Lý Tố dầu muốn trốn khỏi tay hai người kia cũng không thể nào thoát đặng. Thế rồi anh ta cũng không tính trốn trong lúc nầy nữa.
Vừa qua khỏi biên giới nước Y Ta Ly, tới đất Y Sĩ Lợi thì anh ta thấy mọi việc gì cũng đều biến đổi cả. Người ta trân trọng mình một cách lạ thường, đi đứng được sung sướng hơn mà có muốn trốn thì cũng khó trốn hơn vậy.
Tới chỗ nầy ông xã ra nghênh tiếp, tới chỗ nọ ông quan ra chào, người ta, người nào cũng ngó anh một cách cung kính cả. Bây giờ đã có gần cả chục người theo anh đưa anh về chốn kinh đô. Anh nghĩ thầm trong bụng, lo sợ luôn luôn, không biết rằng quốc âm của nước Y Sĩ Lợi có giống quốc âm của nước Y Ta Ly không. Tuy vậy anh cũng yên lòng vì dọc đàng người ta đều dùng tiếng Y Ta Ly mà nói chuyện với anh và anh trả lời xuôi hết.
Anh về tới đền vua một bữa sớm mai kia thiệt sớm. Nhờ thiệt sớm, người người đều còn đương yên giấc nên không ai hay chuyện gì. Như vậy cũng may cho anh nữa. Người ta dắt anh đi vô một cái cửa nhỏ, cửa nầy dính cô một tấm vách tường thật cao. Trước khi tới một cái đền cũ, um sùm buồn bực xem hơi giống một cái đề lao thì anh phải bước đi ngang qua một cái vườn nhỏ sương sa mù mịch.
Lý Tố vào đến trong đền. Anh dòm bên nầy, ngó bên kia thấy nhiều gian phòng rộng rãi nguy nga thì trong trí bắt nhớ đến mấy cái viện bảo tàng mà anh đi viếng mấy năm trước. Anh tưởng nhầm và không hiểu rằng mấy ông vua đều phải ngủ giữa mấy cái tượng đồng, tượng đá và những tấm tranh như vậy hay sao.
– Đây là phòng của Bệ hạ.
Lý Tố có nhớ có biết hay không? Anh không biết nhưng anh phải làm bộ biết, tới đây, chuyện gì anh cũng phải biết hết thảy. Anh gật đầu một cái nhẹ, làm bộ như mình vui lòng về lại chỗ cũ vậy mà trong bụng anh thì anh lấy làm khó chịu vì cách ở ăn theo lối mới nầy vậy.
Anh nói nho nhỏ trong miệng, vừa nghe đặng:
– Được, một chút tôi sẽ ngủ cho khỏe.
Đàng sau lưng có tiếng người nói:
– Tôi xin nói cho bệ hạ rõ rằng một giờ nữa Bệ hạ mới ngủ đặng.
Tiếng nói lạ, anh mới quay đầu lại xem biết là ai. Anh thấy một người cao lớn, tuổi chừng lối bốn mươi, hai con mắt sâu sắc, cằm nhọn, tóc ít mà bạc hoa râm. Anh nghĩ thầm rằng:
– Người nầy là ai vậy? Và làm chức tước gì mà bộ tướng coi oai quyền lắm vậy.
Lý Tố chưa kịp nói gì thì có một người khác bước tới. Người nầy là một ông quan võ mà bộ tướng lại chẳng hung hăng.
Bụng ông ta hơi lớn hơn một chút, ông mỉm cười làm như rất vui lòng mà thấy mặt Lý Tố. Không chừng hồi trước ông hoàng Gia Cát Lợi và ông ta có biết nhau nhiều, có tình thân mật với nhau nên ông ta mới cười như vậy nhưng mà những chuyện hồi trước ở bên nầy Lý Tố làm sao biết được; anh ta không phải là ông hoàng mà cũng không phải là một ông thầy bói giỏi.
Ông quan võ nói với anh một cách vui vẻ và cung kính rằng:
– Thưa Bệ hạ, bá tước nói phải. Bệ hạ phải nán lại một giờ rồi mới nghỉ đặng nhưng xin Bệ hạ đừng phiền, chỉ có một bữa nay là vậy mà thôi, mấy ngày khác Bệ hạ muốn nghỉ chừng nào cũng được tùy Bệ hạ.
Lý Tố gật đầu một cái nhẹ tỏ ý nghe lời, anh muốn kêu ông nọ nhưng không biết kêu làm sao, kêu là quan hệ gì nên anh chỉ nhếch mép cười một chút rồi khởi sự cổi lấy cái áo choàng ra.
Bá tước lấy làm lạ mà thấy ông vua của mình ăn mặc một cách kỳ khôi làm vậy. Lý Tố bận đồ thường, không có vẻ gì tốt đẹp sang trọng cả, áo quần này anh dùng khi trong gánh xiệc đi ra mà trong lúc đi đường cũng không thay đổi nên bây giờ xem càng tệ hại hơn nữa. Ông nhắm nhía rồi hỏi rằng:
– Bệ hạ chắc hẳn muốn ăn mặc như vậy, muốn thay hình đổi dạng đặng cho chúng tôi không tầm ra được nhưng cũng chẳng thể nào bỏ chúng tôi mà đi đâu đặng cho.
Lý Tố bối rối không hiểu phải trả lời thế nào, anh ta làm thinh giây lâu rồi mới thốt rằng:
– Ông nói như vậy dù trúng hay trật tôi cũng không cãi làm gì.
Ông quan võ cười dài một cái rồi nói:
– Bây giờ ở đây không phải mà nói chuyện dông dài được, tôi xin cho Bệ hạ rõ coi ngài phải làm gì những điều gì bây giờ. Đây là sắc phục nhà binh của Bệ hạ mà Bệ hạ là ông tướng soái. Sắc phục nầy lạ một chút, Bệ hạ không nhìn được là vì mấy năm nay nó đổi kiểu luôn luôn cho tới tôi là người nai nịt nó trong mình mỗi ngày mà cũng không nhớ được rằng trong lúc Bệ hạ đang còn ở trong xứ, kiểu vỡ nó ra làm sao.
Ông Bá tước tiếp rằng:
– Nhưng như vậy mà làm sao, có người giúp cho Bệ hạ để mặc vào cho trúng cách. Còn bây giờ đây chúng tôi xin lui. Lối mười giờ sớm mai nầy chúng tôi sẽ nói lại cho Bệ hạ rõ những chuyện gì xảy ra trong nước trong khi ngài vắng mặt và xin ngài ký tên đỡ một vài chữ.
Hai người bước lui một cách kính cẩn Lý Tố vô cùng. Bây giờ anh hề ta đã thấy rõ mình đã mắc cứng vào đây, khó mà thoát đi đâu được nữa cả.
Anh là một ông vua, một vì chúa của cả nước Y Sĩ Lợi nhưng mà có lẽ cũng là một người tù của nước ấy vì bao giờ anh cũng muốn vượt ra mà không đặng. Bộ tướng và cử chỉ của bá tước làm cho anh không ưa đặng; ông quan võ nọ, anh vừa thấy thì anh đã có cảm tình nhiều ít nhưng anh phải lo ít nhiều. Anh tự hỏi:
– Nếu ông hỏi mình những chuyện hồi trước thì mình biết trả lời làm sao? Ông ta biết mình hồi thuở nhỏ.
Anh sợ như vậy cũng may cho anh, ông quan năm không bao giờ hay nhắc chuyện đời xưa.
Lý Tố nằm xuống một hồi lâu rồi ngủ quên.
Lối mười giờ ông quan khả lâm trở lại có dắt theo một người thợ cạo để sửa soạn cho vua. Anh thợ cạo lấy làm lạ mà thấy ông vua gân tay nổi vồng và cứng ngắt, thấy mấy ngón tay chai cứng vì thường nắm lấy mấy cái đu. Anh không hỏi một câu gì ráo là vì anh biết chuyện và anh tưởng thầm trong bụng rằng trước mặt ông chúa như vậy mình không nên lấy làm lạ chuyện gì hết thảy. Ấy cũng là may cho Lý Tố nữa.
Đương lúc anh thợ cạo làm nhiệm vụ của mình, ông quan năm Khả Lâm khởi nói chuyện với vua. Ông nói lại nhiều chuyện mà Lý Tố rất vui lòng nghe biết nhiều lắm.
Ông nhắc lại rằng:
– Bệ hạ có nhớ hay không? Lần chót mà Bệ hạ ra khỏi hoàng cung … lối nửa đêm … ra tại cửa nhỏ bên nầy mà đi …
Lý Tố muốn đáp lại vài câu mà không được, thợ cạo đang vịn cái cằm của anh mà cạo râu mép cho anh. Anh không dám nói vì sợ phạm mà tưởng lại anh nên lấy cái nỗ ấy mà làm thinh luôn vậy. Ông quan năm Khả Lâm nhắc chuyện cũ lại mà chơi chớ không có ý cật vấn gì và có dè đâu mà cật vấn.
Ông tiếp rằng:
– Vậy mà bây giờ Bệ hạ đổi nhiều, nhiều lắm nhưng thể nào tôi cũng nhìn được không quên.
Thừa lúc anh thợ cạo liếc dao, Lý Tố sửa soạn hỏi vài câu, hỏi cho biết, cho khỏi lúng túng mai sau nầy:
– Ông nói tôi đổi, tôi đổi cái gì đâu?
Ông quan năm làm thinh suy nghĩ:
– Đổi chớ! … Bệ hạ bây giờ xem mạnh mẽ hơn, hai vai nở ngang ra lớn, tướng tá vạm vỡ hơn.
Ông ta bước lại gần, ngó xem kỹ lưỡng, cái đầu của Lý Tố đang dựa ngả ra đằng sau ghế!
– Tôi xem kỹ và tôi nhớ rõ rằng Bệ hạ bây giờ tóc nhiều hơn, cứng hơn mà nhứt là …
– Nhứt là giống gì?
– Nhứt là cái tánh tình của Bệ hạ. Khi trước không buổi nào, không anh thợ cạo nào mà không bị rầy, bây giờ xem coi Bệ hạ hiền lắm nhưng có một điều là không hay nói chuyện mà thôi.
Ông nghiêng mình một cái, đổi giọng nói lại hơi nghiêm nghị một chút:
– Bệ hạ đổi đặng vậy thì cả mấy triệu dân trong xứ nầy đều lấy làm có phước lớn mà chính mình kẻ hạ thần cũng một lòng mà phò vì chúa như vậy.
Lý Tố đáp lại vài câu cho vui lòng ông nọ rồi lấy tay ra dấu bảo anh thợ cạo, cạo đi cho rồi.
Ông quan năm Khả Lâm bước lui ra ngoài để nói chuyện cùng bá tước Phiệt Năn Đi. Gặp một bá tước ông mau mắn, và vui vẻ mà thốt rằng:
– Vua bây giờ đổi nhiều lắm, nhìn không muốn ra ông à.
Bá tước đi tới đi lui trong một cái phòng rộng rãi, tốt đẹp, hai tay chắp sau lưng, đầu cúi xuống dường như nghĩ điều chi vậy. Ông đứng lại, ngước mặt lên ngó ông quan năm Khả Lâm và nói một cách tươi tỉnh đằm thắm như vầy:
– Không chắc như vậy đâu.
– Sao lại không chắc, thiệt vậy chớ, ngài bây giờ đằm thắm oai nghi mà lại hiền hậu dễ thương nữa.
Bá tước rùng vai một cái, rồi vừa bước đi vừa nói một giọng cay đắng dường như mình không ưa ông vua chút nào và như ganh ghét mà thấy ông vua đặng đổi tánh đổi hình làm vậy:
– Hiền hậu, dễ thương, ông nói vậy làm cho tôi lấy làm lạ vô cùng, ông Khả Lâm à. Không đời nào mà cái giống đó đổi đi cho được. Cha nào con nấy, ông nghĩ lại coi có pải vậy hay không? …Ông có hỏi tại làm sao mà cha ông chết hay không?
Ông quan năm sửng sốt hỏi rằng:
– Không, ông không có nói một tiếng gì cả.
Bá Tước Phiệt Năn Đi cười gằn:
– Đó ông thấy chưa, ông cho rằng ông đổi nhiều lắm phải chăng? … Ông lầm rồi, cả và kiến họ đó người nào cũng bạc nhẽo và hung tợn hết thảy mà.
Ông quan năm đứng ngay thẳng lại, giọng nói nghe hơi cứng cỏi rằng:
– Bá tước, tôi không thể nghe mấy lời ông nói làm vậy được. Chúng ta bề nào cũng là tôi, người bề nào cũng là chúa, chúng ta chẳng nên nói vậy.
Bá tước Phiệt Năn Đi dường như không co lòng khâm phục vua mình nên vẫn nói rằng:
– Ông tưởng rằng một đứa con nít ngày chí tối chỉ theo đám đàn mèo chuột làm vậy đáng cho mình cúi đầu chìu lụy hay sao? Ông biết mấy năm nay ông làm gì bên Pháp, bên Y Ta Ly, bên Đức hay không? Những chuyện ấy có người cho tôi hiểu rõ lắm ông à.
Ông quan năm không bằng lòng nghe những lời ấy, ông làm vậy là không đặng trung chánh với phận sự của mình. Ông cãi lại rằng:
– Ông vua mình làm những gì không quan hệ tới mình thì thôi, mình không nên nói quá làm vậy.
Nói tới đây ông vùng ngưng lại vì thấy cánh cửa mở ra và một vị quan võ bước vào đứng thẳng thớm cũng như một con bù nhìn hay là một cái người bằng sáp chưng trong mấy hãng lớn vậy. Ông vua sẽ tới.
Bà tước sửa gương mặt lại và đứng gần một cái bàn làm việc còn quan năm Khả Lâm thì bước lại hầu gần cửa để tiếp vua.
Trong phòng lặng lẽ như tờ.
Lý Tố khoan thai bước vào chớ không phải vụt chạy như lúc còn làm hề trong gách xiệc Ba Lợi Ty.
Anh ta dòm quanh quất, xem món nầy vật nọ mà thuở nay chưa từng thấy. Quan năm liền hỏi:
– Bệ hạ xem coi có khác khi xưa không?
– Không, không khác gì mấy.
Anh bước lại bản, ngồi xuống ghế nhắm xem một mớ giấy tờ nằm ngổn ngang trên bàn mà bụng thì tự nghĩ không biết mình phải làm sao đây.
Trong lúc nầy bá tước lại gần ông quan năm đứng sát đằng vách kai mà nói nho nhỏ rằng:
– Ông nói phải, quả thật ông có đổi nhiều …
Bá tước nín một chút rồi tiếp:
– Đổi thêm xấu nữa …
Nghe vậy, ông quan năm không chịu được, ước sức ông vặn họng được bá tước tức thì tại chỗ thì ông cũng vặn đi cho rồi. Ổng có một cái tình trìu mến với ông vua tự thuở kia lận.
Bao giờ ông cũng bênh vực và châm chế cho một người trẻ tuổi, sự ham muốn còn nhiều mà bây giờ ông lại còn binh vực vua hơn nữa vì ông cho rằng vua biết ăn năn sửa tánh.
Ông dòm lại bàn thấy Lý Tố ngồi ngay thẳng nghiêm chỉnh thì nói thầm một mình rằng:
– Ngài đang lo nghĩ những việc nước coi phải làm như thế nào … Bá tước quả thật là một thằng ngốc. Vua quả thật là một vị minh quân.
Nói rồi ông bước lại gần vua mà rằng:
– Mấy giấy nầy phải gởi đi nội buổi sớm mai, Bệ hạ hãy ký cho rồi.
Ông cầm viết chấm sẵn mực mà trao cho Lý Tố làm cho anh ta hai màn tàng nóng hầm, ngực nẩy mạnh. Ký tên; chuyện không phải khó nhưng ngặt một điều là không biết ký tên gì đó thôi. Xứ Y Sĩ Lợi là một xứ lạ của anh. Anh biết sơ sơ rằng nước đó mới lập ra khi trận giặc 1914-1918 và là một nước độc lập quân chủ. Anh không biết nó nằm về đâu, nó bao lớn, kinh đô nó tên gì và cũng chẳng rõ nó bao nhiêu dân.
Anh cầm viết lên nghĩ mãi mà không biết làm sao. Bây giờ chỉ có một cái phép tiên thì mới là giúp anh khỏi rối được. Phép tiên thì không thể nào cầu cho có đặng mà cái chuyện nầy cũng chẳng kém gì phép tiên.
Bá tước thấy vua nghĩ ngợi lâu làm vậy thì bước lại đứng sau lưng mà hỏi:
– Bệ hạ đã tính lấy niên hiệu gì chưa?
Quan năm Khả Lâm lại nói tiếp:
– Bệ hạ chưa lấy niên hiệu gì mà bây giờ có muốn dùng đỡ lấy tên thường hay không?
Lý Tố nhướng con mắt lên để suy nghĩ rồi nói:
– Tôi tưởng như vậy là thường quá, ông có ý kiến gì hay xin bảo cho biết.
– Trước hết hãy cho biết cái chủ nghĩa của Bệ hạ bây giờ ra làm sao mới được. Nếu Bệ hạ muốn noi theo cái chủ nghĩa của vua cha thì nên lấy theo tên cũ bằng như không muốn vậy thì lựa một tên nào khác cũng được.
– Ông nói vậy tôi bằng lòng lắm, bây giờ tôi xin hỏi ông để cho biết cái lòng dân ra thể nào đặng mà tùy theo mới được. Hết thảy ý dân sự muốn cho tôi lấy hiệu gì?
Bá tước và quan năm ngó nhau như để hỏi ý nhau. Suy nghĩ một hồi quan năm Khả Lâm mới nói:
– Tốt hơn hết là tôi muốn cho Bệ hạ lấy một cái tên mới. Bệ hạ biết hơn tôi rằng thượng hoàng thuở trước có lầm nhiều chỗ trong đường chánh trị, trong cách sửa dân nên bây giờ tôi tưởng sửa đổi là hơn và không nên để cho người ta nhớ lại làm gì. Tôi tâu ngay như vậy. Bệ hạ nghĩ thế nào?
– Bây giờ ông nghĩ xem coi nên lấy hiệu gì là được?
Quan năm Khả Lâm rờ đầu suy nghĩ một lát rồi trả lời:
– Nên lấy là Rodolphe. Thuở giờ không có vua nào lấy hiệu đó hết, tưởng bây giờ Bệ hạ dùng thì dân chúng lấy làm vui lòng lắm, mọi người ai cũng thấy rõ rằng Bệ hạ có một cái chương trình chánh trị mới lạ.
Lý Tố thở ra một hơi dài xem bộ nhẹ nhàng khỏe khoắn lắm. Anh ta mỉm cười mà rằng:
– Được, tôi sẽ ký tên là Rodolphe. Tôi nghe lời ông chớ tôi thì làm sao cũng đặng và không có ý kiến gì cả.
Anh tập ký vài chữ trên miếng giấy trắng cho quen rồi mới ký vào những tờ giấy nọ. Anh vừa ký vừa nghĩ cho rằng trời cũng chìu lòng hay sao nên mới giúp cho anh bước qua những lúc khó khăn làm vậy. Bây giờ anh mới biết rằng cái nghề làm vua không phải là dễ theo bụng anh tưởng; anh cho nó là một cái nghề cực nhọc và khó khăn gấp hai ba lần cái nghề làm hát xiệc kia lận.
Không có giờ khắc nào rảnh rang đặng mà nghỉ.
Người ta lo chuyện tức vị xưng vương, người ta thảo một chương trình chánh trị đem dưng cho mình xem thử, xem cả mấy ngày mà cũng chưa nghị quyết đặng.
Bữa chiều đó vua lại tiếp mấy vị lãnh tụ của các đảng các phái chánh trị trong nước, phải đi dạo xem thành phố, phải dự cuộc diễu binh rồi về còn sửa soạn đặng ngày mai làm lễ xưng vương.
Sau hết người ta lại còn lo đám cưới cho vua trong tháng tới đây nữa. Lý Tố không biết vợ mình sẽ cưới là ai, ở nước nào, bao lớn, ra làm sao, nhưng anh không thèm nghĩ tới, anh không chắc cho mình làm vua mãi ở xứ nầy và anh tính thầm lâu lắm là một tháng thì làm sao anh cũng trốn đi cho đặng mới nghe.
Anh dễ lắm, ai biểu làm gì thì nghe theo làm vậy không cưỡng cãi làm cho bá tước Phiệt Năn Đi phải lấy làm lạ và cho rằng ông quan năm Khả Lâm nói vua đổi nhiều là phải lắm.