Giồng Găng, thuở xưa, là một giồng đất mọc toàn cây găng nằm trong rừng Cốc, nay còn dấu tích ở xóm giồng Ông Nguyên, xã Tân Niên Tây, huyện Gò Công, tỉnh Tiền Giang.
Vào khoảng đầu thế kỷ trước, có một số người đến phá rừng khẩn ruộng, lập nên xóm ấp ở giồng đất này.
Hàng ngày, lúc cơm nước xong, chờ mặt trời mọc sáng sủa, những người dân ở đây mới xách rìu, xách rựa ra khỏi nhà để vào rừng chặt cây phát cỏ. Chẳng ai dám r khỏi nhà sớm vì sợ thú dữ.
Có hai cậu cháu ông Tám Nghề và ông Hai Sến cùng khai phá chung một sở rừng, tiếp giáp với những sở rừng khác của những người trong xóm để khi gặp thú dữ tiện việc tiếp cứu cho nhau.
Một hôm, hai cậu cháu đang đốn củi, thình lình có một con cọp nấp trong bụi rậm nhảy ra vồ ông Hai Sến. Ông Hai Sến kêu cứu. Ông Tám Nghề xách rựa chạy đến. Sẵn lúc bất ngờ, ông Tám Nghề chém một nhát rựa vào lưng cọp. Cọp buông Hai Sến ra, quay lại vồ tám Nghề. Hai Sến vội ngồi dậy, xách rựa bổ vào đùi sau của cọp. Hai chân bị thương nặng, cọp qu2i xuống, lố lết ra rừng.
Ông Tám đứng dậy, bồi thêm mấy nhát rựa nữa cọp mới chịu chết. Những người đốn củi trong rừng nghe tiếng động vội chạy đến, kẻ lo đưa ông Hai bị thương mặng trên trán về nhà lo thuốc thang, người phụ lo khiêng cọp về xóm.
Ít lâu sau, vết thương lành, còn để lại nơi trán ông Hai Sến một cái thẹo lớn. Lúc về già, ông Hai Sến thường bảo cùng con cháu và trai trẻ trong xóm rằng:
– Đừng sợ sệt khi gặp cọp, phải bình tĩnh để tiếp ứng nhau. Nếu lâm nạn mà hốt hoảng là tự mình nộp thịt cho cọp.
Ông chỉ cái thẹo nói:
– Đây nè, tao không sợ nó, nên tao mới quăng eo nó đó.
Ai nghe ông nói pha lửng này mà hữu lý đến cười rộ và kính phục.