Hồi thứ nhì

Ôi! Bóng sáng lại qua, mau dường tên bắn, mới đó mà ba xuân đã mãn, đầu hạ vừa sang. Tới ngày cưới của Nga Thơ, hai họ vầy đoàn, trăm xe đến rước. Việc cưới gả thì hai họ hành khách thức, chúc tụng vui mừng ấy là lẽ thường, hơi đâu mà thuật hết.

Vả huỳnh Tác Dân là một kẻ nhà tranh con nít, mới lớn lên chưa từng việc bí phòng. Nga Thơ là một gái trải mùi đời, bộ niểu nả mà làm tuồng mắc cỡ. Cưới về hai ba đêm đầu mà chẳng dám rớ tay vào mối chỉ. Tác Dân thấy Nga Thơ sắc đẹp lòng rất thương yêu, phần nhà nghèo không có kẻ tay sai, trừ Nga Thơ ra thì còn có một mẹ già là Trần thị đó mà thôi!

Trần thị tánh tình hòa nhã, ăn ở hiền lành, từ ngày cưới đặng dâu về, thương yêu chí thiết, đến đỗi miếng ăn, tấm bận, cũng nhường cho dâu, mà Nga Thơ cũng là gái khôn ngoan, hiền hiếu với mẹ chồng, mười phần kỉnh thuận, bữa ăn giấc ngủ săn sóc giữ gìn, mẹ chồng khi có bịnh chi, thang thuốc cháo cơm, cả đôi ba đêm không nhắm mắt. Mẹ chồng thấy nàng dâu thảo thuận như vậy, không nói đặng tiếng gì, chỉ có miệng niệm Phật khen hoài, dâu là hiền, mình là có phước mà thôi.

Ngày tháng lẹ như thoi đưa, mới đó mà gần một tháng, Trầm Cẩm Đường ở nhà than dài thở vắn, đứng không yên, nóng nảy như ngồi trên than lửa; trông cho gặp mặt Nga Thơ mới phỉ dạ. Khi mãn tháng, Nga Thơ về nhà viếng mẹ, hai người cũng làm như miếng cũ, cứ tối rồi thì mở cửa sau lên lầu cùng nhau.

Nga Thơ hết sức vui mừng tiếp đãi, còn Trầm Cẩm Đường thì bày dạng buồn rầu, làm tuồng giận dữ, trách móc nói rằng:

– Nàng có chồng vui vẻ sung sướng, còn phận ta ấp cây chờ thỏ một khắc quá một năm. Nàng đi rồi đừng nói về thăm ta làm chi, miễn có viết ba chữ nói phơ phào cho có chừng, cũng thỏa chút tình thương nhớ.

Nga Thơ nói:

– Chàng nói tưởng đâu là dễ lắm sao? Tôi là gái mới có chồng, há dễ viết thơ từ vậy đặng sao? Mà nếu viết thơ rồi gởi cho ai? Bằng cậy người nào chi khỏi họ cười chê, mà việc mình cũng lậu.

Cẩm Đường nói:

– Ở phải, em nói nghe có lý, mà từ ngày em về nhà họ Huỳnh, qua rình nghe tin tức, thì thiên hạ đồn vang em là vợ hiền dâu thảo trong nhà đó, mà vợ chồng khắng khít tới mười hai phần. Thiệt là đờn bà tánh như nước chảy đưa rêu, tới đâu cũng vậy. Còn ta lòng trông bụng nhớ như dại như ngây, ngày trằn trọc không yên, đêm bưng khuâng chẳng ngủ, thì ta dễ chịu lắm sao? Chi cho bằng thôi hai đứa gặp nhau lần nầy rồi dứt nghĩa chia tình cho thoảng bớt ruột gan ke3oche61t về bịnh tương tư cũng ngặt lắm.

Nga Thơ nói:

– Tôi ở tại nhà họ Huỳnh mà an vui hòa nhã đó là tôi vì bởi có chàng. Chàng để thử coi, lâu ngày rồi mới biết tôi là hảo ý.

Cẩm Đường cười chúm chím rằng:

– Cái điều đó xin đừng cần nói, như nàng quả hảo ý thì từ nầy về sau nàng cứ ở bên nầy hoài, đừng chịu về bển như vậy thì ta mới tin, chớ nói ngoài môi với ta mà để cho ta hít hơi tập bóng vậy ta có chịu tin đâu.

Nga Thơ chẳng biết nói sao cứ khóc hoài mà chịu, túng thét Nga Thơ chịu cho Cẩm Đường một cách thong thả thì mới thôi nói nữa.

Từ đó nhẫn sau, Nga Thơ kiếm cớ về nhà mẹ đẻ thăm viếng, đặng cùng Cẩm Đường dùng kế Hàn Tín lấy Tần ngày trước. Bề ngoài mặt thì dọn đường sân đạo, mà chốn âm thầm thì cứ việc Trần Thương.

Vả trong kiến họ Huỳnh, ai riêng phần nấy. Huỳnh Tác Dân phải giữ hai phần hương hỏa, tuy không giàu chi mà phải phụng thủ tế sản mà hương khói cho ông bà. Vì vậy nên hai mẹ con từ cưới Nga Thơ về nhà, thì mong cho dâu có chút trai đặng nối bề hậu tự.

Nga Thơ về nhà chồng đã hơn năm tháng mà điềm hùng mộng rắn trọn chửa thấy tin. Trần thị tánh nóng gấp, ngày kia rảnh việc, mẹ chồng nàng dâu nói chuyện cùng nhau, thì Trần thị cũng nhắc nhở chuyện kế tự đó mãi.

Xảy có thầy bói mù đi qua trước cửa, khảy đờn đản tằng tăng tẳng tăng. Trần thị vừa nghe biểu dâu ra mời ông thầy vào, đặng đoán mạng Tác Dân coi bảo nả và coi tuổi nó năm nào có con. Nga Thơ vưng lời nắm gậy thầy bói dắt vào.

Thầy bói ngồi yên, Trần thị nói tuổi cho thầy toán thử. Thầy bói cứ lưu niên trục khoản, suy đoán hành vận rồi đoán rằng: năm nào lấy chồng, năm nào có con, năm nào chồng chết, năm nào cưới dâu, như thấy rõ ràng không sai một mảy.

Mẹ chồng nàng dâu hai người lấy làm khen, sợ. Trần thị lại hỏi rằng:

– Vậy thầy coi thử coi, tôi măm nào có cháu?

Thầy bói lắc đầu mà đáp rằng:

– Đừng nói tới cháu, e cho một con ở nhà đây khi nó cũng theo ông già nó nữa.

Mẹ chồng nàng dâu nghe vậy thì cả kinh. Thầy bói nói rồi vặn đờn mà ca một khúc trước sau cũng nói in như nhau vậy. Trần thị liền nói tuổi con trai cho thầy bói toán coi. Thầy bói đánh tay rồi niết toán hành vận sau trước chẳng sai; bèn nói:

– Mạng nầy bị lưỡng sát, nhứt sanh chủ hữu hung hiểm, làm việc gì không xong, buôn bán cũng lỗ là việc nhỏ. Duy năm nay bị giáp mộc chánh vận, hình xung đao nhẫn, lại thêm át thái tuế trị niên, đến tháng chín tháng mười e có hại cho tánh mạng.

Trần thị nghe nói thất sắc mà hỏi thầy bói rằng:

– Lời nói ấy thiệt không vậy thầy?

Thầy bói đáp rằng:

– Tôi đây họ Trần tên là Thiết Khẩu. Tôi ở tại thành nầy toán mạng cho thiên hạ đã mười năm dư, ai lại chẳng biết tên tôi, như bói không linh sau gặp đánh chưởi đuổi đi, tôi không dám cự đâu.

Trần thị nghe nói quyết đoán như vậy, thì lo sợ lắm liền xin phép chi giải cứu tai nàn. Thầy bói lắc đầu mà rằng:

– Thái Tuế tại hung, khó mà giải cứu.

Nói mà toán lại nữa bèn tỏ rằng:

– Sợ khi cái oan trái sanh tiền, trong mười ngày nữa ắt không khỏi nạn. Con bà có về thì đừng cho nó đi đâu hết thảy, làm vậy chớ cũng không khỏi, nhưng mà mình phải làm cho hết sức mình.

Thầy bói dặn rồi mang đờn xách gậy biểu dắt dùm ra đường. Trần thị đam tiền cho, thầy bói từ không chịu lấy mà nói rằng:

– Miễn con bà nó trốn khỏi đại tai, tôi đến uống một bữa rượu cũng tốt.

Rồi kiếu ra đi.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!