Bà huyện nầy là người hiền đức, nhơn thấy ông hay trọng đức thanh liêm, nên bà hay lo về ngày tương lai, sợ e lúc tuổi già, không có chi dành để bởi đó cho nên bà hay tiện tặn, nhựt dạ cần cù, cứ mỗi tháng nhín bớt trong số bạc lương của ông, chắt lót từ đồng, đem gởi vào khi Tiết kiệm (Caisse d’Epargne).
Đến khi ông được tuổi năm mươi, ông bàn tính với bà, rồi gởi đơn xin giải chức hồi hưu mà dưỡng lão. Khi được giấy hưu rồi thì ông liền dắt hết gia quyến về cất nhà cửa tại Vĩnh An hà là nơi hương quán của ông. Lúc nầy ông đã được rảnh rang, cho nên ngày chí tối ông chỉ lo trồng cây lập vườn mà chơi cho tiêu khiển; chung quanh nhà thì ông trồng ròng những kỳ hoa dị thảo, thơm nực trong ngoài, nơi ao cá, chỗ chậu sen; dòm vào cái cảnh gia đình của ông thật rất thanh u nhàn nhã.
Vả lại ông là một người vẫn có danh thanh bạch đã lâu, cho nên từ ngày ông về ở đó đến sau, tự quan chí dân bất luận là ai, cũng đều kính phục. Lúc bấy giờ, ối thôi, biết bao những thân bằng cố hữu, người xu phụ kẻ phùng nghinh, nói sao xiết những nhơn tình thế thái.
Ông lại nghĩ rằng: Phàm sanh ra làm người mà muốn cho tư cách hoàn toàn, để đối đãi cùng xã hội nơi buổi giao thời nầy, thì bất luận là trai hay gái, đều phải nhờ học thuật mà bồi bổ lấy tinh thần; bởi đó cho nên trọn năm người con của ông, bốn gái một trai, thảy đều có học.
Những lúc ông còn làm quan, nhơn vì công sự buộc ràng, nên ông chỉ lo dạy sơ hai cô con gái lớn của ông vừa biết đọc biết viết và biết chút đỉnh trong đạo làm người vậy thôi. Duy có ba người con nhỏ sau đây, là hai cô Thu Cúc với Xuân Lan và cậu Nguyễn Trọng Liêm là con trai út. Cậu trai thì ông cho học tại trường tỉnh An Giang, còn hai cô gái thì ông cho vào học Nữ học đường Sài Gòn mà học nữ công và trau dồi kinh sử.
Vả lại lúc nầy ông đã được về hưu, nên ông có rộng ngày giờ, lúc ông buồn thì ông chỉ cứ ngâm thi vịnh phú mà chơi, khi ông rảnh thì ông lại viết những sách dạy về luân lý để bảo tồn phong hóa.
Mỗi khi bải trường mà ba người con của ông nghỉ học về nhà, thì ông lại đem sách nho ra mà dạy: ông dạy làm thi làm phú, dạy phong hóa lễ nghi, dạy từ lời ăn tiếng nói, dạy cho tới cách cử xử và giao thiệp với đời.
Có lúc trời trong trăng tỏ, gió mát đêm thanh, ông lại khiến đứa ở dọn bàn nhắc ghế đem ra nơi vườn hoa và pha trà ngon cho ông uống, rồi ông mời hết cả ba người con ông ra, dạy kéo ghế ngồi kề bên cạnh.
Ông và xơi trà và giảng luận việc đời cho ba người con của ông nghe, một chặp lâu ông lại chíp miệng mà than rằng:
– Mấy con ôi! Tưởng khi mấy con đã biết ý cha, vả cha là một người đa sầu đa cảm, nay cha đã già yếu, tuổi quá tri thiên rồi, ngồi mà nghĩ lại, bình sanh cha, chỉ có một cái bịnh lo đời, năm chí cuối, những mãi âu sầu mà chẳng có giờ khắc nào cho thơ cái trí được.
Xuân Lan nghe cha than như vậy, bèn rỉ rén thưa rằng:
– Con vẫn biết ý cha lắm, bởi cha thấy cái trình độ của quốc dân ta hiện nay mà vẫn còn thấp hèn như thế, nên cha lo buồn cũng phải lắm chứ, nhưng con nghĩ lại cái sự lo ấy là phận sự của mấy cậu học sanh và mấy nhà tư bổn, chớ chẳng phải một mình cha mà lo cho xiết được, huống chi tuổi cha nay cũng đã lớn rồi nếu cha cứ chác lấy cái sự lo ấy trong mã trong mình, thì con lo cho cha một ngày kia rủi phải sanh bịnh hoạn, vạn nhứt mà cha có bề nào thì còn ai mà dạy dỗ mấy chị em con, vậy nên con khuyên cha một lời, xin hãy bảo trọng lấy thân già, sớm khuya hủ hỉ với chị em con mà an hưởng cái hạnh phước nơi chốn gia đình, ấy là một điều cần nhứt cho con ước nguyện đó cha.
Thu Cúc nghe Xuân Lan nói dứt lại, thì phản đối lại rằng:
– Nếu em tưởng vậy thì em chẳng phải là con tri kỷ của cha mình rồi đó; bởi trí em còn thấp lắm, vậy để chị nói lại cho em nghe phàm những kẻ vì sự lo rầu mà sinh ra bịnh hoạn đó là những bọn lục lục dung thường, phàm phu tục tử, giá áo túi cơm kìa! Bởi những hạng người ấy nhứt sanh chỉ cần có một sự no cật ấm thân mà gọi là ăn sung mặc sướng đó thôi, thản nhiên có rủi mà phải bước truân chuyên, gặp cơn nguy biến, thì ắt nó ảo não âu sầu, bù xa bù xít, vào thở ra than, băn hăn bó hó, chắt lưỡi hít hà, có khi rầu quá mà phát điên, thậm chí phải thác oan mới là uổng mạng, chớ như cha của chị em mình đây là người học thức hoàn toàn, chí khí cao thượng; cho nên dầu cho có gặp cơn nước lửa, phải bước nan nguy thế nào đi nữa, thì tấm lòng thiết thạch, cái chí liệt oanh của cha mình đây cũng trơ như đá vững như đồng, ai xô không động, ai rúng không xiêu; chớ có phải như bọn thọ bỉ kia đâu mà bi lụy hằng ngày, cho đến đỗi phải sinh ra bịnh hoạn lận hay sao mà em hòng lo như thế, vậy chẳng là tầm thường lắm chăng em? Nhưng mỗi khi cha mình có buồn, thì chị em mình cứ lựa những thứ nhựt báo nào cho có giá trị, hoặc những sách triết học nào cho kỳ thật là hay, hoặc những tiểu thuyết nào câu văn cho tao nhã, lý tưởng cho thanh cao, rồi đem ra mà đọc; hoặc ngâm ít luận thi, hoặc vịnh vài câu phú cho cha mình nghe chơi cho tiêu khiển; vì nhựt báo với sách là một món thuốc bổ ngươn, thật rõ ràng là một phương tỉnh não đề thần của nhà triết học đó đa em à! Song mà chị em ta cũng còn phải đề phòng chớ đừng có vô ý rồi nhè những nhựt báo nói xằng, và những sách lả lơi vô vị mà đọc thì ắt là làm cho cha mình phải long óc nhức đầu, mà rồi chị em mình đây cũng phải xây xẩm mặt mày mà phải khốn đa em; nên phải cẩn thận cho lắm mới được …
Thu Cúc nói chưa dứt lời, quan huyện liền vỗ vai con, mỉm cười mà nói rằng:
– Thật con biết rõ cái tâm bịnh của cha, vậy mới phải là con tri kỷ của cha đó.
Thu Cúc lại ngó Xuân Lan mà nói tiếp thêm rằng:
– Nầy em chỉ như những lời của em đã thưa với cha khi nãy rằng cái nghĩa vụ lo đời đó là phận sự của mấy cậu học sanh và của mấy nhà tư bổn; húy chao ôi! Học sanh làm chi, mà tư bổn lại làm chi? Em cũng thường xem nhựt báo, vậy chớ trong khoảng chín mười năm mà trở lại đây, em có nghe cái ảnh hưởng gì không? Em có thấy những ông học sanh nào đi du học ở ngoại quốc đên khi tốt nghiệp mà trở về xứ rồi, họ có quan tâm gì với xã hội ta chưa? Tưởng khi chưa. Một chưa, hai chưa, ba bốn cũng chưa. Cái tôn chỉ của các ông đi du học đó đều lấy có một vinh thân phì gia làm chủ nghĩa, cho nên mỗi khi lo học cho thành tài rồi thì cứ bấu theo đua chen nhau trong đám quan trường, chỉ mong có một sự vinh hiển sắp thời rồi trở lại khinh khi thoát nạt đồng bào mình mà chơi cho thỏa thích; chớ em đà có thấy ông nào mà lưu tâm đến sự mở mang em cháu mấy ổng hay chưa? Tưởng khi cũng chưa nữa mà! Lại còn thảm một nỗi cho bọn nữ lưu Việt Nam ta, có nhiều cô lại thầm trông trộm ước, mong sao cho được làm bà Tú, bà Cử, mà nhờ chút thơm lây của mấy ông du học ngoại quốc mới về. Nhưng, em hãy thử ngẫm lại mà coi; nào có mấy ai mà đạt được cái hi vọng ấy bao giờ! Chỉ có một hai cô có phước mà sanh nhằm nhà cự phú, lúa ruộng mỗi năm cho được một hai trăm ngàn giạ kìa, thì mới còn mong đem cái sự nghiệp ấy mà đổi lấy cái chức bà Tú, bà Cử, để chưng chơi cho rực rỡ với đời; chớ kỳ dư phần nhiều, hễ ông nào học vừa được thành tài, thì đờn bà ngoại vóc ngọc hớt hết đã bao giờ rồi chớ có còn đâu mà bỏ sót lại cho tới tay con gái nhà Nam Việt! Cho nên cái sự du học của mấy ổng đó bất quá hồ là họ mưu lấy có hai chữ Vị Kỷ đó mà thôi, chớ cũng chưa thấy bổ ích gì cho xã hội ta đâu mà em hòng trông mong đến mấy ổng. Còn nói qua tới mấy nhà tư bổn, thì chị lại càng chua xót não lòng. Em nghĩ đó em coi, những nhà tư bổn của người ta bên Âu bên Mỹ, thường hay xuất bạc muôn ra mà làm điều công ích, bồi đắp cho quê hương; kẻ lo lập nhà bảo cô để nuôi những trẻ mồ côi, cho khỏi cơ hàn tốt tưởi, người lại lập học đường, để giúp con nhà nghèo khổ, chuyên lo ung đúc nhân tài; hoặc cất nhà bảo sản bảo sanh, mà bảo tồn nhân loại; hoặc hiệp lực với nhau, lo lập Ấu trĩ viện để nung nấu cái khí hạo nhiên cho trẻ bé. Chớ như những nhà tư bổn trong nước ta đây thì phần đông lại đam mê bên đường danh lợi, năm chí cuối, cứ lo thâu liễm, rồi để dành tiền bạc sẵn đó cho nhiều mà chờ cho có cái cơ hội nào, hoặc tranh cử Hội đồng, hoặc đành ra Cai Phó tổng, dám liều tốn cho đến năm bảy chục ngàn, có nhiều khi phải đến tán sản khuynh gia mà chưa biết ngán. Còn nói qua việc công ích đáng làm, thì một đồng xu cũng không ai muốn lọi; thế thì em còn tính tới mấy nhà tư bổn mà làm gì? Hóa cho nên những đấng ưu thế mẫn thời, ai là người không ảo não âu sầu, chớ chẳng phải có một mình cha mình đây mà thôi đâu em.
Quan huyện nghe Thu Cúc nói dứt lời thì gật đầu và chúm chím miệng cười mà nói rằng:
– Thật con đã động tốt nhơn tình thế cố rồi đó. Cả con là gái mà con lại có cái kiến thức cao thượng như vầy, thì cái sự mừng của cha còn có chi bằng; nhưng cái lời của em con nó khuyên cha khi nãy đó cũng không phải sai, vì nó còn nhỏ hơn con, nên nó chỉ biết có một điều hiếu kính với mẹ cha, chớ nó chưa biết được cái nghĩa vụ trinh thành cùng xã hội. Thôi trời cũng đã khuya rồi, mấy con hãy kêu trẻ dẹp đồ rồi đi nghỉ ngơi cho sớm.
Thật cái cảnh gia đình quan huyện lúc nầy, gồm đủ cả phụ từ tử hiếu, phu xướng thê tùy, cái hạnh phước nầy còn có chi bằng. Nào dè đâu Tạo vật khéo khuấy chơi, anh hùng đa ma chiết, đất bằng sóng dậy.