Tối hôm ấy, tại nhà Hát Tây, Cao đẳng học sinh sinh viên diễn tấn kịch: Huyền Trân Công Chúa. Tác giả vở kịch ấy, nhân quen biết tôi khi chàng còn nhỏ tuổi, không muốn quên một bạn già xưa nay từng phục văn tài chàng, biếu tôi một vé đi xem. Tôi không phải một tay sành về kịch, nhất là về “kịch thơ mới”, lần đầu tiên đem ra diễn trên sân khấu Hà thành, hóa nên dù cảnh đẹp, dù người xinh, dù thơ hay, dù đàn ngọt, tôi không thấy già cảm cả, chỉ há mồm ngồi nhìn hết quan Toàn quyền lại sang quan Thống sứ, và nhất là để tâm ngắm rất kỹ những sắc đẹp tiêu hồn của mấy cô thiếu nữ An Nam với những bộ đùi non hồng hào, mũm mĩm, trắng trẻo, nõn nà, của mấy ả nữ học sinh quý quốc, mặc váy cộc, ra nhảy đùa, múa hát dưới ánh đèn sáng rực của sân trò.
Tôi ngồi xem ngót hai giờ, lúc ấy thấy hai mắt muốn dở hơi nhắm lại. Tôi lim dim buồ ngủ. Chỉ xuýt nữa là ngủ gật. Bỗng hình như tôi cảm thấy một sự gì rất lạ, tựa hồ một luồng điện chạy vụt qua người, khiến tôi gây gấy rùng mình, tâm hồn hồi hộp, rồi mở choàng mắt ra.
Cha mẹ ôi! Tôi điên hay mê ngủ? Hay tôi đã chết xuống Tuyền đài? Tôi vẩn vơ, không hiểu rõ ra sao, lòng tự hỏi lòng chả biết mình ốm lúc nào, chết lúc nào mà chóng thế! Hay mình nằm mơ, nằm mộng; nhưng, nếu thực tôi mơ màng, thi tôi ngủ tự lúc nào? Tôi nhớ kỹ hiện tôi còn sống, mà tôi không ngủ, vì tôi ngồi chính giữa nhà Hát Tây. Chung quanh tôi lại có quan viên làng báo. Tôi nhớ rõ tôi vào ngồi xem có “các”, quả thực không phải tôi mơ hoảng chút nào. Nhưng, muốn cho chắc chắn, muốn chắc chắn rằng mình còn thức, còn tỉnh, mình vẫn sáng suốt như người thường, tôi đem ngón tay út lên mồm, cắn rất mạnh.
Tôi thấy đau quá. Sợ rằng sự thí nghiệm ấy chưa đủ, tôi lại tự véo đùi. Thôi đích thực rồi: tôi còn sống, và vẫn tỉnh. Nhưng … vì sao tôi thấy sự quái gở như vầy?
Trước mặt tôi, trong một ”lô” ở từng gác sang nhất, một đôi mắt đen, sáng quắc, chòng chọc nhìn tôi. Một đôi mắt tôi vẫn xưa nay ghi sâu trong tâm trí. Đôi mắt ấy, nó dài như mắt phượng, nó dịu dàng nằm dưới một đôi lông mày bán nguyệt đặt trên cái trán vừa vặn và trắng nuột, như một đôi lá liễu cong cong. Nó sắc sảo làm sao, cặp mắt bồ câu ấy! Chả thế mà cổ nhân đã phải tặng cho luồng nhỡn tuyến cái mãnh lực siêu quán, đổ thành! Đôi mắt này, nó cũng không kém gì những đôi mắt long lanh của các mỹ nhân trong lịch sử. Lông mi dài, nhỏ, vành cong lên, tua tủa như những sợi tơ đen. Mí mắt trên, hơi ăn sâu lõm vào trong, nhuộm mầu tim tím, xanh xanh, của một lần phấn thơm. Mí mắt dưới cũng kẻ vẽ rất công phu, tỉ mỉ, hóa nên mỹ lệ vô ngần. Mỗi lần hai mí mắt ấy sẽ khép lại rồi mở choàng, một luồng điện lại từ đôi đồng tử đen nháy, sáng ngời, nhấp nháy chiếu ra, sắc như lưỡi kiếm, lóng lánh tựa sao sa, nhưng lại đầm ấm, dịu dàng, như ánh nắng buổi chiều xuân, le lói.
Quái lạ! Làm sao trên thế gian này lại có một người đàn bà thứ hai có cặp mắt giống hệt như cặp mắt tôi hường khắc trong đáu óc? Mà không những thế. Khuôn mặt đeo cặp mắt ấy cũng là khuôn mặt tôi thường tưởng nhớ; tầm thước, hình dáng và bộ điệu của mỹ nhân có đôi mắt say sưa, kiều diễm ấy cũng quả là tầm thước, hình dáng và bộ điệu người mà tôi thương tiếc, chốc đà mười tám năm rồi! Dễ thường tôi điên mất? Có lẽ đâu người chết đi bỗng sống lại thế này? Ô hay! Thục Nga! Thục Nga, có lẽ là Thục Nga, vì nếu không phải chính Nàng, thì đôi mắt tinh anh tuyệt mỹ kia còn có thể là mắt ai được nữa?
Cũng cặp mắt sắc sảo và mơ mộng, cũng làn tóc vừa dài vừa mượt, giấu dưới vành khăn nhung gọn ghẽ, để lộ ra mái tóc óng ả, vầng lưỡi trai phẳng mịn với hai bên tóc mai rủ xuống lòa xòa; cũng nước da lợt trắng lợt xanh, nhưng một mầu xanh phơn phớt dịu dàng, biểu hiện của những làn da quí phái; cũng đôi má nhung thoáng vàng, thoáng đỏ, chả khác gì trái đào vừa chín tới trên cây; cũng đôi lưỡng quyền hơi nhè nhẹ nhô lên, dưới cái trán sáng sủa hơi gồ ra chút đỉnh; cũng đôi môi mịn màng, mỏng, đỏ, mỗi lần cười phô bộ răng đen nhưng nhức, lại vành cong lên như cánh thắm đóa hoa hồng; cũng chiếc cằm tròn, nhỏ, xuôi xuôi, khi cúi xuống, lại làm lộ, đường sau, một cái gáy nõn nà, ngon đẹp quá!
Người thiếu phụ kia ngồi một mình trong một ”lô” sang nhất, không những nhìn tôi chòng chọc, lại còn ngoảnh trông tứ phía, có khi ngấp nghé đứng dậy, làm cho tôi được hạnh phúc ngắm một cách rất kỹ lưỡng tất cả những nét đặc biệt, làm nên nhan sắc của nàng.
Một làn áo nhung lam bọc tấm hình hài yểu điệu một tấm hình hài, trông xa, cũng biết rất mềm dẻo, rất thướt tha, kiều mị, mỗi một khi sức mạnh ái tình làm cho rung động, tê mê. Chao ôi! Người đàn bà kia, tôi đã biết rõ nàng như biết những đường chỉ trên bàn tay tôi vậy! Không cần gần gụi nàng cho lắm, tôi cũng hiểu rõ rằng xác thịt nàng là một xác thịt làm bằng sương tuyết, làm bằng điện tuyến, làm bằng một chất tục mà thanh, một chất rắn sờ nắn được mà cũng mơ hồ, huyền ảo …
… Đã bao lần, bên cạnh một làn da vừa mát lạnh, vừa ấm dịu, như da nàng, tôi đã biết một thân thể giống đúc như thân thể nàng, đã thấy thân thể ấy, dưới gợn tê tái của một luồng ái ân đằm thắm, nồng nàn, cháy bùng lên như lửa đượm, lại tiêu tán ra như tuyết, như băng, để uốn éo, quay lượn trong tay tôi như ngọn gió tuôn bay man mác, để biến ra một thứ tiếng âm thầm, tuyệt diệu, như tiếng đàn réo rắt buổi đêm trường … Trời ôi! Tôi biết tả làm sao, tả làm sao cho cạn những cảm giác, mà giờ đây, tâm hồn tôi chan chứa?
Nếu người thiếu phụ kia chỉ có đẹp, thì dù nàng đẹp đến thế nào chăng nữa, tôi cũng không bao giờ để mắt ngắm nàng. Nhưng khốn nỗi người đó, không hiểu vì sao, giống Thục Nga như hai giọt nước, giống như in, như tạc, như Thục Nga sống lại; hay là chính thực Nàng hiện hồn về cho tôi lại được thấy Nàng? Da thịt Thục Nga ngày nay dễ chừng đã tan ra nước cả, có lẽ nào sau mười tám năm xa cách, tôi còn được thấy vợ tôi bằng thịt bằng da? Nếu người thiếu phụ kia không phải là ma, không phải là hương hồn Thục Nga nhân một phút thiêng liêng mà tụ lại, thì có khi mắt tôi vì hoa lên mà trông quáng cả, trông một người con gái chưa từng quen mặt lại tưởng nhầm là người mình yêu, mình tiếc, mình thường luôn luôn thấy trong giấc mộng si tình?
Lạ thực! Tôi cố tự véo đùi, giụi mắt, cố thí nghiệm mãi để xem mình tỉnh hay mê, mà quay đi quay lại, thế nào cũng vẫn thấy Thục Nga ngồi tươi cười trước mặt! Thục Nga cũng hình như để ý đến tôi, cứ đăm đăm hai mắt nhìn tôi không chán, lại có vẻ muốn gọi tôi mà không dám gọi, vẫy tôi mà không dám vẫy, khiến tôi càng như dại, như ngây. Người tôi run lên, mặt tôi xám lại như khi bị ngộ gió, mắt tôi trông đèn thành ba mươi sáu ngọn, tai tôi ù ù, nghe âm nhạc tưởng chừng như gió khóc, mưa hờn trong đêm lạnh. Chỉ một chút nữa, tôi hóa điên, điên thật. Tôi sợ quá, sợ lại mừng. Mừng vì trông thấy người yêu duy nhất của mình, nhưng sợ là sợ người yêu ấy không phải người mà lại là ma quỉ hiện về để dun rủi mình đi, cùng nàng, vào cõi chết. Nếu quả không phải hồn Thục Nga trở lại, thì có bao giờ tôi được thấy một người đàn bà giống hệt Nàng từ kẽ tóc chân tơ? Không những chỉ giống vẻ mặt mà thôi đâu! Từ nét cười say đắm, từ đuôi mắt đậm đà, cho đến lối chống tay lên gò má, lối vuốt sáp trên cặp môi, cho đến cách đem nhè nhẹ mấy ngón tay búp măng lên đầu, sửa lại mái tóc hơi ơi lệch, tất cả bao nhiêu vẻ đẹp, tất cả bao nhiêu nết xấu, người đàn bà kia đã ăn cắp của Thục Nga. Thế thì kẻ kia mà không phải là Thục Nga, thì còn có thể là ai được nữa?
Tôi dám chắc rằng bao nhiêu người đã quen biết tôi và quen biết người tôi yêu thủa trước, không ai trông thấy người tôi đã thấy mà không kinh hoàng, tê tái, đinh ninh rằng vợ tôi sống lại, trở về. Cái lối đeo chiếc kiềng vàng óng ả thế kia, cái lối đeo mỗi bên cổ tay một chiếc vòng ngọc trạm thế kia, trừ Thục Nga ra, không còn ai theo đúng lối điểm trang thanh thú ấy. Nếu vậy thì quả thật tình nhân tôi sống lại; song không hiểu vìa sao, Nàng không đến tìm tôi ở tận nhà tôi?
Tâm trí to6i đương vẩn vơ, tìm những lý để giả nhời câu hỏi ấy, thì lá màn nhung từ từ hạ xuống, sân khấu đương âm âm tối, bỗng dưng, choàng sáng tỏa ra. Hai con mắt đen của người thiếu phụ mà tôi cho là vợ tôi như chiếu thẳng vào tôi, không chớp. Trông làn da xanh lợt kia mà ánh đèn vàng nhạt trong phòng hát càng làm cho xanh một cách dị kỳ, ai không bảo người nhìn tôi không có một sắc đẹp long lanh, dữ dội sắc đẹp của Thục Nga khi tắt nghỉ, sắc đẹp của một con ma đã chết, mở quan tài đứng dậy rồi thong thả bước ra? Người thiếu phụ tôi trông thấy kia, tuy làm cho tôi nhớ lại em Thục Nga tôi thương, tôi tiếc, nhưng cũng làm cho tôi nghĩ đến nhiều điều quái gở, mà đâm ra lạnh buốt cả sương sườn.
Tôi còn chưa hết cơn hồi hộp, sợ, mừng, thì một mảnh giấy đã từ đâu, mượn tay một đứa trẻ con, đưa đến:
”Nếu ông có phải là ông Đỗ Khánh Thần, thì xin ông quá bộ, hết hồi sau, lên chơi trên từng trên một phút. Ông sẽ vào loge số 15. Tôi có câu chuyện muốn cùng ông giải tỏ. Kính bái.”
Trông nét cữ viết, thì không phải chữ Thục Nga. Đã thế, tôi không có gì đáng sợ nữa; kẻ kia đã gọi, tôi cứ sang, nào có ngại gì!
Hồi kịch tôi xem, lúc ấy, sao nó dài dòng quá vậy? Khi màn vừa từ từ hạ, đèn chưa kịp mở, tôi đã vội xô ghế ngả ra một xó, xách mũ cho nhanh để tếch thẳng đến từng trên. Loge 13, rồi 15. Tôi gõ cửa. Một tiếng nói nhẹ nhàng, thánh thót, như rót vào tai tôi một khúc âm nhạc êm đềm:
– Xin ông cứ vào!
Trời ôi! Tôi tả lại làm sao cái phút mà xác thịt và linh hồn tôi cùng bị, trong một câu chuyện của một người đàn bà, tan ra như mây nước cả?
– Em nhìn anh một lúc lâu, em ngợ quá. Bây giờ anh già đi nhiều lắm. Ô! Tóc anh đã bạc cả rồi! Da mặt của anh cũng nhăn nheo cả. Chắc là anh lo nghĩ nhiều lắm nhỉ?
Chết nỗi! Có nhẽ là Thục Nga sống lại thực, vì cớ sao nàng, đối với tôi, thân mật quá như vầy? Sao lại tự xưng bằng em? Sao lại gọi tôi bằng anh? Càng ngày, tôi càng đi vào một con đường bí mật. Mà biết đâu tôi sẽ khó lòng ra khỏi quãng đường này! Lạ quá.
– Kìa! Anh không nhận được em ư? Sao mà mặt anh thừ ra như thế hở?
Một giọng cười giòn giã, trong trẻo, sang sảng như chuông đồng, khánh ngọc, làm cho tôi, đã kinh hoàng mê mẩn, nghe tiếng cười, càng lạnh buốt cả người.
– Chết thật! Anh bây giờ đốn thật! Làm sao trông anh ngượng nghịu, e lệ thế kia? Em có đâu là người xa lạ mà làm anh phải sợ? Hay là anh quá yêu, quá tưởng nhớ Thục Nga để đến nỗi đâm ra khốn khổ thế này? Rõ tội nghiệp anh quá! Anh là một kẻ chung tình; Thục Nga thực là một người bạc phận! Thật quả là anh không nhận biết em ư? Em là Quỳnh Nga, Quỳnh Nga mà ngày xưa anh ghét cay ghét đắng, Quỳnh Nga mà nhiều phen đã làm lỡ duyên anh. Anh không nhận được em cũng phải. Em xa cách anh đã mười sáu, mười bảy năm có lẻ; anh lại chỉ biết em trong lúc em hãy còn thơ. Nhưng em, em vẫn nhớ anh, vẫn ghi hình ảnh anh trong linh hồn em, từ buổi trước. Tuy anh có khác đi chút đỉnh, nhưng em nhận được anh ngay. Chẳng hay anh đã ra khỏi cơn ngạc nhiên, mê mẩn chửa?
– Anh Thần! Anh là một người đáng yêu, đáng quí. Từ đã lâu, từ khi em biết nghĩ, em vẫn đêm ngày hối hận, lúc thiếu thời, đã làm rẽ duyên anh. Em rất buồn đã làm cho anh chịu khổ, đau, nhớ, tiếc. Nhưng sự nhỡ rồi, còn biết làm thế nào để tạ tội cùng anh? Bấy lâu em không có dịp ở Hà thành, vì thế, chưa được gặp anh để giải tỏ nỗi lòng cho anh hiểu. Em vừa về Hà Nội, vừa về chưa được nửa ngày. Tình cờ lại khiến em, chưa kịp đi hỏi dò tìm đến, đã gặp ngay anh ở chỗ này, may quá! Anh Khánh Thần! Anh có vui lòng tha thứ lỗi em không?
Trong khi thiếu phụ ngồi nắm tay tôi, nói một hơi dài một câu chuyện làm cho tôi đương tê mê, bỗng hóa ra người tỉnh mộng, óc tôi vẩn vơ nghĩ đến những thời trai trẻ, những thời mà tôi cùng Thục Nga còn an nhàn hưởng thú yêu nhau. Phải rồi! Bây giờ tôi nhớ ra rồi! Thảo nào tôi cứ tưởng Thục Nga hiện hôn về mãi! Thì nào có sự gì lạ! Quỳnh Nga là em ruột Thục Nga! Nếu em giống hệt như chị, ấy chỉ tại vì truyền thống, có sự gì đáng ngại, làm cho tôi phải kinh hoàng! Nói vậy thời nói, chớ lúc nhớ tiếc Thục Nga đã hầu tan hồn, nát trí, mà, sau mười tám năm ly biệt, lại gặp một người giống đúc như Nàng, thì chẳng cứ là tôi, dẫu đến Hóa công cũng phải giật mình hoảng sợ!
Nỗi sợ đó, nay bỗng biến tan đi phút chốc, để nhường chỗ cho những kỷ niệm thủa chúng tôi còn thơ ấu cả, Thục Nga, Quỳnh Nga và tôi.