Xét Cổ Pháp ký và bia Kỷ Đức thì Vương gốc là vị Thổ thần chùa Kiến Sơ. Ngày xưa làng Phù Đổng lập đền Thổ địa thần ở bên hữu của chùa để làm nơi tụng niệm, đến sau tăng đồ vắng vẻ, năm tháng chầy lâu, người làng lấy chỗ thần từ theo tập tục mà cầu đảo. Kịp đến khi Đa Bảo thuyền sư trùng tu chùa quán, thầy Trụ trì Truyền Đăng cho là dâm từ ý muốn dời đi.
Một hôm thần đề bài thơ ở một gốc cây trong đền rằng:
Phật pháp hay gìn giữ.
Là nhờ Trú Kỳ Viên.
Nếu không bọn ta đó;
Đã dời chỗ khác liền.
Chẳng chép Kim Cương bộ;
Giấu kín Ná-la-diên.
Vài ngày sau lại thấy tám câu Kệ đề rằng: Phép Phật từ bi lớn. Sáng trùm cõi tam thiên. Vạn thần đều biến hóa; Tâm giới thảy quanh bênh. Thầy ta làm chính lệnh. Tà quỷ dám tranh tiên. Nghe theo lời thầy dạy. Lớn nhỏ học Kỳ Viên.
Pháp sư hiểu biết mới thiết đàn để cho thần thụ giới, cúng đều dùng đồ chay cả.
Xưa kia vua Lý Thái Tổ đang buổi tiềm long biết nhà sư Đa Bảo là người cao hạnh, thường cùng theo ông đi chơi, sau khi thụ thiền thì vua thân hành đến chùa. Khi ấy nhà sư tước ngự giá đi ngang bên đền có lên tiếng hỏi thần rằng:
– Phật tử đã có thể bỏ trần tục, lại có thể khánh hạ tân Thiên tử không?
Thần lập tức trả lời, tự đề bốn câu rằng:
Đế đức càn khôn lớn.
Uy linh động tám miền;
Uy minh nhờ ân trạch,
Nhuần thấm khắp Xung thiên.
Vua nghe đọc bài thơ, biết tình ý của thần mới cho hiệu là Xung Thiên Thần Vương, hốt nhiên bài thơ biến mất. Vua lấy làm lạ, sai thợ chạm trổ tượng thần, dung mạo trác vỹ và các thị tùng, làm lễ khai quan khánh tán xong, hốt nhiên thần lại hiện ở cột chùa bốn câu kệ rằng:
Một bát nước công đức.
Theo duyên hóa thế gian.
Quang minh lại soi sáng.
Bóng lặn nhật lên non.
Sư đem bài kệ trình vua Lý Thái Tổ, Thái Tổ không hiểu ý làm sao; sau đến đời Lý Huệ Tông mất ngôi là đời thứ tám, tức là bát công đức, húy chữ 旵 [1] tức là bóng mặt trời lên núi mất nước. Kệ của thần cũng đáng tin thay!
Trải mấy đời, gia phong mỹ tự, phụng sự hương hỏa để biểu dương sự phù hựu của thần.
—-
(1). 旵 là chữ Sảm, tên của Lý Huệ Tông khi chưa lên ngôi. Chữ Sảm gồm có chữ nhật nghĩa là mặt trời, trên chữ sơn nghĩa là núi. Chữ này không thấy trong Từ Hải.