồi ngày càng lấn dần ra, làm bít một số cửa rạch, tạo thành những “khém” rạch “bít bùng” trên cù lao như khém Bà Minh, khém Cầu Sen.
Lúc bấy giờ, ở vùng Phong Mỹ xuất hiện một cặp trâu co (trâu trắng), chúng sanh sản rất mau, chẳng bao lâu đã thành một bầy. Nhưng có điều lạ: khi trâu mẹ sanh ra nghé đực tức thì trâu cha chém chết, nên cả bầy toàn là trâu cái, chỉ có một con trâu đực, đó là trâu cha.
Năm nọ, trâu mẹ lại mang thai, nhưng không biết sao nó lại bỏ bầy, lội qua sông ao Lãnh đến cù lao, ở lại khém Cầu Sen. Nó thường tới lui ăn cỏ trên giồng Bà Minh. Vào cuối năm đó, nó sanh ra một con nghé đực. Nhờ nhiều cỏ, con nghé lớn mau được vài tuổi là nó lẻ mẹ đi kiếm ăn một mình.
Một hôm, vào mùa nước, nó kiếm ăn ven mé giồng Bà Minh, nó chồm ra ăn mấy đọt non bên giẻ rau muống đang trôi, bị sụp xuống nước và bị cuốn đi. Nó cố bươn vào giẻ rau muống, vô tình nó lội đến ngọn Cái Da mới lên bờ được. Giữa ngọn Cái Da và giồng Bà Minh, là một cái khém rộng và sâu, nên khi nước rút đi, con nghé không về với mẹ được.
Từ đó hai mẹ con trâu ở hai nơi, lúc nhớ chỉ hướng về nhau kêu “nghé ngọ” mà thôi. Gần một năm sau, trâu mẹ phần vì già yếu, phần vì nhớ con, bị bịnh và rũ tại giồng Bà Minh, lúc rũ hướng đầu về rạch Cái Da. Con nghé ngày một lớn, nhưng vì nhớ mẹ rồi cũng chết, lúc chết hướng đầu về giồng Bà Minh.
Sau đó ít lâu, có người đồn rằng: có một con trâu đá nổi lên chp64 con trâu mẹ rũ, một dạo rồi biến mất.
Do câu chuyện trên, nên dân chúng trên cù lao gọi đây là Cù lao Trâu.
(Theo lời kể của bác Hai Kiên, ở rạch Bà Bướm, xã Hòa An.)
KHẢO DỊ
Ngày xưa, khi cù lao này mới được khai khẩn, dân chúng chỉ ở ven bờ sông. Vào sâu được cù lao, bên cạnh các khém, lung là các gò. Giồng nhiều cây cỏ um tùm. Vào mùa nước, dân chúng đem trâu “cắm” trên các giồng để khỏi giữ trâu mà vẫn đủ cỏ cho chúng ăn. Chung quanh là nước, trên giồng toàn là trâu. Người đi ngang qua thấy vậy nên gọi là Cù lao Trâu.
Ngoài ra còn có người kể: Sở dĩ gọi là Cù lao Trâu là vì cù lao này có hình dáng con trâu đứng quay đầu về hướng đông. Đầu trâu ở Doi Mẹ, lưng trâu ở Tân Thuận và bụng trâu ở Hòa An (ven sông Cao Lãnh).
Cũng có người cho r8àng gọi Cù lao Trâu vì ngày xưa vào những ngày lành tháng tốt, thường có một bầy trâu trắng ở dưới nước lên ăn ở đầu cù lao, hễ thấy bóng người là sụt xuống nước mất dạng. Dân gian cho đó là trâu thần xuất hiện, có nghĩa là cù lao An Tinh được thần phù hộ làm ăn thịnh vượng, dân cư an lành và sẽ tồn tại mãi mãi, nên đến ngày nay dân gian còn lưu truyền câu:
Đâu đâu có mất, cù lao Trâu vẫn còn!
Sự thiệt là đất Cù lao Trâu rất phì nhiêu, cây cối xanh tươi, trái nặng trĩu cành, làng xóm đông vui, … là nhờ hằng năm phù sa sông Tiền bồi đắp, tạo nên cảnh trí thanh tú độc đáo.
(Theo Nguyễn Hiến Lê.)