Mai về đến nhà đã thấy a Báo nôn nóng đứng đầu dốc nhăn nhó.
– Sao đi lâu vậy? Cả nhà chờ hai người về ăn cơm đó.
Mai mỉm cười chỉ gùi đầy trái xoài, ý nói là đi hái nên lâu.
Bữa cơm trưa có thịt gà rừng kho xả, thịt thỏ nướng muối ớt và rau rừng luộc. Món thịt thỏ nướng này đợi đến tối trời mát nướng ăn sẽ rất ngon. Chắc là muốn đãi mấy đứa nhỏ ăn nên giờ làm luôn. Trong món thịt rừng có thêm một ít gia vị hơi lạ, át đi mùi tanh của thịt. Đúng là ở đâu con người ta cũng thích nghi được. Ở biển thì con người tìm cách khử mùi tanh của cá. Ở rừng thì thêm hương bị át mùi máu tanh thịt rừng. Nhắc mới nhớ tới món gà rừng nướng quế của Trương bá, thiệt là ngon!
La bà và Mai cũng ngồi ăn chung trên bàn, La bá bá hỏi thăm nhà a Bảo ở làng chài, rồi chuyện ở nhà nhà Mai. Mặc dù ông chưa gặp cha Mai nhưng chắc nghe a Báo nói nên cũng biết không ít chuyện.
Con Vện vẫn còn nhớ Mai, nãy giờ nó chạy quanh, lâu lâu cọ chân cô. Nó cao hơn lúc trước, lớp lông ngắn không che được vết sẹo ở chân sau. Nó còn có mấy vết sẹo nhỏ ở trên vành tai và xương vai. Con Vện cũng có nhiều ‘chiến tích’ dữ.
– Con Vện còn cao hơn nữa không?
Ăn cơm xong cũng không thể về ngay, mấy đứa ngồi ở sân trước chơi. Mai chỉ con Vện hỏi a Báo.
– Còn cao lên một chút nữa, cỡ ngang đây. Cha của nó cũng cỡ vậy. Nó gần bốn tuổi rồi, đi săn giỏi nhất ở đây đó.
A Báo nói, giọng rất đắc ý, cười toe toét vuốt đầu con Vện.
– A Báo, ngươi biết bắn cung chưa?
– Biết chứ, đi.
A Hỉ còn nhỏ háo hức muốn biết đủ thứ. Hắn liếc nhìn hai cung tên của La bá và Hùng huynh được treo trên vách phòng khách rất hâm mộ. A Báo chưa dùng được cung tên sắt nhưng cũng có bộ cung gỗ của mình. Nghe hỏi đến chuyện bắn cung hắn càng muốn khoe mẽ, dẫn mấy đứa ra sân sau.
Phía sau cửa bếp là khoảng sân, còn rộng hơn sân trước. Có chỗ đặt mấy lu nước, giàn phơi quần áo trong góc. Trên thân hai cây sao già là hai biển gỗ chi chít vết thủng, là chỗ tập bắn tên. Chéo góc cửa bếp là bậc thang dẫn lên mấy gian nhà nhỏ dựa vào sườn dốc, chắc là phòng ngủ. Cách bố trí theo địa thế như vầy thật mới lạ khiến tụi nhỏ không khỏi nhìn thêm vài lần.
Mấy đứa con trai say mê vui vẻ cùng nhau tập bắn thử, trêu chọc, chế nhạo lúc bắn hụt. A Báo không tệ, đứng xa gần hai mươi thước vẫn bắn trúng tâm làm Bảo ca cũng hâm mộ.
Mai ngồi trên bậc đá nhìn ngắm xung quanh. Không khí giữa trưa không oi nồng lắm. Bóng hai cây sao già phủ xuống mát rượi. Đây đó trong góc sân có đủ thứ các sản vật của rừng. Chỗ này là mấy bục măng tươi chưa lột vỏ, chỗ kia là cái mẹt phơi mấy loại rễ cây.
– Cái đó là cây thuốc trị thương rất tốt.
A Báo đang chỉ dẫn cách giương cung nói chen qua giải thích. Mai nhẹ tay bóc rồi ngửi thử, mùi rễ và vỏ cây ngai ngái cô không nhận ra là cây gì. Nhà thợ săn nào cũng phải có mấy thứ này.
Mấy gian phòng ngủ đều có cửa sổ nhìn xuống sân, một nửa dựa vào vách núi. Giống y chang mấy căn biệt thự lưng chừng đồi ở thời hiện đại. Mùa khô nóng thì ở đây mát mẻ, không biết mùa mưa lạnh dữ không? Lúc nãy trên đường đi có những đường mòn dọc theo đường nước chảy từ đỉnh ngọn núi, không sâu lắm. Xem ra mùa mưa cũng sẽ ít có những dòng suối sâu, dữ tợn.
Lần đầu gặp La bá Mai không ngạc nhiên về gương mặt ông lắm. Hùng huynh và a Báo mang nhiều nét giống ông. Mà không, là bốn người nhà họ La có nhiều nét giống nhau. Gương mặt góc cạnh với mũi cao hơi to, hàm vuông dài. Đôi mắt của thợ săn hay người đi rừng luôn khác với nông dân làm ruộng. Ánh mắt có vẻ nhìn thẳng nhưng Mai cảm thấy họ luôn “cảnh giác” xung quanh. Các giác quan luôn tập trung cao độ.
Chỗ hơi khác là La bá không cao lớn như Hùng huynh, ông thấp hơn huynh ấy một đoạn. Bàn tay La bá đầy vết chay, các khớp ngón tay đều bị bào mòn. Chân bá ấy đã từng bị thương qua, giống cha Mai vậy. Lúc đi bình thường không để ý sẽ không thấy, Mai phát hiện mỗi lần ông đứng dây luôn bất giác để tay lên đùi trái, hơi nghiêng một bên. Cha Mai cũng từng bị gãy xương đùi nên ông hay có thói quen này.
Ông không nói nhiều, chỉ hỏi vài câu rồi để tụi nhỏ thưa chuyện, ông im lặng nghe, gật gù. Trong nhà này chắc chỉ có a Báo còn nhỏ, được cưng chiều nên tánh khí nhiệt tình, hoạt bát hơn hẳn.
A Báo đang giảng giải tư thế cân vai, giương tay và thủ thế chân khi bắn tên. Mai hơi nhớ lại một chút, La bà biết bắn cung, chắc rồi! Điều đó cũng giải thích tại sao ánh mắt bà sắc và có uy lực như thế, bà còn rất nhanh nhẹn nữa. Tuy rằng đàn bà con gái hiếm người thạo cung tên, săn bắn nhưng luôn có ngoại lệ phải không?
Nháo loạn một hồi qua giờ mùi thì mấy đứa xin phép về. Bà nội a Báo đã gói một ít thịt rừng muối cho mang về. Bảo ca nhận rồi cảm ơn. A Báo và Hùng huynh đều đi theo tiễn mấy đứa xuống chân núi. A Báo vỗ ngực nói:
– Ta nhanh chóng tìm thêm tổ ong mang xuống.
Lúc nãy nhận tiền a An đưa hắn đã nhẩm tính xem còn bao lâu nữa sẽ mua được cung tên rồi, không lâu đâu, trước Tết là mua được rồi. Hắn rất mừng rỡ, đương nhiên sẽ ra sức tìm tổ ong, bắt gà con nhiều thêm nữa.
Ngồi trên ghe bận về mấy đứa con trai không ngớt nói chuyện. A Hỉ còn diễn lại cảnh Bảo ca bắn hụt nữa. Tiếng cười đùa vang vang, đường về có vẻ được rút ngắn lại.
Gùi xoài xanh được mấy cô gái yêu thích. Lưu bá mẫu khỏi nói, cứ xuýt xoa hỏi hái ở đâu. Bá mẫu nói muốn Lưu bá bá đi hái ngay làm mọi người cười không ngừng nói lần này chắc là sinh bé trai rồi.
Bà nội về làng chài với lục cô và a Hỉ, Bảo ca ở lại theo học đóng ghe như ông nội dặn. Bà cũng không để thất thúc đưa về mà đi theo lái đò về bến ghe gần làng chài.
Đây là chuyện mới có mấy hôm nay. Nhà Lưu tam bá theo gương Lưu bá làm lái đò từ làng chài vào vũng Đông Hồ, chở khách đi chợ phiên, hoặc qua lại vãng lai. Mấy tháng nay nhà Lưu tam bá cũng lo làm cỏ trên ba mẫu ruộng và khẩn hoang thêm một ít. Nhưng có lẽ chưa quen làm ruộng nên không tiến triển như dự tính, chỉ khẩn hoang chưa đến nửa mẫu đất. Sau khi bàn tính thì tam bá mẫu sẽ làm ít mua bán ở chợ làng. Tam bá bá và mấy con trai sẽ làm lái đò từ Đông Hồ ra làng chài. Đến mùa trồng lúa thì trồng trên ba mẫu rưỡi cũng đủ cả nhà ăn trong năm.
Chợ phiên hôm nay An ca và Mai đi bán trong chợ làng mới phát hiện đã có nhà khác bán đường ở phía cuối chợ. Người ở Đông Hồ đông hơn nên cũng không ảnh hưởng nhiều. Hơn nữa Mai biết chuyện này sẽ sớm xảy ra thôi.
Cô đang bày hàng ra thì phía trước có người nói:
– Nhà cháu về rồi sao?
– Dạ, Sùng bá bá khoẻ.
– Khoẻ, ta khoẻ. Tối qua thúc nhà ta cũng vừa về tới, đã giao hàng cho dượng cháu rồi. Tốt lắm, cái này là tặng nhà cháu.
Sùng bá vui vẻ nói, đưa cho Mai hai bình gốm được trang trí hoa văn hình hoa sen. Mai định từ chối thì bá ấy nói:
– Là thúc ta tự mình làm, không phải quá quý giá gì.
– Dạ, đa tạ bá.
Bá ấy thấy Mai nhận rồi cũng không nhiều lời cáo từ về lại sạp của mình. Chợ phiên ai cũng phải tranh thủ bán hàng. Được một lát An ca lên tiếng chào Đỗ lang y cùng a Vĩnh đi ngang qua.
– Hai cháu bán ở đây à? A Vĩnh ở đây đi, để mình ta đi cũng được.
– Dạ, sư phụ.
A Vĩnh đáp lời rồi dừng lại, đợi sư phụ hắn đi khuất thì nói:
– Nghe nói làng Bình San có người đến đây muốn bán mật gấu nên sư phụ đến tìm. Lần trước nhà Hùng huynh cũng bán mật gấu chó được không ít tiền. Nhưng săn con mồi lớn cũng quá nguy hiểm.
Hôm nay không thấy Hùng huynh đi bán con mồi. Sau khi nói chuyện trong rừng, cả buổi huynh ấy cứ lo nghĩ gì đó. Huynh ấy không tham gia với mấy đứa nhỏ mà cùng La bá ở sân trước chẻ củi, vót tên. Haiz, mình không cần lo nghĩ nữa, huynh ấy sẽ phải tự quyết định.
Mình phải tập trung chuyện làm mẫu ghe mới, còn lo chuyện bán đường và dầu nữa. Có một nhà làm theo thì những nhà khác cũng sẽ làm, phải tìm ‘đầu ra’ khác mới được.
Lúc về gần nhà thì thấy Dương ông từ trong nhà đi ra, có tin về thầy đồ sao? Trước khi đi nhà ngoại cha đã làm xong bảng gỗ, gửi một nửa đến sư ông và Đỗ lang y để viết chữ lên. Mọi người vẫn mong chờ Dương ông chuyện tìm thầy đồ.