Buổi chiều hôm chợ phiên có nhà trong làng đến xem hỏi mua ghe. Chiếc ghe lần này đóng lớn hơn, cây gỗ sao già tuổi lại được ngâm kỹ nên cha bán hai mươi quan. Người khách phân vân chư chưa quyết, nói là muốn thương lượng với người trong nhà. Khách chưa về đã thấy dì dượng năm đến, chào hỏi xong, người khách muốn về thì dượng năm cười nói.
– Dịp may biết huynh. Tỷ phu ta cẩn thận lại khéo tay, đóng cái ghe thật khéo. Cỡ này đi mua bán gần đây lúc gần Tết thật tiện, kiếm thêm chút tiền xài Tết.
Dượng còn đi quanh chỉ mấy chỗ nối, mũi ghe được bào mượt mà đẹp mắt. Người khách biết dượng năm là người mua bán, đúng là dịp Tết mua bán các vùng quanh đây, đương nhiên kiếm được lời.
Kết quả thì không cần nghi ngờ rồi, vị bá bá quay về lát sau đi cùng người nhà đến giao tiền mua ghe. Cha cũng học ông nội nói là cần sửa chữa mang đến, không tính thêm tiền.
Dì năm trong bếp với nương cười rung vai.
Buổi cơm chiều dượng năm là hồng nhân. Mấy đứa nhỏ nài nỉ dượng kể mấy chuyện mua bán. Dượng cũng ha ha cười kể chuyện làm sao ứng phó khách mua hàng.
Số lượng người Tàu ở đây không nhiều, nhưng họ có sở trường và cũng thích làm nghề buôn bán nên đi lại, giao du khắp nơi. Dượng năm tuổi nhỏ nhưng đã tự thân mua bán trên ghe nhiều năm đương nhiên là kinh nghiệm ‘đầy mình’.
– Cha nương gặt lúa xong rồi, dặn muội đi gần đây thì ghé xem nhà tỷ phu sao, năm đầu làm lúa có gì trở ngại không?
Thấy dượng ‘ba hoa’ xong thì dì năm lên tiếng.
– Có nhà nội a Bình vào làm, xong hôm cuối tháng rồi, tính ra cũng trúng mùa. Nhà dượng có mua bán lúa gạo không?
– Không, lúa gạo nặng nề cần nhiều người. Lần này chàng ấy tính bán thêm ít hải sản khô cho dịp Tết, nhà bá phụ ngoài đó có không? Đường cũng cần nhiều, tiếc là dầu dừa không để lâu được.
Nghe dì năm nói cha vui mừng đáp.
– A Tấn, sáng mai đệ về nhà hỏi cha nương xem, ta nghĩ là nhà có.
– Có, tứ thúc. Dạo tháng tám, tháng chín bắt nhiều cá mực, nội đều làm khô để dành.
Hân ca gật đầu chen lời. Mùa cá nhiều nhất trong năm là dạo tháng chín. Tất cả người trong làng chài đều ra biển. Cá lớn làm khô, cá nhỏ làm mắm hay nước mắm để dành bán dịp Tết. Họ thường bán cho thương lái ở Nam Vang, xa hơn là từ kinh thành vào mua.
Bàn xong chuyện mua bán, dượng năm nói:
– Tỷ phu chuyên tâm đóng ghe xuồng, loại lớn cỡ nhà ta càng tốt. Ta sẽ để ý tìm người mua, chỉ đường họ đến đây. Lúc về nàng xin cha nương xem lỡ khách không biết đường đi nhờ a Sinh, a Hữu dẫn đường.
– Được, chắc cha nương sẽ đồng ý.
Nhà ngoại gần Trấn Giang, là điểm trung tâm các con sông rạch. Nếu mở địa điểm bán ghe xuồng ở đó là tốt nhất. Chẳng phải lần trước Lưu bá đến đó mua sao? Quan trọng là số lượng ghe nhà Mai không nhiều, cách nào tăng số lượng sản xuất?
Hôm sau thất thúc và Hân ca không vội về nhà nội mà đến gần chiều mới đi, vừa tận dụng con nước vừa tiếc công một ngày xẻ gỗ.
Lần này dì năm mang tiền bán đường, dầu mấy tháng trước đưa nương. Dì vẫn có mấy gói kẹo, mứt, còn kim chỉ nữa. Mai nhớ chuyện nuôi heo nên hỏi nhờ:
– Dì, con muốn nuôi heo. Dì đi nhà nào có hỏi mua giúp con được không?
– Sao không được, bà ngoại dặn dì rồi. Có heo con dì mua cho con.
Dì vui vẻ trả lời, nhìn xung quanh nói thêm:
– Nuôi heo nổi không, dì thấy nhà con quá trời việc rồi.
– Nổi, heo ăn ngày hai ba bữa thôi mà.
– Được.
Mấy đứa nhỏ đều gật đầu. Nương kéo dì nói nhỏ. Mai thấy tay dì đưa xuống ôm bụng lắc đầu. Dì dượng thành thân gần ba năm, chắc là nương nỏi chuyện sao dì chưa sanh em bé.
– Đỗ lang y đang ở nhà, ta dẫn muội đến xem mạch, uống thêm thuốc bồi bổ cơ thể. Dượng không còn thân sinh cũng còn người lớn, muội không nên để chậm trễ quá.
– Được rồi, muội đi.
Dì năm ra xưởng nói dượng năm xong thì hai người mang theo hai gói mức đi nhà lang y. Mai theo Cúc tỷ ra cho vịt ăn. Bốn lứa vịt lớn nhỏ hơn hai trăm con đang lặn hụp trong bãi làm mấy bụi cỏ trong bãi chăn đã xơ xác.
– Chờ vịt lớn chút mình lùa chúng ra ruộng ăn lúa rụng và ốc.
– Ừ, mấy con vịt này lớn từng ngày. Muội nhìn con cụt đuôi này, mới mấy ngày đã lớn như vậy. Hôm trước tỷ còn lo nó sống không được.
Ánh nắng chiều hơi gắt, Cúc tỷ quấn khăn, đội nón lá trên đầu che một phần gương mặt, đôi mắt to sáng lấp lánh vui vẻ nhìn tràn sức sống. Bây giờ tỷ ấy đã rất giỏi giang, chuyện bếp núc trong nhà, nấu đường, nấu dầu dừa rất thuần thục, một mình quán xuyến. Thỉnh thoảng tỷ còn cho gà vịt ăn.
Lúc ăn cơm chiều Mai nói chuyện lùa vịt ra ruộng, đỡ phần thức ăn mà bọn chúng cũng mau lớn. Cuối cùng là chuyện chăn vịt sáng sớm và chiều do An ca, Vĩnh ca làm, mỗi người một ngày. A Phúc còn nhỏ quá, đi theo sau phụ giúp thôi.
Lưu bá mẫu qua nhà chào hỏi dì dượng năm, xuống bếp cùng nương và dì nói chuyện.
– Lúc xế, thiếm và dì đi nhà lang y có việc sao?
Đúng là ở đây khó giấu chuyện gì lâu. Nương nói chỉ xem mạch, hốt thuốc dưỡng thân cho dì năm.
– A Trân thể chất hàn, lại quanh năm ở trên sông nước, ăn uống đồ lạnh nên khó mang thai hơn người khác. Lang y có kê đơn, uống vài thang trước tẩm bổ chắc là được.
– Ừ, muội chú ý giữ thân, chỉ là trên xuồng làm sao ăn đồ nóng được.
Ủa, không phải có cái cà ràng sao? Mai chưa đi ghe liên tục nhiều ngày nên không để ý việc ăn uống trên xuồng. Cô vẫn nghĩ như ở hiện đại người ta nấu nướng trên xuồng bình thường.
Tam bá mẫu nói xong chuyện dì năm nhỏ giọng hỏi:
– Có nghe nói bệnh tình a Trang sao không?
(A Trang là tên con gái lớn Nguyễn bá)
Nương thở dài nói:
– Vẫn còn bệnh, nhà bên kia nói Đoàn tẩu rước về đây sớm, đợi sanh luôn.
– Vậy à? Bao lâu nữa sanh?
– Cũng gần hai tháng, chắc vài ngày nữa mang trà rượu qua đón về, khổ thân. Nghe nói lúc trước xuống ruộng gặt lúa mới kéo bệnh thêm.
– Trời, thai lớn vậy còn bắt xuống gặt lúa sao, nhà bên đó cũng làm quá.
– Tẩu biết nhà bên đó không?
– Ta chỉ nghe nói thôi, cũng khá giả, môn đăng hộ đối với Nguyễn gia bên này. Đặt sính lễ cũng trọng, hai mươi quan, lễ phản cố còn có một con heo quay nhỏ nữa.
Nghe xong nương và dì năm à lên ngạc nhiên, lễ cưới đúng là trọng. Vậy tại sao lúc này hình như không coi trọng con dâu và cháu vậy? Tuy là có thai muộn, nhưng cũng có rồi. Chẳng lẽ có nguyên nhân khác.
– Tìm nhà chồng tốt, sống có nghĩa vẫn hơn. Nhà khá giả mà vô nghì vậy khổ con gái mình.
Bá mẫu và nương đều đang tìm nhà chồng cho con gái. Hai người không khỏi cảm thán cho hoàn cảnh a Trang và Nguyễn bá mẫu.
Giờ tỵ ngày kế thất thúc và Hân ca về, chở theo cá khô, mực khô đủ loại. Có mấy con mực to bằng hai bàn tay người lớn, lúc còn sống chắc to hơn nữa. Còn có hai hủ nước mắm gửi biếu ông bà ngoại và dì dượng. Dì dượng vội lo cân ký, gói và xếp lên ghe, dầu đường cũng xếp hết lên. Dượng nói nhà Mai làm thêm nhiều đường, đầu tháng chạp dượng ghé mua chở lên Trấn Biên. Sau đó dì dượng lên ghe theo con nước hướng sông Giang Thành vào miệt trong.
Cha nương hỏi thăm chuyện nhà nội, thất thúc nói:
– Phòng ca tẩu giờ là cho a Vinh ở, cha định sửa chái nhà rộng hơn, làm vách mới để làm phòng a Hân sang năm cưới vợ.
Nghe đến đây cả nhà quay sang nhìn Hân ca, hắn vừa ngượng ngùng vừa hơi giận nói:
– Cháu không chịu, đợi thêm hai ba năm nữa.
– Cháu cũng lớn rồi, cưới vợ sanh con là chuyện lớn nên làm.
Cha hơi ngạc nhiên thấy Hân ca phản đối như vậy. Trai lớn cưới vợ, gái lớn gả chồng là chuyện xưa nay. Liếc thấy mấy đứa nhỏ háo hức ‘tám’ ông nghĩ nên hỏi riêng a Vinh nên đằng hắng nói:
– Cha có nói khi nào làm không? Ta về phụ làm.
– Không cần, cha nói có chút việc, đợi rãnh rỗi cha cùng nhị ca, tam ca làm.
– Có chuyện này cha nương muốn nói với các con.
Ông rào đón như vậy xem ra là chuyện quan trọng, ai nấy không trêu Hân ca nữa mà tập trung nghe.
– Lúc trước nhà mình làm đường, làm dầu không nhiều, không tốn nhiều sức nên có tiền hiếu thảo ông bà nội cái gì cũng được. Giờ tiền đóng ghe được nhiều. Lần trước với hôm qua cha gửi tiền ông bà đều không nhận. Nhưng mà thất thúc và Hân ca các con, rồi ông bà, bá bá con vào đây cưa xẻ gỗ rất nhọc sức. Các con nghĩ sao?
– Ca, đệ,…
– Thúc, cháu,..
Hai người được nêu đều muốn nói nhưng cha khoát tay. Mai nhìn quanh thấy không ai lên tiếng, cô cân nhắc một chút rồi nói:
– Cha nương, con thấy mình làm giống như chuyện tụi con hùn tiền nuôi gà. Ai có công có vốn thì được chia tiền. Chỉ là nương, tỷ mặc dù không làm trực tiếp nhưng cũng có góp sức nên cũng tính công một nửa.
– Một nửa là sao?
Mấy đứa nhỏ chưa hiểu rõ lắm nhưng nghe chia phần cũng biết sơ sơ, a An nhanh nhẹn hỏi tiếp. Mai giải thích cách cô nghĩ, bốn người làm chính là cha, Bình ca, thất thúc và Hân ca mỗi người một phần, còn lại thì hai người một phần cộng thêm một phần vốn là tám phần. Cứ mỗi lần bán được ghe thì chia tám phần, thất thúc và Hân ca được hai phần.
– Tiền này là của thúc và Hân ca, hai người muốn làm gì thì làm. Nhà mình hiếu thảo ông bà nội riêng.
– Được, con thấy nên như vậy.
A Bình lên tiếng, hắn gắng sức làm để trong nhà tốt hơn. Thất thúc và Hân ca cũng vất vả như hắn thì nhận tiền mang về nhà nội là đúng rồi. Việc nhà mình hiếu kính cho ông bà tính riêng.
– Mai mốt gà lớn con gửi biếu ông bà nội một cặp.
A Phúc cái hiểu cái không, chắc chỉ nghe hiếu thảo ông bà nội riêng liền nghĩ đến mấy con gà bảo bối của hắn. Từ lúc có con Mực – là con chó nhỏ đen thui a Báo cho – thì hắn luôn mang theo. Hắn nói là đang huấn luyện con Mực chăn gà chăn vịt.
A Phúc chen ngang làm mọi người cười rũ rượi. Chuyện tiền bán ghe cũng tính tạm như vậy. Cha gật đầu nói:
– Ta thấy tính tạm như vậy, đệ và a Hân thấy được không?
– Được, phần chia của đệ đưa cho cha nương.
– Cháu cũng vậy, để ông bà dùng.
– An ca, cuốn sổ hôm trước muội chỉ ca làm đâu?
Mai hỏi a An, đến lúc mang ‘ bảo bối’ ra rồi. Đúng như cha nói, tiền bán dầu hay đường đủ dùng trong nhà, dư một ít nương cất dự phòng. Còn tiền bán ghe không nhỏ, nên tính toán thu chi.
A An chạy lại kệ nhỏ đặt đầu bộ ván hắn ngủ, lấy ra một ‘cuốn sổ’ như cách Mai gọi. Cuốn sổ là những tờ giấy thô màu vàng dùng kim chỉ may lại thành cuốn. Giấy này là a Vĩnh xin Đỗ lang y mua dùm, thêm một cây viết lông và mực nữa hết gần một quan. Mấy đứa nhỏ phải nài nỉ lắm nương mới cho tiền mua.
Trên đó có viết gần đầy một trang, a An chỉ từng dòng giải thích. Đầu tiên là tiền mua mấy dụng cụ, mấy chữ cái cưa, cái đục,… chữ nào chưa được học thì thay bằng hình vẽ, chủ yếu là số tiền. Sau đó là hai dòng ghi số tiền hai lần bán ghe.
– Có cái này mình không cần sợ nhớ nhầm.
Lần đầu tiên cả nhà thấy ghi chép như vậy, học chữ không phải chỉ để thi làm quan.
– A An, đệ dạy ca làm cái này, ca cũng muốn.
Hân ca rất phấn khởi, lúc thấy mấy đứa nhỏ ngồi cặm cụi học viết chữ hắn cũng không coi trọng. Bây giờ xem ra là có chỗ dùng, còn dùng rất tốt.
– Được, Hân ca mỗi ngày theo tụi đệ học.
Lê tứ thở nhẹ trong lòng. Ông không nghĩ đến chuyện ông lo lắng lâu nay lại “giải quyết” nhẹ nhàng như vậy. Đúng là mình chưa từng làm ăn riêng nên không rõ chuyện hùn hạp. Mà sao a Mai và a An biết? Còn chuẩn bị làm trước hết rồi. À, chắc là học từ dượng năm tụi nó.