Sáng ngày hai mươi ba, đưa ông táo về trời sư ông mới về. Vĩnh ca thấy có khói bếp từ tịnh xá chạy đi xem mới hay sư ông vừa về.
Nương cúng ông táo sau giờ mẹo, thả con cá chép xuống con rạch trước nhà, nó vẫy đuôi xuôi dòng ra vũng Đông Hồ. Sau ngày đưa ông táo, không khí Tết càng rõ, người trong làng quét dọn nhà cửa, đàn ông đi tảo mộ ông bà tổ tiên. Đàn bà bắt đầu chuẩn bị gói bánh trái, làm mứt, làm kẹo vừa cúng ông bà vừa đãi khách.
Ngày hai mươi bốn tháng chạp ba nhà hẹn nhau cùng về làng chài. Đàn ông con trai đều phải đi, đàn bà con gái thì để lại một hai người trông nhà. Bàn tính một hồi thì Cúc tỷ và Mai ở lại nhà, nương và ngũ cô về còn giúp nấu nướng, dọn dẹp nhà nội. Mai và Cúc tỷ thì không thể chỉ có một người ở lại được, nên cả hai ở lại là tốt nhất. Nhà Lưu bá là tam Mi, tứ Mi. Nhà Lưu tam bá đương nhiên là a Ngọc và a Trân.
Mấy cặp gà, vịt bị trói chân kêu quàng quạt trên ghe, xôn xao một lát thì ba chiếc ghe thẳng hướng làng chài.
Hai chị em Mai ở nhà rảnh rỗi ngồi bên cửa sổ nói chuyện. Cúc tỷ vẫn chăm chú may giày, Mai đang loay hoay với mấy cái chén, chày gỗ và muối, đường, dầu dừa, lá dừa nước,.. Mai đang muốn làm kem đánh răng và xà bông để rửa tay, tắm rửa. Ở đây mọi người đều dùng muối đánh răng, muối rất tốt cho răng nhưng mặn và không đủ làm sạch răng.
Mai chỉ nhớ mang máng vài thành phần trong kem đánh răng ở hiện đại. Có thể làm kem đánh răng từ muối biển, dầu dừa, tinh dầu, bột nở. Không tìm ra bột này, tinh dầu tạo mùi hương cô cũng chưa biết nên dùng loại nào cũng đành gác lại.
Dùng chày gỗ giả nhuyễn muối ăn, đổ ra chén, cho vài giọt dầu dừa vào, trộn đều để qua một bên. Mai dùng kim đục lỗ qua miếng vỏ cây được cắt thành hình chữ nhật được bo tròn các góc, xỏ gân lá dừa qua. Mai đan gân dừa lại để chúng không gãy. Sau đó cô may lên que tre làm thành bàn chải.
Mai làm thử hai loại, cái đầu dùng gân lá, cái sau dùng xơ dừa, lúc dùng thử thì xơ dừa mềm quá, gân lá thì dễ gãy, hơi đau ở nướu răng.
– Muội không thích xài vỏ cau hả?
– Vỏ cau chỉ đánh sạch phía ngoài răng.
Cần tìm vật liệu khác làm lông chải, a người ta dùng lông đuôi bò thì phải. Ở Cần Vọt và Lũng Thơm có nuôi bò, mình để ý xin hoặc mua xem sao. Đến buổi trưa hai chị em không nấu cơm mà ăn trái cây, bánh mứt linh tinh.
Đem cất hai bàn chải và chén kem đánh răng lên kệ, Mai xuống bếp cắt nhỏ hai khối sáp ong. Cô nấu chảy cách thuỷ, vớt các miếng cặn ra xong đổ chúng vào cái chén mẻ đã có sợi vải được bện bên trong. Mai đang làm đèn cầy sáp ong, còn thiếu tinh dầu, không sao vẫn dùng được. Sáp ong toả ra mùi hương ngọt ngào, làm tinh thần phấn chấn. Hai tổ ong nấu được năm chén đèn cầy. Đèn này chỉ dùng đốt trong phòng kín gió, cô đã nghĩ ra cách làm lồng đèn bằng gỗ hoặc gốm nung, nếu làm từ vải thì hơi mắc tiền.
Một ngày trôi qua yên ả, mặt trời gần lặn thì hai chị em mới nấu cơm chờ mọi người về ăn, múc nước đầy lu, cho gà vịt ăn. Lứa vịt đầu tiên hơn ba mươi con đã biếu và bán hết. Lứa thứ hai mới thay lông cánh, lông măng ép sát vào thân nhìn rất buồn cười. Đàn gà cũng còn lại hơn mười con bà ngoại cho sau này và bốn mươi con nhỏ mua từ a Báo. Vài ngày nữa trứng gà đang ấp sẽ nở lứa mới.
Lúc cả nhà về thì trời đã tối được một lúc, Mai đốt đống lửa to ở giữa sân, vùi mấy củ khoai lang vào nướng. Mai nghĩ lần này đi tảo mộ sẽ rất vui, nhưng gương mặt cha nương có vẻ lo nghĩ, liếc nhìn qua ngũ cô mắt đỏ hoe, có chuyện gì sao?
Trong bếp chỉ có mấy người, nương nhỏ giọng nói:
– Muội đừng nghĩ nhiều, ông trời có mắt, người ở hiền gặp lành.
Cúc tỷ và Mai liếc nhau, không hiểu gì cả, đành phải hỏi chuyện sau.
Nguyễn bá đến nhà mời cha nương qua phụ làm heo, bá ấy sẽ bán ở chợ phiên cuối cùng của năm. Nguyễn gia nuôi ba con heo thịt và một con heo nái. Nghe nói con heo nái này đẻ sáu bảy con mỗi năm, nhà bá ấy chia một hai con cho người chủ heo giống, bán cho nhà nương a Tùng hai con, còn lại tự mình nuôi. Bởi vậy nhà Mai dù muốn nuôi cũng không thể mở miệng hỏi mua heo con được.
Hôm nay Vĩnh ca và Mai mang ít rau, trái và nhang qua cúng dường tịnh xá, cũng báo sư ông là nương sẽ gói bánh Tét nhưng ngọt cúng ngày ba mươi. Mai vẫn còn nhớ lời sư ông nói muốn mang đồ tốt về cho mình nên trong lòng không khỏi mong đợi.
Mấy tháng nay cô làm quen với cuộc sống mới của nhà nông, mọi việc cũng không tệ. Nhưng việc thiếu phương tiện giải trí và cảm giác mình ‘mù chữ’ làm cô khó chấp nhận nhất.
Mấy chữ Đỗ lang y dạy a Vĩnh cô đều cố gắng học, nhưng chưa đủ để viết, diễn tả cuộc sống xung quanh. Hơn nữa chưa đọc quyển sách nào nên không biết cách người ta diễn đạt ra sao, ngữ pháp rồi cấu trúc câu từ có khác hay không?
Hai đứa nhóc kia hôm nay không đến, chắc là được nghỉ Tết ở nhà rồi. Sư ông đang lau chùi cái lư hương bằng đồng, ông lấy xơ dừa chấm vào chén nước màu nâu được ngâm ra từ vỏ cây chà mạnh bên ngoài lư hương. Hai đứa nhỏ khoanh tay thưa, a Vĩnh đi lấy chậu nước còn Mai mang rổ rau vào đặt trong bếp. Cô thuật lại lời nương dặn.
– Được, ta biết rồi.
Đường đi Nam Vang chắc vất vả, sư ông gầy và đen hơn, hàng chân mày đậm càng lộ rõ trên đôi mắt sâu. Đàn ông ở đây tuổi lớn như ông nội, ông ngoại hay Đỗ lang y đều để râu, Chỉ có sư ông thì không có râu làm Mai thấy quen thuộc hơn, giống nhiều người lớn tuổi ở hiện đại.
– Cháu giặt bộ sa y này được không?
Mai chỉ vào chậu nước đang ngâm y phục của sư ông, gọi là sa y.
– Chưa được đâu, ta mới ngâm nước nhuộm, để đó ngày mai ta giặt.
Nghe nương nói cách nhuộm vải bằng vỏ cây này là của người Chân Lạp truyền lại. Đặc biệt khi nhuộm sa y phải tuân theo trình tự nhất định để màu vàng đúng theo sắc áo của đức Phật, không lẫn sang màu khác, không phạm vào huý kỵ của triều đình (dân gian không được dùng màu vàng của Hoàng tộc).
Trong lúc chờ sư ông chùi xong lư hương, Mai ra vườn tướt bỏ lá già cho mấy cây thuốc. Ở góc vườn có một cây cao hơn đầu Mai, lá đã bị tướt hết, chỉ còn trơ thân cành khẳng khiu.
‘Đinh’, cây mai vàng, đúng rồi!
Sao trước đây Mai không thấy nó?
Mai hớn hở nhìn ngắm, đưa tay sờ nhẹ trên cành to ngang vai. Vài ngày nữa những chồi hoa sẽ đâm cành, nở ra hoa mai vàng rực rỡ. Nếu có nó thì tốt biết mấy, sẽ giống như những ngày Tết trước đây, cũng làm vơi đi cảm giác xa lạ.
Hôm trước đi chợ, Mai bóng gió hỏi vị thúc thúc bán hàng Tết về pháo. Thúc ấy ngạc nhiên nói pháo rất mắc tiền, chỉ có những nhà giàu ở kinh thành, quan lại, hoàng tộc mới dám đốt dịp Tết.
– Đó là hoàng mai, ta mới tuốt lá sáng sớm, sợ là năm nay ra hoa trễ. Lúc đó con đến đây xem, hoa nó không hương nhưng rất đẹp.
– Dạ,
Mai đáp nhỏ, cô chưa kịp hỏi làm sao có cây con để xin về nhà trồng thì sư ông đã nói:
– Sân bên kia ta đã gieo được mấy cây con, còn có tứ quý mai và bạch mai nữa. Đến đầu mùa mưa ta sẽ cho con vài cây mang về nhà trồng. Chăm sóc chúng nó không tốn công nhiều nhưng phải nhiều năm mới ra hoa.
– Dạ
Mai nhìn hướng ông chỉ, sân trước gian thờ là mấy hàng cây được trồng ngay ngắn. À, chỗ đó là trước gian thờ chính điện của tịnh xá nên Mai ít đến xem. Thời bây giờ kiêng kỵ không cho đàn bà con gái ở những nơi thờ cúng linh thiêng. Giống như việc đi tảo mộ tổ tiên hôm trước, chỉ có con cháu trai được đốt nhang, đắp mộ. Chính điều này làm người ta xem nhẹ nữ giới.
– Vào đây,
Hai đứa nghe sư ông gọi thì đi vào phòng nhỏ tiếp khách. Sư ông lấy từ trong cái kệ gỗ ra gói vải. Cái kệ này là Mai kêu Bình ca đóng riêng cho sư ông dùng, rất tiện lợi, không tốn nhiều diện tích mà từ trên xuống dưới đều phân chia các ngăn chứa đồ.
Trong túi vải là hai quyển sách nhỏ hơi cũ. Mai hít một hơi kềm lại niềm vui trong lòng. Nhưng cô cũng không thể ngăn ánh mắt sáng lấp lánh, khoé môi nhếch lên.
Sư ông nhìn hai đứa trẻ chăm chú nhìn sách. Không uổng công ông lặn lội đường xa tìm sư đệ nhờ vả, chờ mấy ngày để mang về hai quyển sách quý này về.
– Quyển này là chữ mẫu, các con làm thành bộ chữ gỗ giống như nhà con, rồi trả lại ta. Quyển này là Tam tự kinh, dùng để học vỡ lòng.
Mai nhận quyển chữ mẫu, mở ra xem trang đầu, từng nét được viết cẩn thận, rõ ràng, vuông vắn. Cô chỉ nhận biết vài chữ trong đó.
– Ta chưa biết hết các chữ trong này, hai con hỏi thêm Đỗ lang y. Đợi sang năm ta sẽ xin Dương thí chủ mời thầy về dạy. Nhà con làm giúp ta bảng chữ trước, sau này dùng.
– Dạ.
Mai đương nhiên vui vẻ nhận lời. Cô ôm hai quyển sách trong lòng muốn nhanh chóng về nhà. Ở đây mình không thể hiện ra quá lố được, nhưng mà niềm vui thì đang dâng tràn trong lòng cô.