Chương 3: Nhiệm vụ mới

Ánh nắng sớm mai đã le lói chiếu qua song cửa, những giọt sương đọng trên cành mận long lanh đang tan dần, từng bầy chim ríu rít gọi nhau đi kiêm mồi. Một đôi bướm vàng biếng nhác còn chắp cánh ngủ chập chờn trên cành hoa thơm mát, khi mặt trời dọi ánh nắng xuống đôi cánh ẻo lả, chúng mới vội vàng hút vội mấy giọt sương đọng trên cành hoa, rồi bay đi.

Trong một căn buồng khuất sau mé vườn. Sơn vẫn thiêm thiếp ngủ, mãi tới khi già Thuận trở về đánh thức, anh mới chồng dậy, hỏi:

 – Thế nào, đồng chí Thuận, xong xuôi chưa?

Đôi mắt mệt mỏi, thiếu ngủ của già Thuận hiện lên những tia vui mừng:

 – Ổn lắm rồi, chàng ta đã được đưa về chiến khu để cấp trên khai thác thêm tài liệu. Mọi việc đều chu đáo cả.

Sơn phấn khởi, nhưng cũng cảm thấy có gì vương vấn trong lòng, anh hỏi già Thuận:

 – Bây giờ tôi sẽ phải làm gì, đồng chí Thuận?

 – Nhiệm vụ của đồng chí rất nặng nề, đồng chí Sơn ạ! Đây mới chỉ là thắng lợi bước đầu. Đồng chí Cục trưởng bảo tôi truyền đạt mệnh lệnh cho đồng chí là ngay từ bây giờ, đồng chí phải thay thế Bảo trung, nghĩa là phải đóng vai Bảo trung làm việc với tụi mật thám Pháp.

 – Thế ạ? – Sơn ngạc nhiên, thoáng hiện ý nghĩ mạo hiểm thích thú – nhưng không biết có làm nổi không?

 – Hôm nay đồng chí phải cải trang ngay, và nhiệm vụ đầu tiên là phải ra nghỉ tại khác sạn sĩ quan Đồ Sơn. Trong thời gian này, trong thời gian này, đồng chí phải nghiên cứu tỉ mỉ tiểu sử Bảo Trung, tính tình, kiến thức và quan hệ xã hội của y. Từ nay đồng chí phải sống, làm việc với Pháp và phải gây tín nhiệm với bọn chỉ huy. Muốn thắng địch, tất nhiên phải hiểu kỹ càng địch. Hiện nay, cấp trên nhận định: Sau đại chiến thế giới thứ hai, nước Pháp hầu như kiệt quệ về mọi mặt. Nay trở lại xâm lược Việt Nam một lần nữa, Pháp phải nhờ cậy vào lực lượng phản động trên thế giới, đứng đầu là đế quốc Mỹ, nay mai nhất định Mỹ sẽ nhúng tay vào Đông dương. Cách mạng Việt Nam sẽ có thêm một kẻ thù nguy hiểm, vì vậy ngay từ bây giờ, chúng ta cần phải biết để chống lại âm mưu của chúng. Nhiệm vụ chủ yếu của đồng chí là phải điều tra tìm hiểu sự liên hệ giữa bọn Pháp và Mỹ. Mỹ sẽ viện trợ cho Pháp những gì? Bọn chúng có những âm mưu gì về cả trước mắt và lâu dài để chống lại cuộc kháng chiến của nhân dân ta? Đồng chí phải kịp thời báo cáo. Nhiệm vụ rất nặng nề, đồng chí phải hết sứ thận trọng, khéo léo … nếu sơ xuất có thể nguy hiểm đến tính mạng và hỏng kế hoạch chung, đồng chí thấy thế nào?

Sơn do dự trả lời:

– Tôi xin cố gắng làm tròn nhiệm vụ đoàn thể giao cho, nhưng …

Già Thuận động viên:

 – Đồng chí Sơn ạ! Nhiệm vụ rất khó khăn nhưng cấp trên đã xét kỹ khả năng của đồng chí; đồng chí là người rất dũng cảm, hiểu biết nhiều, có văn hóa lại thông thạo tiếng Pháp. Vì vậy tổ  chức tin tưởng đồng chí có thể hoàn thành nhiệm vụ. Hơn nữa, chúng tôi cũng luôn luôn ở bên cạnh đồng chí, nếu gặp khó khăn, đồng chí cứ báo tin chúng tôi sẽ tạo điều kiện giúp đỡ.

 Sơn đã thấy yên tâm trước nhiệm vụ mới:

 – Vâng, tôi sẽ cố gắng để khỏi phụ lòng tin cậy của các đồng chí.

Già Thuận nghiêm nghị nhìn sâu vào khóe mắt Sơn:

 – Kẻ địch rất nham hiểm và quỷ quyệt, chớ chủ quan. Công việc trước mắt của đồng chí là: khi tới Đồ Sơn phải điện ngay cho Toàn Cơ biết, sau đó phải đánh điện sang Pháp cho bố mẹ Bảo Trung để họ yên lòng. Chủ yếu phải gây được lòng tin cẩn tuyệt đối của Toàn Cơ, hắn sẽ là người đỡ đầu của đồng chí sau này đấy!

Ngưng một chút, già Thuận nói tiếp:

 – Cơ sở của ta khá vững ở mọi nơi, tổ chức bí mật của ta ở trên Hà Nội cũng nhiều, liên lạc sẽ báo để đồng chí rõ. Hiện nay ở Đồ Sơn cũng có trạm của ta, đồng chí hãy nhớ kỹ những mật hiệu liên lạc sau đây – Già Thuận ghé sát vào tai anh, rồi nhìn đồng hồ và giục – Thời gian còn rất ít, đồng chí thu xếp những thứ cần thiết, chúng ta phải lên đường ngay bây giờ.

Sơn nghiêm chỉnh chấp hành những điều căn dặn của già Thuận, anh thấy lòng hồi hộp, một công tác mới, một nhiệm vụ phức tạp đầy rẩy những nguy hiểm đang chờ. Ngay từ bây giờ nó đòi hỏi anh phải tập trung tinh thần trí tuệ để đối phó với mọi tình huống, nhưng anh cũng rất tự tin vào khả năng của mình và tin vào sự sáng suốt của tổ chức.

Anh cố giữ nét mặt bình thản theo già Thuận ra xe. Anh rất ngạc nhiên thấy cách nhà không xa lắm: một chiếc xe du lịch kiểu Pho-uýt bóng nhoáng đang chờ sẵn, anh thầm thán phục sự bố trí khéo léo của đồng chí mình.

Già Thuận gánh một gánh nặng những đồ đạc của Bảo Trung ra xếp lên xa rồi bảo người lái xe chở Bảo Trung ra Đồ Sơn. Trước khi chia tay, già Thuận nắm chặt tay Sơn, cảm động:

 – Chúng tôi tin tưởng đồng chí! Chúc đồng chí gặp nhiều may mắn.

Sơn nắm chặt tay già Thuận vẻ cương quyết. Anh không nói gì cả mà chỉ biểu hiện tình cảm của mình qua ánh mắt. Xe nổ máy, rú ga chạy vút theo con đường lơn xuống thị trấn Đồ Sơn.

Trên quãng đường vào khu nghỉ mát mới xuất hiện một trạm kiểm soát quân sự, hầu hết các hành khách, xe cộ đi qua đấy đều phải dừng lại để lính bảo an khám xét hành lý, giấy tờ.

Quanh trạm còn một sô mật thám lảng vảng, bọn chúng đều trá hình thành thường dân, trà trộn vào những đám đông để điều tra, nếu thấy hiện tượng khả nghi là bắt giữ ngay.

Xe của Sơn cũng vừa dừng lại trước giá chắn đường. Lập tức hai tên lính bảo an cắp tiểu liên xốc tới đòi xem xét giấy tờ, hành lý. Một tên chĩa súng vào Sơn như đe dọa, Sơn bình tĩnh móc túi chìa ra một tấm ”các” rồi với giọng hách dịch hỏi chúng một câu bằng tiếng Pháp:

 – Các anh thuộc đơn vị nào?

Một tên ngạc nhiên nhìn Sơn từ đầu đến chân rồi cũng trả lời bằng tiếng Pháp, văn phạm sai bét:

 – Chúng tôi thuộc tiểu đoàn bảo an số năm khu vực Đồ Sơn, đang làm nhiệm vụ. Ông là ai, từ đâu tới đây?

Sơn không nói, móc túi đưa thêm cho bọn chúng một giấy đặc biệt của chính phủ Pháp cấp. Bọn này hình như mít đặc cán mai, một tên cầm giấy, nghiêng ngó mãi không đọc nổi một chữ nên phải vội vàng gọi một tên mật thám đứng gần đấy đến xem dùm.

Sau khi cố vắt óc xem xong tờ hộ chiếu của Bảo Trung, tên mật thám vội đứng nghiêm, theo tư thế nhà binh, giơ tay kính cẩn chào Sơn và nói líu ríu:

 – Thưa ngài Bảo Trung! Chúng tôi được lệnh của quan đồn trưởng đứng đón ngài ở đây đã lâu, xin mời ngài về khách sạn.

Sơn gật đầu tỏ ý hài lòng, anh thầm nghĩ: ”À, ra bọn chúng đã có lệnh tiếp đón Bảo Trung.” Anh vui vẻ móc hộp thuốc lá thơm ”Cra-ven-na” mời chúng hút.

Bọn mật thám, bảo an vô cùng mừng rỡ, chúng cảm ơn rối rít, lấy thuốc hút rồi vội vàng ra hiệu cho người lái xe đi theo xe của chúng, đỗ gần đấy trở vào khách sạn.

Xe vừa dừng lại trước khu vực nghỉ mát dành riêng cho các sĩ quan, đã có hai tên cần vụ đến mở cửa xe để Bảo Trung bước xuống (tử đây ta gọi Sơn là Bảo Trung). Chúng thanh toán tiền xe với người tài xế dồi đỡ đồ đạc của Bảo Trung mang lên khách sạn và dẫn anh lên một phòng nghỉ trên tầng hai. Trong phòng đầy đủ tiện nghi, giường ngủ, bàn làm việc, tủ đựng quần áo, quạt trần, điện, nước v.v… Phòng có hai cửa, một cửa vào từ phía cầu thang bước lên, một cửa thông ra ngoài hành lang trông ra biển, rất thuận tiện và mát mẻ. Trên cửa sổ có những chiếc rèm đăng ten màu nước biển trông dịu mắt.

Chủ khách sạn tiếp đón anh rất niềm nở, hắn tên là Véc-na (một thương binh người Pháp). Hắn được lệnh đồn trưởng từ hôm qua, chuẩn bị đón tiếp anh và hắn rất hân hạnh được làm quen với anh.

Sau khi xếp đặt đồ đạc xong, Bảo Trung cảm ơn và tặng hắn một hộp thuốc la thơm, đoạn anh nhờ hắn gửi hộ một bức điện báo tin cho đại tá Nguyễn Toàn Cơ, một bức thư gửi sang Pháp cho gia đình, nội dung bức thư gửi sang Pháp anh viết như sau:

Đồ Sơn, ngày …

Thưa ba má kính mến

Sau hơn một tháng lênh đênh trên mặt biển, hôm nay con đã về tới cố hương an toàn. Sức khỏe của con vẫn bình thường, tuy gió biển làm cho con đen hơn đôi chút. Hiện nay con đang nghỉ ngơi ở một khách sạn của sỉ quan ở Đồ Sơn. Con rất vinh dự được gánh vác nhiệm vụ. Con đã đánh điện báo tin cho bác Toàn Cơ, bác ấy săn sóc con rất chu đáo, vài ngày nữa bác ấy sẽ xuống đón con lên Hà Nội. Con sẽ nhận công tác một ngày gầ đây tại Cục An ninh của bác và chắc rằng công việc cũng sẽ thích hợp. Ba má hãy tự hào rằng đã có một người con xứng đáng, đóng góp tài sức cho quốc gia khi hữu sự.

Con xin dừng bút nơi đây. Khi nào có gì mới con sẽ viết thư về cho ba má hay.

Chúc ba má khỏe mạnh và yên tâm với đưa con thân yêu ở cố hương.

Hôn ba má.

Tái bút:

Má nhắc em Ngọc Mai nhớ đan xong cho con chiếc áo len trước mùa rét và gửi sang cho con dùng. Địa chỉ chính thức của con sẽ báo sau. 

Bảo Trung.

Qua hai bức điện và thư, chủ khách sạn Véc-na biết người mình đang tiếp xúc đây là con nhà quyền thế, cháu ông Cục trưởng An ninh; hắn cảm thấy hắn phải có trách nhiệm săn sóc thật chu đáo cậu ấm này. Đồng thời hắn cũng được hãnh diện làm thân với họ hàng người có thế lực. Véc-na ra lệnh cho nhân viên phục vụ khách sạn phải hầu hạ anh tử tế, không được làm mất lòng vị khách quý.

Tên đồn trưởng Tằng Sáng cũng thân hành đến thăm Bảo Trung, hắn bảo với anh rằng: Hắn nhận được lệnh của Sở An ninh phải tăng cường mọi biện pháp để bảo vệ an toàn cho anh trong thời gian nghỉ mát ở đây và hắn cũng hy vọng nhân dịp này, Cục trưởng cũng sẽ chú ý đến thành tích của hắn, để công danh của hắn được tiến bước một cách vững chắc hơn.

Sau khi dặn dò Véc-na săn sóc bảo Trung chu đáo, Tằng Sáng cáo từ ra về vì mấy ngày qua, tình hình khu vực này không được yên ổn cho lắm. Việt Minh quấy rối luôn, hắn sắp thân chinh chỉ huy càn quét một địa phương để truy lùng du kích.

Bảo Trung bước vào phòng, ngả lưng trên sa lông, anh mơ màng nhìn theo làn khói thuốc, thật không ngờ sự việc lại tiến hành một cách tốt đẹp như thế. Anh mở va-ly lấy những tài liệu ở trường tham mưu ra nghiên cứu tỉ mỉ. Lúc sau, anh lấy tập ảnh ra ngắm nghìa từng tấ, rất kỹ lưỡng. Đây là ảnh Bảo Trung chụp hồi còn nhỏ, đang nguồi trên chiếc ô-tô con. Còn đây là tấm ảnh gia đình gồm có: ông bà Ứng Lại, Bảo Trung, Ngọc Mai cùng người vú già, đứng trong vườn trước biệt thự. Anh để ý kỹ đến một chiếc ảnh chụp Ứng Lại đang ngồi đánh cờ với một người khách đứng tuổi ngoài hành lang khách sạn Mê-lo-đi tại Paris. Người khách này có đặc điểm cằm hơn nhọn, mặt dài, mồm rộng, mặt sau tấm ảnh có ghi dòng chữ: ”Để kỷ niệm buổi chia tay tiễn biệt bác Nguyễn Toàn Cơ về nước”.

Anh xem tiếp một số ảnh khác chụp khi Bảo Trung cùng gia đình đi nghỉ mát ở Bi-ních rồi đến ảnh Bảo Trung mặc quân phục sĩ quan học sinh Mút-sô, một số ảnh bạn bè chụp chung với Bảo Trung, đặc biệt nhiều ảnh các cô đào Pháp, Ý và những tài tử xi-nê khác.

Những ngày nằm ở Đồ Sơn là những ngày anh phải tranh thủ nghiên cứu tất cả những gì thuộc về kiến thức, đời sống, tác phong và quan hệ xã hội của Bảo Trung. Anh không ngờ trong thời gian ngắn ngủi này, anh phải gấp rút học một chương trình tổng hợp hoàn hảo! Đồng thời, anh cần phải hóa trang đôi lông mày cho giống hệt Bảo Trung.

Buổi chiều, khi anh trở dậy thì người hầu phòng mang lên cho anh một tách cà phê. Uống xong, Bảo Trung bước ra ngoài ban công nhìn xuống bãi biển.

Cuộc sống nhà hạ và xa hoa ở đây đã lôi cuốn khá đông sĩ quan, viên chức ngụy quyền, những nhà tư bản, những gia đình quyền thế.

Cảnh tượng tấp nập ngoài bãi biển cũng khá vui mắt, những chiếc dù to nhiều múi, màu sắc rực rỡ cắm la liệt thành một hàng dài trên bãi cát. Có những cặp vợ chồng, mặc đồ tắm mỏng, nằm phơi bụng dưới bóng dù, những thanh niên nam nữ đùa rỡn, chạy nhẩy, lấy cát ném nhau, nói cười khúc khích. Ở đây còn một lớp người nữa chiếm khá đông, đó là những me tây, gái điếm, mặc những nịt vú, xi líp bằng ni lông bóng lộn, nửa kín nửa hở, đang đú đởn chung quanh những viên sĩ quan Pháp.

Bảo Trung nhìn một lượt quanh bãi biển, chợt anh giật mình khi nhìn thấy dưới chiếc dù xanh có một ông già đang ngả lưng trên ghế phô tơi; hình như lão ta ra đây không phải để tắm biển mà chỉ để ngắm cảnh và hứng gió. Tay lão cầm một cuốn sách nhưng hình như lão không đọc.

Bảo Trung sửng sốt, lão già này làm anh phải lưu ý. Anh nhớ rõ, chính đây là ông lão hôm anh đã giúp đỡ, cho lão vịn vai khi bước lên tàu ở cảng Sài Gòn. Ông già ấy bây giờ đang tha thẩn ngồi kia! Nếu như lão ta biết được anh cũng đang có mặt ở đây? Có thể bị lộ không? Ông lão là ai, ra đây nghỉ mát hay làm gì? Tại sao lại thân già cô độc, không có gia đình đi theo?

Bảo Trung trấn tĩnh lại, anh quyết định phải theo dõi hành động của ông già, đồng thời anh cũng nghĩ đến những biện pháp giấu kín tung tích của mình.

Một hiện tượng xảy ra khiến Bảo Trung chú ý, khi quả bóng do bọn tắm biển đùa nghịch, ném nhau lăn tới gần chỗ lão ngồi, lập tức lão gia nhanh nhẹn đứng phắt dậy và co chân sút quả bóng bắn vụt trở lại rất xa: bọn trẻ thích chí vỗ tay hoan hô ầm ĩ. Bảo Trung thắc mắc, anh liên tưởng đến những cầu thủ lành nghề, anh so sánh với ông cụ trên tàu, tay chân run lẩy bẩy, lê bước không nổi mà anh phải dìu đỡ. Gió biển Đồ Sơn làm cho ông lão khỏe ra chăng?

Sau khi đá quả bóng đi rồi, lão lại bình thản nằm đọc sách, nhưng nếu chú ý có thể thấy lão không đọc mà đang đưa mắt quan sát từng nhóm sĩ quan đùa nghịch, hoặc tụm năm tụm ba trò chuyện trước mắt.

Bỗng có một nhân viên phục vụ khách đến ghé vào tai lão nói gì, lập tức lão đứng phắt dậy, đi về phía có khá đông những sĩ quan người Việt, với dáng đi mạnh mẽ tuy có đôi phần chậm chạp. Hành động đó khiến Bảo Trung nghi ngờ: ”Phải thận trọng và cảnh giác”. Anh bước vào phòng, kéo chiếc màn che kín cửa sổ và đóng cửa buồng lại.

Có tiếng gõ cửa nhè nhẹ, anh vội nằm xuống giường rồi trả lời bằng tiếng Pháp:

 – Cứ vào

 – Ngài không đi tắm biển ạ? – Véc-na bước vào theo sau là một thiếu nữ người Pháp.

Bảo Trung ngồi dậy niềm nở:

– Cảm ơn ngài, tôi còn hơi mệt nên chưa muốn ra ngoài. – Anh đưa mắt nhìn thiếu nữ, vẻ ngạc nhiên.

 – Xin giới thiệu với ngài, đây là Giác-cơ-lin Giát-manh, cháu gọi tôi bằng cậu, vừa ở Pháp sang chơi hơn một tuần nay, cháu đang theo học y khoa ở Pa-ri. – Véc-na giới thiệu, vẻ tự hào.

 – Ồ! Hân hạnh quá, xin mời ông và cô ngồi. – Bảo trung nói bằng tiếng Pháp, rồi hỏi luôn. – Cô sang đây nghỉ hè có lâu không?

Giát-manh còn đang lúng túng thì Véc-na đã trả lời:

 – Cháu nó còn ở lại chơi với chúng tôi chừng một tháng nữa. Giát-manh rất muốn được hầu chuyện ngài, nếu không có gì phiền, Giát-manh có thể tiếp chuyện ngài được.

Bảo Trung ngước nhìn người thiếu nữ. Cô ta có thân hình óng ả, nét mặt không thuần túy là người Âu, đôi mắt không xanh hay nâu mà lại đen, sống mũi thẳng nhưng không dài quá, miệng nhỏ mà tươi, phảng phất có những nét thùy mị của người Á đông. Anh tươi cười nói:

 – Cảm ơn ông Véc-na, ông đã đem lại cho tôi một liều thuốc mạnh quý giá nhất. Tôi đã đỡ mệt từ khi cô Giát-manh vào đây. – Anh mời hai người ngồi.

Lão chủ kiếu từ một cách ý nhị:

 – Thưa ngài, thực ra tôi chẳng được lấy một phút nhàn rỗi, rất tiếc không được tiếp chuyện ngài, Giát-manh sẽ ở lại thay tôi hầu chuyện ngài, chắc ngài sẽ hài lòng.

Lão bắt tay Bảo Trung toan đi ra. Anh ra hiệu giữ Véc-na lại. Anh mở va ly lấy ra một hộp Cre-ven-na mới tinh đưa tặng lão, lão từ chối mãi mới nhận, anh nói:

 – Ông Véc-na thân mến, từ nay ông cứ coi tôi như người trong gia đình, đừng khách sáo. Có điều tôi muốn nhờ ông. Như ông đã rõ, tôi về nước với nhiệm vụ quan trọng, ở đây ngoài ông và cô Giát-manh ra, xin ông giữ kín đừng để ai biết có tôi ở đây, trừ ông đồn trưởng và bác Cục trưởng Toàn Cơ. Mong ông nhớ cho.

Véc-na cảm tạ, khuyên chàng cứ yên trí. Lão đã để lộ chính lão mở khách sạn ở đây cũng là do nhiệm vụ của Bộ tham mưu quân đội viễn chinh giao cho, một nhiệm vụ đặc biệt.

Bề ngoài Véc-na chỉ là một chủ khách sạn bình thường, nhưng nếu tìm hiểu kỹ mới thấy những công việc quan trọng hắn đang làm.

Véc-na sinh trưởng ở xứ Noóc-măng-đi, nhập ngũ từ năm 18 tuổi đã tham dự những cuộc viễn chinh ở Phi châu. Hắn sang Đông Dương năm 1936, trong một cuộc đàn áp phong trào cách mạng, hắn trúng đạn bị thương, từ đó hắn được chuyển công tác. Đến năm 1945, Nhật đảo chính, hắn chuồn về Pháp. Tới khi Pháp trở lại xâm lược Việt Nam lần thứ hai, hắn lại sang, sửa sang lại khách sạn cũ của mình, và làm chỉ điểm cho quân đội Pháp.

Những điều hắn bộc lộ cho Bảo Trung mới chỉ là những chuyện bình thường. Nhưng qua đó anh có thể dự toán được tên chủ này đang âm mưu làm những chuyện gì to tát và quan trọng lắm; giữa Bộ tham mưu Pháp với Véc-na có sự liên hệ chặt chẽ.

Chờ hắn ra khỏi phòng, Bảo Trung rót rượu mời cô gái Pháp, cô giơ hai tay đón cốc rượu, nhìn anh với đôi mắt đầy cảm tình:

 – Cám ơn! Ngài còn nghĩ tại đây lâu không?

– Khoảng một tuần nữa thôi Giát-manh ạ, còn cô, bao giờ trở về Pháp?

 – Có lẽ đầu tháng sau, có chuyến máy bay của chính phủ, cậu mợ tôi đã nhờ họ đưa tôi về.

Thiếu nữ đặt cốc rượu lên bàn, lấy tay vân vê bím tóc nói tiếp – Tôi đang theo học y khoa năm thứ nhất, tôi không thích nghề ấy lắm nhưng cậu tôi bắt phải học. Hè này tôi sang thăm cậu tôi theo lời mẹ tôi đã hứa. Ồ, ông thấy không, cậu tôi là người rất tốt!

 – Thế ba cô, hiện nay làm việc gì, ở đâu?

Thiếu nữ buồn rầu trả lời:

 – Ba tôi đã bị chết trong đại chiến thứ hai! Chiến tranh đã cướp đi người cha yêu quý của tôi. Thế mà cậu tôi lại cứ thích ở đây, nhiều lần tôi khuyên cậu tôi về Pháp, cậu tôi không nghe, còn mắng tôi: trẻ con, không biết gì!

Bảo Trung ngắm nhìn cô gái, cô ta khoảng 18, 19 tuổi, những lời lẽ hồn hiên và ngây thơ của cô chứng tỏ cô có một tâm hồn trong trắng. Bảo Trung thầm nghĩ: Bố cô ta, cũng bị chết vì chiến tranh, chắc hẳn cô ta chẳng ưa gì cuộc chiến tranh chính phủ Pháp đang theo đuổi ở đây. Có thật thế chăng, hay đây lại là một thủ đoạn điều tra của lão Véc-na?

Không có lẽ, người thiếu nữ này theo anh nhận xét thì là một người rất chân thật, tự nhiên, anh cảm tình nhiều hơn là nghi ngờ; tuy nhiên anh vẫn phải cảnh giác, anh hỏi:

 – Sang Việt Nam, cô thấy thế nào?

 – Phong cảnh ở đây rất hấp dẫn, bãi biển đẹp hơn ở Bi-nich, nhưng tú thật với ông, tôi thất rất buồn vì không có bạn. Mấy đứa em con cậu tôi thì chúng còn nhỏ quá, thành ra chẳng biết đi chơi với ai. Đáng lẽ tôi đã về Pháp ngay, nhưng cậu tôi giữ tôi ở lại, nhất là mợ tôi, người vợ Việt Nam của cậu tôi ấy mà! Bà ấy tốt quá! Nhất định không cho tôi về, bà ấy chìu tôi lắm.

Giọng nói thiệt tình và sôi nổi của thiếu nữ khiến Bảo Trung thích thú. Cô ta hỏi Bảo Trung:

 – Ông Bảo Trung, hình như ông mới ở Viên về thì phải?

Bảo Trung hơi ngạc nhiên:

– Vâng, tôi có qua đó chơi ít ngày, sao cô biết?

Thiếu nữ mỉm cười, trỏ vào quyển ảnh còn mở để ở đầu giường:

 – Và chắc bây giờ ông vẫn còn lưu luyến dòng sông Đa-nup trong xanh?

Bảo Trung liếc nhìn tập ảnh. Một tấm ảnh chụp Bảo Trung cùng một số bạn bè cả nam lẫn nữ đang đứng bên bờ sông Đa-núp giữa thành phố Viên đông đúc. Bảo Trung gặp tập ảnh lại và cười với cô ta:

 – Cô thật là thông minh, Giát-manh ạ! Tôi rất sung sướng có người bạn gái như cô.

 – Anh quá khen – Giát-manh e lệ vì đã buột miệng gọi Bảo Trung là anh. Biết ý, Bảo Trung vội nói:

 – Giát-manh, tôi rất thích tính chân thật của cô, cô đừng khách sáo nữa. Chúng ta sẽ là bạn thân của nhau, cô cứ xưng hô như vậy cho thân mật. Và tôi, tôi hứa với cô, sẽ là người bạn tốt của cô.

Thiếu nữ không giấu nổi vui mừng, cô đỏ mặt, ngập ngừng:

– Thế thì tốt quá anh Bảo Trung ạ, không hiểu sao tôi rất mến anh.

Bảo Trung không ngờ cô gái Pháp này lại giàu tình cảm đến thế, tuy nhiên anh vẫn phải thận trọng, không để lộ chút gì có hại cho mình. Anh lấy kẹo mời cô ta ăn, đưa cô xem một số ảnh chụp ở Pháp, giới thiệu ông bà Ứng Lại và cô Ngọc Mai ở Pháp cho Giát-manh biết, riêng những tấm ảnh Bảo Trung chụp trong những ngày gần đây thì anh giấu kín, bởi vì Bảo Trung trong ảnh với anh tuy hao hao giống nhau, nhưng nếu tinh vẫn có thể nhận ra những điểm khác nhau.

Cô gái Pháp vẫn say sưa trò chuyện với người bạn mới. Cô biết từ hôm nay, cô đã có một người bạn trai chân thành và đáng mến. Trong lòng cô như có một bông hoa đang hé nở.

Gió biển tạt vào hắt tung tấm rèm cửa, thổi bay mái tóc màu hạt dẻ của Giát-manh, dán chặt tấm áo mỏng vào thân hình nở nang cân đối của cô, cô ta nhìn ra cửa bảo anh:

 – Trời đẹp quá anh ạ! Chúng ta ra ban công đi.

Bảo Trung do dự, anh không muốn ra ngoài nhưng đành chiều lòng cô gái, đứng dậy theo cô. Cảnh vật sinh động lại hiện ra trước mắt, tiếng cười đùa huyên náo từ bãi biển vọng lên khiến cô gái rất vui thích. Bỗng Giát-manh chỉ tay vào chỗ ông cụ già ban nãy hỏi Bảo Trung:

 – Đố anh biết ai ngồi kia!

Bảo Trung e ngại nhìn theo tay Giát-manh, trả lời:

– Chắc một nhà tư sản nào đó đi nghỉ mát.

Giát-manh thì thầm, vẻ quan trọng.

– Anh chưa biết à? Một thám tử nổi tiếng đấy!

Bảo Trung giật mình, nhìn Giát-manh:

 – Cô nói sao? Một thám tử nổi tiếng ư? Ông cụ ấy mà lại là mật thám à?

 – Anh Trung này, cậu Giát-manh bào thế. Ông ta công tác ở phòng nhì trong quân đội, vừa từ Sài Gòn ra đây. Ông ta khoảng ba mươi tuổi thôi nhưng cải trang nên ai cũng tưởng già, giỏi không? Nhưng anh đừng nói cho ai biết nhé. Cậu Véc-na lại mắng Giát-manh hay bép xép.

Thật không còn nghi ngờ gì nữa. Chính lão già nham hiểm này đã đánh lừa được anh trong thời gian trên tàu I-rông-đen. Một tên mật thám nguy hiểm. Làm thế nào bây giờ?

Bảo Trung thầm cảm ơn cô gái Pháp đã đem lại cho anh một tin quan trọng. Anh cầm tay cô gái và im lặng.

 – Anh nghĩ gì vậy, anh Bảo Trung? – mạnh khẽ gỡ tay anh, hỏi:

 – À … không, tôi đang nghĩ đến những ngày ở Pa-ri, được gần những bạn gái Pháp, nhưng chưa cô nào tôi thấy mến như Giát-manh.

 – Anh nói thật không? Hay là …

 – Tôi chưa hề nói dối ai bao giờ, nhất là đối với phụ nữ. Hãy tin tôi Giát-manh ạ!

Vậy thì anh sẽ là người bạn tốt nhất của tôi, anh Trung ạ! – Cô cảm động đặt lên cánh tay anh và nhích lại gần – Anh Trung ạ, khi về Pháp, chắc tôi sẽ nhớ đến anh luôn, nhớ đến những kỷ niệm ở đây và những ngày hè ngắn ngủi gần anh.

Giát-manh không ngờ trong lúc này Bảo Trung đang tập trung trí não để tìm cách đối phó với tên mật thám đang ngồi dưới kia. Giờ đây chỉ sơ hở đôi chút, mọi việc đều hỏng hết. Anh cầm tay Giát-manh kéo trở vào phòng:

 – Thôi, vào trong này đi, tôi thấy mỏi chân, Giát-manh ạ.

Cô gái ngoan ngoãn theo Bảo Trung bước vào. Họ nói chuyện một lát nữa rồi Giát-manh ra về.

Còn lại một mình, bao ý nghĩ quay cuồng trong đầu Bảo Trung. Sau giây phút bàng hoàng, hình bóng tên mật thám cứ lởn vởn trước mặt anh. Cần gấp rút liên lạc ngay với cơ sở, nhờ các đồng chí giúp đỡ, đó là biện pháp duy nhất. Trừ khử ngay tên chó săn nguy hiểm ấy mới hoạt động được, khử sớm ngày nào hay ngày ấy, không thể để hắn kịp phát giác với Nguyễn Toàn Cơ.

Sau khi yên trí Giát-manh đang vẫy vùng dưới biển với mấy cô em con ông cậu, Bảo Trung thay quần áo, bước ra khỏi khách sạn như người đi dạo. Anh bước tới một quầy bán hoa ở đầu phố để tìm bắt liên lạc.

Đến trước một quầy hàng, anh vời hỏi mua hoa:

– Bà cho tôi mua bó hoa hồng.

Người bán hoa là một thiếu phụ, sau khi bà ta đưa hoa cho anh, anh yêu cầu đổi cho thứ hoa khác. Nhìn kỹ xung quanh thấy không có ai, anh liền hỏi:

 – Bà có ”hoan hồng trắng” không?

Người bán hàng ngạc nhiên đưa mắt nhìn anh một lát rồi do dự nói:

 – Có, thứ hoa ấy cũng sẵn, nhưng hôm nay vừa hết, xin mời ông tám giờ sáng mai ra lấy.

Bảo Trung vui mừng, trả tiền rồi cầm bó hoa trở về khách sạn. Thế là đã bắt được liên lạc với cơ sở rồi. Sáng mai sẽ được gặp đồng chí của mình.

Đúng tám giờ sáng hôm sau, anh đến quầy bán hàng và trông thấy một người mặc quần áo bảo an cũng đang đứng chọn hoa. Khi thấy anh tới, người ấy cầm mấy nhánh hoa, đưa lên ngang mặt, búng ba cái.

Bảo Trung lại gần:

– Ồ, hoa đẹp quá, nhưng cuống hơi ngắn một chút.

– Vâng, thưa ông, có hoa đẹp là nhờ người bán hàng.

Nhận đúng mật hiệu, Bảo Trung nói nhỏ:

 – Đồng chí! Dưới bóng dù xanh trước cửa khách sạn, có một tên mật thám cải trang thành một lão già, cần trừ khử ngay, vì tên này rất nguy hiểm.

Người bảo an gật đầu, bắt tay anh quay đi và nói:

– Đồng chí cứ yên tâm, chúng tôi sẽ giải quyết.

Bảo Trung trở về khách sạn, lòng nhẹ nhàng như vừa trút được gánh nặng trên vai, anh bước nhanh về phía buồng mình. Khi qua phòng Giát-manh, anh ghé vào cắm bó hoa trong cái lọ để trên bàn cô gái. Bảo Trung bước nhẹ về phòng, đến bây giờ anh mới cho phép mình được thư thái đôi chút.

Chiều hôm đó Giát-manh đến rủ anh đi tắm biển. Chìu ý cô, Bảo Trung nhận lời, khiến cô rất vui sướng. Hai người sánh vai nhau bước ra bờ biển.

Bảo Trung đưa mắt nhìn chỗ cắm chiếc dù xanh; không thấy lão già mọi khi đâu cả, anh yên tâm đi cạnh cô gái Pháp, và cảm thấy một niềm vui thực sự.

Sau khi mặc xong đồ tắm, Giát-manh kéo Bảo Trung trèo lên một mỏm đá, cô ngồi xuống cạnh anh hỏi:

 – Anh Trung có dịp nào xuống thăm bờ biển Lăng-gơ-đóc chưa?

 – Lăng-dơ-đóc? Có phải nơi trồng nhiều nho, bên bờ Địa Trung Hải không?

 – Đúng rồi! Ở đấy cũng đẹp chứ anh nhỉ?

 – Hình như ngày bé; ba má tôi đã đưa tôi đến đó một lần, so với Đồ Sơn đây, cô thấy thế nào?

 – Mỗi nơi có một vẻ đẹp riêng anh ạ. Mấy bữa trước tới đây tôi thấy rất buồn vì chẳng có bạn. Từ hôm gặp anh, tôi thích cảnh ở đây hơn. Tôi nói thật đấy! Anh Trung này, anh có thể còn ở đây được bao lâu?

 – Nếu bác Cơ tôi cho phép, tôi có thể ở đây đến bao giờ cũng được, tôi cũng rất tích được ở đây.

Giát-manh mạnh dạn ghé đầu vào vai anh hỏi:

– Anh có thích ở Pháp không?

 – Tôi đã qua nhiều nơi, thăm nhiều thắng cảnh ở Pháp, ở Thụy Sĩ, ở Áo, nhưng chưa đâu đẹp bằng bờ biển Việt Nam. Về đây tôi thấy yêu mến quê hương vô cùng.

 – Vâng, đúng đấy anh ạ: Tổ quốc anh có nhiều cảnh đẹp, thiên nhiên và con người ở đây cũng hiền hòa; thanh niên Việt Nam có những đức tính rất tốt: quý bạn và mến khách.

 – Đúng, người Việt Nam rất quý bạn và mến khách, nhưng có một điều làm tôi không vui là: hiện nay đang có cuộc chiến tranh giữa quân đội viễn chinh Pháp với lực lượng kháng chiến của Việt Minh. Cô có hiểu Việt Minh là thế nào không?

 – Có phải là những tổ chức phiến loạn không? Thôi, nói chuyện đánh nhau làm gì? Giát-manh không thích nghe đâu, xuống tắm đi anh.

 – Ối, Giát-manh giống em gái tôi quá. Tôi sẽ giới thiệu Ngọc Mai với cô khi nào cô trở về, chắc cô sẽ vui lòng kết bạn với nó.

 – Cám ơn anh, tôi mong rằng quan hệ giữa chúng ta và hai gia đình sẽ ngày càng gắn bó hơn, anh có đồng ý không anh Trung?

 – Đồng ý quá đi chứ!

Anh nói lấy lòng cô gái Pháp.

Từ đó họ thân nhau như một đôi bạn học cùng trường.

Hai hôm sau, vào một buổi chiều, khi hai người đang vẫy vùng đùa nghịch với nhau ngoài biển thì một người hầu phòng chạy ra tìm Bảo Trung về ngay khách sạn có việc cần. Anh đành bỏ dở cuộc vui trở về khách sạn, thay quần áo và xuống ngay phòng Véc-na.

Bước chân vào phòng, anh rất ngạc nhiên khi nhìn thấy một người trạc ngoài bốn mươi, chững chạc trong bộ quân phục đại tá, đang ngồi nói chuyện với Véc-na. Sau khi nhìn qua nét mặt, anh nhận ra ngay người ấy chính là người đã ngồi đánh cờ với Ứng Lại trên khách sạn Mê-lô-đi. Sau một phút do dự, anh cả quyết làm ra vẻ vui mừng, đứng nghiêm theo tư thế nhà binh, và nói bằng tiếng Pháp:

 – Chào Cục trưởng, cháu thật thất lễ với bác.

Toàn Cơ giương đôi mắt tròn xoe nhìn anh từ đầu đến chân rồi niềm nở đứng dậy, dang hai tay bước tới ôm chầm lấy anh, hôn mấy cái vào má anh rồi đặt hai tay lên vai anh, lắc mạnh:

 – Ôi! Cháu tôi chóng lớn quá, bác không nhận ra được nếu không xem lại ảnh của cháu, bác chỉ còn nhớ đôi mắt sắc và cặp lông mày của cháu thôi, sao mà giống bố thế! Thế nào, cháu về Tổ quốc lần này chắc cũng chẳng được thỏa mãn về mặt sinh hoạt như ở Pa-ri nhỉ! Thôi cũng đừng luyến tiếc nhé. Tuổi thanh niên bây giờ là phải đem tài sức ra đóng góp cho quốc gia khi hữu sự.

 – Cháu cũng nghĩ như thế, vì vậy ba má cháu mới cho cháu về đây. Thưa bác, sức khỏe của bác ra sao? Cháu còn nhớ hôm bác sắp về nước, bác ngồi đánh cờ với ba cháu ở khách sạn Mê-lô-đi.

Toàn Cơ kéo anh ngồi xuống và nói:

 – Cháu nhớ lâu quá nhỉ, phải rồi, hôm đó ba cháu hạ bác ba ván liền vì bác chẳng còn bụng dạ nào để đánh cờ nữa, trong khi sắp phải từ biệt Pa-ri thân yêu, như từ biệt người mẹ hiền của bác. Cháu tôi lúc đó làm gì nhỉ? À, cháu tôi đang cùng Ngọc Mai nghịch hoa giấy thì phải. Ôi! Thế mà bây giờ cháu đã thành một thanh niên rồi, chóng thật. – Toàn Cơ ngắm nghía anh một lát rồi nói tiếp – Đáng lẽ bác để cháu nghỉ ngơi ở đây ít ngày nữa nhưng công việc cần thiết quá, thời gian không chờ đợi chúng ta, vì vậy bác phải thân hành xuống đây đón cháu, đủ biết quan trọng như thế nào rồi. Bây giờ không còn thì giờ để nói chuyện với cháu được nữa – Ông ta xem đồng hồ. – Cháu mau, mau thu xếp hành lý rồi lên Hà Nội ngay. Máy bay trực thăng đang chờ ngoài kia. – Đoạn quay sang Véc-na – Thôi xin lỗi ông Véc-na, mọi việc như thế đấy, ông cho người thu xếp hộ Bảo Trung cho mau chóng.

Véc-na vâng lời, ra ngoài gọi nhân viên vào phòng Bảo trung. Bảo Trung cũng đang mong rời khỏi Đồ Sơn, một nơi mát mẻ đầy thơ mộng đối với anh, nhưng cũng là nơi đầy nguy hiểm đối với anh lúc này, anh xin phép Toàn Cơ và bước về phòng mình.

Bảo Trung hết sức ngạc nhiên khi thấy Giát-manh đã đứng sẵn ở cửa buồng mình, cô nhìn anh lo lắng hỏi:

 – Phải đi ngay à anh Trung? Có chuyện gì thế?

 – Tôi phải đi ngay bây giờ Giát-manh ạ, bác Toàn Cơ đã xuống đón. Thật đột ngột quá, không được gần gũi Giát-manh thêm ít ngày nữa.

 – Anh không thể ở lại được phút nào nữa ư? Buồn quá, chờ Giát-manh một lát nhé. – Nói đoạn cô chạy vội về phòng mình.

Bảo Trung gấp vội mấy quyển sách, xếp vào va ly, giao cho tên cần vụ mang xuống trước.

Giát-manh bước vào, tay cầm một chiếc hộp rất đẹp, cô buồn rầu bước tới gần Giát-manh:

 – Anh Trung, đây là vật kỷ niệm của Giát-manh tặng anh, khi nào nhớ tới Giát-manh, anh hãy giở ra xem. Sau khi anh tới Hà Nội, anh nhớ viết thư cho Giát-manh nhé. Có thể Giát-manh lên thăm anh một ngày gần đây.

Bảo Trung cảm động cầm chiếc hộp, anh móc túi áo lấy ra một sợi dây chuyền vàng, có khắc hình quả tim, và được lồng bên trong một tấm ảnh rất nhỏ của bà Ứng Lại:

 – Giát-manh! Đây là tấm ảnh của má tôi cho khi tôi về nước, xin tặng Giát-manh. Khi nào trở về Pháp, cô lại nhà nói chuyện cho ma tôi biết, má tôi sẽ rất quý mến Giát-manh. – Anh đeo sợi dây chuyền vào cổ Giát-manh. Cô gái Pháp cảm động:

 – Anh Trung, cám ơn anh!

Bảo Trung nhìn sâu vào khóe mắt Giát-manh. Thấy cô có một tâm hồn nồng nàn, ngây thơ, và thiết tha với cuộc sống, anh nghĩ: “Giát-manh sẽ là người bạn tốt, quen Giát-manh sẽ thuận lợi cho công tác của mình sau này”. Anh nắm chặt tay cô, nói:

 – Cám ơn! Rất cám ơn. Tạm biệt!

Viết một bình luận

error: Content is protected !!