Phần 10

Đêm ấy lối bảy giờ, bà ngồi xe kéo đến nhà thầy thông. Nguyên thầy thông nầy vẫn cũng biết bà là người đạo đức

Nên có lòng kính trọng đã lâu, khi thấy bà bước vào thì vội vàng chào hỏi lăng xăng, lại hối bồi rót nước bưng ra mời bà rồi hỏi rằng:

– Chẳng hay bà có việc chi mà đến nhà cháu tăm tối như vầy?

Bà phủ bèn tỏ thật việc mình muốn đến hỏi thăm về vụ thầy giáo Chí quá, vì tôi biết thẩy tuổi tuy còn nhỏ mà ăn nói dễ thương; từ ngày thẩy đổi lại đây tới nay, thật thẩy chẳng biết mích lòng một thằng con nít. Không biết thẩy có thù oán chi với thông Kỳ hay không mà sanh ra việc lăng nhăng như vậy?

– Thật chuyến nầy tôi sợ cho thẩy ắt gỡ không ra rồi đa bà. Vì theo lời khai của thẩy thì thẩy nói rằng thầy Lê Xuân Kỳ mời thẩy lại nhà tình nhân là Cẩm Lệ mà ăn cơm; thẩy vô ý ơ hồ, không dè bọn kia âm mưu toan rập với nhau, sắp đặt sẵn trước bao giờ mà gạt thẩy, cầm thẩy ở lại cho khuya rồi phao vu cho thẩy những đều vô liêm sĩ vậy vậy …

Còn con Cẩm Lệ thì nó khai quả quyết rằng nó là gái mồ côi, một mình ở nhà, đương ngủ nửa đêm, bị thầy giáo Chí cạy cửa lẻn vào, mong toan cưỡng bức, ép uổng gái tơ, muốn vùi hoa dập liễu, lại hăm dọa đòi chém đòi đâm nữa là khác. Hỏi Lê Xuân Kỳ thì va khai rằng đêm ấy va ngủ ở nhà va, cách nhà Cẩm Lệ hơn năm trăm thước; va cũng không quen biết chi với thầy giáo Chí mà mời thẩy ăn cơm, mà nếu có mời ăn cơm thì mới thẳng về nhà của va, chớ Cẩm Lệ là gái chưa chồng, lại cũng chẳng phải bà con thân thích chi với va, thì có lý nào mà va lại được mời khách tới ăn cơm nơi nhà Cẩm Lệ.

Hỏi chứng là Hương quản và một tên lính tuần với tám tên dân làng, thì chúng nó đều khai có một rập với nhau rằng đêm ấy lối mười một giờ khuya, chúng nó đương đi tuần đường cũng gần lối đó, thình lình nghe tiếng Cẩm Lệ la làng, bèn rủ nhau chạy tới, thấy trong nhà Cẩm Lệ đèn đuốc tối thui, tong cửa áp vào nổi đèn lên thì thấy Cẩm Lệ miệng còn la làng mà hai tay thì níu thầy giáo Chí nhủng nhẳng gần lối cửa buồng, nên chúng nó phải bắt thầy và lấy khai rồi giải nạp.

Đó! Bà nghĩ mà coi, bên thầy giáo thì chứng cớ không ngơ, còn phía bên bọn Cẩm Lệ thì đông, mà họ xúm nhau chúng khẩu đồng từ thì chết tươi thầy giáo rồi còn gì! Cha chả! Khó quá! Chuyến nầy tôi sợ thẩy gỡ không nổi đa bà.

Và nói vừa chắt lưỡi lắc đầu, lại với lấy một điếu thuốc, quẹt lửa lên đốt hút phì phà vài hơi rồi lại nói rằng:

– Bây giờ mà muốn lo cho thẩy thì phải mướn quan Thầy kiện bào chữa mới xong; chớ việc nầy tuy coi su sơ như vậy, mà nữa đây chắc sẽ giải cho tới đại hình lận đa bà.

Bà phủ nghe rõ đầu đuôi, mặt mày buồn nghiến, liền đứng dậy tạ ơn và từ giã thầy thông rồi lên xe kéo quay quả về nhà thuật lại cho chị em Thu Cúc với Xuân Lan nghe. Thu Cúc nghe rõ trước sau rồi ngồi làm thinh và suy nghĩ một mình, hồi lâu mới hội ý, liền kêu bà phủ mà nói rằng:

– Nè má! Phải rồi đa má! Thật quả thầy Hoàng Hữu Chí đã lầm mưu độc của bọn nầy rồi đa má. Vì con vẫn có nghe danh Lê Xuân Kỳ là một đứa tham tài háo sắc, phản phúc tiểu nhân, mà nó lại có tư tình với con Cẩm Lệ đã lâu. Còn thầy Hoàng Hữu Chí nầy là một người khí khái, tánh tình cang trực, hay quí trọng người quân tử, mà khinh bạc đứa tiểu nhân. Mỗi khi đàm luận với ai, thì thẩy thường dùng nghĩa chánh từ nghiêm, chẳng chịu bợ bưng, không hay vì nể, bởi vậy mà hay mích lòng những kẻ tiểu nhân, cho nên ngày nay mới sanh họa. Vì lời xưa có nói: “Khinh bạc chi thái thi ư quân tử tắc láng ngô đước: thi ư tiểu nhân tắc sát ngô nhân” (1). Mà thật rõ ràng như vậy đó.

Bà phủ nghe Thu Cúc luận mấy lời, bà cũng cho là phải, bèn nói với chị em Thu Cúc rằng:

– Việc nầy cũng tại nó cậy nói em con, mà má không chịu gả, phần thì nó thấy Hoàng Hữu Chí thường hay lai vãng nhà ta, nên nó mới sanh lòng đố kị mà di oán qua cho Hoàng Hữu Chí. Nay thấy Hoàng Hữu Chí mà mắc họa đây, gốc cũng bởi nhà mình mà ra. Vậy thì má cũng phải liều tốn ít trăm và mướn thầy kiện cho đại tài mà cứu thẩy, chớ phép sao bây giờ.

Còn đang bàn luận với nhau, bỗng nghe đồng hồ đã ngỏ mười giờ bà phủ bèn đi nghỉ. Đêm ấy hai chị em Thu Cúc với Xuân Lan, cùng nhau luận luận bàn bàn, lo tới tính lui, trót một hai giờ mà lo cũng chưa ra chuyện. Một chặp lâu Xuân Lan mới nói với Thu Cúc rằng:

– Nè chị! Lấy thêm lời của má luận với chị em mình hồi nãy đó, thì té ra thầy Hoàng Hữu Chí mà  bị hoạn họa đây là gốc bởi nơi em mà ra. Thế thì em không nỡ điềm nhiên tọa thị mà để vậy cho đành, nên em muốn liều cái thân danh, chịu mang lấy tiếng nhơ trọn một lúc mà cứu Hoàng Hữu Chí cho được vẹn toàn, chẳng hay ý chị thế nào xin nói cho em rõ với.

Thu Cúc hỏi:

– Em muốn dùng cách nào đặng cứu thẩy mà phải liều mất cái thân danh vậy em.

Xuân Lan liền kề tai nói nhỏ với Thu Cúc một hồi rồi lại nói rằng:

– Làm như vậy … như vậy … đó, thì cứu thẩy mới được.

Thu Cúc nghe rõ rồi mỉm cười vỗ vai Xuân Lan mà khen rằng:

– Cái kế của em tính đó dầu cho Phạm Lãi tái sanh cũng không hơn được, vả nó là đứa háo sắc, nếu em dùng kế đó ắt nó phải mang rồi, em cứ thi hành liền đi, mựa đừng dụ dự, song em phải cẩn thận cho lắm mới được đa em.

Xuân Lan lại nói:

– Mưu bất khả chúng (2) cho nên lời em nói ra thì nó lọt vào tai chị mà thôi, chớ em há đi dại gì lại nói với ai hay sao mà chị phòng dặn vậy, chí như mà ở nhà đây, chị em mình cũng phải giấu luôn, nếu chừng nào mà thấy em làm như vậy … như vậy … mà má có tưởng em là đồ mất nết, thì mặc tình quở trách đuổi xua, em cũng cam tâm mà chịu, miễn làm sao mưu kết đạt thành mà cứu người là đủ.

Thu Cúc gật đầu khen phải. Rồi đó hai chị em lại rủ rỉ nhỏ to với nhau một hồi rất lâu, sắp đặt rập rang đâu đó xong xuôi thì đồng hồ đã gõ một giờ khuya rồi. Chừng ấy hai chị em mới tắt đèn rủ nhau đi nghỉ.

Từ đó mỗi buổi sớm mai, cô Xuân Lan thường đi chợ, đầu cổ cô ngó vẻn vang, hình dung cô xem rất đẹp, bữa thì cổ mặc cẩm nhung đen, bữa thì cổ đổi áo sa ten màu tím sẫm, cổ cô đeo ba sợi dây chuyền, hai cườm tay cô lại đeo hai xâu chuỗi hột, ngón tay cô như mũi viết, cổ tay cô tròn xoe, nước da cô trắng đỏ, nét mặt cô sáng rỡ như một đóa phù dung. Cái vẻ đẹp của cô thật là tuyệt thế vô song, lục tỉnh ta cũng ít có.

(Phàm viết sách mà dùng cách tả chơn phải tả ra cho rõ mà xem, chớ từ xưa đến nay những cô gái nào có phước mà được có cái vẻ đẹp thiên nhiên rồi, dầu cho ăn mặc cách nào, thức gì, thì cái vẻ tự nhiên cũng xinh đẹp.)

Khi ra tới chợ rồi thì cô cứ cố ý mua bươn, mua bả, mua hối, mua hả cho rồi, đặng lựa cho đúng giờ của Lê Xuân Kỳ đi làm việc, mà về cho kịp, cho hai đàng gặp nhau, cô lại làm màu nét mặt tươi cười, chào hỏi một cách niềm nở.

(Húy chao ôi! Một cái nét cười của một ả mỹ nhân, dễ gì mà có, dễ gì mà mua cho được).

Ban đầu hễ gặp nhau thì bất quá chào hỏi sơ qua vậy thôi, vậy mà còn làm cho Lê Xuân Kỳ thần tinh phải điên đảo thay!

Huống chi sau lần lân cô lại làm ra tuồng mi lai nhãn khứ, thì Lê Xuân Kỳ tài nào mà không đến ngất cả người.

Thường bữa cũng thường gặp nhau như vậy, mà ngày nào cô cũng cố ý làm mồi trêu ngươi như vậy, làm cho tâm hồn thất phách của Lê Xuân Kỳ đều phải dật dờ dật dưỡi bay bổng theo cô, duy ức có một điều là không biết làm sao cho được gần cô mà tỏ bày tâm sự.

Nhưng mãi lần lữa như vậy mà đã trót tháng ngoài, kế nghe tòa đã giải Hoàng Hữu Chí về Sài Gòn đặng chờ ngày đại hình hội xử.


(1) Đem cái thói khinh bạc mà đối với người quân tử ắt mất được của ta, đối với kẻ tiểu nhân ắt giết thân ta.

(2) Mưu chẳng nên dòng: vì mưu mà tính với nhiều người e không kín nhẹm.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!