Hồi thứ bảy

Có một ngày kia ăn cơm vừa rồi, Đắc Công ngồi ghế nói chuyện đời xưa, xảy có một người ở ngoài ngoải ngoải chạy vào hơ hãi lại nói với Trần bà rằng:

– Tôi mừng cho bà may quá, con của bà còn sống bây giờ ở ngoài miễu đương nói cuồng, ngoải có chết chóc chi đâu. Vậy bà hãy mau mau sai người ra kêu nó về, để đói khát tôi nghiệp quá!

Trần bà lật đật xô ghế đứng dậy mà nói rằng:

– Nam mô A Di Đà Phật, thiệt chiêm bao linh quá.

Rồi mượn vài người mà rằng:

– Nè nè em ra rước dùm con của mụ một chút, mụ cám ơn.

Đắc Công vụt đứng dậy mừng quá, để ý coi tình cảnh thể nào, chỉn thấy Nga Thơ thỉnh thoảng nói với người đi kêu rằng:

– Chú nói chuyện chiêm bao hay sao chớ? Chồng tôi mắc oan quỉ biết cuồng nhảy xuống sông mà chết, con mắt tôi thấy rõ ràng mà nói còn sống, hoặc sống trong bụng cá sao chớ?

Cẩm Đường nói tiếp:

– Chuyện đó thiệt tôi không tin.

Trần bà cứ cậy hai người ở lối xóm đi rước. Đi đâu nửa ngày về nói lại rằng:

– Họ nói có một người điên lại miễu đó hồi sớm mai, kế anh em tôi tới thì thằng điên đã đi đâu mất rồi. Hai đứa tôi hỏi kỹ thì hình dạng niên kỷ không giống Tác Dân chút nào cả.

Cả nhà nghị luận một hồi rồi thôi.

(Khán quan có biết người chạy hơ hãi mà kêu Trần thị mà nói mừng cho bà rằng con của bà còn sống không phải chết đó là ai không? Chắc không biết. Ấy là người của Đắc Công chút sử làm vậy đặng Đắc Công dọ mánh thế coi khí sắc vợ chồng Nga Thơ ra thể nào. Thiệt Đắc Công là k3 hữu tình với bạn lại có trí lắm).

Lần lựa đã tới trung tuần tháng tư rồi, khí trời nóng nực, trong nhà chia phân ra ở hai chặng, trước sau cộng hết là tám căn. Trần bà ở nhà trước phía tả, đằng sau phía hữu là tân phòng, còn Đắc Công ở nhà khác phía hữu thì cách tân phòng cũng xa. Còn căn  giữa thì có bàn Phật, Trần thị tin Phật giáo lắm, đêm ngày thường đánh cuông niệm Phật. Nga Thơ cũng làm theo ý mẹ chồng mai chiều thường hương đăng bái cúng hoài vậy.

Đắc Công Khi tới ở nói có chuyện trong thành, ở làm công chuyện rồi sẽ về, mà ở trót nửa tháng cũng chưa tính đi, lại kế Cẩm Đường về thăm nhà đi hết sáu bảy bữa mà cũng chẳng thấy về. Đắc Công đi kiếm Hữu Luân dặn dò biểu phải làm theo như vậy vậy, rồi trở về cũng ở nhà họ Huỳnh như cũ.

Có một bữa đó nó nghe Nga Thơ ở trong phòng cằm cục làm gì không biết mà trót nửa ngày, rồi lại nói Trần bà xin về viếng mẹ, Trần bà chịu cho đi. Ngày sau trời vừa hừng đông, có một cái xe kiếng tới đậu sau cửa sau mà đợi. Nga Thơ đem nước rửa mặt cho Trần bà rửa mặt xong rồi, khép cửa phòng lại, rồi thưa mà đi.

Khi lên xe đi chừng một dặm thì trong huyện có cho sáu bảy tên lính đón đường, biểu phải đậu xe lại đặng tra xét.

Nga Thơ mắng rằng:

– Mấy chú nầy đón đường ăn cướp người ta hay sao? Tôi là người đàn bà về nhà mà thăm mẹ tôi. Tôi đi giữa ban ngày mà mấy chú xét chuyện gì? Mấy chú không đặng vô lễ vậy đâu, nếu làm ngang thì tôi kêu quan địa phương bắt mấy chú cho mà coi.

Người đàn bà như vậy cũng khôn, mà cũng thiệt khẳng khái.

Mấy tên lính chẳng đếm xỉa, cứ biểu thằng đánh xe ngừng xe lại. Thấy trong xe có hai cái rương, có một cái lớn có dây ràng chắc cứng. Lính hỏi trong rương đựng vật chi?

Nga Thơ nói:

– Thịt heo muối mua về cho mẹ tôi.

Lính bắt xe và người đem về dinh tra xét, ai dè trong rương ấy không phải thịt heo muối, thiệt là thịt người ta muối, còn hai cái cẳng, hai cái tay rõ ràng và tám miếng thịt. CÒn trong cái rương kia thì xương muối mà có ém mấy cái áo rách, có một cái khăn vuông có bông gói một cục cứng ngắt mở ra xem rõ thì là cái đầu người ta.

Ai nấy thấy vậy cũng nhíu mày chắt lưỡi. Còn mấy người lính thì cười mà nói rằng:

– Trong đời có thịt heo muối của con mẹ nầy là lạ hơn hết, để coi rồi ai muối cho biết nghe, già hàm lắm!

Nga Thơ thấy việc đã bại lộ ra rồi, cón giấu chi nữa cho đặng, bèn cúi đầu mà nói rằng:

– Cái số mạng tôi đã tới rồi, vậy xin để tôi khai ngay, mấy cậu đừng tra khảo chi cho nhọc.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!