Lục tỉnh Nam Kỳ trước đây, chuyện cọp làm chức đại hương cả không phải là ít.
Vùng Ba Tri, Bến Tre khoảng 200 năm trở lại đây là núi rừng rậm rạp âm u. Cọp beo thú dữ hay rình rập bắt trâu, bò, heo và luôn cả người để ăn thịt. Mọi người sống trong phập phồng lo sợ.
Rừ rừng Châu Bình hay rừng Bảo Thạnh, suốt ngày đêm cọp kêu rống vang dội. Dân làng sợ hãi, ai nấy đều lo phòng thủ. Đã nhiều lần như thế, riết rồi dân làng cũng quen. Trong bầy cọp ấy có một con to lớn nhứt, có lẽ cọp chúa đàn. Nó thường hay lên xuống cùng Châu Bình, Tân Xuân, Bảo Thạn và hay phá hại sinh linh.
Từ khi lập làng, ai được cử làm chức đại hương cả làng Châu Bình cũng đều bị bịnh chết. Chức đại hương cả vì thế đã khuyết trong mấy năm. Năm sau đó, có một người được cử vào chức này và đã can đảm nhận lãnh nhiệm vụ. Dân làng lo sợ dùm tánh mạng của ông ta. Hai ba ngày trôi qua, ông ta vẫn khỏe mạnh bình thường. Nhưng rồi một đêm kia, lúc đang ngủ say, bỗng ông nghe như có tiếng ai đi mạnh ngoài hè, tiếp đến là tiếng cào vách. Ông vừa mở mắt thì một con cọp to hết nói đã chui tọt vào nhà, đang há to họng, ông chết giấc … Khi tỉnh dậy, ông thấy mình nằm dưới gốc cây đa đình làng, mình mẩy máu me be bét.
Sau vụ này, ông từ chức, thế là thêm một lần nữa chức đại hương cả không ai dám nhận lãnh.
Các đại hương cả tề hội bàn bạc, biết được ý muốn của cọp đầu đàn, nên mọi người đồng thanh cử con cọp ấy làm đại hương cả. Một buổi lễ tiến cử lạ lùng diễn ra: các hương chức khăn áo chỉnh tề, tề tựu trước cây đa làng mời chúa cọp đầu đàn nhận lãnh chức đại hương cả danh dự. Tờ cử viết trên giấy đỏ được cuộn tròn đặt trong một cái ống tre, bên cạnh đó là một cái đầu heo quay.
Đêm hôm ấy, chúa cọp Châu Bình đến ăn hết đầu heo và tha tờ cử đi mất.
Đúng ngày tái cử năm sau, chúa cọp trở về làng trả tờ cử cũ ngay tại gốc đa, người ta mở tờ cử ra coi, thấy có một dấu chạn cọp trên đó. Từ đó, hương chức trong làng tiếp tục cử chúa cọp làm đại hương cả. Và cây đa trở thành nơi linh thiêng, dân làng hùn tiền lập miếu thờ đại hương cả cọp.
Thời gian trôi qua hơn sáu bảy năm.
Đến kỳ tái cử đại hương cả, dân làng vẫn làm lễ cúng tế như thường năm. Nhưng không hiểu sao chúa cọp không về hưởng đồ cúng và trả lại tờ cử. Thêm một năm sau nữa, đại hương cả cọp Châu Bình vẫn không về. Người ta phỏng đoán có lẽ chúa cọp đã già và chết nơi nào đó trong rừng. Từ đó, dân làng mới dám cử một người khác nhận lãnh chức vụ này.
(Theo Nguyễn Duy Oanh, tỉnh Bến Tre trong lịch sử Việt Nam, Sài Gòn, 1971)