Kể gần ngày cúng tuần cho Tác Dân, Nga Thơ lo làm tuần tự xong rồi bèn thay đồ kiết phục. Đến ngày cưới có làm tiệc đãi đằng chòm xóm bà con. Trong bà con bàn luận cùng nhau, kẻ thì nói để coi Nga Thơ lựa chồng nhơn vật ra thể nào.
Có người nói:
– Các người không biết sao? Chồng sau đây là con thứ của Trầm Triệu Thù tên là Trầm Cẩm Đường, người đó đi học bên Hàng Châu mới về. Học có tài nhà cũng có của, mà tiếc cho Cẩm Đường không biết …
Người ấy nói vậy rồi nín không nói khúc sau, lại nói:
– Nga Thơ chẳng lấy chồng thì thôi, bằng lấy chồng thì lấy Trầm Cẩm Đường chớ ai.
(Nếu nói như vậy thì ắt có người tri tích).
Nói về Trầm Cẩm Đường từ về nhà họ Huỳnh những sau, thiệt là người mới vật xưa, ân tình mỹ mãn, chẳng cần tỏ hết làm chi. Nga Thơ nói chỗ phòng cũ là chỗ bị oan hồn, nên không chịu ở đó bèn dời chỗ khác. Mà Cẩm Đường cũng thảo kính mẹ chồng của vợ như mẹ đẻ mình vậy.
Đến năm thứ hai, hai vợ chồng đi tảo mộ thì bị thiên hạ chê cười nhục nhã. Từ đó đến sau ở trong nhà hoài mà rì rịch chẳng dám đi đâu. Vì đi ra thì người ta nói hồi chồng mới chết làm bộ thủ trinh với chồng, đòi chết theo chồng, ai dè mới có một năm đã có chồng khác.
Nguyên Huỳnh Tác Dân hồi nhỏ có một người bạn thiết tên là Huỳnh Đắc Công, tuy một họ mà chẳng bà con, vì ý hiệp tâm đầu mà mến ưa nhau lắm. Đắc Công học giỏi thi đậu tú tài, đi du mộ tha phương một năm về chừng một lần, mà hễ có về thì ghé thăm Tác Dân trước hết. Mỗi khi ghé thăm thì Tác Dân đãi đằng trọng hậu lắm.
Trần bà thấy bạn của con như vậy cũng vui lòng lo chạy mà đãi đằng nên Đắc Công cảm niệm hậu tình mong để có ngày mà báo đáp. Khi Đắc Công ghé nhà Tác Dân mà thăm trước, ai dè ghé vừa tới cửa thấy có một người trai lạ thì Đắc Công bợ ngợ muốn xin lỗi mà lui.
Người ấy lại hỏi Đắc Công rằng:
– Phải kiếm thăm Tác Dân chăng?
Đắc Công nói phải. Người ấy mới thuật chuyện Tác Dân đã thác, mình vào làm rể mà thế Tác Dân.
Đắc Công nghe vậy thì than thở không cùng, bèn vào nhà mà lạy thăm bá mẫu. Có đam lễ vật cho rồi hỏi thăm bịnh nguyên của Tác Dân đau làm sao mà thác?
Trần bà tỏ lại, Đắc Công chẳng xiết buồn rầu. Đắc Công nói rằng:
– Anh cậy tôi kiếm công việc cho anh làm ăn, đã mấy năm mà kiếm không đặng nay kiếm đặng rồi thì anh lại thác đi, thiệt lòng tôi đau đớn quá.
Trần bà lại đam chuyện cưới dâu con thác, dâu hiền, con tạm sau cũng thảo nói hết cho Đắc Công nghe. Rồi kêu dâu và con tạm ra cho hai đàng biết nhau, rồi cũng kêu nhau bằng anh em vậy. Đắc Công lấy bạc sai đứa tùy hành đi mua tế vật về cúng điếu Tác Dân, quì trước bàn thờ khóc kể nhiều câu tha thiết.
Huỳnh Đắc Công khi cúng lễ mà kể rằng:
– Huỳnh đại ca ôi! Khi sanh tiền chẳng lo việc gia nghiệp để nay nằm xuống thì gia thế đã tiêu điều. Em những mảng lo chạy Sở chạy Tần, anh có bịnh em không đặng thấy mà giúp đỡ. Anh lại chẳng hay chống cự với đồ oan quỷ, để cho đến đỗi bỏ mẹ già bữa đói bữa no. Nay chị dâu tôi lấy chồng khác đem về nhà mà nuôi mẹ già cho anh, dẫu cho khỏi đói lạnh đi nữa, anh lại an nơi chín suối hay sao? Tôi với anh là tình nghĩa đậm đà chẳng kém bạn vườn đào thuở trước, mà khi sống tôi không đặng giúp anh nên, khi thác không đặng lo cho anh trọn vậy tôi cũng hổ thẹn trăm bề. Cái trách nhậm của tôi phải làm sao cho rõ sự chết oan của anh thì tôi mới chuộc đặng cái tội hơ thờ của tôi thuở nay đó.
Kể rồi khóc rống ồ ồ, Trần bà, Nga Thơ, Cẩm Đường nghe cũng động lòng đều rơi nước mắt! Mà Nga Thơ và khóc và đập đầu vào cột tức tối mà rằng:
– Người thác kia có hay cho chăng, vì lo nuôi mẹ mà ra lỗi cho tôi, hễ vợ chết đói thì phải cam thất tiết.
Kể rồi khóc lóc rồi kể tỏ ra nhiều cách thảm thiết vô cùng, coi dường như muốn tìm kế mà thác vậy, làm cho Đắc Công ngồi cũng không yên. Nhờ Cẩm Đường và Trần bà hết sức khuyên giải mới thoảng bớt.
Trần bà hỏi Đắc Công rằng:
– Vậy cháu về đây đồ hành lý để đâu? Như chưa về nhà thì đem lại đây, có nhà bỏ không đó cháu ở đỡ cũng đặng.
Đắc Công thưa rằng:
– Cháu gởi hành lý nơi nhà quen của cháu để cháu tính coi, về ở lẽ nào rồi cháu sẽ thưa cho bác rõ.
Nói rồi từ giã ra đi.
Khi Đắc Công ra khỏi nhà Trần bà đi đặng một đỗi mà trong lòng bứt rứt không yên, xảy nghe có tiếng kêu:
– Huỳnh lão gia đi đâu lật đật dữ vậy?
Đắc Công quày đầu ngó lại thì thấy người bạn học cũ là Ngô Hữu Luân. Ngô Hữu Luân là người hay làm việc cà rỡn, bỏ nghề khoa cữ, cứ theo công việc kiện thưa, bày mưu chúc cữ chuyện vặn vặt cho người trong làng xóm đặng no say rượu thịt thì thôi. Đắc Công gặp mặt cũng thường có châu tế; cho nên nghe Đắc Công về ở nhà Tác Dân thăm Tác Dân nên Hữu Luân tới thăm Đắc Công, may gặp giữa đàng trong lòng hớn hở.
Hữu Luân nói:
– Lâu gặp người hảo tình xin mời vào tiệm nhậu ít chén cho thỏa lòng cửu niệm.
Khi vào tiệm dùng đặng vài chén thì Hữu Luân hỏi rằng:
– Lão gia chuyến nầy cũng ở nơi Huỳnh gia hay ở đâu?
Đắc Công than rằng:
– Tôi đi hơn một năm nay không về, việc người đà đổi cảnh hết rồi! Nhà Huỳnh gia đã mất một người mà thêm đặng hai người, tôi coi bộ đó có sự lạ kỳ, mà chuyện chết của Tác Dân cũng quái lắm. Nói nhảy xuống sông mà chết sao thây chẳng nổi lên? Chàng cũng có quen với Tác Dân mà Tác Dân là bạn nhứt của tôi, chàng có biết chi cho tôi hay, tôi sẽ phân oan cho bạn tôi kẻo ức.
Nói rồi biểu đem đồ ăn thêm, Đắc Công khuyên Hữu Luân cạn chén. Hữu Luân bị rượu vào hừng chí bèn nói với Đắc Công rằng:
– Lão gia soi lòng tôi rõ lắm, mấy năm thiếu thốn cũng nhờ có lão gia châu truyền, nay lão gia hỏi việc chi tôi biết mà lại giấu sao phải. Vả Tác Dân chết thì nghe cũng lạ mà ai có thấy mới tin. Chết mà không thây nổi đó là bị cá ăn. Hôm trước đây có một người nông phu chết chìm cũng bị cá ăn thây kiếm không đặng. Theo thế thường thì nghi cho Cẩm Đường với Nga Thơ có tình chi trước mà sanh ra sự nầy, chớ mắt tôi thấy thiệt không có. Hồi Tác Dân chết thì Nga Thơ quyết chết theo, người nầy cản, kẻ kia khuyên, mẹ chồng khóa an ủi hết sức mới nguôi bớt. Còn sự lấy Cẩm Đường cũng là nơi bà lão khuyên ép, nếu không quyền biến thì chết đói còn gì. Từ ngày Cẩm Đường vào nhà ấy thì mới là no ấm.
Đắc Công nói:
– Chú thiệt là ngu quá, thấy vậy mà tin ngơm ngớp có biết chuyện bí mật của người ta là sao. Lúc tôi về vừa đến cõi nầy, thiên hạ người ta kêu tôi là Võ Đô Đầu. Võ Đô Đầu có phải Võ Đô Đầu là kẻ báo thù về việc dâm phụ chăng?
Hữu Luân nói:
– Việc ấy không nên tin lắm, vả Tác Dân giữ phần tế sản, trong tộc không đặng vào nhà đó, lại với lấy người ngoài cho nên lời tạo ngôn ganh ghét của miệng người, chớ việc ấy thiệt không bằng cớ.
Đắc Công nói:
– Tôi có một đêm kia chiêm bao thấy Huỳnh Tác Dân nằm trên đống máu, tôi thức dậy thì hoảng hốt tinh thần. Tôi chắc là Tác Dân chết không minh bạch cho nên mới có điềm chiêm bao như vậy.
Hữu Luân chưa kịp trả lời, Đắc Công lại nói nữa rằng:
– Tôi cùng Tác Dân là bạn thân mật mà người chết vô cớ như vậy, tôi không lẽ bỏ qua. Vậy chú theo tôi tìm kiếm sự tích, mỗi ngày mỗi đi nói chuyện ấy hoài mà ghẹo miệng người, tôi chịu sở phí cho mà xài, chừng tình án minh bạch tôi sẽ trọng tạ. Tôi có cái tâm lý như vầy, tôi xin hỏi chú, chú phải nói cho thiệt! Một là Tác Dân nhảy xuống sông sao Châu thị không kêu người vớt. Hai là châu thị sao chẳng dạng buồn rầu. Ba là Trầm Cẩm Đường là con nhà giàu; cớ nào mà chịu lấy gái lại giòng mà chịu ở theo quê vợ. Hai người việc cử động dường như tình thiết đã lâu.
Hữu Luân nói:
– Tác Dân nhảy xuống sông rồi, Châu thị mượn người lặn vớt biểu kiếm hai ba bận mà không đặng, vì nước sâu sông rộng minh mông không biết ảnh hướng mà tìm. Từ ngày Tác Dân chết rồi, Châu thị đòi chết theo chồng không biết mấy lần, có xóm giềng đều thấy việc ấy rõ ràng. Còn Cẩm Đường là người có chất có văn, không lẽ tàn nhẫn đến giết người như thế. Vả từ Cẩm Đường về nhà đó thì trong họ ganh ghét kiếm chuyện nói gièm, rồi ra những chuyện sanh nghi. Nếu lão gia chẳng tin, hỏi lại chòm xóm thì rõ.
Đắc Công kiếm không ra cớ thì uất ức trong lòng, ngẫm nghĩ một hồi nói rằng:
– Ừ, chú nói Tác Dân ở trong phòng nửa đêm phát cuồng cầm dao phay mà chạy. Tôi hỏi chú trong phòng nửa đêm sao có dao phay?
Hữu Luân gặt đầu mà rằng:
– Lão gia thiệt kỹ lắm, việc đó tôi cũng có sợ. Vậy xin hỏi lại lão bà thì biết nguyên ủy.
Đắc Công nói:
– Phải! Song tôi đến đó mà hỏi động tới vợ chồng nó sanh nghi đi, chi bằng kiếm chuyện mời lão bà ra ngoài mà hỏi mới tiện.
Hữu Luân nói:
– Cái chuyện ấy dễ lắm, gần tới ngày mùng tám tháng tư đây, lão bà lên chùa Quan Âm cúng Phật. Lão gia lên đó chơi rồi hỏi lão bà các cớ thì biết.
Đắc Công tính trả tiền rượu rồi hai đàng từ giã.