Xét Đỗ Lỗ bản truyện thì Vương họ Cao tên Lỗ là một người tài giỏi của An Dương Vương. Tục danh Đỗ Lỗ Thạch Thần cũng gốc bởi tên thần là linh của Thạch Long vậy.
Sau khi bình định Nam Chiếu xong, Cao Biền đi tuần hành ở châu Vũ Ninh, đến một chỗ địa đầu, mộng thấy một dị nhân mình cao chín thước, tướng mạo kỳ khôi, búi tóc dùi trống, giắt trâm bằng dao, áo cụt đỏ, nịt đỏ, đến yết kiến Cao Vương; Cao Vương hỏi:
– Ngươi tên là gì?
Thưa:
– Thần tên là Cao Lỗ, ngày xưa giúp An Dương Vương làm Tướng quân, thường có công lớn đuổi giặc, bị Lạc hầu dèm pha nên bỏ đi. Sau khi đã mất thì Thượng đế thương là trung trực nên cho giữ một dải giang sơn, chức Quan Lãnh Đô Tướng Quân; việc bình Nam Chiếu, việc thảo trừ giặc cướp, việc gieo mạ gặt lúa đều am tường cả, làm Phúc thần một phương. Nay theo Minh Công tước bình nghịch tặc, bờ cõi lặng lẽ, thần phải trở về bản bộ, nếu không cáo tạ thờ phi lễ.
Cao Vương lấy làm lạ, hỏi:
– Lạc hầu việc gì lại ghét?
Thưa rằng:
– Việc u âm không thể tiết lậu.
Cao Vương lại hỏi thì đáp rằng:
– An Dương Vương là tinh Kim Kê, Lạc hầu là tinh Bạch Viên, mỗ là tinh Thạch Long. Gà với vượn hợp nhau, còn rồng thời tương khắc là vì vậy.
Nói đoạn, biến mất.
Cao Vương nói với liêu thuộc, tự ngâm thơ rằng:
Đẹp lắm đất Giao này,
Vững vàng muôn thuở đây.
Cổ hiền lại tương kiến.
Trọn chẳng phụ linh đài.
Lại ngâm thơ rằng:
Bách Việt yên bờ cõi.
Một vùng định núi sông.
Thần linh đều thuận giúp.
Phúc họ Đường chẳng cùng.
Lại ngâm thơ rằng:
Sông núi nước Nam đẹp.
Long thần ở đất linh.
Châu dân khỏi nhăn trán;
Nay lại được an bình.
Trải qua mấy triều gia phong mỹ hiệu, đến nay hương hỏa còn rực rỡ vậy.