Phần 06

Bà phủ nghe rõ đầu đuôi, cũng phải động lòng vàng mà ngậm ngùi cho người trong cơn hoạn nạn, bèn nhắm nhía Thu Cúc với Xuân Lan, thấy hai chị em nàng tuổi tuy còn nhỏ mà phẩm hạnh đoan trang, cho nên bà cũng khen thầm rằng: “Chẳng uổng công sanh nơi nhà thi lễ.”

Rồi đó bà cứ đứng vuốt ve cả hai chị em mà trầm trồ khen mãi. Một chặp lâu rồi bà mới nói với hai chị em nàng rằng:

– Nè, hai cháu, qua thấy hai cháu tuổi còn thơ ấu mà lại gặp cái khổ cảnh như vầy, thật qua thương lắm, tưởng là ai kìa, chớ như quan huyện là ông thân của hai cháu đây, qua tuy chưa biết mặt, chớ qua vẫn có nghe cái đại danh của người vẫn cũng đã lâu, lúc ông phủ của qua ở nhà còn sanh tiền, mỗi khi ổng bình luận mấy ông danh sĩ Nam kỳ, thì ổng vẫn thường nhắc nhở cái quí danh của ông thân cháu luôn, cho nên qua cũng là kính phục. Nay mà hai ông bà mắc đi tị nạn phương xa, còn hai cháu đây là phận gái thơ ngây, dễ gì mà đi tìm cho được. Nay qua có một lời muốn nói cùng hai cháu, chẳng hay hai cháu có sẵn long mà nghe qua nói hay chăng?

Thu Cúc liền đáp rằng:

– Bẩm bà, vả bà là người tuổi tác, cũng như cô bác mẹ cha, còn chị em tôi đây là phận cháu con, như bà muốn nói điều chi, nếu phải thì chị em tôi vâng, bằng có điều chi mà chẳng vừa lòng thì tôi xin bà dạy lại, chớ có hệ chi mà bà phòng ngại.

Bà phủ mỉm cười mà nói rằng:

– Nè hai cháu, từ ngày ông phủ nhà qua mất lộc đến nay, bỏ qua lại bơ vơ, con cái gì cũng không có, trước sau quạnh quẽ có một mình qua, thật qua buồn quá. Còn hai cháu đây vẫn là con nhà hàn mặc thơ hương mà lại gặp hồi lưu ly điên bái, mẹ cha lưu lạc, côi cút bơ vơ, thật qua không nỡ để cho con gái nhà tử tế, mà phải gian truân tất tưởi như vầy thì cũng là tội nghiệp, nên qua muốn đem hai cháu về nhà nghĩa minh linh (con nuôi) mà hủ hỉ với qua cho có bạn, còn thằng em của hai cháu mà cháu nói rằng cháu còn gởi nó ở học tại An Giang đó, thì thỉnh thoảng rồi cháu cũng phải viết thơ mà kêu nó về đây, qua cũng nuôi luôn giùm cả ba chị em mà làm nghĩa, rồi qua sẽ đem nó xuống Sài Gòn đóng bạc gởi nó vào trường mà cho nó học. Bao giờ mà cháu nghe được tin tức hai ông bà quan huyện là song thân của cháu ở đâu, thì chừng ấy sẽ hay. Chẳng biết ý thế nào, có vui lòng hay không thì nói, không ngại chi.

Thu Cúc nghe lời bà nói rất có nhơn, liền tỏ ý cảm tạ ơn bà và thưa rằng:

– Bà có lòng thương tưởng, thật tôi rất đội ơn, vậy xin bà để cho tôi bàn tính với em tôi trong một vài phút đồng hồ, rồi tôi sẽ trở vô mà bẩm lại cho bà rõ.

Rồi đó Thu Cúc liền bước ra kêu em mà hỏi rằng:

– Bà phủ nói như vậy, ý em tính sao?

Xuân Lan đáp rằng:

– Nếu được như vậy thì em tưởng chị em mình đây cũng là có phước lắm đa chị à! Vả bà là nhà sang trọng, lại thêm tánh hạnh rất từ hòa, trong nhà bà lại chẳng có con cháu chi, nếu nay mà bà muốn nuôi chị em mình làm con, mà cái tâm tánh và cái cử chỉ của chị em mình đây chắc là ở lâu chừng nào thì bà lại càng thương lắm. Vả lại lúc nầy chị em mình đương cơn khuẩn bức túng cùng, thì có tài nào mà nuôi em ăn học cho được, thế tốt nó phải hư. Mà nay, bà lại còn hứa xuất tiền nuôi nó ăn học, thế thì em Trọng Liêm mình biết bao là hạnh phước. Huống chi chị em mình là phận đào tơ liễu yếu, rất đỗi là ở trong nhà, lại là xứ sở của mình, mà hãy còn bị những quân lang tử giả tâm nó khuấy nhiễu thay. Phương chi là nay đi chỗ nầy, mai ở chỗ kia, trôi nổi bình bồng, lưu linh đất khách. Vậy thì chị em mình cũng nên cáo lỗi cùng trời đất và cha mẹ, đặng vào chịu ở làm con bà nầy cho yên phận mà chờ tin cha mạ, chị nghĩ lại coi, có phải vậy chăng?

Thu Cúc nghe lời em nói có lý, song cũng còn tấn thối lưỡng nan, cứ ngồi làm thinh nhìn sững Xuân Lan mà suy nghĩ trong lòng hoài, chớ chưa kịp mở miệng. Xuân Lan lại vỗ vai Thu Cúc mà nói tiếp thêm rằng:

– À chị! Mà em còn quên đây nữa chớ! Bây giờ em mới nghĩ lại cái lời Bà dạy trong lá xăm số 92 đó, thật là linh quá đa chị à …

Vừa nói vừa lấy lá xăm trao ra cho Thu Cúc xem, rồi lại chỉ từ câu mà nói rằng:

– Đây nầy: Việc không cầu lại được. Điều chẳng ước mà xong. Đó, chị nghĩ lại mà coi, tự thuở đến giờ, chị em mình có cầu có ước cho ai đem chị em mình về mà nuôi làm con bao giờ? Mà nay tình cờ lại gặp bà phủ nầy thương chị em mình mà tính như vậy thật cũng là kỳ! Ấy có phải là: Việc không cầu lại được. Điều chẳng ước mà xong đó chăng? Trong ấy lại có câu: Có quí nhơn phò hộ, gặp may mắn lạ lùng. Đó, chị nghĩ lại cái câu nầy cho chính mà coi, quí nhơn là ai? Chắc là bà phủ nầy đây rồi chớ ai? Mà quả thật như vậy rồi đa chị à! Ấy có phải là lòng trời đã định, mà thánh thần mách bảo cho mình biết đây chăng chị. Thôi, chị em ta cũng chẳng còn dụ dự làm chi, hãy về mà ở với bà cho an phận, nếu bà quả thật là người đạo đức từ hòa, thì cái ơn đùm bọc của bà đây, chị em mình cũng nên kết cỏ ngậm vòng, tôn bà làm mẹ, sớm trưa hủ hỉ với bà và xem sóc việc nhà cùng là thần tỉnh mộ khang trong khi bà ương yếu, kẻo để một người hiền đức như bà vậy, mà không có con cái chi, trước sau hiu quạnh một mình, thật cũng là tội nghiệp.

Thu Cúc nghe Xuân Lan nói rót một hồi, câu nào cũng có lý, lời nào cũng chẳng sai, bèn vỗ vai em mỉm cười mà nói bỡn rằng:

– Thật cái miệng em nói xuôi như nước chảy, ấy rõ ràng là nữ Tùy Hà (1) đó.

Xuân Lan cũng cười xòa. Rồi đó hai chị em bèn dắt nhau vào lạy bà phủ mà kêu bằng mẹ.

(Nguyên bà phủ nầy thuở nay không có con cái chi hết, nay tình cờ mà được một cặp con gái rất mỹ miều, rất quí đẹp như vầy, lại thêm phẩm hạnh đoan trang, nói năng thanh nhã, thì bà mừng rỡ biết là dường nào!).

Thật là:

Điều đâu may mắn biết bao!

Mừng nầy còn có mừng nào cho hơn?

Rồi đó bà liền từ giã ni cô, dắt hai chị em Thu Cúc đi xuống núi, lên x era về. Về tới nhà vừa đúng buổi chiều, bà liền hối kẻ dọn cơm, rồi kêu hai chị em ngồi lại ăn chung với bà, thật là bà mừng quá. Bà ngồi ăn và nhắm nhía mãi hai cô, gắp món nầy bỏ vào chén cho cô nầy, gắp món nọ bỏ vào chén cho cô kia, ân cần ép uổng, coi ra ý thật là thương yêu tưng tiu lắm vậy.

Bà lại gởi thơ xuống Sài Gòn mà hỏi thăm tin Phan, Nguyễn hai ông, thử coi còn ở Sài Gòn hay là đã đi ra Bắc. Cách chẳng mấy ngày mà bà đã được tin hồi âm cho bà hay rằng: Hai ông đã tháp tùng chiếc tàu Paul Le Cat mà ra Bắc đã bốn ngày, tưởng khi nay cũng đã tới Hải Phòng rồi. Vì vậy cho nên hai chị em Thu Cúc mới an lòng, đành ở đó mà làm con bà phủ.

Từ ngày hai chị em Thu Cúc với Xuân Lan vào ở làm con bà phủ rồi thì việc nhà của bà bất câu lớn nhỏ, tự trong tới ngoài, tự gần tới xa, đều nhờ có hai cô ân cần xem sóc. Mà cũng chẳng lạ gì, hễ thinh khí tương cầu, thì thế tốt phải tâm đầu ý hiệp, bởi đó cho nên, mẹ con mà gần gũi nhau chừng nào thì lại càng tin cậy mến yêu nhau chừng nấy.

Thậm chí, chìa khóa tủ sắt của bà mà bà cũng phú thác cho hai chị em giữ gìn thâu xuất, bà chẳng hề nghi ngờ một mảy. Tuy vậy mà, phàm những công việc nào khác thì hai chị em cũng còn chưa lấy chi làm quan tâm cho lắm, chớ hễ động tới việc bạc tiền, thì hai chị em lại đau đáu nơi lòng, cần cần nơi chí, nắm nắm nớp nớp, kiêng sợ răn dè, thâu xuất rất phân minh không hề dám để cho sót sai một ly một mảy. Vì vậy mà bà phủ lại càng thương yêu tin cậy hơn nữa, thật con ruột tưởng cũng không bằng, lần lần mà cái nghĩa minh linh lại hóa ra tình cốt nhục.

Lần hồi ngày lục tháng qua, thấm thoát mà đã gần năm tháng. Ngày nọ nhằm lúc cúng vía Bà trên núi Điện, bà phủ cũng nhơn dắt hai cô lên Điện mà dâng hương, tình cờ lại gặp Hoàng Hữu Chí. Bà thấy chàng diện mạo khôi ngô, nói năng phong nhã, nên bà cũng đem lòng yêu mến kính vì, ý bà muốn định đôi cho một người trong hai cô con của bà, nên bà mới mời chàng về nhà đặng có làm quen và hỏi thăm lại căn do lý lịch của chàng cho rõ.

Đây nhắc lại Hoàng Hữu Chí, khi hứa với bà phủ rồi thì chẳng dám nuốt lời, cho nên qua bữa sau lối ba giờ chiều thì chàng ta đã hỏi thăm mà tìm tới nhà bà phủ.

Còn bà phủ khi thấy Hoàng Hữu Chí tới nhà thì mừng lắm, chào hỏi lăng xăng, lại hối trẻ bưng trà thết đãi. Lúc ấy Hoàng Hữu Chí miệng thì uống trà mà con mắt thì liếc xem tứ phía, thấy nhà bà tuy là đờn bà góa mặc dầu, mà ở ăn sạch sẽ, trong nhà sắp đặt nghi tiết chỉnh tề, mỗi thứ đều có quy củ chuẩn thằng, rất đúng đắn. Còn đang nức nở khen thầm, bỗng nghe bà phủ và cười và nói rằng:

– Từ hôm qua cho tới bữa nay tôi e thầy hứa lơ là, rồi hoặc có việc gì nó ngăn trở mà thầy đến không được chăng, không dè mà thầy giữ được lời hứa, nên tôi cũng khá khen cho thầy lắm đó.

Hoàng Hữu Chí đáp rằng:

– Bẩm bà, hễ là làm người mà muốn lập cái thân danh với xã hội, thì phải lo trau dồi tín nghĩa mà làm đầu, nay cháu vừa bước chơn vào đường đời thì những lời cháu hứa cùng ai, cháu đâu dám để chi thất tín.

Bà phủ lại nói rằng:

– Hôm tôi gặp thầy trên Điện, vì có người ta đông đảo, nên tôi chưa kịp hỏi thăm, chẳng hay thầy, cha mẹ song toàn và đã có nơi nào kết tóc hay chưa, thầy cứ nói thật cùng tôi, xin đừng giấu giếm.

Hoàng Hữu Chí thưa rằng:

– Cha mẹ cháu bất hạnh, mất hồi thuở cháu còn thơ, cháu nhờ có một người chị, bán buôn nuôi cháu ăn học mà thôi. Vả lại cháu học tốt nghiệp vừa mới có mấy tháng nay, nên chưa kịp lo đôi bạn.

Bà phủ nghe lời chàng nói thật thà thì lại càng thương hơn nữa, bèn nói rằng:

– Tôi xin lỗi cùng thầy, vì tôi thấy thầy côi cút mà có chí học hành, lập nên danh phận như vậy nên tôi cũng thương, vậy từ đây tôi đãi thầy cũng như con cháu nhà nầy, bất câu là ngày nào, hễ thầy có rảnh thì cứ tới lui mà chơi chớ ngại; thỉnh thoảng tôi coi có chỗ nào xứng đáng, tôi sẽ mách miệng giùm cho, chớ thầy còn nhỏ tuổi, lại ở nơi xứ lạ quê người, sớm khuya tròi trọi có một mình, trong khi ương yếu biết lấy ai săn sóc thuốc men, thật cũng là tội nghiệp.

(Nguyên bà phủ mà mời Hoàng Hữu Chí tới nhà đây là bà có ý muốn gả con, xong bà còn để nói xa nói gần, chớ chưa nói quyết; một là vì bà chưa rõ lai lịch của chàng, hai là bà cũng chưa rõ ý hai cô con, nên bà chờ hỏi lại).

Còn Hoàng Hữu Chí khi nghe bà nói vậy thì tạ ơn, rồi đứng dậy từ giã ra về, đi dọc đường suy nghĩ một mình rằng: “Bà phủ đã mở hơi như thế ắt cũng có duyên cớ chi đây, hoặc là bà muốn gả con bà cho ta đây chăng? (Cực kỳ thông minh). Nhưng mà không! Ta chẳng hề chịu bao giờ! Vả bà là nhà giàu sang, thì hai cô con gái của bà, chi cho khỏi tập lấy tánh kiêu. Còn ta đây bất quá hồ là một đứa sĩ cùng, nếu cưới vợ giàu sang đem về, thì ắt có ỷ tiền của mà kiêu căng khi dễ nhà chồng. Hễ vợ mà kiêu căng khi lơn chồng, thì ối thôi, cái gia đình ấy còn chi mà kể. Đã vậy mà thiên hạ họ còn dị nghị, họ cho mình là bọn tham tiền, đã vọc nhã cái bàn toán rồi mới đi cưới vợ. Ôi! Hẳn thật ta không thể nào mà cưới con bà phủ được. Thôi, ta cũng để mà coi chớ chưa biết làm sao mà định trước.”


(1): Tùy Hà là sứ của vua Hán Cao Tổ, cái văn nói rất có tài.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!