Chuyện xảy ra vào cuối thế kỷ 17, ở một làng trên bờ sông Đồng Nai. Thuở ấy, có một người con gái đẹp tên là Lê Mai và một chàng trai tên là Nguyễn Khanh đều làm nghề hạ bạc: kẻ câu dầm, người đổi cá.
Khanh là một chàng trai khỏe mạnh và siêng năng. Mai là cô gái xinh đẹp, nhu mì. Hai người yêu nhau chân thật. Họ lấy nhau rồi dựng một túp lều ven sông để ở và ngày ngày vợ chồng kẻ bắt cá, người đem ra chợ bán.
Cuộc sống gia đình êm ấm của vợ chồng Mai – Khanh làm cho trai làng ghen tỵ, nhứt là vẻ thùy mị của Mai khiến cho đám cai cơ, lính lệ của quan trấn đem lòng mơ ước.
Lúc đó, ở Lục Tỉnh Nam Kỳ, tình hình rối ren. Phó tướng Huỳnh Tấn giết chủ tướng là Dương Ngạn Địch rồi rự xưng là Phán Dõng Hổ Oai tướng quân, thống lĩnh ba quân kéo lên chiếm cứ một vùng sát biên giới Chân Lạp, mưu toan chống lại chúa Nguyễn. Nhưng năm sau Huỳnh Tấn bị Mai Vạn Long, nguyên là Phó tướng dinh Trấn Biên, lập mưu đánh bại.
Sau cơn binh lửa đó, quan Lưu thủ dinh Trấn Biên nhận thơ nặc danh tố cáo Nguyễn Khanh có chân trong đảng Huỳnh Tấn chống lại phủ chúa. Thế là Khanh bị bắt giam vào ngục để tra xét.
Nơi ngục thất, có một người lính lệ, sau khi nghe tình cảnh của Khanh, đem lòng cảm mến. Hàng ngày anh ta lấy bớt phần cơm của mình đem vào ngục cho Khanh. Sau những bị khảo tra, Khanh được người lính tốt bụng ấy săn sóc tận tình.
Thời gian ròng rã đã ba năm mặc dù không tìm được chứng cứ gì, nhưng quan trấn vẫn không tha kẻ bị vu oan. Nằm trong ngục tối, Khanh thương nhớ vợ đang còn son trẻ phải chịu cảnh cô đơn, không biết đến bao giờ. Nghĩ rằng mình sẽ chết vì mòn mỏi ở chốn lao tù, Khanh bèn tâm sự cùng người lính lệ và nhờ người ấy chăm sóc vợ của mình khi mình qua đời. Thế rồi, một hôm trong lúc tuyệt vọng, Khanh năn nỉ người lính lệ hãy cưới Mai làm vợ. Khanh đề nghị như vậy vì chàng nghĩ rằng có như thế mới đảm bảo được cuộc đời hạnh phúc của người vợ yêu quí của mình sau này. Người lính lệ không ngăn được xúc động bèn nhận lời. Khanh viết một lá thơ giao cho người lính lệ đem về cho vợ. Trong thơ, Khanh viết rõ ý định của mình, khuyên vợ nên chắp nối duyên lành với ân nhân của mình.
Người lính lệ cầm thơ tìm đến gặp Mai. Đọc hết thơ Mai cảm thấy bối rối, cơ hồ như bị sét đánh ngang đầu. Nàng khóc òa và sụp lạy người lính lệ.
– Tôi xin thay chồng tôi đáp lại ơn sâu của ân nhân, nhưng chuyện vầy duyên cùng người thà tôi chịu bất tín cùng chồng chớ không thể nào làm được. Kiếp sau, tôi nguyện làm trâu ngựa để đền ơn người đã giúp đỡ chồng tôi.
Lạy xong, nàng vụt đứng dậy chạy xuống bến sôn, lao người xuống dòng nước chảy xiết trầm mình.
Sự việc xảy ra bất ngờ làm người lính lệ phản ứng không kịp đàng ngản ngơ ra về. Về đến dinh trấn người lính lệ hối hận, tực trách mình đã không suy xét để đến nỗi xảy ra chuyên thương tâm nên cố tình không đến gặp Khanh nữa. Nhưng từ đó chàng tìm cách minh oan cho Khanh.
Quả thiệt, năm sau, quan trấn minh xét biết Khanh bị hàm oan nên truyền lịnh tha cho chàng.
Về đến nhà nghe tin vợ đã chết, chàng buồn rầu ra bến sông Cù lao Đôi, ngay vàm Tham Mạng nhảy xuống sông để được chết cùng người vợ thủy chung.
Nói về người lính lệ, khi được tin Khanh tự tử thì đau buồn và trở nên loạn trí. Anh bỏ dinh trấn lang thang trên bờ sông Cù lao Đôi hết ngày này sang ngày khác. Càng ngày thân thể anh càng gầy mòn tiều tụy, rồi chết. Người ta chôn xác anh trên bở sông thuộc làng Long Sơn.
Con sông Đồng Nai chảy từ Chợ Biên Hòa xuống Gành, qua Tân Vạn, đến địa phận làng Long Sơn thì phình rộng ra trước mũi Cù lao Đôi. Từ đây dòng nước chảy thẳng vào vàm. Tắt và rẽ một ngả vào Bến Gỗ và một ngả Tham Mạng.
Theo lời ngoa truyền, tại vàm Tham Mạng này, nơi hai vợ chồng Mai và Khanh trầm mình, sau đó thường nổi lên cặp sóng thần và qua cặp sóng ấy có hình đôi ngỗng trắng xòe cánh dài, lội phớt trên mặt nước. Người ta cho đó là oan hồn của đôi vợ chồng bị chết oan hiện về để trừng phạt những kẻ bạc ác đi lại trên khúc sông này.
Trên bờ khúc sông này, giữa vàm Cây Qui và cầu Đồng Tròn, chỗ mộ của người lính lệ, ân nhân của Khanh, dân làng lập một ngôi miếu nhỏ, ngày nay vẫn cón hương khói.