Tác giả: Võ Sĩ Khải
Nguồn: Thư viện Tổng Hợp Tp. HCM, Việt Nam
Khảo cổ học nghiên cứu tư tưởng và đời sống tinh thần của con người và cộng đồng trong quá khứ căn cứ trên những dấu vết văn hóa vật chất còn tồn tại dưới dạng những di chỉ và di vật, phản ánh những cấu trúc văn hóa mà truyền thống có khuynh hướng làm cho ổn định và được biểu hiện qua ngôn ngữ, hoạt động sản xuất, nghệ thuật, tín ngưỡng và những định chế được hình thành trong quá trình phát triển của xã hội.
Phần 01: Những đợt thiên cư của các dân tộc tiền sử và sơ sử qua châu thổ Sông Cửu Long: Ngôn ngữ và Cộng đồng Văn hóa (tiếp theo)
Những chứng tích sinh hoạt xưa nhất của thời đại đá mới được tìm thấy ở vùng ven, trên những thế đất đồi gò miền Đông Nam Bộ và phía Nam tỉnh Lâm Đồng trên các độ cao từ 150m đến 50m, trong lưu vực sông Đồng Nai, vùng nối tiếp giữa dãy Trường Sơn với đồng bằng châu thổ. Từ khoảng 3.000 năm cho đến 1.000 năm trước công nguyên, các cộng đồng đã bước qua giai đoạn kinh tế trồng trọt và chăn nuôi (cùng với hái lượm và săn bắt) đã sinh sống ở Cầu Sắt, Hang Gon, Suối Chồn, Phước tân … Trên những thế đất cao trung bình từ 50m đến 10m, phần lớn các khu sinh hoạt quan trọng có niên đại từ 2.000 cho đến 1.000 năm trước công nguyên như Dốc Chùa, bến Đò, Cù Lao Rùa, Ngãi Thắng … Vùng đất thấp ven biển và đồng bằng ngập nước hầu như chỉ có người sinh sống trong thiên kỷ cuối trước công nguyên như ở An Sơn, bạch Núi, Rạch Rừng, Gò Tháp, Óc Eo,…
Qua các đợt thiên cư, các cộng đồng ở nội địa đã tiến xuống đồng bằng châu thổ cùng với quá trình bồi tụ của nó. Đặc điểm của xã hội đá mới ở châu thổ Sông Cửu Long là sự cộng cư của các tộc người nói các thứ tiếng khác nhau thuộc hai ngữ hệ lớn của Đông Nam Á: Nam Á và Nam Đảo, mang những truyền thống chế tác công cụ đá khác nhau, rìu có vai và rìu không vai với những biến thái rất đa dạng trong hình mặt cắt của phần giữa lưỡi rìu.
Rìu có vai chiếm một tỷ lệ lớn, 75% trên vùng đất cao miền Đông Nam Bộ và 72% trên toàn châu thổ. Các loại rìu có mặt cắt hình chữ nhật, có vai hoặc không vai, được xem là sản phẩm của các cộng đồng người Indonésien trong đợt thiên cư lớn từ giữa thiên kỷ III đến giữa thiên kỷ II trước công nguyên. Các tộc người Indonésien ở lại đất liền vẫn có những quan hệ xã hội với các tộc người nói tiếng Nam Á khác, và qua quá trình cộng cư lâu đời, một số người Indonésien, về mặt nhân thể, có thể đã chuyển biến thành người Nam Á và ngược lại. Do đó, rìu có vai, thường được xem là một loại hình công cụ đặc trưng của các tộc người Đông Nam Á nội địa, vẫn được các cộng đồng Nam Á và Nam Đảo chế tác và sử dụng. Người Indonésien đã mang loại hình này với mặt cắt ngang thân hình chữ nhật phổ biến ra các hải đảo Thái Bình Dương.
Rìu không vai, với số lượng tổng thể khiêm tốn của chúng, được phân bổ không đồng đều trên châu thổ, tỷ lệ tăng dần khi tiến về đồng bằng thấp. Tuy nhiên, ở vài địa điểm cư trú trên vùng đất cao và trung bình, số rìu không vai được ghi nhận lớn hơn rìu có vai trên cùng một địa điểm, như ở Suối Chồn, Dốc Chùa, Cù Lao Rùa, trong lúc ở Rạch Núi, một di chỉ cư trú vùng thấp ven biển hầu như toàn bộ rìu đá đều là rìu không vai.
Tính đa dạng trong hình mặt cắt lưỡi rìu các loại, có vai hoặc không vai, cho thấy nhiều truyền thống văn hóa của các cộng đồng nói tiếng Nam Đảo đã chung sống trên châu thổ Sông Cửu Long trong 3 thiên kỷ cuối trước công nguyên. Họ gồm những nhóm người đã ở lại định cư trên đất liền trên đường thiên cư và cả những nhóm người trở lại đất liền từ vùng hải đảo. Chủ nhân của những chiếc rìu mặt cắt hình thuẫn tìm thấy ở Phước tân, Suối Chồn, Núi Sập thuộc truyền thống của những người trong đợt thiên cư lớn đầu tiên của người Nam Đảo không đi qua Đông Dương; những người chế tác loại rìu này có lẽ đã vào sinh sống ở vùng châu thổ từ các hải đảo phía Đông hoặc phía Nam.
Đồng đỏ (cuivre) đã được sử dụng ở Đông Nam Á từ trước thiên kỷ IV trước công nguyên và đồng thau (bronze) vào khoảng đầu thiên kỷ III. Ở châu thổ Sông Cửu Long, những dấu hiệu về thuật đúc đồng được ghi nhận ở Núi Gốm (tỉnh Đồng Nai) vào khoảng 2.000 năm trước công nguyên và đã đạt đến trình độ phát triển cao, ở Dốc Chùa (tỉnh Bình Dương) vào khoảng từ 1.200 năm đến 500 năm trước công nguyên với nhiều loại sản phẩm bằng đồng đúc gồm rìu, dáo, lao, dao, qua, tượng thú có hình dáng đẹp và hoa văn trang trí, cùng với nhiều khuôn đúc bằng sa thạch, chứng tỏ nghề đúc đồng rất tập trung ở địa điểm này. Những chiếc qua đồng tìm thấy ở Long Giao (tỉnh Đồng Nai) với kích thước đặc biệt lớn và đường nét trang trí tinh mỹ đã tạo cho đồ đồng ở vùng châu thổ Sông Cửu Long một nét độc đáo, khác biệt. Ngoài ra, một số trống đồng Đông Sơn cũng được tìm thấy trong vùng (Bình phước, Bình Phú, Vũng Tàu): đó là những sản phẩm giao lưu giữa châu thổ và nội địa.
Vào giữa thiên kỷ I trước công nguyên, sắt đã được sử dụng rộng rãi ở châu thổ, với nhiều loại sản phẩm tìm thấy ở Phú Hòa (tỉnh Long Khánh), suối Hàng Gòn, Dầu Giây và Suối Chồn (tỉnh Đồng Nai), gồm lưởi kiếm, lưỡi liềm, vòng, lưỡi rìu có họng tra cán …
Đồng và sắt, như vậy, đã được dùng phổ biến ở châu thổ Sông Cửu Long vào những niên đại tương đối sớm, phát triển đồng thời với các thời kỳ sơ sử ở đồng bằng sông Hồng và sông Mã từ giai đoạn Phùng Nguyên (cuối thiên kỷ III – đầu thiên kỷ I trước công nguyên) cho đến giai đoạn Đông Sơn (thế kỷ IX trước công nguyên chp đến thế kỷ III sau công nguyên), và với văn hóa Sa Huỳnh (thế kỷ X đên thế kỷ I trước công nguyên). Đây là thời kỳ của các đợt thiên cư lớn của người Nam Đảo đi qua Đông Dương, đặc biệt là của các cộng đồng người Indonésien từ đất liền ra hải đảo và các cộng đồng người Malaysia từ hải đảo (họ đã ra đảo từ những thời kỳ sớm hơn) trở về sinh sống ở đất liền, bên cạnh hoặc cùng với những cộng đồng bản địa ít nhiều có những quan hệ thân tộc hay văn hóa.
Trong bối cảnh sinh hoạt của những dân tộc định cư và tính di động của các nhóm người thiên cư, các truyền thống chế tác các loại rìu đá có vai và không vai cũng thể hiện ở loại hình cư trú “những thành đất tròn” thường gặp rải rác trên khắp miền đất đỏ Nam Trường Sơn (Đông bắc Campuchia và các cao nguyên Nam Việt Nam). Đây là những công trình đất đắp gồm hai vòng thành hình tròn đồng tâm, đường kính vòng ngoài khoảng từ 120m đến 130m. Ở tỉnh Bình Phước, trên 20 thành đã được xác định. Những thành đất tương tự cũng được ghi nhận ở Cánh Đồng Chum (Bắc Lào), Đông Bắc Thái Lan,… Những hiện vật đào được bên trong vòng thành đất tròn ở Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước) gồm các loại rìu đá mài, mũi nhọn, bàn mài, mảnh tước, mảnh gốm,…
Từ khi đồ sắt được phổ biến ở châu thổ, các cộng đồng ở đây vẫn tiếp tục chế tác và sử dụng các công cụ đá và đồng ở những mức độ và trình độ khác nhau. Mãi cho đến thế kỷ cuối cùng trước công nguyên vẫn có những cộng đồng hầu như chưa biết, hay biết nhưng không sử dụng công cụ bằng kim loại.
Truyền thống đá và gốm, trái lại, đã duy trì một cách dai dẳng ở châu thổ Sông Cửu Long xuyên qua thời đại đồng, thời đại sắt và vẫn còn lưu lại dấu vết trong văn hóa Óc Eo.
Tục thờ đá và truyền thống cự thạch đã tồn tại lâu dài trên châu thổ, từ những tảng đá, hòn cuội, những cụm đá mang tính chất thiêng liêng cho đến kiến trúc cự thạch đồ sộ ở Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai). Đó là một hầm mộ lớn được ghép bằng 6 phiến đá hoa cương, trong đó tấm đậy dài 3,50m rộng 2,50m, nặng khoảng 10 tấn, chung quanh có dựng nhiều cột đá lớn. Ngôi mộ này có những nét giống như một số mộ đá cổ ở bán đảo Malaysia và ở Indonésie. Hầm mộ cự thạch có cột đá dựng chung quanh cũng được tìm thấy ở Ấn Độ. Kiến trúc đá này chỉ có thể được thực hiện với những dụng cụ bằng sắt. Đây là công trình của một cộng đồng cư dân châu thổ vào một thời kỳ đã có những dòng giao lưu văn hóa rộng rãi ở Đông Nam Á và có thể với cả Ấn Độ vào thời đại sắt.
Truyền thống gốm ở châu thổ Sông Cửu Long mang một số đặc điểm của các loại gốm tiền sử và sơ sử ở Nam Đông Dương, nói chung, chưa dùng bàn xoay và được nung ngoài trời.
Những đồ đựng bằng gốm trong thời kỳ này thường không có quai, đát tròn, một số có chân đế. Về hình dạng, có thể phân biệt loại đồ đựng có hông dạng tròn hay hình trứng, cao thấp khác nhau, miệng rộng hay hẹp, đi từ loại đồ đựng rất cạn: đĩa, ly có đế (coupelle) cho đến loại hình dạng tròn, qua tất cả các dạng trung gian (chén, nồi). Các loại đồ đựng có chân đế như ly, bát cũng thường gặp ở những thời kỳ rất sớm. Các loại bình có cổ và có chân đế, đặc biệt loạt bình có vòi với nắp đậy hình tháp, loại vung hình trứng, loại đồ đựng có đáy phẳng của các nồi nấu kim loại … là những loại hình gốm sơ sử muộn.
Hoa văn trang trí trên gốm hầu hết là những đường nét hình kỷ hà: đề tài grecque đơn giản, hình thoi, đường gãy, đường xoắn ốc, đường dợn sóng, đường chấm giải (motif pointillé) … Có thể xam văn thừng (décor à la cordelette), văn dan (céramique au panier) là các loại xưa nhất. Ngoài ra, còn có nhiều loại hoa văn được tạo bằng vết móng tay (au coup d’ongle), mũi nhọn, răng lược, bàn dập hoa văn (à la batte) …
Với một truyền thống kéo dài nhiều ngàn năm với sự đan xen của nhiều dân tộc và nhiều dòng văn hóa, gốm tiền sử và sơ sử của vùng châu thổ Sông Cửu Long, ngoài tính chất bản địa của nó, còn có những nét riêng biệt của sự gia lưu: những yếu tố của gốm Samrong Sen, Mlu Prei (Campuchia), gốm Đông Sơn, Sa Huỳnh … trước khi xuất hiện loại gốm mịn Óc Eo điển hình của thời ký Phù Nam.
Những tập hợp hiện vật khai quật được ở các di chỉ khác nhau trên châu thổ Sông Cửu Long cho thấy sự phân bố của các cộng đồng văn hóa nói tiếng Nam Đảo và Nam Á cũng như sự cộng cư hay chuyển biến của các cộng đồng này. Nói một cách khác, những dân tộc nói tiếng khác nhau thể hiện truyền thống chế tác công cụ và vật dụng của họ theo những quan niệm khác nhau. Dĩ nhiên loại công cụ sản xuất, đồng thời cũng là vũ khí thiết yếu nhất, cái rìu đá, dù với loại hình nào (không vai, có vai; vai xuôi, có mặt cắt lưỡi hình bầu dục, hình thấu kính, hình chữ nhật, hình thang,…) đã phải được chế tác theo kiểu nhằm đạt hiệu năng sử dụng cao nhất theo chức năng của nó trong sản xuất, tự vệ hay tấn công, theo môi trường sống, làm rẫy trên thế đất cao hay thấp, rừng rậm hay đầm lầy, đất khô cứng hay mềm ẩm, loại thú rừng cần săn bắt, …
Các cộng đồng tiền sử nói tiếng Nam Đảo hay Nam Á vẫn có thói quen sinh sống ở những độ cao khác nhau, trên những thế đất khác nhau, ở nội địa hay ngoài hải đảo. Các loại hình rìu đá ở châu thổ Sông Cửu Long cho ta thấy những quan niệm và tâm lý khác nhau của những cộng đồng ngôn ngữ khác nhau biểu hiện trên vật dụng được chế tác: đó là tư tưởng thực tiễn về tính hữu hiệu của công cụ trong tương quan với môi trường sống. Tư tưởng này là chỗ dựa của truyền thống. Trong quá trình cộng cư và hội nhập, đã có sự thích nghi giữa truyền thống và môi trường, đưa đến sự điều tiết của khái niệm về loại hình công cụ. Do đó, mà từ hai truyền thống ban đầu, rìu có vai của những cộng đồng nói tiếng Nam Á và rìu không vai của những cộng đồng nói tiếng Nam Đảo, đã xuất hiện loại rìu chuyển tiếp vai xuôi và sự phối hợp giữa ba loại hình này với bảy loại mặt cắt ngang thân tạo thành 21 loại rìu khác nhau có thể quan sát được ở châu thổ Sông Cửu Long. Sự kiện này cho thấy những chuyển biến trong quan niệm của cộng đồng qua sự tiếp xúc và hội nhập văn hóa, đưa đến sự chuyển biến và đa dạng hóa của tư tưởng và truyền thống trong các cộng đồng ngôn ngữ khác nhau.
Trên đây là những biểu hiện tư tưởng đầu tiên có thể ghi nhận được ở các cộng đồng văn hóa nói tiếng Nam Đảo và Nám Á sống trên châu thổ Sông Cửu Long vào những thời đại trước công nguyên, từ những công cụ đá đã khai quật được. Những tư tưởng này mang tính thực tiễn về hiệu năng của dụng cụ được chế tác, phản ảnh những quan niệm và truyền thống văn hóa khác nhau ở các cộng đồng ngôn ngữ khác nhau. Những tư tưởng này có khả năng thích nghi và chuyển biến theo môi trường sống cũng như khả năng thích ứng và hội nhập với các văn hóa khác ngoài cộng đồng.