Bài thơ trào phúng Nguyễn Minh Tâm

Đỗ Minh Tâm người tỉnh Vĩnh Long, sinh vào nửa đầu thế kỷ 19. Vốn tên là Đỗ Thanh Tâm, sau đổi là Minh Tâm, lấy hiệu là Minh Giám. Ông học giỏi nhưng thi hỏng hoài, nên thường được người đời gọi là Nhiêu Tâm.

Ông được người đương thời biết tiếng trước hết là vì những bài thơ yêu nước chống Pháp và sau đó là những bài thơ trào phúng của mình.

Bá hộ Nọn, ở làng Long Châu, tỉnh Vĩnh Long, rất hâm mộ Nhiêu Tâm, muốn cầu thân nhưng ông thường lánh. Một hôm, tình cờ gặp nhau, bá hộ mừng rỡ xin hỏi về gia cảnh, ông ứng khầu đọc:

Thấy anh, tôi nghĩ lại tôi buồn,

Tôi khó, anh giàu đã quá muôn.

Anh vậy tôi vầy, trời khiến vậy,

Chúc cho con cháu … vậy luôn luôn.

Trong bài thơ trên, hai từ “quá muôn” theo chữ âm Nam Bộ, giống như “hóa muông”, nên ngoài nghĩa có tiền muôn còn có nghĩa “hóa chó”! Bá hộ Nọn, mặc dù biết mình bị Nhiêu Tâm chơi xỏ, nhưng không giận lại vồn vã về nhà.

Bá hộ Nọn có mướn một thầy đồ dạy chữ Nho. Ông thầy này vốn tự phụ. Trong lúc chuyện trò, thấy thầy giở giọng văn chương, Nhiêu Tâm khiêm tốn xin đầu đề để tập làm thử một bài thơ. Thầy đồ nhìn ra sông nước nhà bá hộ, thấy có cục phân trôi lều bều trên mặt nước liền bảo: “Cục cứt trôi sông” tỏ ý khinh miệt ông khách mời.

Nhiêu Tâm gật gù, rồi rung đùi ngâm:

Bao tử là cha mẹ: ruột dồi,

Đặt không nên chỗ để mầy trôi.

Chặt chân chẳng nỡ thây nằm đạp,

Bịu mũi mà qua đã gớm rồi.

Chẳng chó bắt mèo ngồi tạm nuốt,

Có tong cũng chốt rước theo mồi.

Lần thay cho lão ngột câu quẹt,

Chứa chấp làm chi những giống hôi.

Thầy đồ được một bài học thích đáng.

Có một tri huyện tên là Lê Chí Thành (tục gọi là huyện Thiềng, người ở chợ Lách, ít học, làm cai tổng rồi thăng lên tri huyện) có hai vợ, một ở Chày Đạp, một ở Cần Cao. Chày Đạp ở gần Châu Thành, Vĩnh Long hơn nên mỗi khi đi tỉnh Thiềng hay ghé, còn ở Cồn Cao trái đường nên quan huyện ít tới lui. Bà ở Cồn Cao gặp Nhiêu Tâm, vốn là bạn thân với chồng, nên mới kể lể nỗi niềm “kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng” của mình và nhờ Nhiêu Tâm làm bài thơ trách ông huyện.

Nhiêu Tâm cầm bút viết ngay:

Liễu bồ chen chúc dựa lầu son,

Đêm nhớ ngày trong những héo hon.

Quạnh quẽ Cồn Cao hơi gió thổi,

Dập dìu Chày Đạp dấu xuân mòn.

Đã trao cái phận mành mành chỉ,

Bao nỡ cầm cân giốc giốc đòn!

Kìa hỡi trên cao, xin với hỏi:

Công bình hai lẽ xử vuông tròn.

Huyện Thiềng vốn có máu Bùi Kiệm. Lúc đã già xọm còn chơi trống bỏi, cưới thêm một thiếp mới mười tám tuổi. Hôm cưới người ta thấy cha vợ chỉ bằng tuổi con của chàng rể, ai cũng nói ra nói vào. Nhiêu Tâm thấy sự việc lố lăng bèn làm bài thơ:

Chuyện đời há lẽ dửng dừng dưng,

Cha trẻ, con già ngộ quá chừng.

Nọ nọ ông già lơ láo mặt,

Này này chàng rể rụng trơn răng.

Tham vui chịu lắng thương vì lão,

Khéo gả làm chi lạ cái thằng.

Chuyện ở giữa làng ai chẳng nói.

Nói thơ mặc kệ đứa cằn nhằn.

Thơ của Nhiêu Tâm, ngoài những bài trên, còn non mười bài, phổ biến nhất là hai bài thơ “Phú đắc” lấy đề tài từ ca dao. Tục truyền người đương thời đã lấy hai bài ca dao sau đây để ra đề cho Nhiêu Tâm.

Bài “Đêm nằm mơ tưởng tưởng mơ! Chiêm bao thấy bạn dậy rời chiếu không”.

Mối tình ai để rối như tơ?

Tỉnh giấc chiêm bao trối dậy rờ,

Hiệp mặt còn mơ đào thơ thớ,

Xảnh tay hồi tỉnh lác trơ trơ.

Ngỡ là hương lửa đang nhen nhúm,

Hay nỗi trăng hoa khóc phỉnh phờ.

Chớp nhoáng bóng loan vừa ghé mắt,

Trêu ngươi cắt cớ hỡi ông tơ.

Bài “Đôi ta chẳng mối thì mai. Chẳng trong tháng chạp cũng ngoài tháng giêng”.

Đây đó trăng già khóc giục xô,

Chẳng chầy, thì kịp vội chi cô.

Ngày kia bữa nọ duyên dầu lãng,

Đông cuối xuân đầu lễ bước vô.

Có thuở chim cưu um tổ thước,

Lo chi sông Hán bắc cầu ô.

Gốc thành lấn thấn chờ ta vậy,

Chờ giống chim thuần giống nhảy rô.

Bài thơ đầu người ra đề không hạn vận, nhưng bài thơ sau lại có hạn vận “Sô cô vô ô rô”. Đây là một khó khăn đối với người làm thơ bình thường, còn đối với Nhiêu Tâm thì khác.

(Theo Huỳnh Ngọc Trảng, Sđd.)

error: Content is protected !!