Lê Xuân Kỳ về nhà lấy làm mãn nguyện, dương dương đắc ý, trông cho mau tới ngày Tòa xử, đặng coi cho biết Hoàng Hữu Chí bị án mấy năm, suy tới nghĩ lui, lấy làm đắc kế.
Còn Xuân Lan khi về tới nhà thì bà phủ thức dậy đã lâu, bèn hỏi nàng đi đâu, thì nàng kiếm điều che trước đậy sau mà nói cho qua chuyện. Tuy là khuất lấp được bà, nhưng mà, từ đó bà đã sanh lòng nghi ngại.
Đêm ấy Xuân Lan chờ cho bà an giấc, rồi mới nhỏ to mà thuật lại hết cho chị nghe, lại lấy chiếc nhẫn ra mà khoe và lấy làm đắc kế. Thu Cúc thấy kế đã thành trong lòng mừng lắm, song cũng dặn em phải cẩn thận cái mưu thần, mựa đừng sơ lậu.
Chẳng dè, cái mưu thì kín nhẹm, còn chuyện kia thì thúng khó úp voi, một miệng kín chín mười miệng hở. Từ ngày Xuân Lan trò chuyện với Lê Xuân Kỳ tại quán Tư Quăn, thiên hạ đồn rùm, thấu tới tai bà phủ. Bà liền tức giận bồi hồi, trách sao nàng lại tư tình với đứa nghịch.
Nhưng mà, bà tuy giận vậy song bà không la hét như kẻ tầm thường, cứ lấy điều đại nghĩa mà thống trách âm thầm vậy thôi, chớ người ngoài không ai nhe được. Thu Cúc cũng giả ý rầy em, mắng nhiếc Xuân Lan là đồ hư chạ. Bà phủ nghĩ tới chừng nào thì bà lại càng ứa gan chừng nấy. Bà bèn nhứt định đuổi nàng, chớ không thèm nuôi chứa trong nhà thứ đồ hư như vậy nữa.
(Lời bàn: Bà phủ giận lắm, đuổi cũng phải lắm!
Điều thứ nhứt là con gái trong hạng danh gia mà làm điều nhục nhã, hư danh mất nết, thật là tội ác quán dinh.
Điều thứ hai là nhè đứa nghịch mà tư tình, rất phản đối với cái chủ nghĩa của bà, lẽ nào bà không giận?
Bà giận phải! Bà giận nhằm! Ai là người không giận?
Nhưng nghĩ cho đến mấy cái điều đáng giận đó, rồi mới đáng sợ, đáng thương đáng kính, đáng vì cô Xuân Lan là một nàng con gái thiếu niên, đào tơ liễu yếu mà tâm chí rất cao, vì nghĩa cứu người mà phải liều danh giá.
Thật khổ tâm thay!
Mà cũng đáng thương đáng kính thay!!)
Khi Xuân Lan bị bà phủ đuổi rồi, thì cũng làm màu khóc lóc, gói áo quần, lạy mẹ và chị xách gói ra đi, bà phủ cũng ngùi ngùi, song vì giận quá nên cũng làm lơ, để nàng đi cho rảnh. Còn Xuân Lan khi ra khỏi nhà rồi, chẳng cho ai biết là mình đi đâu, lén lén xách gói đi thẳng lại nhà bà Sáu Thiện mà ở nhờ.
Nàng lấy ra năm đồng bạc trao cho bà Sáu, bảo đi mua gạo và những đồ vật cần dùng, nàng lại dặn dò đừng cho ai biết có nàng ở đậu trong nhà, ý nàng có ý e sợ cho Lê Xuân Kỳ biết được rồi ăn quen mà mò tới.
Thật là: Cực kỳ khôn ngoan, cực kỳ tinh tế.
(Nguyên bà Sáu Thiện nầy, trước kia vẫn có nấu ăn cho bà phủ, cho nên hai đàng mới biết được nhau. Bà nầy cũng có một đứa con gái chừng 15, 16 tuổi, chớ chẳng có con trai, ngày chí tối chỉ lo mua gánh bán bưng mà độ nhựt, có hai mẹ con hủ hỉ với nhau). Xuân Lan ở đỡ tại nơi nhà nầy cũng là an phận.
Việc lôi thôi như vậy, lẽ nào Cẩm Lệ lại không hay, tiếng đồn nghe đã nhiều ngày, nàng ta mới nổi ghen, bèn đón Lê Xuân Kỳ mà hỏi. Còn Lê Xuân Kỳ từ ngày mà được trò chuyện với Xuân Lan rồi thì cặp con mắt của chàng, nhìn Cẩm Lệ như nhìn Chung Vô Diệm.
Ấy là:
Tằng kinh Thương Hải nan vi thủy,
Trừ khước Vu San bất thị vân (1).
Mà xưa nay những lời nói của đờn bà ghen tuông, thì có lời nào là không xóc óc?
Bởi vậy cho nên Lê Xuân Kỳ cũng nổi giận nói đi nói lại nhiều tiếng sân si, nhưng cũng còn dùng thẳng với nàng, nên phải kiếm lời chối ngược chối xuôi, rằng đó là lời đồn huyễn.
Tuy là chàng kiếm lời mà chối sướt cho qua, nhưng mà từ đó hai đàng đã sanh ác cảm rồi. Bởi vậy cho nên Cẩm Lệ về nhà càng nhớ tới chừng nào, thì lại càng oán giận Lê Xuân Kỳ chừng nấy. Nàng nhơn đó mà nhớ lại cái điều tàn nhẫn của bợm ta xúi mình âm mưu hãm hại, làm cho Hoàng Hữu Chí bị giam từ ấy đến nay, thì cái lương tâm của nàng lại hối hận vô cùng. Ngặt vì việc đã lỡ ra rồi, nên phải ôm ấp trong lòng, cũng chẳng dám nói ra cho ai biết.
Ngày giờ thấm thoát, Tòa Đại hình hội xử đã gần kỳ, Cẩm Lệ với Lê Xuân Kỳ, Hương quản, một tên lính tuần và tám tên dân làng thảy đều được trát Tòa đòi, đến ngày mười tám tháng mười tây, bảy giờ ban mai, phải tự đến Tòa Đại hình Sài Gòn mà hầu về vụ xử Hoàng Hữu Chí.
Lật bật đến ngày mười bảy, nội bọn đều quá giang xe ô tô đưa bộ hành đặng đi Sài Gòn.
Khi bọn ấy lên xe vừa mới ngồi lên, bỗng thấy Xuân Lan ở đâu cũng lơn tơn xách dù lên xe lựa chỗ ngồi ngang đối diện với Lê Xuân Kỳ, đặng cố ý trừng liếc trêu ghẹo mà khêu gan Cẩm Lệ.
(Nguyên Cẩm Lệ có lòng ghen sẵn, nay thấy tình cảnh như vầy thì gan dạ nào mà chẳng nổi tam bành; ngặt bởi trên xe vì có nhiều người, phần thì mình với Lê Xuân Kỳ cũng không phải là thật vợ chồng, cho nên nàng ta cảm nộ bất cảm ngôn; chỉ cứ háy nguýt nhúng trề mà chịu trận).
Khi xe đến Sài Gòn rồi, Xuân Lan liền kêu xe kéo bước lên, lại còn làm bộ nháy nhó Lê Xuân Kỳ, dường như chỉ chỗ ở của mình mà dặn Lê Xuân Kỳ lại đó vậy; nàng cứ cố ý khêu gan Cẩm Lệ cho thật nổi ôn rồi mới hối xe kéo bảo đi, chỉ đường ch nó kéo lại nhà chị em bạn học của mình mà nghỉ đó một đêm, đặng mai sang lên tòa rồi sẽ ra tay thủ đoạn.
Thật báo hại cho Lê Xuân Kỳ, hèn lâu mới xuống Sài Gòn, mà trọn một đêm ấy ngụ tại nhà Nam Việt khách lầu ở nơi đường Kinh Lấp, bị Cẩm Lệ nổi ghen, cứ theo cằn nhằn mãi, lại thêm ràng rịt, theo giữ khít ghim, không đi đâu được hết.
Còn bà phủ Ân biết việc thì việc của ai, mà tội nghiệp cho bà, khi nghe được tin ấy thì trong lòng bà hồi hộp, lo sợ chẳng cùng; không biết Hoàng Hữu Chí sẽ được tha chăng; hay là bị kêu án ít hay nhiều, lâu hay mau, lo tới lo lui, lấy làm rối trí, liền kêu Thu Cúc, hối sửa sang hành lý cho sẵn sàng, rồi mướn một cái ô tô dặn sốp phơ sang mai chừng lối ba giờ khuya, đem xe lại cho đúng giờ, đặng hai mẹ con bà đi xuống Sài Gòn mà coi Tòa xử.
Sớm mai ngày mười tám, trong khoảng từ sáu giờ rưỡi cho tới bảy giờ, thiên hạ ồ ạt, tựu trước cửa Tòa đặng chờ cho tới giờ mà coi xử; kẻ thì vì chồng, hoặc vì cha, người thì vì con, hoặc vì em vì cháu mà nô nức trước cửa Tòa đông quá đỗi đông, lũ bảy đoàn ba, rất náo nhiệt. Còn các quan Thầy kiện thì hoặc ba ông một chòm, hoặc hai ông một cặp, đi tới đi lui, chuyện vãn cùng nhau mà chờ giờ xử.
Lúc ấy hai mẹ con bà phủ còn ngồi ô tô, đậu trước cửa Tòa; duy có bọn Cẩm Lệ với Lê Xuân Kỳ thì ngồi tại chỗ ghế xanh (ban) mà nghỉ cẳng. Còn một mình Xuân Lan đã đến trước bao giờ, thấy bọn ấy ngồi tại ghế xanh, bèn làm bộ nháy nhó Lê Xuân Kỳ, rồi cứ đi qua đi lại trước mặt Cẩm Lệ, tay thì cầm chiếc nhẫn đưa lên đưa xuống mà coi, còn tay thì rút khan mù soa ra, làm bộ chùi lau cái hột xoàn cho sáng.
Cẩm Lệ xem thấy phát nghi, liền với kéo bàn tay của Lê Xuân Kỳ lên mà coi, không thấy đeo chiếc nhẫn. Máu ghen tuôn trào, tay chơn run rẩy, liền hỏi một cách rất gắt gao rằng:
– Vậy chớ chiếc nhẫn ở đâu? Xuống tới Sài Gòn là chốn kinh thành sao không đeo lại cất?
Lê Xuân Kỳ kiếm chuyện dấu quanh dấu quẩn mà dấu chẳng qua. Còn Xuân Lan thấy vậy lại càng cứ theo trêu ghẹo chiếc nhẫn trước mặt hoài. Cẩm Lệ đả quả quyết của mình, bèn nổi giận xung thiên, liền chỉ Lê Xuân Kỳ mà mắng rằng:
– Mi là đồ khốn nạn, quả là loài nhơn diện thú tâm, để lát nữa đây rồi mi sẽ coi tao, muốn vậy tao cho vậy.
Lúc bấy giờ, Lê Xuân Kỳ tưởng Cẩm Lệ nổi ghen mà sanh hỗn, lời hăm lát nữa đó là nói để lát nữa hầu Tòa rồi ra đường ắt sẽ chửi mắng níu kéo gì đây. (Chẳng những Lê Xuân Kỳ tưởng vậy, cùng những người đi coi Tòa xử bữa ấy cũng đều tưởng vậy mà thôi!
Tưởng khi chư khán quan, ai đọc truyện nầy mà đọc tới đây, thế tốt cũng là tưởng vậy chớ gì!)
Có dè đâu mà lại sẽ có chuyện ly kỳ, thật rất phi thường, xuất nhơn ý ngoại.
(1) Đã từng qua biển Thương Hải rồi thì chẳng còn cho nước ở biển nào là nước.
Đã lên núi Vu San rồi thì chẳng có thấy mây nào mà phải là mây.
Nghĩa là Lê Xuân Kỳ thấy cái vẻ đẹp của Xuân Lan rồi thì chẳng còn biết ai là đẹp hơn nàng nữa được.