Thông thường người thợ mộc sau khi cúng tổ ngày hai mười tháng chạp sẽ nghỉ đến qua rằm tháng giêng mới cúng đầu năm mở lại đồ nghề ra làm. Mai mang hai quyển sách về thuật lại ý sư ông làm cha phân vân. Cha đi nhanh đến nhà Bùi ông rồi quay về dặn nương soạn lễ cúng.
Buổi chiều, không chỉ Bùi ông mà Dương ông, Đỗ lang y và Nguyễn bá cũng đến. Người lớn trong làng rất xem trọng chuyện này. Nếu làng họ mời được thầy dạy chữ về thì quý biết bao nhiêu.
– Qua năm ta sẽ đi một chuyến đến Trấn Giang, Trấn Biên tìm mời người về. Việc này cũng tạ ơn sư ông đã nghĩ đến.
– Phải, phải.
Nói chuyện một lát thì đến giờ lành. Bùi ông và cha lâm râm khấn vái, mang đồ nghề ra dùng. Nhà Mai lại vang lên tiếng cưa xẻ gỗ. Bùi ông và Đỗ lang y xem mấy miếng gỗ Mai đang treo ở vách nhà. Trước đây Đỗ lang y viết chữ mẫu cho mấy đứa nhỏ học không nghĩ là cách này hiệu quả. Giờ thấy một hàng bảng được treo, có đánh số, mặt sau còn có chữ tương tự, hoặc hình vẽ giải thích. Mai làm theo kiểu thẻ học chữ Hán ở hiện đại, tốn công một lần nhưng nhiều người học rất thuận lợi.
Lúc trước dì dượng hẹn sẽ đến trước Tết để lấy đường, dầu bán dịp Tết. Nhưng bận rộn buôn bán ở Trấn Giang không đến được, nhắn người trong chợ báo về.
Chiều nay cha nương dẫn theo a Phúc đi nhà Nguyễn bá giúp làm heo. Khuya mai nhà Mai đi chợ Sông Lớn bán hàng trong phiên chợ cuối của năm. Mấy đứa nhỏ đều muốn đi xem chợ Tết, nên cha ở lại trông nhà. Một chiếc ghe không chở hết, nhà Lưu bá cũng vừa đủ chở người, Nguyễn bá cho ba đứa nhỏ a An, a Vĩnh và Mai đi chung. Nhà bá ấy chở mấy trăm cân thịt heo nên cần dùng hai ghe, dư chỗ cho ba đứa nhỏ.
Ở nhà tất bật chuẩn bị gói ghém đồ đạc cho buổi chợ ngày mai. Bình ca lo làm bảng gỗ sơn chữ mẫu. Mai chạy ra chạy vào lật trở mứt dừa, mứt gừng ngũ cô vừa sên xong. Mứt này là món khoái khẩu của mấy đứa nhỏ, có thể để dành đến ra giêng vẫn ăn được.
Gương mặt ngũ cô không vui vẻ khi nhắc đến chuyện đi chợ ngày mai. Lúc đầu cô còn không muốn đi mà ở nhà. mọi người phải nói tới lui. Lúc cha nói ngũ cô đi chợ phụ nương bán, cha sẽ ở nhà thì cô mới miễn cưỡng gật đầu.
Mai qua xưởng hỏi a Bình, ca im lặng hồi lâu mới kể đại khái chuyện xảy ra. Ngày về nhà nội tảo mộ, nhiều người ở làng chài hỏi thăm chuyện ngũ cô. Họ đến thăm, hỏi chuyện rồi bàn tán đủ thứ. Ngũ cô luôn tránh mặt trong buồng, bà nội khó chịu nhưng không thể đuổi khách.
Chuyện này sẽ xảy ra, người ta cứ thích bàn tán chuyện của người khác. Bản thân ngũ cô phải đối mặt, chuyện này sẽ tiếp diễn một thời gian nữa, đợi có chuyện mới thì họ sẽ dần quên thôi.
Đêm tháng chạp trời trong, gió biển thổi nhè nhẹ, xào xạc rặng dừa nước ven sông. Tiếng côn trùng u u, i i không dứt. Đống lửa nhà Nguyễn bá sáng rực, văng vẳng tiếng nói cười vọng lại.
Gà gáy canh tư, ánh trăng nằm nghiêng dịu dàng phía bìa rừng. Không khí có hơi sương lành lạnh thật dễ chịu. Người trong nhà đã thức dậy, a Phúc còn mê ngủ, híp mắt rửa mặt. Nương quấn thêm cái khăn và áo ngoài dài tay cho nhóc. An ca, Vĩnh ca và Mai được Bình ca chống ghe đưa đến chỗ đậu ghe nhà Nguyễn bá trước.
Nguyễn gia cũng đang tất bật khiêng thịt heo xuống ghe. Mai ôm bình nước mật ong pha nước nóng ủ trong vỏ dừa khô đứng bên cạnh. A An, a Vĩnh phụ một tay giúp chuyển đồ.
Những nhà xung quanh cũng leo loét ánh đèn, nhà nào cũng muốn đến chợ phiên hôm nay. Trời còn tối mà không khí rộn lên tiếng người nói, tiếng mái chèo khua nước. Nhà Nguyễn bá có sáu người đi chợ, ngoài Nguyễn bá, bá mẫu còn có Tùng ca, Hoà tỷ năm nay mười ba tuổi, a Hảo tám tuổi và Nguyễn thúc. Thúc ấy là đệ đệ nhỏ nhất của Nguyễn bá. Thúc ấy năm nay đã gần ba mươi, có hai con gái sinh đôi năm tuổi và một con trai hơn một tuổi.
Mai chưa đến nhà Nguyễn bá, nghe nói nhà rất lớn, được bố cục chữ Đinh theo cách của dinh quan lại. Nguyễn ông có vợ cả và một thiếp. Trên Nguyễn bá có một người anh đang sống ở Chánh Dinh (1) cùng dòng chính. Nguyễn gia có người làm quan lại ở Chánh Dinh, cha luôn khen Nguyễn bá sống rất tốt với người trong làng, không hách dịch như những nhà quan lại khác.
Nguyễn bá và bá mẫu chèo một chiếc ghe đầu chở đầy thịt, Hoà tỷ và a Hảo ngồi cùng. Chiếc thứ hai do Nguyễn thúc và Tùng ca chèo, ba đứa nhỏ ngồi bên này. Lúc ghe ra ngã ba gặp ghe của nương và Bình ca đang thả mái chèo chờ. Mọi người vui vẻ chào nhau rồi cùng tiến về chợ Sông Lớn. Mấy đứa nhỏ sợ lạnh, cộng với còn muốn ngủ nên lui vào trong mui kín gió nằm ngủ.
Mai chợp mắt một lát thì giật mình nghe tiếng người cười nói phía trước. Trời đã mờ sáng, xuồng đã ra đến đoạn cửa sông lớn. Mai lấy chén rót nước ấm mang cho Nguyễn bá, lần lượt mọi người cùng uống. Bá mẫu nhìn vỏ trái dừa khô hỏi:
– Cái này giữ ấm được sao?
– Dạ, được.
Cái này là Mai nói thất thúc lúc lột dừa khô làm dầu chọn trái lớn giữ lại nguyên vỏ, nhét bình nước nóng vào, đậy nắm sẽ giữ nước ấm lâu hơn để bên ngoài. Nước mật ong pha gừng uống rất tốt nhưng nước phải ấm mới ngon, để lạnh hơi khó uống. Từ ngày có ấm vỏ dừa này, mỗi sáng Cúc tỷ pha bình nước lớn, để uống cả ngày, có khách đến cũng tiện.
Hoà tỷ và a Hảo tò mò nhìn ấm vỏ dừa, Mai mỉm cười đưa hai đứa xem. Ghe bên kia Cúc tỷ cũng có một bình, đang rót cho nương, ngũ cô.
Mùa mưa vừa dứt nên nước sông vẫn cao, mặt nước mênh mông tràn vào mảng rừng đước ven sông. Sương sớm lãng đãng vờn trên ngọn cây, nhỏ giọt trên lá. Ghe xuồng chở khẳm tiến ra vùng sông rộng. Nguyễn thúc chăm chú chèo chống nương theo luồng nước, vượt lên dẫn đầu. Hai ghe kia theo rẽ nước của ghe trước mà tiến tới.
Qua khỏi đoạn sông rẽ, ngũ cô và Cúc tỷ thay tay chèo. A Phúc cũng tỉnh ngủ ra ngồi cạnh be xuồng.
– Sang sông, sang sông.
Tiếng ngọng nghịu của con sáo sậu, ghe phía trước là nhà Lưu bá.
– Nó biết hò nữa đó.
A Phúc vui vẻ ‘khoe tài’ của con sáo. Hoà tỷ và a Hảo mới biết con sáo, không khỏi tò mò nhìn chăm chú hai con sáo nhảy nhót trong lồng.
– Hò đi, hò đi.
A Phúc uổng công khích lệ, hai con sáo không thèm nghe lời hắn, chỉ ‘híu hĩu hiu’ theo ngôn ngữ của nó. Tương huynh thấy hắn ỉu xìu bĩu môi, bèn cất giọng hò:
– Hò …. ơ…… hò,
Hai con sáo nhỏ ngẩng đầu lắng nghe rồi hếch mỏ kêu: hó … hó, làm mọi người bật cười vang. Mấy đứa nhỏ vỗ tay vui vẻ. Tương huynh thảy vào chén treo trong lồng mấy hạt lúa vàng. Ngũ Mi bò trong lòng xuồng đến gần cái lồng vỗ tay cười khách khách.
A Hảo nhìn về phía Nguyễn bá mẫu nói:
– Nương, con muốn con sáo.
– Ừ, để ca con bắt cho, nhưng phải dạy rất lâu nó mới biết nói.
Nguyễn bá mẫu nhìn con trai nhỏ say mê con sáo cũng đành chiều theo. Con nít đứa nào chẳng thích mấy cái này.
Vầng mây ửng hồng phía đông báo hiệu một ngày nắng dài. Gần đến chợ thì ghe xuồng càng nhiều, nối đuôi nhau vào bến đậu. Mấy ghe đi chung đều chậm lại nhường ghe thịt của Nguyễn bá vào trước. Đoàn người lớn, con nít vui vẻ, hối hả vào chợ.
Chợ đã đông người, khoảng cây lúc trước đã bị chặt bỏ, thêm một khoảng lớn làm chợ. Mấy sạp đồ gồm, lúa gạo là lớn nhất, có mái che lợp lá mới còn tươi nguyên. Ngày thường người nông dân tiết kiệm, ít khi mua sắm ngoài những thứ thật sự cần thiết. Thức ăn hàng ngày đều là cây trong nhà, rau trong vườn. Chỉ vào những ngày năm hết Tết đến như vầy họ mới cố gắng sắm sửa trong nhà, mua thức ăn ngon cúng tổ tiên ông bà, trời đất và cả quỷ thần.
Hôm nay có người lớn trong nhà đi bán hàng, mấy đứa nhỏ được dạo chơi thoả thích. Mai nắm tay a Phúc, tứ Mi ôm ngũ Mi cùng nhau đi xem các sạp bán đồ Tết. Bên này là sạp nhỏ bán đèn lồng vải, đèn bằng đất hình búp sen, hình chuông. Bên kia là những câu đối treo sắc đỏ rực rỡ. Có mấy thanh pháo đại được quấn giấy đỏ, chữ hỉ, chữ phúc.
Phía trong nghe tiếng trống chát, thùng vang vang. Một đám đứa nhỏ đứng vòng quanh một nhà hai lớn một nhỏ vừa đánh trống vừa múa võ rất điệu nghệ. Người đàn ông mặc quần đen, áo đỏ sậm đai lưng xanh, cổ áo có tai bèo rộng phủ hết vai. Ông cầm côn múa nhanh chậm theo nhịp trống của người thiếu niên.
Mai nhìn vào cái thùng gỗ cao do cô – cậu đứng bán. Gọi là cô – cậu vì đứa bé đó lớn hơn tuổi Mai một chút, nhìn gương mặt là con gái nhưng lại mặc quần áo của con trai. Mái tóc dài vấn cao, dùng khăn nâu quấn lại rất gọn gàng. Nếu không phải Mai đã ‘lớn tuổi’ cũng từng nghe thấy chuyện nữ giả nam thì chắc không nhanh phát hiện chuyện giả trang này. Trên thùng gỗ có những gói nhỏ và mấy cuộn tranh vẽ, câu chữ giống như câu đối chúc Tết.
– Kỹ Mão tân niên, Tân niên tân phúc tân phú quý.
Tấn tài tấn lộc tấn vinh hoa
Mời quý vị đến chọn, đến chọn!
Tổ tông công đức thiên niên thịnh
Tử hiếu tôn hiền vạn đại xương.
Vừa nói ông vừa cầm những câu đối lên, đưa mọi người xem. Giọng ông không thuần Việt, rất dễ nhận ra gốc gác là người Tàu. Chỉ là Mai không biết ở Quảng Đông, Triều Châu hay xứ khác. Trong thùng gỗ còn có mấy cái trống nhỏ thân sơn đỏ rất đẹp. Mấy đứa nhỏ đâu có hiểu câu đối gì, mắt say mê nhìn cái trống nhỏ, có đứa đã kéo tay người lớn đòi mua.
– Mười lăm văn một cái, trống đỏ nhỏ, chát chát thùng, chúc tân niên, vạn sự thông.
Vị bá bá này đúng là ‘mở miệng thành thơ’. Mai nhìn a Phúc há to miệng xem thúc ấy lấy cái thanh gỗ nhỏ gõ lên mặt trống theo nhịp đọc thơ.
Tiền bán gà hôm trước còn lại hơn bốn mươi văn, Mai gọi là ‘tiền quỹ’ do An ca giữ. Mấy đứa nhỏ đều chưa dám mua cái gì, bây giờ mua cho a Phúc cái này cũng không phải lãng phí. Mai nói nhỏ trong tai a Phúc, hắn vui vẻ gật đầu chạy đi. An ca, Vĩnh ca cùng quay lại.
– Cháu xem cái trống được không?
– A, được cháu xem đi.
Có người hỏi xem là mở đầu tốt rồi. Người thiếu niên nhanh chóng đưa hai ba cái trống từ trong thùng cho An ca. Bốn anh em xem qua lại rồi chọn một cái.
– Cháu mua cái này, có luôn hai cái đũa phải không?
– Đương nhiên rồi, đa tạ. Ta sẽ biểu diễn một hồi côn cho cháu xem.
Vị bá bá vui vẻ chắp tay nói, rồi ra giữa vòng tròn bắt đầu múa. Mai chỉ a Phúc bắt chước vị thiếu niên gõ theo nhịp, nhóc hưng phấn gõ loạn xạ. Kết thúc bài múa là tiếng vỗ tay hoan hô.
– Cháu mua một cái, bá cũng múa côn cháu xem chứ?
Đứa nhỏ đứng bên kia kêu lên.
– Đương nhiên, đương nhiên, đa tạ.
Qua mấy lượt xem múa võ, Mai kéo cả đám đi chỗ khác xem tiếp. Ra khỏi đám đông, ngũ Mi cũng muốn thử đánh trống, a Phúc ở bên cạnh chỉ bé. Hắn rất hồi hộp sợ bé chọt cây đũa làm rách mặt trống.
(1): Chánh Dinh là Phú Xuân , Huế ngày nay