Bối Ba Cụm

Bảy tám chục năm về trước, hầu hết ghe thương hồ từ miệt Lục tỉnh về Sài Gòn – Chợ Lớn, hay đi ngược lại, đều phải ngang qua Ba Cụm (1), nay thuộc làng Tân Bửu, huyện Bình Chánh, Sài Gòn.

Ba Cụm nằm ở khoảng giữa sông Chợ Đệm – trước có tên là Tân Long, sau gọi là sông Bình Điền – nước từ Bến Lức chảy lên, từ Rạch Cát chảy xuống, giáp nước từ Ba Cụm. Nếu thuận con nước, xuồng ghe chèo đi luôn. Nếu gặp con nước nghịch, xuồng ghe ùn lại Ba Cụm rất đông, cắm sào đậu nấu cơm ăn, chờ tới khi nước lớn hoặc chụp ròng mới chèo đi tiếp. Chính vì vậy quán xá nổi lên bán mấy thứ lặt vặt cho đám ghe thương hồ như mắm, muối, thuốc rê, giấy bút, cao đơn hoàn tán, … Lúc đầu gọi là quán Ba Cây Da, về sau gọi là quán Ba Cụm, rồi thành chợ Ba Cụm. Ghe thương hồ câu đặc cả một khúc sống, hàng hóa đầy ắp, … khêu gợi lòng tham của mấy kẻ ăn không ngồi rồi. Từ đó nạn bối thường xảy ra và lan rộng. Trên sông dập dìu những “bán vàm” bơi len giữa những ghe buôn, bán đủ thứ đồ ăn uống, chè cháo, một số “bán vàm” này cũng trở thành xuồng bối.

Nồi cơm sắp chín, cũng chưa chắc ăn được với mấy “ông bồi!. Bối Ba Cụm có tay nghề cao và nhiều mánh lới. Thời gian nấy một nồi cơm hay ăn một bữa cơm, bất kỳ ngày hay đêm là đã xong một mẻ bối. Bối Ba Cụm đã gây lo sợ trong ghe thương hồ Lục Tỉnh. Mặc cho chủ ghe canh giữ đồ đạc, hàng hóa, bối Ba Cụm cứ hành nghề, hễ ra tay là ít khi thất bại.

Ở Ba Cụm, nhiều tay đi bối đã nên nhà nên cửa. Đi bối thường có cặp; bối anh, bối em để truyền nghề và giúp đỡ lẫn nhau. Nhiều người không cho bối là ăn trộm trên sông và cũng không phải là ăn cướp, vì bối bợ gọn món đồ mà khổ chủ nào trông thấy món đồ đó trước đó ít phút.

Dù bối là gì đi nữa, thì nó vẫn là một thứ trộm cắp trên sông. Hiện nay người ta vẫn còn kể cho nhau nghe nhiều chuyện về bối Ba Cụm, có mấy chuyện sau đây:

Chuyện thứ nhứt

Một chiếc ghe đậu gần một lùm bần chờ nước ròng, ngồi trên mui hóng gió chiều là một cô chủ ghe bận quần lành mới láng lướt. Hai thằng bối bơi xuồng ngang thấy chíp liền. Bối anh nói với bối em:

 – Khuya này tao lột quần con mẹ này cho mày coi.

Bối em trong bụng chưa tin.

Khuya, cô chủ ghe lót nóp nằm trên mui ghe, gió mát khiến cô ngủ ngon lành.

Bối anh bứt một cọng mái giầm trâu bự bằng ngón tay cái, tước bỏ lá rồi khoanh lại thật chặt. Nó hé ống quần của cô chủ ghe đang nằm ngủ cho cuộn mái giầm vào. Cọng mái giầm bị khoanh tròn từ từ bung ra ngọ nguậy trong ống quần. Cô chủ khi giật mình, hồn thất phụ thể, tưởng rắn chiu vô. Cô bèn … đêm khuya tứ bề vắng vẻ ai đâu mà ngại … cô bèn tuột quần nhanh hất nó ra mép mui ghe, định la cho con rắn “ôn hoàng dịch lệ” kia bò đi nơi khác.

Nào ngờ, ở dưới cuồng núo theo hông ghe, thằng bối anh đứng lên vói tay lấy cái quần trước mắt người, nhưng vì đang truồng chồng ngồng đành nghẹn ngào mà làm thinh.

Bối em:

– Thiệt tui không ngờ!

Hết con nước làm ăn, hai thằng bối về nằm nhà. Chợt nhớ nhà bên cạnh mới rước dâu về hồi trưa.

Bối anh nói với bối em:

 – Khuya này, tới gà gáy mày nhóm lửa. Đợi con dâu mới bưng ra sàn nước vo gạo, tao “ẵm” cái nồi gạo về cho máy nấu. Nồi cơm chín rồi, nhà bên đó mới tá hỏa lên cho coi.

Nói rồi, chờ cho nhà bên ấy tắt đèn đi ngủ, thằng bối anh chui lỗ chó qua hàng rào xương rồng ngăn cách vườn sau của hai nhà. Nó lấy cái gáo múc nước của nhà kia, đem về máng trên cái cây cắm gần lu nước của nhà mình.

Gần sáng, nhà bên kia đã có tiếng người thức dậy nấu cơm khuya. Đúng là “động tĩnh” của nàng dâu mới, đi lấy gạo đổ vào nồi rồi bưng ra sàn nước để vo. Đặt nồi lên sàn nước, cô quơ lấy cái gáo. Không thấy cái gáo đâu. Cô nói thầm trong bụng hồi chiều còn thấy cái gáo ở đây mà bây giờ biến đi đâu. Vậy là cô quay vào nhà để lấy cái gì đó múc nước.

Cô quay lưng đi thì thằng bối anh chui qua hàng rào. Nó để cái gáo mà nó đã lấy cắp lại trên mé sàn nước, rồi nhẹ tay nhắc cái nồi gạo bò về giao cho thằng bối em vo nấu.

Bên kia hàng rào, cô dâu lấy cái tô ra múc nước, chợt thấy cái gáo nằm chình ình ngay đó. Ngẩn ngơ nhìn cái gáo, ngó lại thì nồi gạo đâu mất. Điếng hồn, nghĩ chắc rằng hồi nãy vào nhà lấy tô, mình đã bưng nồi vô theo. Cô lại tìm kỹ trên sàn nước một lần nữa rồi vô nhà coi cái nồi gạo có ở trong không. Cô kiếm từ chỗ khạp gạo đến cái sóng chén, ở đây cũng không thấy nồi. Cô bần thần, nhớ lại hồi nãy cái gáo nằm sờ sờ mà mình còn không thấy … Chắc cái đêm tân hôn #mắc dịch” này đã làm cho mình mệt quên hết rồi sao!

Khổ cho phận làm dâu mới. Cô trở ra sân trước ngó lại một lần nữa rồi rón rén lên phòng, thò tay vào mùng lắc cẳng chồng và nói nhỏ:

 – Anh, anh xuống bếp nghe em nói cái này.

Anh chồng bứ xứ đứng nghe chuyện bưng nồi gạo rồi không thấy gáo, rồi thấy gáo lại mất nồi. Anh chồng nói, nah2 này xưa nay đâu có ma, rồi cầm đèn cùng vợ ra sàn nước.

Hai vợ chồng mới lục đục trong đêm, không khỏi đánh thức bà mẹ. Bà liền đi ra sàn nước để hỏi coi chuyện gì. Cô dâu ú ớ kể lại.

Nghe vừa hết chuyện, bà liền ngóng qua hàng rào và dóng tiếng:

– Thằng Hai có ở nah2 không?

– Dạ có, chi vậy thím.

 – Thằng chết bần. Em nó mới về nhà chồng. Đừng có giỡn nhây. Đem trà cái nồi gạo lại không?

 – Dạ cháu nấu dùm cho cô dâu mới về xóm bối.

(1): Trong Gia Định Thành thông chí, tập thượng, quyển I và II, Trịnh Hoài Đức viết: “… Dọc theo sông phố xá trù mật, có ghe nhỏ bán củi, dầu rái, bao lác (bao hàng). Qua mười hai dặm rưỡi đến quán Ba Cây Da (tục danh là quán Ba Cụm) có cổ miếu gọi là miếu Ba Cây Da. Nước sông có chất phèn và mặn …”

Chuyện thứ hai

Ở Chợ Đệm – trên Ba Cụm một đỗi – có Sáu Bang, một tay bối “lành nghề”.

Tay bối này được một điều là “không ăn quẩn cối xay”, mà đã đi xa và làm được một mẻ khá to, của một bà nhà giàu ở một mình với một cô hầu. Nhà này là nhà tường tô, nền đúc, trôm không đào nghạch chui vào được.

Sáu Ban xém xét cẩn thận, thừa lúc trời chạng vạng, bà già xuống nhà bếp ăn cơm, cửa nhà trên chỉ khép hờ, liền lẻn vào nằm dưới sàn bộ ván gỗ ngồi ăn trầu, tiếp khách của bà già.

Bà già ăn cơm xong thì cũng tối hẳn. Đứa tớ gái dọn dẹp bếp núc, đóng cửa sau, cửa trước, gài song hồng. Rồi cô ta đốt cái đèn trứng vịt để lên ván cho bà chủ ngồi ăn trầu, cô xuống bếp nghỉ. Bà già ngồi lại, cầm dao róc cau. Rủi cho Sáu Bang, bà già trật tay làm trái cau rớt xuống đất. Bà để dao xuống bưng đèn thòng chân xuống đất định xỏ chân vào chiếc giầy cườm và rọi đèn lượm trái cau.

Nằm dưới sàn, Sáu Bang thấy cử động của bà già, liền với tay cầm lấy trái cau, đặt trong chiếc giầy của bà.

Tội nghiệp chân vừa xỏ vào giày thì đụng trái cau, bà già khen trái cau khéo rơi. Bà để đèn lại chỗ cũ, chỉ có việc vói tay lượm trái cau. Bà tiếp tục bửa cau ăn trầu, ngậm miếng trầu nhai giập giập, bưng đèn vào nhà trong đi ngủ.

Vậy là sáng ra, thiếu điều bà giẫy tê tê. Hô hoán lên bị ăn trộm. Hàng xóm đến xem và chia buồn cùng lời khuyên muộn:

 – Ban đêm trước khi đi ngủ phải rọi đèn soi khắp xó nhà.

Chuyện thứ ba

Trên một chiếc xuồng “bán vàm”, bơi lái là một người đàn ông sồn sồn, mũi xuồng là một người còn trẻ vừa bơi vừa lo việc buôn bán.

Xuồng bơi ngang qua một chiếc ghe chở khô, đậu tách ra khỏi đoàn, đang chờ con nước. Chủ ghe này được một người bà con ở Bà Điểm cho một con gà nòi đang để đàng mũi ghe, úp trong một cái bội nhỏ.

Thằng cha bơi lái – một tay chơi đá gà – thấy con gà là khoái ngay; gà đuôi lao, đóng vẩy phủ địa, cựa nghiêng đai dài hai phân hơn … chắc là rặt gà nòi Cao Lãnh, gà Bà Điểm làm sao đá nổi.

Bị con gà ám ảnh, một lát sau, lúc trời chạng vạng, nó quành trở lại, thấy chủ ghe đương ngồi so dây đờn cò trên mui, con gà chiến vẫn còn chụp trong bụi ở trước mũi ghe. Nó quầy quả trở về nhà cách đó không xa lắm, lên nhà xách cây đờn nhị xuống, thằng em thấy vậy hỏi:

 – Anh làm gì vậy?

– Tao bắt con gà nòi.

Nói xong, nó kề tai nói nhỏ mấy câu.

Xuống xuồng, chỗ ai nấy ngồi, bơi trở lại chiếc ghe.

Trăng mùng mười lên cao, mặt sông sáng mờ mờ, nước chảy đã yếu. Từ ca tiếng đờn có kéo bản Nam Ai vẳng lên nghe ai hoán não nùng như thúc giục thằng lớn bơi mạnh tay hơn. Có mấy ghe bên mua cháo gà, nhưng nó nói hết, rồi bơi luôn sợ nước ròng chiếc ghe nọ sẽ nhổ sào.

Dứt bản Nam Ai, đờn cò kéo luôn bản Bình Bán, thằng lớn hát nương theo khi xuồng gần tới ghe chở khô. Nghe giọng hát chắc lợi, chủ ghe dóng tiếng:

 – Giọng hát nghe mùi đa, có rảng ghé làm vài bản chơi.

Thằng anh chỉ chờ có vậy, nó cho xuồng sát ghe, thấy chủ ghe ngồi ngó về phía con gà, bên cạnh có dĩa khô nướng, một cái ly và rượu trong chai bắp chuối ba xị đã lưng, nó nói với thằng em:

 – Mày làm cho tao dĩa gỏi gà, để tao lai rai với ông anh.

Chờ thằng em làm xong dĩa gỏi bưng để lên mui, nó nói tiếp:

 – Mầy bơi bán quanh đâu đây, lát nữa lại rước tao, tao ở đây hòa với ông anh vài bản, lâu ngày mới gặp được người “tri kỷ”.

Nói xong, nó xách đờn leo lên mui, ngồi án ngang mặt chủ ghe. Mở đầu hai người làm sương sương mỗi người mấy ly, gọi là ra mắt buổi sơ giao rồi mới tiếp tục bản Bình Bán bỏ dở hồi nãy. Tiếng đờn cò, đờn nhị quyện vào nhau réo rắt làm chủ ghe hứng khời thêm.

Thằng em nãy giờ lục đục với nồi cháo gà, mấy cọng rau, mấy cọng hành, bây giờ mới chịu xô xuồng tách ra.

Nó bơi vòng trước mũi ghe một khoảng xa, rồi nhẹ nhàng áo vào hông ghe phía bên kia, đưa tay đỡ cái bội bắt con gà. Con gà nghe mùi hành xông lên từ tay thằng bối tưởng là rắn hổ bành nên làm thinh để cho bắt. Thằng em bỏ con gà vào bao cột lại rồi bơi đi.

Một lát nó bơi trở lại, thằng anh từ giã chủ ghe, chủ ghe có ý muốn cầm lại, nhưng thằng anh nói nồi cháo còn nhiều phải bán cho hết trước nước ròng.

Thằng anh leo xuống xuồng, thấy coi bao hàng có con gì rục rịch ở trong. Nó nhìn thằng em mỉm cười, rồi cầm dầm bơi thẳng.

Dù còn lại một mình, nhưng chủ ghe đang say “tình tri kỷ”, ngồi nán lại độc diễn thêm mất bản nữa. Chợt nhìn xuống thấy nước đã đứng, nên bỏ đờn, leo xuống định nhổ sào, kêu mấy đứa nhỏ dậy chèo đi Chợ Đệm. Nhưng vừa bước xuống dòm thấy cái bội trống trơn, chủ ghe chỉ còn có nước kêu trời:

 – Thiệt đúng là bối Ba Cụm!

error: Content is protected !!