Giai thoại về Thiên Hộ Dương

Nguyễn Duy Dương (có sách ghi là Võ Duy Dương) vốn là hào phú ở Lục Tỉnh Nam Kỳ. Ông có công chiêu mộ được 1.000 quân đồn điền nên được triều Nguyễn phong cho chức Thiên hộ.

Thiên Hộ Dương là người có tài kiêm văn võ. Ông có sức mạnh phi thường: Một tay có thể nhổ nổi một cây tre mỡ và có thể một lúc năm trái linh (mỗi trái nặng 60 kí lô). Do vậy ông được người đời gọi là Ngũ Linh Thiên hộ.

Khi thực dân Pháp xâm chiếm ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ, Thiên Hộ Dương chiêu mộ nghĩa quân lập căn cứ kháng chiến ở Đồng Tháp Mười.

Căn cứ chính đóng ở Đồng Tháp Mười. Từ ngoài vào căn cứ chính chỉ có ba con đường. Một đường từ gò Bắc Chiên (Mộc Hóa) đi xuống, một đường từ rạch Cần Lố (Cao Lãnh) đi lên và một đường từ Cái Nứa (Cái Bè) đi tới. Trên ba con đường ấy, Thiên Hộ Dương lập ba đồn tiền tiêu kiên cố: đồn Tả đóng trên đường Bắc Chiên, đồn Hữu đóng ở vàm Cần Lố và đồn Tiền đóng chặn đường Cái Nứa.

Lúc ấy ba tỉnh miền Tây còn thuộc Nam triều (tức triều đình Huế) cho nên việc tiếp tế cho nghĩa quân Đồng Tháp Mười từ hậu cứ này là chủ yếu. Các đoàn thuyền tiếp viện chở vũ khí, lương thực đi theo ngã rạch Cầu Lố qua đồn Hữu vào căn cứ Đồng Tháp.

Đồn Hữu đóng tại doi đất ở vàm rạch Cần Lố (do vậy ở đây còn gọi là Doi Đồn) do tướng của Thiên Hộ là Huỳnh Lục và Huỳnh Thất trấn thủ. Doi Đồn cây cối sầm uất, chính giữa có nhiều cây tre già to lớn. Tại đây có bố trí một khẩu súng đồng lớn, tục gọi là “ông Cà lăm”,

Đồng Tháp Mười lúc bấy giờ còn hoang vu lắm. Để tiện cho việc tiếp viện, Thiên Hộ Dương cho lập một nhà trạm ở Động Cát vừa để canh gác đường đi vừa có chỗ cho đoàn quân tiếp vận nghỉ ngơi.

Lúc bấy giờ, thân nhân những người kháng chiến thường quá giang thuyền của đoàn tiếp vận vào thăm. Có gia đình ở vùng giặc chiếm bị khủng bố bỏ nhà vào đây ở lánh nạn. Phần lớn họ đều cất nhà ở căn cứ chính. Bỗng một hôm, có hai gia đình từ vùng giặc chiếm vào cất nhà ở Đồng Cát, bên nhà trạm để ở.

Thình lình, một đêm nọ, hai gia đình ấy, số quân canh ở nhà trạm và đoàn người tiếp vận, sau bữa cơm chiều, ngủ qua đêm đến sáng đều chết cả.

Khi tin này báo về căn cứ, Thiên Hộ Dương bèn phái ông Thủ Chiếu, một lương y của nghĩa quân đến tận nơi xem xét. Sau khi khám nghiệm tường tận, Thủ Chiếu không sao tìm được nguyên nhân làm chết người. Ông đành ước đoán là số người chết vì bị đầu độc.

Hôm sau, đích thân Thiên Hộ Dương đến Động cát xem xét và phát giác một hang rắn, miệng hang to bằng cái ly. Thiên Hộ bèn ra lệnh cho hộ vệ Tân, một thầy rắn đại tài, bắt bầy rắn ấy.

Hộ vệ Tân xem qua hang rắn trình rằng dưới hang ấy có một con rắn chúa sáu khoang. Trước kia rắn lớn lắm, nhưng nay còn bằng một cái đũa, dài chừng hai thước. Mỗi canh, rắn chỉ ló ra năm khoang để lấy sương, chớ không ra hết mình bao giờ. Đó là con rắn đã tu lâu năm. Nó không cắn ai, nhưng ai quyết hại nó thì nó sẽ tự vệ. Nó cắn thì không thuốc gì cứu được.

Thiên Hộ Dương nghe hộ vệ Tân nói vậy bằng lòng để yên hang rắn.

Trư hôm đó, đồn Doi bị tấn công. Quân ta chống trả mãnh liệt, nhưng vì thế cô, quân giặc lại đông nên lui về Động Cát, rồi về bảo vệ căn cứ. Quân Pháp đuổi đến Động Cát thì trời tối nên vào nhà trạm tạm đống quân. Không ngờ đến tối bọn giặc bị chết hơn chục tên.

Gặp phải sự chết chóc lạ thường này, lại không rõ nguyên nhân, giặc Pháp hoang mang không dám tiến sâu thêm, đành rút trở ra đóng ở Doi Đồn. Song ở đây được hai hôm, giặc nghe dân chúng đồn rằng Thiên Hộ Dương có đạo binh “rắn thần” trợ chiến lại càng sợ hơn. Cuốic cùng chúng rút luôn về Cao Lãnh. Quân ta trở lại đóng tại Doi Đồn như cũ.

Tháng sau, quân Pháp tấn công Doi Đồn. Quân ta lui vào căn cứ. Giặc lại theo con đường cũ vào đóng ở Động Cát nghỉ đêm. Đêm ấy chúng luân phiên nhau canh gác cẩn thận. Đến khuya, bỗng nhiên có nhiều người la thét lên rồi chết. CHúng đốt đuốc sáng rực, tìm kiếm, đến mờ sáng thì phát giác được cái hang rắn. Viên chỉ huy hạ lệnh để dầu đốt hang.

Trong lúc khói lửa mịt mù, thình lình có tiếng ào ào như giông gió nổi lên. Từ trong rừng một con rắn hổ mây, bé tròn như miệng thúng, phóng đến như gió bão, lăn xả vào lửa, hả họng, đập đuôi, nhe răng, thở khè khè …

Binh lính Pháp hốt hoảng, bỏ chạy tán loạn. Viên chỉ huy cũng nhanh chân tẩu thoát. Ngay lúc đó, nghĩa quân do Huấn Hiệu đốc chiến, bất ngờ kéo đến tấn công. Giặc Pháp tháo chạy. Bên ta thắng lớn, giết chết cả tên đội chỉ huy.

Thủa đó, người ta cho rằng rắn thần phò trợ cho Thiên Hộ Dương. Nhưng biết đâu đó là mưu sách dùng rắn độc để giết giặc của nghĩa quân Đồng Tháp Mười.

Trong nhóm tham mưu của Thiên Hộ Dương có các ông Thủ Chiếu, Phong Biểu, Nhiêu Chấn, Nhiêu Bá và Thông Phụng là những nhà nho đã từng theo đuổi việc kho cử của triều đình Huế trước kia. Khi thực dân Pháp xâm chiếm đất Nam Kỳ, các ông lần hồi tìm về cộng tác với Thiên Hộ Dương. Tuy là bậc khoa cử xuất thân, nhưng có cao thấp khác nhau. Trong đó có ông Thông Phụng là kém cỏi hơn hết.

Song bù lại cái kém cỏi kia, Thông Phụng rất giỏi võ nghệ, lại đa mưu túc kế và công tác đắc lực nên được Thiên Hộ Dương quý trọng, những việc cơ mật về quân cơ, Thiên Hộ Dương thường bàn riêng với Thông Phụng. Do vậy ông Phòng Biểu và ông Nhiêu Bá ganh tị. Họ thường tỏ thái độ bất mãn của mình cho ông Nhiêu Chấn và ông Thủ Chiến nghe.

Việc này đến tai người lãnh đạo nghĩa quân. Ngài quyết định tìm cách đánh tan mối bất hòa. Nhân hôm Huấn Hiệu đánh lui quân Pháp, ngài truyền lệnh mở tiệc khao quân long trọng. Xong việc ngài mời năm vị cận vệ cơ mật đến phòng riêng đàm đạo.

Rượu nửa tuần, ngài hỏi ông Thông Phụng:

– Nghe nói quan cơ mật biết đờn và đờn hay lắm phải không?

Tình thiệt ông Thông Phụng đáp:

– Thưa ngài, tôi có biết, nhưng chỉ chuyên một bản thôi.

– Bản gì đó?

– Thưa, bản Trường tương tư ạ!

Ông Nhiêu Bá nói xen vào:

– Bản đờn đó thuộc về “Trịnh vệ chi phong” thứ dâm nhạc ấy mà!

Câu nói ác ý của Nhiêu Bá làm Thông Phụng đỏ mặt. Thấy tình trạng đến lúc gay cấn, Thiên Hộ Dương rót hai ly rượu. Ngài giao cho Thông Phụng và Nhiêu Bá mỗi người một ly, rồi cah65m rãi nói:

 – Hôm nay, ngày mừng chiến thắng, tôi xin kể một tích xưa để các quan nghe chơi hầu giúp vui cho bữa tiệc.

Rồi ngài chậm rãi kể:

 – Thời Đông Châu liệt quốc, trong bảy nướd tranh hùng có nước Tần là mạnh nhứt. Nghe tin nước Triệu có viên “ngọc bích bạch” quí lắm. Tần vương đưa thư xin đổi 15 thành. Triệu vương được thư liền nhóm các quan đại thần lại bàn nghị. Tướng Triệu là Liêm Pha tâu rằng muốn đem ngọc cho Tần, nhưng lại sợ bị Tần lừa; đã mất ngọc lại không lấy được thành. Còn nếu từ khước thì e Tần giận, gây việc binh đao. Các quan bàn luận phân vân bất nhứt. Cuối cùng, quan đại phu là Lan Tương Như đứng ra xin mang “ngọc bích bạch” sang Tần và hứa: nếu Triệu đường thành thì để lại ngọc bích ở Tần, bằng không sẽ giữ ngọc đem về triệu.

………

Nghe Thiên Hộ Dương kể xong câu chuyện, Nhiêu Bá thẹn thùng hối hận. Người lãnh đạo nghĩa quân thấy vậy, bèn nói:

 – Đêm nay trời quang trăng tỏ, các ông hãy ra đề làm mấy bài thơ thưởng nguyệt. Này ông Phòng Biểu ra đề vậy.

Biết ông Phụng và ông Bá xích mích nhau ông Phòng lấy sự tích của Quách Tử Nghi đời Hán ra đề.

(Nguyên vua Đại Tôn gả con gái cho Quách Ái, con của Quách Tử Nghi. Ỷ mình là con vua, cô dâu tỏ ra ngang ngạnh không làm trọn phận sự dâu con nên Quách Ái đuổi về còn mắng. Câu chuyện gia đình xảy ra không tốt đẹp vậy. Do đó khi hay chuyện, Quách Tử Nghi đến xin lỗi cùng vua Đại Tôn.)

Đề ra xong, Thiên Hộ Dương bảo ông Nhiêu Bá làm trước, rồi ông Thông Phụng họa lại. Nhiêu Bá ngẫm nghĩ, ngâm.

Ngai vàng cất mão dám tâu qua

Lỗi ở con làm tội đến cha.

Trẻ dại chẳng kiêng bề lớn bé,

Già cam chịu lỗi phận sui gia.

Cháy da chưa đủ đền ơn nước,

Dại miệng không riêng lỗi việc nhà.

Cái nghĩa quân thần là đạo trọng,

Muôn ơn rộng lượng giết cùng tha.

Cử tọa ai nấy đều vỗ tay tán thưởng. Đến phiên ông Thông Phụng họa lại. Ông trầm ngâm tìm ý rồi ngâm.

Thần vương nghĩ lại chuyện hôm qua,

Lỗi ở con làm há trách cha.

Dại miệng khoa khoảng tài chú rể,

Nghiêng tai giả điếc phận ông gia.

Người khôn ngõ đặng đền giếng nước,

Đứa dại xui cho rối đạo nhà.

Khó nhọc dễ quên công mấy thuở,

Quân thần đạo trong, trẫm ban tha,

Cử tọa lại được một phen thích thú. Bởi lẽ bài thơ họa lại rất hợp tình hợp cảnh và tỏ ý rộng lượng của Thông Phụng đối với sự hiềm khích cũ của ông Nhiêu Bá.

Khi tiệc mãn, Thiên Hộ Dương mời mọi người ra sau bãi tập để thao diễn võ nghệ. Đây là nơi luyện tập võ nghệ của nghĩa quân. Đêm nào ngài cũng đích thân ra đây để chỉ dạy cho binh sĩ.

Tục truyền ở đây có hai phiến đá lớn. Mỗi khi tập luyện xong, Thiên Hộ Dương thường cặp vào nách, mỗi bên một phiến, đem xuống rạch lót để đứng tắm. Tắm xong ngài lại xách lên để chỗ cũ.

Chẳng những có sức khỏe hơn người, Thiên Hộ Dương còn tinh thông võ nghệ, nhất là đường roi “song đôi” của ngài, đương thời ai ai cũng đều thán phục.

Hôm ấy, ra đến bãi tập, ngài cởi áo, đạon chọn một cây roi bằng mây lớn bằng cườm tay múa lên. Lúc đầu người xem còn thấy bóng người, nhưng về sau chỉ nghe tiếng vù vù và đường roi chuyển động nhanh như chớp bao bọc lấy thân ngài. Lúc tiến, lúc thoái, lúc trụ lại giữa sân. Đôi chân ngài bước đi thoăn thoắt lẹ làng. Thật là một thế “yếm bách” mười phần lợi hại.

Cuối cùng ngài ngừng rơi, vút một tiếng, ngọn roi đập xuống đất và lẹ như chớp, ngài đã nhảy vọt lên đứng trên gò đất cao chừng ba thước ở góc sân. Một tay chống nạnh, một tay chống roi, ngài bảo với  các quan cận vệ.

 – Khi bị bao vây giữa vòng thì đường roi này “thượng bảo kỳ thân, hạ bảo kỳ mã” (trên giữ mình, dưới che cho ngựa).

Đang lúc cao hứng ông Phòng Biểu đề nghị:

 – Đường roi “song đôi” của ngài có thể cho chúng tôi thí nghiệm ngay hôm nay chăng?

Thiên Hộ Dương đáp:

 – Nếu muốn biết sự lợi hại của đường “song đôi” này mấy ông hãy dắt một con trâu ra đây.

Tuy chưa biết ý ngài thế nào, nhưng họ cũng chạy vào trong dắt ra một con trâu đực béo khỏe, sừng nhọn hoắt.

Lúc ấy Thiên Hộ Dương nói:

 – Bây giờ ra ngoài bờ rạch gần đây, tôi cỡi con trâu này dưới rạch leo lên bờ, mấy ông đứng trên tôi sẽ đội roi lên cho mấy ông coi.

Thiên Hộ Dương ngồi trên mình trâu, thúc cho trâu nhảy đùng xuống nước, rồi nắm vàm trâu thúc trâu quay ngược lên bờ. Trên bờ, ba ông Chấn, Chiếu, Phụng hờm sẵn khí giới. Chờ trâu lên đến mé rạch, ba ông nhứt tề tấn công. Kẻ đánh trước, người chém sau, kẻ đâm ngang, người đỡ ngược. Tiếng binh khí chạm nhau rổn rảng.

Thiên Hộ Dương lui trâu lại, kẹp hai vàm trâu quấn vào ngón chân trái, rồi thúc trâu tiến lên. Tiếng binh khí chạm nhau càng lúc càng dữ dội hơn làm cho nghĩa quân ở căn cứ giựt mình thức dậy. Họ quơ vũ khí cầm tay rồi đổ xô xuống mé rạch. Ông Nhiêu Bá và ông Phòng Biểu vội phất tay bảo họ đứng yên.

Đang lúc mọi người còn phân vân thì thấy ông Nhiêu Bá đánh xuống một roi liên tiếp ba đòn làm cho Thiên Hộ Dương phải thúc trâu lùi lại tránh và buột miệng khen:

 – Đòn khá đấy!

Thiên Hộ Dương vừa khen vừa cười, rồi liền thúc trâu tiến lên. Đoán chừng ba ông đã yếu thế, Thiên Hộ Dương múa roi vun vút, thúc trâu mạnh dạn tiến lên.

Thấy ngài quyết liệt đội roi tiến lên, ông Chấn, ông Phụng bảo ông Chiếu nhắm đánh vào giò trâu cho ngã. Nhưng đường roi của Thiên Hộ Dương càng lúc càng biến ảo, linh động lạ thường; vừa ngăn được ngọn roi của Phụng và Chấn, vừa đêm đót roi vào thế “hồi thủ” dọa đánh ông Chiếu, làm ông Chiếu vội vã thâu roi trở lại. Nhanh như chớp, thừa lúc ông Chiếu vừa thâu roi trở lại bị lỡ bộ, Thiên Hộ Dương đánh ngay một đòn làm cho roi của ông Chiếu văng đi xa hơn mười thước. Lập tức ngài chuyển roi để đón hai ngọn roi của ông Phụng, ông Chấn và đồng thời thúc mạnh cho trâu vọt lên bờ.

Thấy Thiên Hộ Dương đã thúc được trâu vào bờ, ông Chấn, ông Phụng thâu roi trở lại. Mọt người chứng kiến cuộc thi tài vỗ tay tán thưởng. Thiên Hộ Dương ở trần, ngực nổi tròn, hai tay gân guốc, gấp roi từ lưng trâu nhảy xuống. Nghe mọi người xưng tụng, Thiên Hộ Dương bảo:

 – Văn ôn võ luyện, chớ không ai tự nhiên mà có thể tài giỏ được. Các người cố công luyện tập thì ắt sẽ thủ đắc được đường roi “song đôi” như ta thôi.

Từ năm 1865, Thiên Hộ Dương chuyển cách đánh giặc. Từ Đồng Tháp Mười nghĩa quân rầm rộ tấn công quân Pháp ở Mỹ Trà (Cao Lãnh), rồi mở mặt trận thứ nhì đánh vào Cái Bè, Nhị Quý. Hai trận đáng gây cho giặc những tổn thất to lớn.

Năm 1866, Pháp huy động lực lượng quân đội lớn, chia làm ba mặt tấn công vào Đồng Tháp Mười. Lần này, quân ta thất trận. Phong trào chống Pháp dưới sự lãnh đạo của Thiên Hộ Dương bị tan rã.

Tục truyền, khi đóng căn cứ ở Đồng Tháp Mười, Thiên Hộ Dương ra lệnh cấm đốt cỏ suốt ba năm trời. Khi giặc Pháp tấn công vào Đồng Tháp, nhằm mùa mảng cỏ khô. Ông ra lệnh cho nghĩa quân đốt cỏ. CỎ cháy tạo thành một biển lửa khói bốc ngụt trời theo chiều gió lan rộng về phía địch làm giặc Pháp hoảng hốt rút lui. Nhưng non một giờ sau, trời nổi giông gió đổi hướng, khói mù thối ngược về phía quân ta. Quân ta thất lợi. Nhờ đó giặc Pháp mở đợt tấn công chiếm lại được căn cứ Tháp Mười.

Khi quân ta thất bại, có người kể rằng, Thiên Hộ Dương giả dạng thành dân thường, quá giang ghe bầu về Huế kể tận tình hình kháng Pháp ở Đồng Tháp Mười. Trong lúc vắng mặt Thiên Hộ Dương, Đốc binh Lê Công Kiều tiếp tục chiêu tập nghĩa dõng, xây dựng căn cứ chống Pháp ở Đồng Tháp Mười.

Sau khi được củng cố binh lực, quân ta chia làm hai toán kéo tấn công Cao Lãnh. Toán thứ nhất do Quãn Cơ Đồng chỉ huy tiến vào Cao Lãnh theo đường Cầu Mống,toán thứ hai tiến theo đường Đồn (vàm Cần Lố). Chẳng may đêm ấy trời sa mù, toán quân đi ngã đường Đồn đi chậm, không hợp đồng đúng giờ quy định nên cuộc tấn công thất bại.

Về sau, Thiên Hộ Dương bị bệnh mà mất, nhân dân lập đền thờ ông tại Đồng Tháp Mười và hàng năm đến ngày giỗ, dân chúng trong vùng đem lễ vật đến cúng vái rất đông. Do vậy, ở đây còn truyền tụng câu hát:

Ai về Đồng Tháp mà coi,

Mã ông Thiên Hộ trăng soi lạnh lùng.

Bà con đùm đậu quanh vùng,

Tháng giêng ngày giỗ xin đừng ai quên.

Nhân cuộc viếng thăm Đồng Tháp Mười, nhà thơ Nguyễn Công MInh có làm một câu đối ca ngợi Thiên Hộ Dương.

Ảm hậu anh hùng, tự Bắc tự Nam, Thập tháp hương yê trường diếu diếu,

Kiên cang tuấn kiệt, nhi kim như cổ, Ngũ linh phong độ thượng y y.

(Dịch nghĩa:

Ngậm tức anh hùng, tiếng dội Bắc Nam, Tháp Mười lửa hương còn phơi phới,

Bền gan tuấn kiệt, danh truyền kim cổ, Ngũ linh dáng cánh vẫn như xưa.)

Ngày nay dấu vết hoạt động của nghĩa quân ở Đồng Tháp Mười như lò gạch, giếng nước, đường gạo, đường xe, lò nấu cơm, … vẫn chưa bị thời gian xóa hết.

error: Content is protected !!