Cù lao Tây là một cù lao lớn hình thoi, nằm sừng sững giữa sông Tiền, án ngữ Vàm Nao. Trước đây là tổng An Lạc, tỉnh An Giang, nay thuộc huyện Thạnh Bình. Cù lao Tây gồm 3 xã Tân Huề, Tân Quới và Tân Long.
Ngày xưa, cù lao này còn hoang vu, toàn là rừng rậm, dân cư thưa thớt, lần lần dân chúng đến đây khẩn hoang lập làng.
Tương truyền, thuở xa xưa, các bậc tiền bối đã gặp một giống thú, hình thù to lớn, tựu về ở chỗ đất cao trên đầu cù lao, và cho là con tây (1). Do đó cù lao này gọi là “đầu tây”, ở giữa cù lao, tục gọi là rạch Mã Trường (ruột ngựa), gần đuôi cù lao, tục gọi là cái cồn nổi dính vào cù lao này. Thường ngày có bầy heo rừng ra đó kiếm ăn, nên gọi là cù lao Heo.
Các bậc cao niên còn cho biết: Ngày xưa nhà Nguyễn có cho cất tại đuôi cù lao này, thuộc xã Tân Long một đồng phòng thủ có một đạo binh ngăn chặn giặc ngoại xâm thường xâm nhập vào nước ta. Đồng này có một tháp canh, đêm đêm binh sĩ nổi lửa sáng cả một vùng để tiện canh gác. Do đó các bậc kỳ lão gọi đuôi cồn thuộc xã Tân Long là Doi Lửa.
Do bốn đặc điểm trên đây, dân gian thường gọi là cù lao này là đầu Tây, đuôi Heo, ruột Ngựa và đít Lửa. Dưới thời Pháp thuộc, hương chức của ba làng thuộc cù lao này thường lề mề bê trễ việc làng, nên còn lưu truyền đến ngày nay câu ca dao:
Tân Huề, Tân Quới, Tân Long,
Ba làng hiệp lại chẳng xong làng nào.
(Theo Nguyễn Văn Kiếm, Tân Châu xưa và nay)