Anh Lý Tố ngồi hút thuốc một hơi, phì khói ra bay thơm phức và khởi đầu thuật lại rằng:
– Thuở ấy tôi mới hai mươi tuổi mà thôi, tôi chỉ là một anh hề trong gánh xiệt. Tôi theo gánh đi xứ nọ qua xứ kia, nhà của chúng tôi là mấy cái xe, nước của chúng tôi là mấy cái trại bố trắng ấy, ngoài ra chúng tôi không còn biết gì nữa cả. Chỗ nào thâu tiền đặng là chúng tôi tới, chỗ nào hết cần dùng cuộc vui của chúng tôi thì chúng tôi cuốn gói đi.
Chị Mộng Hoa xem bộ cũng ngứa miệng nên xen vào nói:
– Gánh xiệt của chúng mình tên là gánh Ba Lợi Ty (Baletti).
Mình nghe chị nói thì sững sờ mà hỏi rằng:
– Ủa! Chị cũng có ở đó nữa hay sao?
Chị Mộng Hoa ngó mình vừa cười vừa nói:
– Có chớ sao lại không. Hồi đó tôi lãnh làm đủ công chuyện hết thảy: múa hát, đánh đu, thảy dao, thảy đĩa và cũng có làm bia cho người ta bắn tên nữa.
Anh Lý Tố nói tiếp:
– Em đừng quên rằng mấy lớp chánh lớp hay em làm chung với anh luôn luôn. Trong lúc em nhào nghiêng ngửa trên đu, anh ở dưới nầy ôm đờn mà khảy; anh ráng làm cho người ta cười trong lúc em ngồi nghỉ. Anh diễn có duyên lắm phải không.
Đang khi ấy mình ngồi thấy rõ ràng hai vợ chồng anh Lý Tố nắm tay nhau, nhưng làm bộ ngó lơ tỏ rằng mình không thấy gì hết và nói rằng:
– Thiệt tình, chuyện của anh nói làm cho tôi nóng nhe lắm, anh nói tiếp đi, tôi tưởng càng nghe tới sau càng hay phải không anh?
Lý Tố rót một ly rượu đầy, tay bưng uống hết hơn phân nửa rồi tiếp rằng:
– Tôi nhớ lại có bốn năm năm nay rồi, năm ấy Mộng Hoa và tôi bắt đầu tập hát một lượt với nhau ở bờ biển Địa Trung Hải, trong xứ Ý Đại Lợi. Anh hãy nghĩ suy, rồi đừng tưởng cái kiếp sống nổi trôi của gánh xiệt nghe không. Chúng tôi đi tầm bậy tầm bạ, chúng tôi tự do, không có gì buộc trói; chúng tôi không lo, không nghĩ gì cả, ăn ngày nay mà không cần tưởng tới chuyện ngày mai. Những điều lo nghĩ ấy chúng tôi đều giao hết cho ông chủ là ông Ba Ty Lợi, mặc ông làm gì thì làm. Ông tuy già nhưng ông vẫn còn mạnh, cái nghề xiệt là cái nghề do cha ông để lại nên ông thạo lắm. Ổng thương đào, thương kép, thương cả mấy anh hề nữa; gánh xiệt của ông đứng vững là nhờ chữ thương ấy.
Chị Mộng Hoa day hỏi anh Lý Tố:
– Anh nhớ lúc ông giới thiệu đào kép với khán giả không?
Anh Lý Tố cười và đáp lại:
– Nhớ chớ, mà anh thuộc lòng câu của ổng nói mới là hay.
Nói rồi anh đứng dậy ngay thẳng nhái Ba Ty Lợi làm cho mấy anh bồi tàu lấy làm lạ lắm. Anh nói như vầy:
– Quí bà, quí ông! Chúng tôi lấy làm vui lòng cho quí bà, quí ông. Mộng Hoa là một cô đào hay nhứt, dạn dĩ nhứt mới đặng là cho người ta tặng một cái tên riêng là “Phong Vân công chúa” lúc nầy cô bịt mắt, đi dây một lần thứ nhứt nên chúng tôi xin cả rạp hết thảy khán giả giữ im, đừng la, đừng khen, đừng chộn rộn, nín thở mà xem, chừng cô ấy xuống sẽ vỗ tay. Xin nhớ giùm kẻo nguy hiểm tính mạng của cô.
– Bữa nào ông cũng nói có bấy nhiêu đó thôi mà. Tôi chẳng thích vì đặng người ta vỗ tay khen ngợi mà lúc nọ tôi mừng bởi diễn đặng một lớp hay.
Nghe hai vợ chồng nói chuyện, dong dài mình cũng buồn lòng bởi vì mình nóng nghe câu chuyện này, mình cần lấy sự tích chớ không cần nghe phê bình làm gì hết.
Anh Lý Tố bộ cũng hiểu ý mình, ảnh nắm cánh tay vợ và nói:
– Nếu mình cứ nói quanh quẩn như vầy mãi thì anh Nghiệp ảnh ngủ gục mất còn gì? Nói như vậy là mình nói với nhau chớ ảnh là một người tập viết tiểu thuyết rồi có lẽ đặng người ta hoan nghênh lắm.
Bây giờ vợ chồng anh Lý Tố thuật lại một cách rõ ràng lắm. Mình nghe mà mê mê mẩn mẩn, không dè trong đời lại có cái chuyện lạ đời như thế, tưởng nếu viết ra chắc đặng nhiều người ưa xem lắm.
Bởi mình tưởng như vậy nên vợ chồng anh Lý Tố giã từ mình mà ghé bến Colombo thì mình nhơn cái giờ mà tàu lênh đênh giữa biển để chép lại chuyện nầy.
Chép lại, nhưng cũng phải có phép anh cho mới dám chớ chẳng phải anh tin mình nói chuyện cho mình nghe rồi mình không giữ kín, lại đem bươi ra cho mọi người biết hay sao.