Eo Ông Từ

Ngày xưa Vũng Tàu là khu rừng rậm bao la, nhiều thú dữ như cọp, heo rừng, rắn rít, … Nhứt là từ vùng Núi Lớn (Thắng Nhì) tới đập Cây Đước, xuôi qua Đất Thổ, Bà Trì, láng Ông Đời, Bào Vú, Trùng Giăng, Động Bò, toàn vùng Tam Thắng là nơi voi tụ tập nhiều hơn hết.

Hằng năm vào đầu tháng 11 đến tháng Chạp là mùa “chúa sơn lâm” tụ họp về đây. Những tháng này, trong rừng cọp ơi là cọp, cọp đi thành từng đoàn 7-8 con, xóm làng xa gần đều có côp đến viếng, không sợ gì người. Chúng bắt heo, bò, chó, … dấu chân cọp giẫm nát quanh xóm. Dân làng phải đánh mõ, đập thùng đuổi cọp đi. Ban đêm không ai dám ra khỏi nhà và ít khi ngủ được trọn đêm, vì hễ nghe tiếng heo la, bò rống thì phải đập thùng, đánh mõ.

Cọp bắt heo, bò, nhưng ít khi bắt người ăn thịt.

Tại vùng Bào Vú, có ông Lê Văn Từ – một dân nghèo chuyên nghề đốn rừng, múc dầu rái độ nhựt, nhưng võ nghệ cao cường. Vợ chồng sinh sống ở đây đã lâu, không có con.

Từ ngày cọp vào làng, ông thường đón diệt nó ở các đường cạnh rừng, nơi cọp hay đi qua để giữ yên cho dân làng. Nhiều cọp bị ông đánh chết, cọp rắp tâm báo thù ông.

Một hôm, vào lúc gần sáng, như thường ngày, ông Từ lên đường đi múc dầu về. Thình lình, trong bụi rậm, một con cọp vàng to lớn nhảy ra vồ ông, vì bất ngờ, ông không kịp chống trả, chỉ la một tiếng là cọp đã móc họng ông rồi. Nghe tiếng la, dâm chúng kẻ gậy người hèo xông ra tiếp cứu, nhưng cọp đã bỏ chạy, ông Từ chỉ còn là cái xác thảm thương.

Vợ ông và dân làng đem xác ông về lo chôn cất. Nhưng dường như chưa thỏa lòng báo oán, tối hôm sau, cọp trở lại moi mộ ông lên, định lấy xác ông đi. Vợ ông nghe động, kêu la, dân làng lại một phen nữa vác gậy gộc, dao mác chạy đến tiếp ứng. Cọp đành bỏ xác ông Từ lại.

Để thi hài ông không bị cọp tha đi, dân làng đắp mộ ông thật chắc, cắm cọc nhọn, tre gai nhiều vòng, chung quanh mộ ông còn đào hào sâu có đặt chông và bẫy.

Kể từ khi ông Từ bị cọp vồ chết, người ta gọi nơi ông bị cọp vồ là Eo Ông Từ để ghi nhớ ơn ông giết cọp giữ an cho dân trong vùng.

error: Content is protected !!