Phần 01

Gần bước tháng tư, hơi xuân còn đầm ấm. trên núi mai đà rơi lác đác, dưới hồ sen đương lố xố đơm bông. Thuở ấy vừa tiết tháng ba, chánh là ngày cúng vía bà nơi trên núi Điện (1).

Lúc bấy giờ, khắp trong lục tỉnh, xiết bao kẻ dở người lui, nườm nượp xe xe ngựa ngựa. Thật là:

Dập dìu tài tử giai nhân,

Ngựa xe như nước áo quần như nêm.

Nhưng, cũng có người vì lòng thành đến đó mà dâng hương, cũng có kẻ bởi du lịch nên tìm đường khiển hứng.

Đang buổi trời mai, vầng đông ánh rạng: Lố xố đồi ngàn sương điểm cỏ, lơ thơ mấy cụm gió đùa cây. Kìa một con đường ngay thẳng rẳng, hai bên hoa thảo thanh u, chính giữa đường những khách đi hành hương, đua nhau kẻ trước người sau, nào là ngựa, nào là xe, rất nên náo nhiệt; còn những khách đi chơi, thì cứ hưỡn hưỡn dò lần, tản bộ nhàn hành, rảo bước thung dung, để nhắm xem phong cảnh.

Trong đám nầy lại có một người trai tơ, tuổi vừa quá hai mươi, khăn áo trang hoàng, vừa đi vừa nhắm nhía hai bên, dường như đã say mê san thủy. Còn đương thơ thẩn, mải xem nước bích non xanh, thoạt đâu nghe phía sau lưng, có tiếng chuông reo thúc leng keng, lại có tiếng người la lớn tiếp theo:

– Ê ếp! ..

Người trai ấy giựt mình liền nhảy trái qua một bên lề đường mà tránh, bề trong chàng tuy có ý bất bình, mà bề ngoài chàng cũng cứ giữ nét khoan hòa, bèn quay lại xem coi, thấy một cái xe mui, thắng một cặp ngựa kim, ở đàng sau chạy tới, trong xe có một người đờn bà ngồi giữa, độ chừng lối năm mươi ngoài tuổi, mình mặc áo nhung đen, tay đeo cà rá có nhận hột xoàn, nét mặt tươi cười, trông ra rất có vẻ phong lưu đài các. Hai bên lại có hai cô thiếu nữ, ăn mặc cũng đàng hoàng, chạc chừng 17, 18 xuân thu, diện mạo phương phi, dung nghi tề chỉnh.

Xe vừa đi trờ tới, người đờn bà trên xe liền ngó người trai tơ ấy mà gật đầu, chúm chím miệng cười, tỏ lòng khiêm nhượng, dường như muốn nói lời chi, ngặt vì xe chạy thoát qua mau, nên chưa kịp nói. Khi xe qua khỏi rồi, chàng ta vừa đi vừa suy nghĩ một mình rằng: “Thật nghĩ mà tức cười cho cái buổi ư thắng liệt bại nầy, hễ mạnh hiếp yếu, lớn hiếp nhỏ, giàu hiếp nghèo, sang hiếp hèn, cho nên xe lửa thì hiếp xe hơi, còn xe hơi thì hiếp xe mui và xe kiến, đâu đâu cũng vậy; ối thôi, ta cũng chẳng hơi đâu mà phiền trách cái thói dối giả trong buổi huỳnh kim thế giái nầy mà làm chi cho mệt.”

Vừa đi vừa nghĩ mà cười thầm một mình, rồi cũng cứ việc rảo bước thung dung, đi lần lên trên Điện. Vừa bước đến nơi thì thấy một tòa cổ tự, điện võ nguy nga, chung quanh thảo mộc diềm dà, tùng cúc sum sê, rất u nhã; phía trước có một tòa đại điện, phía sau lại có hai tòa nhà chính cất hai bên đối diện với nhau rộng lớn thinh thinh, rất có vẻ oai nghiêm tráng lệ.

Gần bên đó là Điện thờ Bà, ngày đêm hương đốt đèn chong huy hoàng sáng lạng. Còn những thiện nam tín nữ, kẻ ra người vào, thật không biết số nào mà đếm cho xiết được; trong chùa tăng chúng cũng đông, khuông trống rinh rang, kẻ đốt hương người lạy phật. Chàng ta, vừa mới bước vào, xảy nghe có tiếng nói nhỏ nhỏ mà giọng rất thanh tao rằng:

– Kìa má, thầy hồi nãy cũng lên tới rồi kia kìa má!

Chàng ta nghe nói, bèn ngước mặt ngó lên, xem rõ lại té ra là ba người ở trên cái xe mui mà làm cho mình giựt mình khi nãy. Còn đương ngơ ngẩn chưa biết là ai, bỗng thấy người đờn bà ấy đứng dậy thi lễ và nói rằng:

– Tôi xin lỗi cùng thầy, vì khi nãy xe đang chạy giữa đường, mà đường thì chật, xe thì đông, bởi sợ việc rủi ro, lại thêm trong lúc bất cập mà thằng đánh xe của tôi nó cũng vô lễ, đã rung chuông mà lại còn la cho rộn, làm cho thầy giựt mình giựt mẩy; vậy mà trong lúc ấy tôi thấy thầy cũng hòa nhan duyệt sắc, chẳng tỏ ý giận hờn, thì tôi biết thầy là người có học, cho nên tuổi tuy còn nhỏ, mà có độ lượng khoan hồng, biết dung nhơn dung vật, hữu trưởng giả chi phong, tôi hết lòng kính phục; thật tự nãy đến giờ, tôi lấy làm ái ngại chẳng cùng, lúc ấy tôi cũng muốn xin lỗi với thầy, ngặt vì xe đang trớn chạy qua mau, nên tôi không kịp nói; vậy xin thầy hoan hỉ thứ cho. Nhưng tôi chẳng rõ thầy năm nay xuân thu được mấy, quý tánh, đại danh, làm việc sở nào, quê quán tại đây hay là ở đâu tới đây mà ngoạn cảnh?

Chàng ta thấy người đờn bà ấy diện mạo đoan trang, cử chỉ ôn tồn, thì biết là người sang trọng, lại thêm nói năng phong nhã rất có lễ nghi, nên cũng chắp tay xá và nói rằng:

– Bẩm bà, ấy chẳng qua là việc nhỏ mọn tầm thường, ngẫm chẳng đáng chi, song đó cũng là tại chú đánh xe, chớ chẳng phải lỗi ấy xuất tự nơi bà, xin bà chớ để ý làm chi mà lao phiền quý thể. Còn cháu đây tiện danh là Hoàng Hữu Chí, tuổi mới 22, quê quán ở Long Hồ, học sanh trường Sư phạm Sài Gòn, mới thi lãnh bằng tốt nghiệp và đổi lại dạy tại trường Tây Ninh đây, vừa được mấy tháng nay, nhơn lúc rảnh rang, nên mới lên đây, trước ngoạn cảnh sau coi cúng vía. Vậy cháu cũng xin vô lễ mà hỏi thăm bà, chẳng hay bà là người bực chi, quí ngụ tại đây, hay là ở trong lục châu đến cúng vía Bà, còn hai cô nầy có phải là lịnh ái của bà, hoặc em cháu chi, hay cũng người quen mà đồng đi cúng Phật; dám xin bà phán hết cho tận tường, kẻo trong lúc xưng hô, tôi e không biết mà lỗi lầm, sắt mang câu vô lễ.

Người đờn bà ấy mỉm cười, rồi nói rằng:

– Tôi không nói giấu chi thầy, tôi đây vốn là một người sương (2) phụ, cha bầy trẻ tôi xưa làm quan Tri phủ cũng ngồi tại quận nầy, mà ổng đã mất lộc (3) hơn ba năm rồi, có để sự nghiệp lại cho tôi chút đỉnh, cũng vừa đủ xây xài, khỏi lo bề hụt hạt, lại cũng may nhờ có hai đứa con gái của tôi đây, mẹ con hủ hỉ sớm trưa, cũng giải khuây được trong cơn phiền muộn.

Hoàng Hữu Chí nghe nói dứt lời, liền quay lại chắp tay, xá hai cô con của bà phủ và nói rằng:

– Nói vậy hai cô đều là lịnh ái của bà, vậy mà tôi không biết, xin hai cô miễn chấp cho tôi.

Hai nàng ấy vội vàng đứng dậy liễm dung đáp lễ lại, rồi cũng cứ lặng im như cũ.

Bà phủ lại nói rằng:

– Thật tôi thấy thầy tuổi tuy còn nhỏ mà ăn nói khôn ngoan, nên tôi cũng phục, tưởng là thầy ở đâu xa, chớ thầy cũng dạy ở tại đây, thì tôi mời thầy bữa nào có rảnh, xin đến nhà tôi một phen mà chơi cho biết.

Hoàng Hữu Chí nói:

– Bà đã có lòng chiếu cố, cháu đâu dám chẳng vâng lời, vậy xin bà để xế mai, cháu sẽ tìm đến bà mà tạ ơn hiệu cố.

Chiều bữa ấy việc cúng Phật xong rồi, bà phủ bèn giã từ tăng chúng với mấy mụ ni cô, rồi dắt hai cô con xuống lui ra về, bà lại đinh ninh dặn dò Hoàng Hữu Chí, nhất định xế mai cũng đến nhà bà chơi, chớ có quên lời hứa mà để cho bà nhọc lòng trông đợi.

Hoàng Hữu Chí dạ dạ vâng lời, lại theo đưa bà ra khỏi cửa chùa một đỗi xa xa, rồi mới cúi đầu chắp tay từ giã bà mà trở lại.

Nguyên bà nầy là vợ của quan phủ Nguyễn Hữu Ân, tánh tình vui vẻ, thái độ ôn hòa, nhà tuy sang mà không kiêu không lần; thấy người giàu cũng chẳng nịnh qua, nói tóm lại một lời, bà thật là người đạo đức hoàn toàn, ít ai sánh kịp. Tiếc có một điều là bà làm bạn với quan phủ gần trót ba mươi năm mà chẳng có con.

Từ ngày quan phủ thất lộc; bỏ bà lại một mình, vắng trước quạnh sau, cảnh tình thê thảm, phàm những việc nhà bất câu lớn nhỏ, ngoài ruộng trong vườn, tôi trai tớ gái, bà liệu lý có một mình, luôn sớm cần cù, lấy làm cực nhọc.

Cách chừng 4, 5 tháng trước, bà cũng nhơn đi dâng hương trên núi Điện, thời may bà gặp được hai cô thiếu nữ, cũng dắt nhau lên Điện mà dâng hương; bà hỏi thăm ra mới biết con nhà danh gia lạc nạn, nên bà động mối thương tâm, mới đem hết cả hai về nuôi làm con, từ ấy đến sau, mới có người thay thế cho bà mà xem sóc việc nhà và sớm trưa hủ hỉ với bà, thì bà cũng được thỏa lòng nơi ngày vãn cảnh.

Còn hai cô thiếu nữ nầy là chị em ruột với nhau, chị tên Thu Cúc, em gọi Xuân Lan, chị mới mười tám tuổi xuân, còn em thì mười bảy vẫn là con gái của một quan huyện kia, mỹ danh là Nguyễn Trọng Luân.

Quan huyện ấy là người đã thanh liêm mà cương trực, giàu chẳng bợi, khổ chẳng khi, những kẻ nghèo hèn mà trong sạch thì ông thương, còn những kẻ giàu có mà tham lam thì ông lại ghét, ông tuy là người trong phái tân học, làm quan giúp việc cho Đại Pháp chánh phủ thì mặc dầu, mà bên Nho học ông cũng siêu quần bạt tụy; phàm một câu văn, một bài phú hoặc một quyển sách chi của ông viết ra thì ai nấy cũng hoan nghênh, thảy đều vui xem vui đọc; ông thật là người tài tình lỗi lạc, lại quảng giao thiên hạ anh hùng, tánh tình hào hiệp, ngôn ngữ như lưu; lại còn một điều nầy nữa mới kỳ: là hơi ông hát cũng thanh, mà giọng ông ngâm thì cũng nhã. Bởi đó cho nên, những hàng thức giả trong lục châu đều gọi ông là Nam kỳ tài tử.

Còn bà huyện cũng là người dòng dõi thơ hương, bà làm bạn với ông từ ngày bà mới tuổi hai mươi, sanh con cái cũng nhiều; nhưng còn nuôi được có 1 trai và 4 gái. Hai cô gái lớn đã có đôi bạn gia thất tư riêng, duy còn có hai cô gái nhỏ là Thu Cúc với Xuân Lan và một cậu con trai út tên là Nguyễn Trọng Liêm, mới 14, 15 tuổi vẫn còn đi học.


(1) Một Nam kỳ chỉ có hòn núi nầy là cao hơn hết, bề cao đến 884 thước tây, ở về tỉnh Tây Ninh, cách tỉnh thành chừng 10 ngàn thước. Trên núi có một cảnh chùa Bà. Thánh Hiệu của Bà gọi là Bà Đen, cho nên người ta cũng gọi núi này là núi Điện Bà hay là núi Chơn Bà Đen. Tục truyền rằng Bà linh lắm, cho nên người ở trong tỉnh Tây Ninh đều cữ tên Bà, chẳng hề dám nói tới tiếng Đen, hễ màu đen thì gọi là màu thâm, như vải đen thì kêu là vải thâm vân vân …

(2) Sương phụ là đờn bà góa

(3) Làm quan mà chết gọi là mật lộc

Viết một bình luận

error: Content is protected !!