Xương-Văn lãnh mạng bình Kiều-Khấu
Giang-thị bày mưu phản Ngụy-vương.
Trong hồi thứ 12 có nói rằng khi Ngô-Quyền tráo thơ rồi giả bạt trại lui binh, đại-tướng Kiều-Thuận, là em đồng tông của Kiều-công-Tiện, lãnh binh đuổi theo, chẳng dè bị binh phục tứ hướng xông ra chận đánh, Kiều-Thuận chống cự không nổi phải rút chạy về thành. Kiều-Thuận về tới Đại-la thì thành trì đã bị Phạm-Bạch-Hổ với Đỗ-cảnh-Thạc lấy rồi, Kiều-Thuận cùng thế phải dẫn tàn quân tìm đường thoát nạn.
Qua hồi thứ 13 lại có nói rằng: Kiều-công-Hãn là con của Kiều-công-Tiện vưng lịnh qua Phiên-Ngung cầu Nam-Hán Hoàng-đế tiếp viện. Lưu cung dạy Thái-tử Hoằng-Tháo dẫn binh đi trước, còn mình cầm đại binh lục thục theo sau. Qua tới Chi-Lăng, Lưu-Cung nghe tin tiền đạo đại bại, Thái-tử Hoằng-Tháo đã bị Ngô-Quyền bắt giết thì ngã lăn ra khóc rồi truyền lịnh quầy binh trở về Phiên-Ngung. Kiều-công-Hãn đi theo trong vòng binh mà dẫn lộ, nghe cha chết mà đau lòng, mà cầu hết sức Lưu-Cung cũng không chịu tấn binh báo ai oán, nên thất chí trốn ở lại Chi-Lăng rồi vào trong núi mà mai danh ẩn mặt.
Từ ấy về sau Kiều-Thuận với Kiều-công-Hãn, người một nơi, kẻ một ngã song cả hai cùng lưu-linh trong trốn rừng rậm non cao, ngày đêm oán hận Ngô-Quyền, song không biết kế chi mà trả thù, trả oán được. Chừng Ngô-Quyền tức vị xưng vương rồi, nghe lời Tam-Ca, hạ chỉ truyền cho chư trấn phải kiếm bắt giòng giỏi họ Kiều thì Kiều-Thuận với Công-Hãn lại càng tức giận hơn nữa, mà cũng càng lo trốn lánh không dám ra mặt.
Đến năm Giáp-Thìn (944) Kiều-Thuận nghe Ngô-vương thăng-hà, Dương-Tam-Ca soán vị xưng là Bình-Vương, chư trấn không tùng phục thì trong bụng mừng thầm, mới chiêu binh mãi mã tính chiếm cứ một chỗ mà xưng hùng. Kiều-công-Hãn ở Chi-Lăng nghe tin ấy cũng chiêu mộ quân sĩ, quyết thừa hư về đánh Bình-Vương mà khôi phục giang san của cha lại.
Công-Hãn mộ được vài ngàn binh, đến năm Kỷ-Dậu (949) mới kéo lần xuống gần Đại-la. Đi gần đến Hồi-Hồ [1] nghe tin Kiều-Thuận đồn binh trên núi mới đến ra mắt. Hai chú cháu gặp nhau mừng rỡ hết sức bèn tính hiệp binh lại, đặng thế lực thêm mạnh.
Qua năm sau Kiều-Thuận sai Kiều-công-Hãn dẫn binh xuống chiếm cứ Phong-Châu [2]. Dân Phong-Châu nghe có giặc đến, thì lao nhao lố-nhố, bỏ nhà bỏ ruộng, dắt vợ dắt con chạy trốn. Quan địa phương thấy thế nguy khổn, lật đật đệ sớ về triều mà xin binh dẹp giặc.
Bình-vương lâm triều nghe tin Kiều-Thuận chiếm cứ Hồi-Hồ và Kiều-công-Hãn đương nhiễu loạn đất Phong-châu thì lấy làm lo sợ, bèn hỏi bá quan ai có kế gì dẹp giặc phải tâu cho vua biết. Bá quan tâu rằng ngày trước họ Kiều phản loạn nhờ có Ngô-vương nên mới trừ được. Nay thân tộc Kiều-công-Tiện dấy loạn nữa, vậy sai Thái-tử Ngô-xương-Văn cầm binh thì mới dẹp loạn đặng.
Bình-vương nghe tâu hiệp ý, liền hạ chỉ sai Xương-Văn lãnh hai muôn binh đi dẹp loạn họ Kiều. Hạ chỉ xong rồi, Bình-vương lại nghĩ giao binh quyền cho Xương-Văn, sợ khi dẹp loạn yên rồi Thái-tử thừa thế hiệp với chư trấn mà khôi phục sơn-hà, chừng ấy mối loạn càng lớn hơn nữa, nên dạy Đỗ-Cảnh-Thạc với Dương-kiết-Lợi mỗi người lãnh một muôn binh đi theo, bề ngoài thì nói là tiếp ứng nhưng mà bề trong thì dặn theo coi chừng.
Xương-Văn được lịnh, liền cho dời Giang-hoài-Nhơn đến dinh mà nghị sự. Xương-Văn thấy Hoài-Nhơn bước vào, liền đuổi quân ra ngoài rồi nói rằng: “Kiều-Thuận với Kiều-công-Hãn nghe chư trấn bất phục vương mạng nên chiêu binh mãi mã quyết báo thù cho Công-Tiện ngày xưa. Kiều-Thuận đã chiếm gần hết đất Hồ-Hồi, còn Kiều-công-Hãn đem binh đi nhiễu loạn đất Phong-Châu. Ta mới được lịnh vua sai cầm binh đi dẹp loạn họ Kiều, lại có sai Cảnh-Thạc với Kiết-Lợi theo tiếp ứng. Vả cơ nghiệp của phụ vương ta họ đã giành mà hưởng, nay trong nước rối loạn, họ lại sai ta chinh phục, nếu ta vưng lịnh thì ta hổ thầm phận ta, còn nếu ta trái lịnh thì ta khó mà an thân được. Mấy năm nay hễ ta nhớ tới phận anh ta lưu-lạc thì ta thương xót, nhưng mà hôm nay ta nghĩ lại lưu-lạc ấy mà được danh thơm tiếng tốt, chớ an-ổn nầy thiệt là xấu hổ vô cùng”. Xương-Văn nói tới đó thì trong cổ nghẹn ngùng, giọt lụy rưng rưng nên ngồi thở dài, không nói chi được nữa.
Giang-hoài-Nhơn cười mà đáp rằng: “Điện-hạ được lịnh cầm binh đi dẹp loạn, ấy là may mắn lắm, sao Điện-hạ không mừng lại buồn ?”.
Xương-Văn nghe nói thì chưng hửng, nên ngó Hoài-Văn mà hỏi rằng:
– May chỗ nào mà gọi là may?
– Mấy năm nay Điện-hạ thường than thân cá chậu, trách phận chim lồng. Nay vua sai Điện-hạ đi ra ngoài, lại có cấp cho hai muôn binh. Điện-hạ đã được thong thả, mà lại có thêm vi-kiến, thế thì không phải dịp may sao?
Xương-Văn ngồi suy nghĩ một hồi rồi mới đáp rằng: “Tuy lời ngài có kín đáo, song ta hiểu ý ngài rồi. Nhưng mà ta lo một điều nầy: Hai muôn theo ta đây là binh của Tân-vương, biết chúng nó có lòng giúp cho ta hay không. Đã vậy mà lại còn có Cảnh-Thạc và Kiết-Lợi theo nữa, ta làm sao mà dấy động cho được”.
Hoài-Nhơn cười mà đáp rằng: “Điện-hạ đừng lo việc đó. Tiên-vương thuở trước là bậc tài đức; quân lính thảy đều cảm phục. Tuy chúng nó theo đầu tân-vương, song chưa có ân nghĩa gì. Nếu Điện-hạ cầm binh thì trong ba quân có ai mà không phục tùng Điện-hạ. Còn Cảnh-Thạc với Kiết-Lợi cũng chẳng đủ cho Điện-hạ sợ. Tôi có nghe năm trước Cảnh-Thạc cầm binh đi Đằng-châu mà bắt Nhứt-điện với Bạch-Hổ, Cảnh-Thạc bị Bạch-Hổ nhiếc mắng lấy làm hổ thẹn, nên rút binh trở về. Từ ấy đến nay Cảnh-Thạc có ý lơ-lảng không muốn dự đến việc quốc-chánh nữa. Còn Kiết-Lợi thì bị Bình-vương bạc đãi, nên ý coi cũng muốn ly tâm. Tôi tưởng nếu Điện-hạ mà dụ được hai tướng ấy thì chẳng lo chi việc lớn không thành.Vậy Điện-hạ hãy xin với vua cho tôi theo làm quan tham-tán quân-vụ thì tôi sẽ liệu mà điều đình cho.”
Xương-Văn nghe nói lấy làm mừng rỡ, lật đật vào bái mạng và xin vua cho Hoài-Nhơn theo giúp, Bình-vương nhậm lời và khuyên Xương-Văn chọn ngày hưng binh cho gắp.
Ngày rằm tháng ba năm canh tuất (năm 950), Xương-Văn làm lễ tế cờ rồi cử binh ra đi, đạo binh của Xương-Văn đi giữa còn hai đạo binh của Cảnh-Thạc và Kiết-Lợi làm tả hữu lưỡng dực.
Đi tới Từ-liêm, Xương-Văn thấy quân mệt mõi nên truyền lịnh đồn binh nghỉ vài ngày. Xương-Văn cho mời Cảnh-Thạc với Kiết-Lợi đến trung quân rồi dọn tiệc tiếp đãi rất hậu. Xương-Văn khiêm nhượng cung kỉnh Cảnh-Thạc với Kiết-Lợi như bực thúc-bá, làm cho hai tướng rất đẹp ý vừa lòng, nên cầm binh đi dẹp giặc mà quên định mưu phá giặc, cứ nhắc chuyện đời xưa. Cảnh-Thạc thì thuật chuyện phá thành Đại-la và trận bắt Hoằng-Tháo tại Bạch-Đằng, còn Kiết-Lợi thì thuật việc mình thất quan ải trốn trở về Đại-la, lấy làm hổ thẹn, song Ngô-vương niệm tình nên không có một lời quở trách.
Giang-hoài-Nhơn ngồi chung trong tiệc nghe hai tướng nhắc chuyện cũ mới thừa dịp mà xưng tụng tài đức của Ngô-vương rồi thương tiếc Ngô-vương không sống được lâu mà bảo an thiên hạ. Xương-Văn nghe Hoài-Nhơn nhắc tới cha thì rơi lụy làm cho Cảnh-Thạc với Kiết-Lợi thấy vậy rất cảm động nên ngồi buồn xo.
Tiệc mãn thì bóng ác đã gần chen đầu núi, Xương-Văn mời Cảnh-Thạc, Kiết-Lợi vời Hoài-Nhơn mỗi người cỡi một con ngựa đi dạo xem phong cảnh chơi. Bốn người ra khỏi vòng binh được một đỗi xa xa, bỗng thấy có một người trai trạc chừng vài mươi tuổi, áo quần lam lụ, đương lui cui cày ruộng. Xương-Văn dừng ngựa đứng lại ngó tên trai ấy một hồi rồi hỏi rằng: “Mi tên gì họ gì, nhà cửa ở đâu, sao lại đến chốn rừng xanh nầy mà làm ruộng ?”
Tên trai thấy khách lạ mặt, y phục xinh đẹp, tướng mạo khôi ngô, không biết là ai, bởi vậy nghe hỏi thì sợ hãi, lật đật đi lần lại bên đường đứng khoanh tay cúi mặt xuống đất mà thưa rằng: “Thưa đại-quan-nhơn, tôi họ Ngô, tên Hư, nhà ở trảng Long-tuyền, cách đây chừng vài dặm.”
Xương-Văn nói: “Té ra mi cũng họ Ngô.” Rồi nhìn tên trai ấy trân trân, cách một hồi lâu mới hỏi tiếp rằng: “Mi nói mi ở trảng Long-tuyền cách đây tới vài dặm, vậy chớ trong trảng ấy không có đất cho mi làm ruộng hay sao mà phải đi xa đến đây ?”
Ngô-Hư thủng thẳng đáp rằng: “Thưa cùng đại-quan-nhơn ở trảng Long-tuyền không phải không có ruộng nhưng vì thuở trước cha tôi có công cực nhọc ruồng mở góc rừng nầy mà cấy lúa. Trót mấy mươi năm cha tôi thường lui tới chốn nầy mà cày bừa cấy hái, mà trót mấy mươi năm cả nhà tôi và tôi cũng nhờ khoảnh ruộng nầy mà no bụng ấm thân. Hồi năm ngoái cha tôi lâm bịnh rồi theo ông theo bà, trong anh em tôi chỉ có một mình tôi là trai, tôi không nỡ phụ cái công nghiệp của cha tôi nên cũng cứ vác cuốc gánh cày đến đây mà trở đất. Đã biết từ Long-tuyền qua đến đây đường xa thiệt; nhưng mà cha tôi thuở trước không nệ xa xuôi mà đến đây, lại còn không quản cực nhọc mới phá rừng làm cho thành ruộng, phận tôi là con, há tôi dám chê đường xa mà bỏ cái công nghiệp của cha tôi sao ?”
Xương-Văn nghe nói mấy lời thì châu mày mà than rằng: “Mi đồng một họ với ta, mi tên Hư, lại vốn con nhà thôn-phu, mà mi biết giữ phận làm con, không nỡ bỏ công-nghiệp của tiên-nhơn. Ta đây tốt tên, lại làm Hoàng-tử, mà phụ-vương ta qua đời ta không bảo thủ cơ-nghiệp được, ta thấy mi, ta hổ thẹn vô cùng.”
Ngô-Hư chưng hửng nên đứng nhìn Xương-Văn trân-trân. Xương-Văn dứt lời rồi day lại nói với ba tướng đi theo rằng: “Ba ngài xét đó mà coi, có phải là tôi thua tên thôn-phu nầy hay không ? Xấu hổ lắm, ba ngài ôi, xấu hổ lắm ! Chẳng phải là tôi hổ với tên thôn-phu nầy mà thôi, mà tôi nhớ đến phụ-vương tôi cũng hổ, tôi ngó ba ngài tôi cũng hổ, tôi thấy mặt lịnh Bình-vương tôi cũng hổ, tôi thấy non nước tôi cũng hổ, tôi thấy cỏ cây tôi cũng hổ. Tôi không đáng ăn cơm ngon, mặc áo tốt, tôi không đáng có người hầu hạ, kẻ bẩm thưa. Tôi đi dẹp loạn tôi càng hổ thêm, tôi trở về triều tôi càng nhục nữa. Vậy cúi xin ba ngài về triều làm ơn tâu giùm lại với đức vua rằng: Tôi không xứng lãnh chức Thái-tử, để cho tôi theo tên thôn-phu nầy mà học đạo làm con, chớ đạo làm con tôi không toàn, thì chắc đạo làm tôi không vẹn được.”
Xương-Văn ngồi xuống bên đường, hai tay ôm mặt mà khóc. Giang-hoài-Nhơn thấy tình cảnh như vậy thì hội ý nên lật đật xuống ngựa, lại ngồi một bên vịn vai Xương-Văn mà khóc theo, nghe rất thảm thiết, Cảnh-Thạc với Kiết-Lợi cảm động dằn lòng không được, nên cũng xuống ngựa mà an ũi.
Giang-hoài-Nhơn thông thạo nhơn tình tâm-lý, biết lúc nào nên nhịn thì nhịn, hiểu lúc nào phãi làm thì làm, khi dự tiệc thì kiếm lời xưng tụng tài đức của Ngô-vương đặng cho Cảnh-Thạc với Kiết-Lợi nhớ đến người xưa là người tài trí-siêu quần, đánh đâu thắng đó, có Cảnh-Thạc ngó thấy mà cũng là người ân hậu vô song, kẻ mến người yêu, Kiết-Lợi đã nhuần gội. Hoài-Nhơn mở lần lòng hoài-cổ cho hai tướng cũng như kẻ phá rừng dọn đường trước đặng vào chỗ dễ, rồi xem coi phải khởi công chặt đốn phía nào. Anh ta tính để dẹp loạn ngoài yên, rồi sẽ tính về dẹp loạn trong, chẳng dè cơ hội xảy ra mau lẹ thái quá, Cảnh-Thạc với Kiết-Lợi gần gũi Xương-Văn chẳng bao lâu mà đã đem lòng yêu, rồi đến đây nghe Xương-Văn than thở cảnh riêng lại cảm động. Anh ta nghĩ nếu muốn uốn cong cây sắt thì lúc đương trui đỏ phải đập liền, chớ để cho nó nguội rồi thì nó cứng khó mà uốn cho cong theo ý mình muốn được. Giang-Hoài-Nhơn nghe hai tướng an ủi Xương-Văn thì lau nước mắt mà nói rằng: “Chúng ta làm tôi đức Bình-vương, nếu chúng ta nghị-luận tài đức của chúa thì chúng ta có lỗi. Vả ở đây là chốn non cao rừng rậm, chỉ có mấy Anh em ta mà thôi, chớ chẳng có ai. Lại Đỗ quốc-công là cựu-thần của Dương Tiết-đạt-sứ ngày trước, còn Dương tướng công vốn là em đồng tông, tức là hàng thúc-bá của đức Bình-vương chớ không phải ai xa lạ. Vậy xin hai ngài thương tình Thái-tử, như về triều mà tâu thì bỏ mấy lời của Thái-tử nói hồi nãy đó đi, chẳng nên lập đi lập lại làm gì mà làm cho Thánh-thượng phát nộ.”
Cảnh-Thạc đang ái truất thân phận Xương-Văn, bỗng nghe Hoài-Nhơn phân mấy lời thì bất bình, nên trợn mắt đáp rằng: “Quan lớn nói sao vậy ? Ta vốn là cựu thần của Dương Tiết-đạt-sứ, mà ta cũng là cựu thần của Ngô-vương nữa chớ. Còn Dương tướng-công đây nếu đồng tông với Bình-vương tức cũng đồng tông với Dương vương-hậu. Đã biết phận làm tôi không phép bàn soán cử chỉ của chúa. Nhưng mà tôi nghĩ tâm tánh của Bình-vương đâu dám sánh với tâm tánh của Thái-tử hôm nay được. Lời của Bạch-Hổ nói ngày trước thiệt là đúng đắn lắm: người bất hiếu, bất dõng không lẽ làm vua được. Bình-vương lúc cha chết không dám tiếp cứu, khi người đi báo thù không chịu tùng quân. Còn Thái-tử đây tuy Bình-vương trọng đãi, nhưng mà cái sầu mất ngôi mất nước khôn nguôi. Nếu sánh hai người thì kẻ như gà người như phụng. Mấy lời của Thái-tử than thở khi nãy là lời đau đớn của anh-hùng nghĩa-sĩ, nếu chúng ta về triều thì phải tâu thiệt hết cho Bình-vương nghe chớ sợ gì mà giấu.”
Hoài-Nhơn thấy Cảnh-Thạc mở hơi ly-tâm, thì trong bụng mừng thầm, vừa muốn kiếm lời khéo léo mà khêu khích, bỗng nghe Kiết-Lợi nói rằng: “Ngày trước tôi nghe Tam-ca nói rằng Ngô-vương nghĩ vì hai Hoàng-tử tuổi nhỏ trí thấp nên nhường ngôi lại cho nó trị an thiên hạ. Tôi tưởng thiệt quả như vậy, nên tôi mới giúp cho nó tức vị xưng vương. Chẳng dè sau tôi nghe rõ lại thì nó lập mưu gian mà đoạt ngôi của hai Hoàng-tử. Mấy năm nay hễ tôi nhớ đến phận Vương-hậu ở trên chùa than khóc đến mù hai con mắt, thì tôi ăn năn vô cùng. Nay tôi nghe mấy lời của Nhị-điện than thở nữa thì tôi lại càng xốn xang chịu không được. Vậy tôi nhứt định theo Hoàng-tử mà ở đây, phiền Đỗ-quốc-công về triều mà tâu lại với Bình-vương rằng Dương-Kiết-Lợi hổ thẹn nên không muốn thấy mặt Bình-vương nữa.”
Hoài-Nhơn liếc Thái-tử Xương-Văn, Xương-Văn hội ý liền quì trước mặt Cảnh-Thạc và Kiết-Lợi rồi khóc mà nói rằng: “ Mấy ngài có lòng ái truất phận tôi thì tôi cám nghĩa vô cùng” Cảnh-Thạc với Kiết-Lợi lật đật đỡ Xương-Văn đứng dậy, rồi mấy người nhìn nhau mà khóc.
Hoài-Nhơn thấy kế đã thành liền nói rằng: “Chúng ta là đứng trượng-phu, hễ thương người thì phãi làm cho người nên, hễ giận người thì phải làm cho người sợ, chớ có lẽ nào ở đây mà khóc hoài như phường phụ nữ vậy sao. Vậy cúi xin Thái-tử với nhị vị quốc-công hãy lên ngựa mà trở về trại, rồi sẽ lo mưu định kế mà phế Bình-vương đặng lập Ngô Hoàng-tử lên ngôi cửu ngũ.”
Mấy người lên ngựa trở về; Xương-Văn ngó quanh quất thì tên Ngô-Hư đã đi mất hồi nào không hay, hỏi các quan cũng không ai thấy. Mặt trời cũng bắt chước Ngô-Hư lén lặn mất xa xa chỉ thấy đầu non lúp xúp, với mấy giặng rừng lờ mờ mà thôi.
Đêm ấy về trung-quân, Giang-Hoài-Nhơn bày mưu tôn Xương-Văn đặt hiệu Nam-tấn-Vương rồi truyền hịch cho ba quân hay. Xương-Văn nghĩ vì anh mình còn đương lánh nạn chớ chưa chết, nếu mình xưng vương như vậy sợ e lỗi với anh, nên dụ dự không quyết định. Hoài-Nhơn đáp rằng nếu không làm như vậy thì không thể thâu phục quân tâm được, nên cực chẳng đã Xương-Văn phải chịu.
Sáng ngày tuyên bố lời hịch thì quân-sĩ thảy đều thuận tùng. Xương-Văn bèn hiệp với Cảnh-Thạc và Kiết-Lợi dẫn quân trở về Cổ-Loa lo phế Bình-vương trước rồi sẽ tính dẹp loạn Kiều-Khấu.
[1] Hồi Hồ: bây giờ là Cẩm-Khê, thuộc trong tỉnh Phú-Thọ (Bắc-Kỳ)
[2] Phong-Châu: bây giờ là Bạch-Hạc, thuộc tỉnh Vĩnh-Yên (Bắc-Kỳ)