Trần thị là đờn bà góa, lại có một con, thầy bói đi rồi, mà còn đứng đó nói khan rằng:
– Biết chước chi mà cứu con tôi cho khỏi hại?
Nga Thơ đưa thầy bói ra đường rồi trở vô cũng làm tuồng kinh hãi, dã dượi, buồn rầu. Mặt ngọc của Nga Thơ ủ ê giống nhành xuân sương nặng. Mẹ chồng đứng ngẩn ngơ mà ngó, Nga Thơ thì lấy khăn lau giọt lệ không ngăn. Bỗng đâu Huỳnh Tác Dân chạy về ôm đầu mà nhào và nói nhức đầu quá chịu không đặng, chạy nhào trong phòng mà nằm, kêu mẹ cho nước uống khát lắm. Nga Thơ thì lo ôm chồng, Trần thị thì lo thắp nhang ngoài bàn thiên tỉnh quì lạy cầu Quan Âm bồ tác cứu mạng cho con mình.
Thiệt là:
Có việc không lo việc.
Cầu chúc chuyện bao đồng!
Nói về bịnh thế của Huỳnh Tác Dân chứng rất kịch liệt hung mãnh, mắt đỏ mặt hồng, uống nước như lừa uống hết chén nầy kêu chén khác, hết chén khác lại kêu chén khác nữa, Nga Thơ nấu đà không kịp.
Trần thị vào phòng hỏi thăm căn bịnh, Tác Dân trùm mền không cho giở ra cho mẹ thấy mặt, cứ nhào lộn hoài, đến tối bịnh càng thêm nặng, Trần thị mượn người lối xóm đi rước thầy thuốc. Thầy thuốc đến hỏi bịnh tích thể nào, thì mới hay sớm mai còn mạnh, ăn cơm rồi đi thăm anh em bạn, đương ngồi nói chuyện trong bụng không yên, bèn kiếu mà về bịnh càng làm tới.
Người lối xóm nói:
– Bịnh vậy chắc là mắc tà khí chớ chẳng không?
Trần thị nói:
– Tôi chắc khi có vậy.
Rồi nói luôn chuyện thầy bói đoán cho thầy thuốc và người xóm nghe. Người xóm chắt lưỡi liền liền mà than tội nghiệp.
Thầy thuốc nói:
– Bị thu ôn bịnh lại cảm thử cũng nặng, sợ khi đây rồi phát cuồng, phải giữ gìn cho lắm, không nên thủ thừa. Bây giờ bịnh mới phai mãnh liệt quá, mà coi không đặng nên chẳng dám đầu thang, để dịu bớt sáng mai sẽ coi mạch cho thuốc.
Nói vậy rồi về.
Đến canh hai, quả Tác Dân phát cuồng, nghiến răng trẹo trẹo, la hét om sòm, hồ ngữ loạn ngôn cho là quỉ bịnh, luôn vậy tới ba đêm. Ban đầu còn có người ở xóm giúp đỡ thức giùm. Bịnh lâu nhiều ngày người cũng mỏi. Đến đêm thứ ba có hai mẹ con mà thôi. Nàng dâu năn nỉ mẹ chồng đi ngủ, để cho mình thức giữ chồng, mà mẹ chồng thì chẳng đành đi ngủ.
Vì già yếu, phần nhiều đêm mê mệt, tới nửa đêm Trần thị phải nằm, thức nữa không kham. Phần già, phần mệt cũng tỷ như ngọn đèn khuya ra gió. Nằm xuống thì mê như chết, không biết không hay. Xảy thấy ghế ngả bàn xiêu, đồ đạc bể hết. Nga Thơ ở phía sau đập cửa mà la inh ỏi, kinh động giấc chiêm bao.
Vừa tỉnh lại nghe nàng dâu và khóc và nói:
– Mẹ ôi! Lại cho mau, bịnh nó phát cuồng nó muốn giết tôi đây nè, may tôi trốn khỏi chạy thoát ra cửa sau đây.
Lối xóm nghe la cũng đều kinh tỉnh. Trần thị mới thức dậy con mắt lem nhem vô phòng thấy mùng chiếu tanh bành nghinh ngang bèn lại mở cửa sau ra, lúc ấy nhằm lối mười bảy mười tám tháng chín, nên có trăng cũng thấy mờ mờ. Thấy con đầu bỏ tóc xõa, tay xách dao phay mà cứ việc chạy mãi.
Ngả nhà Tác Dân phía sau đất trống có lúp xúp ít đám dâu. Ngoài đám dâu có một cái đìa, ngoài cái đìa có một hòn núi. Người bỏ tóc xõa chạy trước, Trần thị cứ chạy theo sau kêu con ơn con hỡi, trở lại bớ con!
Nga Thơ cũng chạy theo ôm đỡ mẹ chồng và cũng biểu đừng kêu nó trở lại nó chém tôi đa. Người lối xóm theo hỏi thì Nga Thơ thuật chuyện phát cuồng. Mấy người lối xóm chạy theo thì thấy Tác Dân và chạy và múa; ai kêu mặc ai chẳng thèm ơi hử!
Trần thị khóc mùi mẫn mà than rằng:
– Thiệt mắc oan quỉ bắt rồi, con tôi chắc chết.
Nói rồi chạy theo, Nga Thơ cản không đặng.
Có vài người có gan mà có lòng tốt cũng bốc chạy theo. Bịnh nhơn thấy có người theo lại càng chạy lắm, chạy đến miếng rừng rồi không thấy nữa. Chỉ nghe bên mé rừng có tiếng nước sông đánh. Tìm đến nơi thì thấy một dòng nước bích, ngàn trượng minh mông, tìm theo mé sông thì gặp dấu chưn mới bước đó.
Trần thị khóc lóc cầu bà con chòm xóm cứu dùm, mà mắc nước sâu, phần ban đêm biết làm sao đặng. Bèn hối nhau về lấy đèn đốt đặng coi dấu cho rõ ràng. Khi có đèn coi thì các người trong xóm kiếm đặng một chiếc giày. Trần thị coi lại thì thiệt là giày của con đã quá.
Nếu vậy thì nó đã nhảy xuống sông chết rồi nên bỏ giày lại đây!