Trong buổi đầu nhân dân ta khai phá vùng đất mới phía Nam, Thủ Thiêm là vùng rừng hoang, nhiều thú dữ, nhứt là cọp. Trong đó có một con cọp hết sức táo bạo và tinh khôn, nó đã gây nhiều phen khiếp sợ cho dân chúng trong vùng.
Tại đó có một bà mẹ góa, sống đắp đổi qua ngày, nhờ vào người con trai làm nghề đốn củi, chẳng may, người con trai bị cọp Thủ Thiêm ăn thịt.
Bà mẹ hết sức đau lòng và từ đó không có người nuôi dưỡng, nên bà đã đầu đơn đến cửa quan kiện cọp, vì bà cho rằng chính cọp đã giết hại con bà. Quan trên phán quyết rằng: COn cọp nào đã giết hại chàng trai thì phải thay thế chàng nuôi dưỡng bà cho đến lúc mãn phần.
Như có linh tính, cọp Thủ Thiêm biết được lời phán quyết ấy, và có lẽ nó cũng ăn năn hối lỗi, cọp tự về làm con bà lão. Lúc đầu bà lão sợ lắm, nhưng thấy nó có vẻ hiền như con chó, con mèo trong nhà nên bà thấy cũng yên lòng và thương nó như con.
Hằng ngày, cọp đi bắt thịt: bữa thì heo rừng, bữa thì hươu nai cho bà bán lấy tiền độ nhựt, lần lần bà trở nên khá giả.
Khi bà lão qua đời, cọp Thủ Thiêm lăn lộn vật vã bên mộ, suốt mấy ngày đêm gầm rống dữ dội như đứa con đau đớn vì cái chết của mẹ.
Sau đó, nó rời vùng Thủ Thiêm đi đâu biệt tích.
Khảo dị
Trong “Chuyện giải buồn” của Huỳnh Tịnh Của xuất bản năm 1880 và 1885 cũng có nội dung như trên, chỉ khác tên đất là Triệu Thành chứ không phải Thủ Thiêm và mang tên là “Cọp có nghĩa”.