Khi thấy Trương Định đã hy sinh, tên phản bội Huỳnh Văn Tấn hò hét đám lính tràn cướp thi hài ông. Nhưng mười tám nghĩa quân còn sống sót vây chặt quanh thi hài của người anh hùng quyết không cho giặc cướp
Một nghĩa quân cầm gươm trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, hét lớn.
– Chúng tao còn đây, bọn phản tặc chúng bây không được đụng tới thi hài của quan lớn.
Viện binh Pháp lúc đó cũng vừa tới, làm bộ ra lệnh cho bọn Tấn ngưng sát, truyền cho tên thông ngôn khuyên dụ nghĩa quân, đại ý hứa chở xác Trương Định về Gò Công mai táng đàng hoàng và để cho mười tám nghĩa quân ấy tự do chọn đường mà đi.
Nghĩa quân trả lời.
– Nay chủ soái của chúng tôi đã tuẫn tiết, chúng tôi có phận sự phải giữ thi thể của người, dù phải chết dưới làn tên mũi đạn của giặc Pháp cũng được. Nhưng nếu quả người Pháp có tốt, muốn đưa thi hài của chủ soái chúng tôi về Gò Công mai táng thì phải để cho chúng tôi đi theo trông nom thi thể người.
Bọn Pháp nhận và ra lệnh cho lính của chúng khiêng xác Trương Định xuống tàu, nhưng mười tám nghĩa quân không cho, tự tay họ khiêng xác chủ soái mình.
Cuộc mai táng xong, bọn Pháp muốn thả mười tám nghĩa quân theo như họ đã hứa. Nhưng Huỳnh Văn Tấn đứng ra ngăn cản và lãnh dụ hàng.
Dụ mãi không được, Tấn phải hăm dọc bằng vũ lực, sai lính dẫn mười tám nghĩa quân ra cạnh một cái ao làng, đứng xếp thành hàng một trước những họng súng đã lên cò, hắn hỏi từng người.
– Thế nào? Bây giờ anh hàng hay nhận lấy phát súng này?
Nghĩa quân trả lời.
– Tao tiếc là không ăn được gan, uống được máu mày!
Tấn tức giận ra lệnh bắn.
Rồi Tấn hỏi đến người thứ hai, cũng trả lời như thế, và hắn ra lệnh bắn. Đến người thứ ba, cũng thế, thứ tư cũng thế, và lần lượt đến hết mười tám người.
Mỗi người đều mắng Tấn một câu trước khi bị bè lũ tay sai Huỳnh Văn Tấn bắn chết.