Tối nay, trong câu lạc bộ của cục An ninh đèn điện sáng trưng, mọi người ra vào tấp nập. Cục trưởng Nguyễn Toàn Cơ mở tiệc chiêu đãi ông trưởng phái đoàn cố vấn Mỹ vừa mới sang để nghiên cứu chương trình viện trợ.
Tất cả các sĩ quan thuộc phòng tham mưu quân đội liên hiệp tại Bắc Việt, chánh và phó mật thám Hà Nội, các sĩ quan tình báo, các nhân viên trong cục An ninh, một số viên chức ngụy quyền đều có mặt. Phía phái đoàn cố vấn Mỹ, có đại tá Uy-liêm Rốc-ken cùng các nhân viên tùy tùng.
Đúng 8 giờ, buổi chiêu đãi bắt đầu. Sau một hồi vỗ tay, Toàn Cơ đứng lên trịnh trọng tuyên bố:
– Thưa ngài trưởng phái đoàn cố vấn Huê kỳ. Thưa các sĩ quan trong Bộ tham mưu quân đội Liên hiệp Pháp. Thưa các sĩ quan hiện đang tòng sự trong Cục An ninh Quốc gia. Thưa quý ngài, quý bà, quý cô! Sự có mặt đông đủ của các vị hôm nay tỏ rõ mối thịnh tình của chúng ta đối với ông trưởng phái đoàn Huê kỳ, người đã đem ánh sáng tự do đến cho quân đội Liên hiệp Pháp, người mà quân đội chúng ta đang đặt nhiều hy vọng ở sự viện trợ trong cuộc đấu tranh chống cộng sản Viêt Minh ở đây. Sự có mặt của ngai hôm nay càng thắt chặt quan hệ mật thiết giữa quân đội Liên hiệp Pháp với cường quốc Huê kỳ. Tôi xin thay mặt các sĩ quan có mặt tại đây, nâng cốc chúc sức khỏe ngài trưởng phái đoàn cùng các nhân viên trong phái đoàn và xin ngài chuyển lời chúc mừng của chúng tôi đến tổng thống Tu-man cùng chính phủ Huê kỳ. Xin mời các ngài nâng cốc!
Toàn phòng vang lên tiếng vỗ tay, tiếng bơ-ra-vô; tán thưởng lời văn hoa mỹ của ngài cục trưởng.
Bảo Trung lúc đó ngồi cạnh Toàn Cơ cũng làm bộ nhiệt tình, vỗ tay hoan hô khá to.
Không khí im lặng đã trở lại, tên cố vấn Huê kỳ nắn lại chiếc ca vát trên cổ áo, đẩy lùi ghế cho đỡ vướng bụng vào bàn, đứng dậy giơ một tay lên bắt đầu nói:
– Thưa ngài cục trưởng cùng các sĩ quan trong quân đội Liên hiệp Pháp. – Hắn nâng giọng – Người Huê kỳ sẵn sàng giúp đỡ mọi thứ cần thiết cho các nước trong thế giới tự do. Người Huê kỳ xưa nay vẫn có truyền thống vẻ vang là hào phóng giúp đỡ các nước nghèo kém trên thế giới, không cần sự đền bù lại. Đối với quân đội trong Liên hiệp Pháp, người Huê kỳ lại càng có trách nhiệm giúp đỡ họ, trong công cuộc tiễu trừ công sản Việt Minh, vì nó rất phù hợp lý tưởng của Huê kỳ. Các ngài hãy tin tưởng rằng sự có mặt cảu chúng tôi sẽ đem lại thắng lợi nhanh chóng cho quân đội của các ngài. Các ngài hãy tin ở Huê kỳ, một cường quốc vĩ đại, một người bạn trung thành của các nước nhỏ bé trong thế giới tự do …
Tiếng vỗ tay nổi lên lốp bốp sau những lời tuye6n bố huênh hoang của hắn, một vài sĩ quan Pháp nghe chừng khó chịu, nhưng đành phải ngậm miệng.
Phòng họp trở nên náo nhiệt sau khi Toàn Cơa3ca62m dĩa xốc miếng thịt hầm. Mọi người làm theo một cách hào hứng, họ quên ngay những lời tuyên bố của chủ và khách; họ chè chén, trò chuyện om sòm cả phòng.
Bỗng Toàn Cơ kéo Bảo Trung đứng dậy, ông ta hãnh diện giới thiệu:
– Tôi xin hân hạnh giới thiệu cùng các ngài, đây là trung úy Bảo Trung, một thanh niên vừa tốt nghiệp trường sĩ quan tham mưu Ý về nước để tham gia x6ay dựng cục An ninh quốc gia, bên cạnh quân đội Liên hiệp Pháp chúng ta!
Cả phòng reo lên những lời tán thưởng, họ đều nâng cốc, trầm trò khen ngợi anh, Bảo Trung cũng nâng cốc, anh đứng dậy đáp lại với một giọng kiểu cách bằng tiếng Pháp:
– Trước hết, tôi xin cám ơn sự có mặt của cá ngài ở đây, nhất là ngài trưởng phái đoàn Huê kỳ. Thưa các ngài sĩ quan, ở đây chúng ta không phân biệt người Việt, người Pháp hay người Huê kỳ, ở đây chúng ta đều chỉ có một mục đích chung, một lý tưởng chung là tiêu diệt cộng sản trên toàn cõi Đông Dương và trên khắp thế giới này. Chúng ta sẽ cộng tác chặt chẽ với nhau để xây dựng một khối Liên hiệp Pháp hùng cường trong thế giới tự do. Tôi xin hứa với các ngài, tôi sẽ đem hết tài sức của mình để góp phần xây dựng một quốc gia Việt Nam độc lập, một tổ quốc hùng cường, ngang hàng với các nước trên thế giới. Cuối cùng, xin các ngài nâng cốc chúc sức khỏe ngài Cục trưởng, ngài trưởng phái đoàn Huê kỳ cùng gia quyến!
Các sĩ quan có mặt đều nhất loạt nâng cốc, thán phục lời văn bóng bẩy của anh.
Toàn Cơ lấy làm hả hê vì có một người cháu tài ba lỗi lạc. Y sốt sắng thét lấy thêm rượu. Bữa tiệc càng thêm phần náo nhiệt. Mọi người trò chuyện râm ran. Họ tranh luận với nhau về những chiến thuật, chiến lược của nhà binh, khen người này hoặc mạt sa1t người khác, có những tên tỏ vẻ khâm phục Bảo Trung, nhưng cũng có những tên dè bĩu chê bai anh.
Bảo Trung đưa mắt quan sát quanh phòng. Phía bên trái toàn là những sĩ quan cao cấp Pháp cùng phái đoàn cố vấn Mỹ, phía bên phải là các sĩ quan Việt Nam và một số người không mặc binh phục, trong đó có cả các bà, các cô phấn son lòe loẹt. Tên mật thám Mít-xen, đại úy Vũ Nghị, cùng một số nhân viên trong chính quyền bù nhìn ngồi phía cuối. Điều đáng chú ý là hầu hết những sĩ quan Việt Nam đều đeo lon trung úy trở xuống, chỉ có một tên thiếu tá không quân mà thôi.
Trong đám đàn bà, các cô, anh để ý đến một cô tuổi trạc đôi mươi, ăn mặc không lòe loẹt lắm, có đôi mắt rất đen, từ nãy vẫn nhìn anh không chớp.
Đêm dần khuya, những chai rượu mạnh cạn dần, thức ăn đã vơi gần hết, Toàn Cơ chuếch choáng say. Những nghi thức sang trọng ban đầu lùi dần nhường chỗ cho sự ồn ào mất trật tự, người ta không còn phân biệt chức vụ, mạnh dạn trò chuyện đùa cợt với nhau ồn ả.
Bỗng tiếng nah5c gia ở phòng bên nổi lên một bài hành khúc, tiếng dậm dịch của trống, tiếng the thé của kèn gây một không khí tưng bừng. Bọn sĩ quan reo lên khoái trá.
Toàn Cơ đứng dậy, giộng ề à tuyên bố:
– Sau bữa tiệc xin các ngài sang phòng bên để tiếp tục cuộc vui.
Cả phòng phấn khởi, xô ghế ào ào, ai nấy đều chuếnh choàng kéo nhau sang phòng nhảy.
Đã có một số đông vũ nữ được mời thêm đến, chở sẵn để mua vui cho các sĩ quan. Những cô ả trát phấn son lên mặt như đắp bột, õng ẹo nhún nhẩy theo điệu nhạc. Họ xúm xít tranh nhau túm lấy các ngài cố vấn Mỹ và mấy sĩ quan cao cấp Pháp. Các viên chức Việt Nam, các sĩ quan ngụy cũng mời các bà, các cô quen thuộc vào phòng nhảy.
Riêng Bảo Trung, thâm tâm anh rất ghê tởm cái trò lố lắng này nhưng anh cũng tỏ ra cho bọn sĩ quan biết rằng anh là một tay ăn chơi lành nghề. Anh cũng giả bộ nhún nhảy theo điệu nhạc và tiến sang phòng khiêu vũ một cách hào hứng. Anh bước đến gần người thiếu nữ có đôi mắt đen, giơ tay mời rất lịch sự:
– Xin mời cô.
Người thiếu nữ không từ chối, đưa tay cho anh và hỏi:
– Ngài trung úy, nếu tôi không nhầm thì gia đình ngài còn ở cả bên Pháp?
– Vâng, tôi về đây có một mình.
Hai người cùng bước theo tiếng nhạc, Bảo Trung mang hết tài nghệ điêu luyện của mình ra biểu diễn khiến cho các sĩ quan có mặt đều phải ngạc nhiên thán phục; quả là một tay ăn chơi, bán trời không văn tự.
Điệu nhạc vừa dứt, cô gái kéo anh ra ngoài hành lang và nói:
– Ngài trung úy, ngài nhảy giỏi lắm, hôm nay là ngày vui mừng của ngài, em xin chúc mừng ngài những lời tốt đẹp nhất!
Bảo Trung ngạc nhiên vì lời nói rất tây của cô, anh điềm đạm cảm ơn. Anh nói:
– Cô hiện nay làm việc ở đâu?
– Em hiện nay làm việc trong ban thư ký của Cục An ninh.
Bảo Trung sửng sốt:
– Thế à, vậy ra cô ở chỗ bác Toàn Cơ!
– Vâng! Vì ngài mới về nên chưa biết. – Cô gái nhìn chàng với đôi mắt thiện cảm, tiếp – Ngoài bác Cơ ra, ngài cón có ai quen thuộc ở Hà Nội không?
– Hiện nay thì chưa có ai, nhưng sau này tôi cũng rất muốn được làm quen với nhiều người.
– Thế thì thưa trung úy, tôi sẽ giới thiệu ngài với gia đình chúng tôi, ngài có đồng ý chăng?
– Còn gì bằng, rất hân hạnh được biết gia đình cô, cụ nhà ta hiện nay thế nào?
– Thầy mẹ tôi vẫn mạnh, nhà chúng tôi ở Hàng Đào, hiệu Toàn Phát, thầy tôi vừa mang hàng đi Hồng- kông. Tôi là con thứ hai, còn ông anh lớn hiện nay cũng làm việc trong cơ quan hậu cần của bộ chỉ huy. Anh ấy là kỹ sư Hoàng Minh.
– Kỹ sư Hoàng Minh là anh cô à? Tôi đã được nghe tiếng, anh ấy là một kỹ sư giỏi. Còn cô, cô chưa giới thiệu tên đấy.
– Tôi là Tuyết Trinh. – Cô gái hơi e lệ, má cô vụt ửng hồng, khóe mắt ánh lên những tia vui rực rỡ. – Còn ngài, ngài cũng quên chưa giới thiệu gia đình.
– Cha tôi là bác sĩ Ứng Lại, má tôi cũng là bác sĩ, hiện nay ở cả bên Pháp. Tôi còn một cô em gái, cũng trạc tuổi cô, tên nó là Ngọc Mai. Nói chung thì hai cụ rất chìu chúng tôi, má tôi không muốn cho tôi đi đâu cả, nhưng vì bác Toàn Cơ viết thư cho ba tôi, đề nghị cho tôi về giúp đỡ bác vì tôi vừa tốt nghiệp trường quân sự ra. Bởi thế tôi mới được về đây.
– Ôi, thích quá! Tôi rất muốn được sang Pháp du học, nhưng thầy mẹ tôi nhất định không cho đi, bắt ở nhà làm việc với bác cục trưởng. Cũng xin nói để ngài biết thầy mẹ tôi với bác cục trưởng đây cũng là bạn cũ với nhau.
– Thật vậy ư, thảo nào! Tôi nghĩ chẳng lẽ cô lại tình nguyện vào làm việc ở đây.
– Biết làm sao được! Cũng như ngài, do có sự quyết định của bố mẹ. Chúng tôi thấy làm việc với bác Toàn Cơ rất dễ chịu, vì là người nhà. Còn ngài, về nước ngài nhận thấy thế nào?
– Thú thật với cô, mấy buổi đầu tôi thấy rất buồn, chỉ muốn trở về Pháp ngay, nhưng sau quen dần. Nhất là làm việc với bác Cơ, công việc làm cho tôi vui lên cho đến hôm nay, tôi lại chẳng muốn về Pháp nữa.
Bảo Trung nhìn thiếu nữ dò xét: cô ta là người thế nào? Tại sao cô ta lại vui lòng làm việc ở cái Cục An ninh này? Phải chăng giữa gia đình cô ta với Toàn Cơ có gì ràng buộc? Nghe nói anh cô ta là kỹ sư chất nổ nổi tiếng, vậy cũng nên làm quen, nhưng trước hết phải chiếm được cảm tình của cô bé đã. Anh trìu mến hỏi:
– Tuyết Trinh! Tôi mong có dịp được hân hạnh đưa cô sang Pháp chơi, thăm gia đình chúng tôi, chắc cổ sẽ vui lòng khi thấy ba má tôi …
Tuyết Trinh sung sướng nhìn Bảo Trung. cô phấn khởi:
– Trung úy, tôi hy vọng ý muốn của trung úy sẽ trở thành sự thật. Nếu sau này thuận tiện … Còn bây giờ … xin mời trung úy sáng chủ nhật này quá bộ dến nhà chúng tôi chơi, anh Minh tôi cũng đang ở nhà, tôi sẽ giới thiệu ngài với anh tôi. Mong ngài đừng từ chối!
– Xin sẵn sàng, rất hân hạnh.
Câu chuyện giữa anh và cô gái con nhà thương gia đang đậm đà thì nhạc lại nổi lên một điệu tăng-gô lả lướt. Lần này cô gái mạnh dạn kéo tay anh bước vào phòng, cô say sưa nhảy với anh, và suốt buổi tối hôm ấy, cô không rời Bảo Trung ra một bước.
Cuộc vui ầm ĩ hỗn độn ấy kéo dài đến một giờ khuya, Tuyết Trinh lưu luyến chia Bảo Trung, cô đã thay đổi cách xưng hô:
– Anh Trung, nhớ chủ nhật lại nhà em nhé!
– Vâng, tôi không quên đâu, chúc Tuyết Trinh ngủ ngon!
Họ chia tay nhau một cách thân thiết, tưởng chừng chỉ có riêng họ biết, nhưng một đôi mắt đầy ác cảm và ghen tức đã nhìn thấy họ, đó là đôi mắt của tên đại úy Vũ Nghị!
Ngoài đường, phố xá đã vắng ngắt, một vài chiếc xe tuần tiễu của nhà binh đang rú ga nặng nề, thỉnh thoảng rống lên một hồi còi khủng khiếp.
Hôm sau, đến trụ sở làm việc, Toàn Cơ giao cho Bảo Trung một tập danh sách những tên mật thám được cử đến dự học trường biệt kích, kèm theo cả hồ sơ lý lịch của từng người. Y bảo chàng nghiên cứu để phân loại thành phần, lựa chọn những phần tử trung thành nhất để cho dự lớp đặc biệt này.
Anh làm việc rất tận tụy, không lúc nào nghỉ tay. Anh thấy cần phải sao lại toàn bộ bản danh sách chính thức để gửi về cho cục tình báo của mình, muốn vậy cần phải có một chiếc máy ảnh tối tân.
Sau khi nghiên cứu kỹ hồ sơ, Bảo Trung chia làm ba loại: Loại nguy hiểm nhất gồm những tên có quan hệ chặt chẽ với đế quốc, căm thù cách mạng, những tên lính tình nguyện làm mật thám cho giặc. Loại thứ hai gồm những phần tử lưu manh không nghề nghiệp đầu trộm đuôi cướp, thừa gió bẻ măng, loại này tương đối nguy hiểm. Loại thứ ba, phần lớn ít tuổi, bị động viên vào lính và được tụi chỉ huy tín nhiệm cử đi học, loại này còn có thể giáo dục được.
Qua hai ngày làm việc, anh lập riêng một bản danh sách gồm 2 loại một và hai, coi như đủ tiêu cuẩn để học, còn loại thứ ba thì yêu cầu Toàn Cơ gạt bỏ. Anh nêu lý do:
– Điệp viên phải là những người chiến đấu có mục đích, có khuynh hướng quốc gia, đồng thời phải có lòng căm thù Việt Minh thì mới trung thành tuyệt đối với quân đội chúng ta được. Vì vậy, ta chỉ lấy hai loại trên, loại thứ ba, tư tưởng hơi kém, không có khuynh hướng rõ ràng, dễ bị ngả nghiêng, rất có thể phản bội, không nên nhận.
Toàn CƠ rất đồng ý và tỏ lời khen ngợi:
– Ý kiến cháu rất đúng! Bác tán thành. Có cháu ở bên cạnh, mọi việc của bác cũng sẽ trôi chảy. Ngày mai ta gửi bản danh sách chính thức đi để kịp ngày tập trung khai giảng. Từ bây giờ, cháu phải chuẩn bị một chương trình giảng dạy. Bác dự định để cháu phụ trách môn điều tra dấu vết, cháu thấy thế nào?
– Cháu xin sẵn sàng làm tất cả những gì cháu có thể làm được để bác vui lòng. – Bảo Trung cứ nhận lời, mặc dù những món đó canh chưa nghiên cứu kỹ lưỡng.
Toàn Cơ vui vẻ bảo anh:
– Mai cháu nên nghỉ một ngày cho tâm hồn thư thái, công việc như vậy cũng tạm ổn rồi. Cháu nên viết thư về hỏi thăm ba má cùng em cháu đi, cho bác gửi lời chúc sức khỏe ba má cháu.
– Cám ơn bác, nhất định cháu sẽ viết thư cho ba má cháu ngay.
***
Đứng trước gương, Bảo Trung phải bật cười vì bộ mặt của anh; mấy ngày nay chúi đầu vào làm việc nên hai hàng ria mép đã lún phún mọc một cách vô tổ chức. Anh lấy dao cạo râu, sửa lại chiếc ca vát trên cổ cho ngay ngắn. Cảm thấy lòng thư thái, anh khe khẽ hát một bài tình ca Pháp.
Giọng hát êm ái của anh khiến tên lính hầu cũng đứng ngây người ra nghe, anh bảo hắn:
– Pha cà phê cho tôi chứ, chờ gì nữa?
– Trung úy, ngài hát rất hay, tôi chỉ muốn nghe mãi.
Tên hầu nịnh anh rồi đi pha cà phê mang vào.
– Còn thuốc lá không?
– Thưa ông hết rồi ạ!
– Chạy sang căng tin lấy cho tôi mấy bao về đây.
Tên lính hầu đi khỏi, Bảo Trung rút trong cặp ra một bản mật mã, nhét kỹ vào túi áo trong. Hôm nay anh không mặc quân phục, chỉ diện một bộ ka ki Mỹ loại đắt tiền nhất.
Tên lính hầu mang một tút thuốc lá trở về, Bảo Trung bóc ra ném cho hắn một bao nói:
– Anh cầm lấy mà hút, rồi coi nhà, hôm nay tôi không ăn cơm, đừng chờ nữa.
Tên hầu rất cảm kích về sự đối xử rộng rãi của anh. Hắn định nói mấy câu cám ơn thì có tiếng chuông, hắn vội chạy xuống nhà.
Bảo Trung xếp đặt lại đồ đạc trong tủ, anh đánh dấu từng thứ, những gì cần thiết anh đem theo trong người. Anh sắp sửa đi thì tên hầu lên:
– Thưa ông vừa có thư gửi đến.
Anh nhận và bóc xem ngay:
Kính gửi trung úy Bảo Trung.
Được em Tuyết Trinh giới thiệu, chúng tôi rất hân hạnh được tiếp đón ông vào hồi 10 giờ sáng hôm nay, tại nhà riêng. Mong ôn đúng hẹn cho.
Chúc ông đạt nhiều ý muốn.
HOÀNG MINH
Kèm theo thư của Hoàng Minh là mấy dòng của Tuyết Trinh:
Anh Bảo Trung!
Em đã nói chuyện với anh Minh và mẹ em về anh, mọi người đều vui mừng. Hôm nay mời anh đến xơi bữa cơm thân mật với gia đình. Mong anh đừng từ chối.
TUYẾT TRINH
Bảo Trung mỉm cười, ném bức thư xuống bàn, rồi bước vội xuống cầu thang. Trong khi ấy tên lính hầu lén lút giở bức thư ra xem trộm.
Nhìn đồng hồ thấy mới có 8 giờ, Bảo Trung thủng thẳng bước theo đường xuống phố Hai Bà Trưng, anh nhìn quanh phố để tìm trạm liên lạc.
***
Quán sách số 2 bán rất nhiều loại sách cũ, gồm: Khoa học, kỹ thuật, văn học, chính trị và kinh tế. Nơi đây thu hút khá đông thanh niên và sinh viên. Họ đến mua sách, trao đổi sách và thuê sách. Có những chàng trai ngày hai buổi ra chọn sách, nhưng mục đích chính là để tán gẫu với mấy cô bán sách xinh đẹp.
Trong quán có cô Tâm; cô ít khi đứng bán hàng cỉ giao dịch với các nhà xuất bản, hoặc giao sách cho các nơi, nên người ta ít gặp mặt cô.
Bảo Trung cũng đứng lẫn vào đám sinh viên đang chọn sách, anh cầm một cuốn đến gần cô bán hàng:
– Cho tôi thuê cuốn này.
Cô gái viết phiếu cho thuê rồi bảo anh ký gửi tiền, anh móc ví đưa tiền và nói nhỏ:
– Cho tôi gặp cô Tâm.
Cô gái nhìn anh một lát rồi nói:
– Bây giờ chưa có tiền lẻ trả lại, ba mươi phút nữa anh quay lại lấy nhé!
Bảo Trung gật đầu ra khỏi quán, anh bước vào tiệm giải khát gần đấy uống cốc bia.
Ba mươi phút sau, anh quay lại quán sách. Tâm đang xếp lại sách, thấy anh, tâm hơi giật mình, song trấn tĩnh lại ngay; cô cười để lộ đôi má lúm đồng tiền:
– Anh lại lấy tiền đấy à? Có rồi đấy!
Bảo Trung đưa quyển sách cho Tâm:
– Cô đổi cho tôi quyển khác,quyển này không hay lắm.
Tâm hiểu ý cầm quyển sách để riêng ra chỗ, và bảo anh cứ chọn sách, cô ôm chồng sách cũ vào buồng trong, lát sau đem một cuốn sách mỏng ra bảo Bảo Trung:
– Anh xem quyển này, kịch của Xếch-pia đấy! Hay lắm!
– Cám ơn cô! – Bảo Trung nhận sách rồi đi ra. Anh thấy lòng nhẹ nhõm vì đã trao xong tài liệu cho Tâm rất gọn gàng. Anh đề nghị cơ sở gửi cho anh một chiếc máy ảnh thật nhỏ để dễ dàng hoạt động.
Trong cuốn sách anh vừa cầm, có kẹp ở giữa mấy dòng mật mã, nội dung ghi thời gian hẹn gặp tại một địa điểm khác.
Đúng 10 giờ, Bảo Trung đế nhà Tuyết Trinh.
Anh dừng bước, nhìn lên tấm biển lớn treo ở cửa: “Toàn Phát, xuất nhập khẩu hàng hóa – Pa-ri-, Hồng-kông, Sài-gòn”.
Bảo Trung bước vào, người thư ký đứng dậy tươi tỉnh đón anh, gã đưa anh lên gác, trịnh trọng nói:
– Thưa ngài trung úy, bà chủ chúng tôi đang mong ngài.
Bảo Trungcảm ơn gã, anh đưa mắt nhìn gian phòng. Đây là một khách bài trí theo kiểu Việt Nam.
Chiếc sập gụ kê giữa nhà liền với tủ chè, bên trong tủ bày đủ thứ cốc chén khác nhau. Trên tủ, một chiếc đỉnh đồng và hai cây đèn nến bóng nhoáng. Giữa tường treo một bức tranh Quan công cầm thanh long đao. Giữa phòng là một bộ sa lông tầu bàn tròn lát đá vân xanh, trên bàn một lọ hoa đồ sộ; bên cạnh bộ ấm trà Giang Tây là một cái điếu bịt bạc gắn liền xe kiểu các quan ngày xưa vẫn dùng. Một bức bình phong chắn lối cửa phòng có vẽ hoa bốn mùa, bên trong là một giá binh khí bằng đồng đen nhánh, tất cả hiện lên một khung cảnh nghiêm trang, sặc mùi phong kiến.
Bảo Trung ngần ngại bước vào phòng giữa tiếng mời đon đả của bà Toàn Phát.
– Trung úy, xin mời ngài. Chúng tôi nghe em nó nói ngài vừa ở Pháp về, lại là cháu bác Toàn Cơ. Hóa ra người trong nhà cả. Tiếc quá, ông nhà lại vừa mới đi theo hàng xong. Nhưng có các em nó ở nhà, nên tôi bảo mời ngài lại chơi. Mời ngài ngồi, anh Minh nó sắp về ngay bây giờ.
Bảo Trung từ tốn ngồi xuống ghế, anh hỏi:
– Thưa bà, ông nhà đi lâu chưa ạ? Còn anh MInh, bao giờ về ạ?
– Ông nhà tôi mới đi được mười hôm nay, còn anh Minh cũng vừa mới chạy lên phố trên sắp về ngay thôi. Trung úy, ngài xơi chén trà đã.
Bảo Trung đưa mắt tìm Tuyêt Trinh, định hỏi bà Toàn Phát, nhưng lại ngần ngại. Đoán được ý định, bà Toàn Phát vội gọi lớn:
– Cô Trinh đâu rồi? Lên mẹ bảo đây!
Có tiếng thưa từ phòng trong. Tuyết Trinh bước ra, e lệ nhìn Bảo Trung, chào:
– Chào trung úy! Anh vừa đến?
– Chào cô! Tôi đến rất đúng hẹn.
Bà Toàn Phát nói xen vào.
– Thế mới đúng luật nhà binh chứ!
Mấy người đều cười vui vẻ. Như muốn giới thiệu sự giầu sang của mình, bà Toàn Phát bảo Tuyết Trinh:
– Trinh con! Trong lúc chờ anh Minh con về, con hãy dẫn ngài trung úy đi thăm mấy căn phòng của thầy đi con!
Tuyết Trinh ra hiệu mời anh đi theo, anh cũng muốn tìm hiểu sinh hoạt của gia đình này nên theo gót Tuyết Trinh sang phòng bên.
Cánh cửa vừa mở, anh có cảm giác như mình đang đứng trước một căn nhà giữa thành phố Đông Kinh bên Nhật Bản. Những bức mành Nhật nhiều màu sắc treo sau những khung cửa sổ chạm trổ đẹp mắt, một số bàn ghế thấp lè tè kê trên cái bục gỗ rộng, trải thảm nhung. Phía sát tường, bày một mô hình đền thờ Nê-kô nổi tiếng về kiến trúc, đang bừng sáng dưới những bóng điện xanh đỏ. Một bức tranh vẽ núi Phu-si xa xa, đang in bóng xuống mặt hồ, giữa một vườn hoa anh đào rực rỡ.
Căn phòng toát lên một màu huyền ảo.
Bước sang buồng thứ hai; một bức tượng đồng, tạc một vũ nữ Ấn Độ đang giơ tay múa đứng sừng sững giữa phòng, một cái chuông treo phía sau những chiếc rèm, và những tượng Phật gắn trên tường, làm cho không khí trong phòng âm u tĩnh mịch.
Và căn phòng cuối cùng bài trí hoàn toàn theo kiểu Âu Mỹ.
Ngồi tựa trên sa lông, Bảo Trung nhìn Tuyết Trinh hỏi:
– Những thứ bài trí trong nhà ta, các cụ đem ở đâu về?
– Mỗi lần thầy em đi theo hàng đến đâu là lại tìm mua về anh ạ. Ông cụ thích bài trí lắm.
– Tôi mà như Tuyết Trinh thì tôi ở quách nhà, căn pòng này cũng đủ vui mắt rồi, chẳng cần đi đâu cả.
– Không, chán lắm anh ạ, nếu cứ cấm cung trong bốn bức tường thì đời có nghĩa lý gì hả anh?
Bảo Trung nhìn Tuyết Trinh vẻ đồng tình. Anh nhận thấy cô gái có những điểm khác thường. Anh tự hỏi” “Con nhà giầu liệu có thể trở thành những con người biết hy sinh cho cách mạng được không? Phải có nghị lực và dũng cảm mới từ bỏ được giai cấp của mình, mình làm thân với gia đình này để làm gì nhỉ? Nếu không vững vàng thì chính mình sẽ là người phản bội giai cấp”.
Bảo Trung so sánh hai người, giữa Tuyết Trinh và Tâm. Cùng một lứa tuổi, nhưng họ đi theo hai con đường khác nhau, một con người quên mình, dấn thân vào nơi nguy hiểm để phục vụ cách mạng. Còn một người không biết làm việc vì mục đích gì! Anh thấy giữa anh với Tuyết Trinh có sự cách biệt rõ ràng nhưng trong điều kiện công tác hiện tại, anh cần thiết phải làm thân. Anh tự nhủ: Miễn là mình không bao giờ sa ngã.
Có tiếng chuông báo, hai người vội quay lại. Tuyết Trinh nói:
– Có lẽ anh MInh em về!
Quả nhiên, giữa phòng khách, một thanh niên to lớn với bộ mặt bầu bĩnh đang vui vẻ nhìn hai người.
– Kính chào trung úy! – Hoàng Minh chìa bàn tay hộ pháp ra.
– Xin chào kỹ sư. Anh mới về?
– Rất hân hạnh được làm quen với ngài. Tôi thấy em Trinh nói chuyện ngài vừa ở Pháp về.
– Vâng, tôi về đã gần một tháng nay.
– Về tổ quốc ngài nhận thấy thế nào?
– Kể ra thì không được vui như ở bên kia.
– Rồi cũng vui thôi trung úy ạ. Tôi trước đây cũng đã du học ở bên Pháp, khi về nước cũng hơi buồn, nhưng vì làm việc có mục đích nên rồi cũng vui thôi …
Bảo Trung đưa mắt nhìn Hoàng MInh, hắn ta có khổ mặt to, núng nính những thịt và một thân hình phì nộn. Anh đánh giá: anh chàng kỹ sư này cũng chỉ sống nhờ bơ sữa đế quốc thôi, chứ làm việc với mục đích quái gì. Tuy vậy anh vẫn niềm nở:
– Vâng, đúng vậy thưa kỹ sư, khi mới về tôi buồn lắm, nhưng nay cũng đã thấy vui vì tôi cho rằng mình làm việc với mục đích: đánh đổ Việt Minh, để lập một quốc gia độc lập trong Liên hiệp Pháp.
– Trung úy ngồi xuống đã. Chỗ thân tình nên tôi xin nói thật. Tôi thấy ngài còn trẻ, học rộng, tài cao. Em Tuyết Trinh rất mến nga2i, nên tôi coi ngài như người nhà, có thế nào tôi nói thế, ngài đừng mất lòng. Con người ta ai cũng vậy, chiến đấu phải có lý tưởng, có mục đích, tôn chỉ của mình. Phải nhận rõ thấ nào là độc lập, là tự do thì mơi xác định rõ lý tưởng mà phục vụ.
– Vâng, tôi rất đồng ý, nhưng tôi chưa rõ ý ngài nói.
– … Ví dụ như tôi đây … – Hoàng Minh ngập ngừng – Tôi cộng tác trong quân đội Pháp, nhưng cưa hẳn đã phải vì quyền lợi của Pháp hay của quốc gia mà chỉ vì quyền lợi của một xu hướng riêng … Nhưng ngài đừng hiểu lầm tôi là Việt Minh. Chúng tôi rất thù Việt Minh, vì bọn chúng đã cản trở công việc của chúng tôi rất nhiều. Tôi cũng mong ngài tham gia vào một xu hướng chính trị rõ ràng để chiến đấu, phục vụ cho lý tưởng. Như thế sẽ không bị lẻ loi cô độc, ngài nghĩ sao?
Bảo Trung nghĩ bụng: “Hắn tuyên truyền mình đây”. Anh hỏi:
– Như vậy là thế nào? Ngài khuyên tôi nên chống lại quân đội Liên hiệp Pháp à?
– Không, ngài hiểu lầm rồi! Ý tôi muốn nói chúng ta vẫn là bạn trung thành của quân đội Liên hiệp Pháp, nhưng chúng ta còn chiến đấu riêng cho lý tưởng của chúng ta, bởi vì trong một nước độc lập cũng phải có nhiều đảng phái. Tôi cũng … À, tôi muốn nói là ngài cũng nên tham gia vào một đảng phái nào đó, nắm địa bàn chính trị mà hoạt động. Cái đó tùy ngài thôi, muốn hay không cũng được. Ví dụ như tôi, cũng chẳng phải hoạt động cho đảng phái nào cả …
Cách nói quanh co của Hoàng Minh khiến Bảo Trung cười thầm. Cái anh chàng phổi bò thô lỗ này giấu đầu hở đuôi. Cứ nói quách ra là đãng viên Quốc dân đảng, hay Đông Minh hội gì đó đã sao, hắn định tuyên truyền lôi kéo mình vào đảng của hắn đây: “Được, hãy tương kế, tựu kế, rồi đối phó sau”. Nghĩ vậy anh nói:
– Vâng thưa kỹ sư, ngài nói rất đúng, tôi rất mong được sự giúp đỡ tận tình của ngài. Mong rằng quan hệ giữa chúng ta ngày càng tốt đẹp hơn.
Hoàng Minh vui sướng giữ anh ở lại ăn cơm với gia đình. Câu chuyện có phần cởi mở hơn trước. Tuyết Trinh cũng thấy lòng phấn khởi, cô thầm mong quan hệ giữa Bảo Trung với gia đình cô ngày càng thêm gắn bó.