Bài viết được Sưu tầm từ tài liệu Điện tử của Thư viện Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh. Do sơ suất, tôi không tìm ra được tên Tác giả bài viết, cuối bài chỉ ghi “Tháng 11.1985 – Tháng 8.1997”. Tôi đoán là thời gian tác giả biên soạn và sưu tầm tài liệu.
Nội dung Bài viết rất chi tiết và dựa trên nguồn tài liệu phong phú, đáng tin cậy. Đây là nguồn thông tin quí giá nên tôi xin phép được chia sẽ trên website này, mặc dù chưa thể đề tên tác giả. Chân thành cảm ơn tác giả đã dày công tra cứu và biên soạn.
Phần II: Khảo cổ học đất Gia Định và vùng ven trong 10 thế kỷ đầu Công Nguyên
Vùng ven Phía Bắc Sài Gòn
24. Dốc Sỏi
(Tọa độ 12,175 B – 116,085 Đ), thuộc xã Bình Phước, tổng Phước Vĩnh Thượng cũ, ở khoảng 1km phía Bắc thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) có một hồ chữ nhật dài khoảng 1500m, rộng 375m nằm theo hướng Đông – Tây, có một thềm cao bao quanh.
Ngày nay nước đã cạn, hồ nước cổ này là hồ lớn nhất được biết ở châu sông Cửu Long và vùng ven. Một dải đất cao nổi lên ở bờ phía Đông, trên con đường từ Biên Hòa đi Trị An. Victor Goloubew đã đề cập đến hồ này trong một bài nghiên cứu về những công trình thủy lợi cổ kèm theo một chụp từ máy bay của khu di tích.
25. Rạch Vương Cai
(Tọa độ 12,117 B – 116,115 Đ). Ở phía Nam Cù Lao Phố, tả ngạn sông Đồng Nai, thuộc xã Long Bình, tổng Long Vĩnh Thượng, tỉnh Biên Hòa cũ (Đồng Nai). Ở phía Bắc rạch này, trong một đống gạch cổ, B. Révertégat đã tìm được một tượng nữ thần Uma chiến thắng Quí Trâu/ Hậu Óc Eo. Tượng có 4 tay, hai tay trên đưa ra phía trước, ngón trỏ và ngón cái chập lại, đầu đội mão hình lăng trụ hẹp dần về phía trên, hai chân đứng trên đầu trâu (sư tập riêng của B. Révertégat.
26. Long Bảo Tự
(Tọa độ 12,093 B – 116,129 Đ), xã Long Hưng, tổng Long Vĩnh Thượn cũ (Đồng Nai) cách Bến Gò khoảng 1km, theo ghi nhận của Georges Mignon, trong chùa có một tượng Ganesa ngồi bằng sa thạch (cao 0m28) không đội vương miện và được tạc một cách khá sinh động. Gần đó có hai tượng thần khác đã được tô trát, để thờ dưới dạng Lưu Bị và Quan Công.
27. Chùa Bửu An
(Tọa độ 12,093 B – 116,133 Đ), xã An Hòa cũ, cũng gần Bến Gò, trong chùa có để thờ một tượng nữ thần 4 tay bằng sa thạch (cao 0m76), ngực nở nang, mông lớn, vận một sarong trơn, đầu đội mão hình lăng trụ, tay trái phía sau đưa cao một con ốc. Dái tai được xuyên thủng để mang trang sức. Ở địa điểm này, một số đá kiến trúc và gạch khổ lớn cũng đã được tìm thấy trên một thế đất cao.
28. Bình Hòa
Một pho tượng Visnu cỡ lớn đã được phát hiện năm 1977 giữa lòng sông Đồng Nai ở độ sâu 20m tại ấp Bình Hòa, xã Hòa An, Biên Hòa (Đồng Nai). Tượng tạc b8a2ng sa thạch, ở tư thế đứng, cao 1m58 (2m10 tính cả thân đế), 4 tay, đội mão hình lăng trụ, quấn sampot đơn giản xếp hình rẻ quạt phía trước và phía sau. Tóc cuộn thành từng búp nhỏ lộ ra dưới mão trước trán và đằng sau buông xõa xuống lưng. Tượng này tạo hình theo phong cách Phonom Da, được định niên đại vào thế kỷ VI – VII.
29. Chùa Bửu Sơn
(Tọa độ 12, 166 B – 116,075 Đ), tại ấp 1, phường Hòa Bình, thị xã Biên Hòa (Đồng Nai), có để thờ một tượng Visnu bốn tay bằng đá, tạc trong tư thế ngồi, lưng dựa vào một phiến đá hình vòng cung đỉnh nhọn có khắc 9 dòng chữ cổ. Tượng cao 1m09 (1m40 tính cả bệ), ngồi xếp bằng, hai tay trước đặt lên đùi, mỗi tay cầm một gậy ngắn. Hai tay sau đưa lên cao, tay phải cầm một bánh xe nhỏ, tay trái cầm con ốc. Tượng thần được tạc với nhiều trang sức nặng; mão gồm một vương miện và một chóp tròn nhọn trên đỉnh đầu, hoa tai lớn rủ xuống vai. Vòng đeo cổ lớn, rộng đến nửa vai và che phần trên ngực, gồm hai dây hạt chuỗi dài treo thõng xuống. Một dây quàng (cordom bramanique) chạy từ vai trái xuống bụng, vòng qua hông phải, luồn dưới mép trên ở cổ tay. Trên hai tay sau chỉ thấy vòng ở cổ tay.
Theo nghiên cứu của Antoine Cabaton, bản văn khắc sau tượng viết bằng chữ Chăm cổ, nói về những chiến công của hoàng tử Nauk Glaun Vijaya (con của Sri Yaya Simhavarman), người đã đánh chiếm nước Brah Kanda. Minh văn ghi niên đại bằng lối ẩn dụ, đã mờ nét nên các nhà nghiên cứu đã đọc nhiều cách khác nhau: 1363 Saka (A. Cabaton); 1282 Saka 9E. Aymonier); 1343 Saka (L. Finot), G.Goedès chấp nhận niên đại 1,343 Saka = 1421 Công nguyên.
Tuy nhiên, theo sử liệu, hoàng tử Nauk Glaun Vijaya đã lên ngôi năm 1400 với vương hiệu Vira Bhadravarman (Ba Địch Lai) và chết năm 1441, cho nên một niên đại sớm có lẽ phù hợp với sự kiện hơn, vì bản văn còn dùng tên hoàng tử Nauk Glaun Vijaya chứ kh6ong dùng vương hiệu Vira Bhadravarman.
Về danh xưng, minh văn dùng từ Yvan để chỉ nước Việt, từ Kvir để chỉ nước Chân Lạp và nhắc đến một nước gọi là Brah Kanda.
30. Ông Yêm
(Tọa độ 12,43 B – 115,85 Đ), khoảng 4km phía Đông Bắc Bến Cát, tại Trường Nông Nghiệp (Ecole d’ Agriculture de Ông Yêm) thuộc tỉnh Thủ Dầu Một cũ (Bình Dương), năm 1917 đã phát hiện một tượng Nam nhỏ 4 tay bằng đá (cao 0m38), khoác y phục ngắn xếp nếp với một thắt lưng lớn. Những nếp trang trí nhỏ của y phục vòng quanh bụng kéo dài xuống đùi phải, trong lúc những nếp lớn hình móc câu buông xuống đùi trái, theo phong cách Baphuon (thế kỷ XI). Tượng này đã được đưa vào Bảo tàng Sài Gòn (MBB N0 2257).
Nhiều hiện vật điêu khắc tìm thấy ở Thủ Dầu Một do Joyeux thu thập được xem là thời kỳ Hậu Óc Eo, gồm một somasutra có đường rãnh dài, một thềm hay mí cửa và một bàn nghiền pesami, và đặc biệt là những mảnh vỡ của một trống đồng nhỏ loại I (đã đưa vào Bảo tàng Louis Finot ở Hà Nội, số đăng ký 17659).