Nhà Mai phụ dọn dẹp bếp xong thì cùng nhau về. Lưu bá mẫu đưa rổ khoai đã luộc, tôm cá nướng và một quài chuối chín mang về.
– Để tối mấy đứa nhỏ đói bụng thì ăn. Sáng mai thiếm qua đây ăn sáng luôn đi, khỏi nấu mất công.
– Dù sao cũng phải sắc thuốc cho a Mai, nấu nồi cơm cũng không lâu gì.
– Ừ, ta biết rồi. Cha a Bình chắc về sau.
Nương và Bình ca ra sân trước chào nhóm đàn ông và báo cho cha biết họ về. Cúc tỷ và Mai thì đứng ở lối ra đường đất chờ. Nước đang lớn, gió thổi mạnh hơn. Mặt vũng Đông hồ lăn tăn từng gợn sóng. Xa xa tiếng con chim gì kêu đứt từng tiếng như gọi bầy.
Nhìn về hướng làng Đông Hồ nơi có mấy gian nhà lá, có mấy đống lửa nhỏ đang cháy. Chắc họ cũng nướng cá tôm, ngồi quây quần bên đống lửa ăn cơm, nhanh nhanh kẻo trời tối.
Ngôi nhà cũ của Lưu bá chỉ có một gian chính và hai gian chái. Gian chính có vách ngăn cao qua đầu người ngăn thành hai phần. Phần ngoài là bàn tiếp khách và bàn thờ. Nhà Lưu bá chưa có bàn thờ nên chỉ đặt một bàn nhỏ, cao ngang vai, có lư hưong bằng đất sét nung.
Phía trong gian chính là nơi đặt giường ngủ của cả nhà. Gian chái bên phải là bếp, có mấy lu chứa nước ngọt, gian còn lại để các dụng cụ làm ruộng, phía sát vách gian chính thì có che chắn mấy thùng xé bằng tre đựng lúa, gạo hoặc khoai làm lương thực. Nơi này thường phải khô ráo và đề phòng chuột, rắn. Nhà tắm, vệ sinh đặt cách hơi xa nhà, gần mương rạch.
Vừa về đến nhà nương đã bắt a Phúc đến cầu nước tắm lại. Lúc tát đìa xong nhóc chỉ tắm sơ rồi cùng ăn cơm. Trên tóc và người của a Phúc còn hôi mùi bùn. Cúc tỷ thì mang chậu nước vào phòng trong giúp Mai rửa vết thương trên đầu và lau mình.
Nhìn a Cúc mới mười lăm tuổi đã biết chăm sóc người khác, Mai thấy hơi xúc động. Tuổi này ở thời hiện đại vẫn còn được cha mẹ chăm sóc. Sau cả ngày nắng tốt, nước ấm áp không cần phải đun, lau mình thật thoải mái.
– Cảm ơn tỷ.
– Hôm nay ngoan vậy?
A Cúc liếc nhìn Mai mỉm cười. A Cúc và Nguyễn thị – nương của Mai rất giống nhau. Cả hai có gương mặt thon thon, da hơi ngăm chắc do sống gần biển. Đôi mắt hai mí to và mày dày như vẽ rất thu hút. Mái tóc đen, suông dài nửa vấn nửa thả phía sau càng tôn lên vẻ dịu dàng, nữ tính.
Mai không giống hai người, gương mặt tròn hơn, có thể do còn nhỏ, đặc biệt môi hơi dày lúc nào cũng có nét cười. Mái tóc dài quá vai buộc hai búi bằng dây vải nhỏ. Mặc dù có vết thương nhưng tóc cũng không bị cắt đi. Ở thời này người ta rất kiêng cắt tóc, không phải đại sự sẽ không đụng đến tóc.
Sau khi cả nhà tắm rửa xong thì đem ghế ra sân ngồi, mang theo rổ khoai và nải chuối cắt từ quài ra.
– Mai ăn ít khoai thôi con, tối đừng ăn chuối, con còn yếu.
– Dạ.
– Ngày mai chàng mời Đỗ lang y đến xem lần nữa được không? Thuốc đã hết rồi.
Lúc cha về thì trăng hạ tuần đã lên trện rặng dừa ven sông, nương thấy cha bước vào nói.
– Được, qua ngày mai nữa nhà Lưu huynh cũng gần xong. Chúng ta về nhà thôi.
– Được, chàng nói Lưu bá, ta sẽ nói tam tẩu.
Ba đứa nhỏ vừa nghe cha nương nói chuyện vừa nhấm nháp mấy trái chuối. Loại chuối này quả không to lắm nhưng có vị ngọt ngọt mặn mặn, do ảnh hưởng nước mặn của vùng này.
– Lưới cá ở đây nhỏ hơn ở nhà mình, nhẹ hơn nữa đó cha.
Bình ca nửa như hỏi nửa như kể.
– Ừ, lưới đánh cá trên vũng này nhỏ, nhẹ hơn. Mà cũng đánh cá được quanh năm. Mùa nước lên có thể đi vào miệt sông bên trong, cá tôm nhiều lắm.
– Nhà Lưu bá xin khẩn hoang được hơn năm mẫu ruộng trồng lúa, trồng khoai. Năm nay chắc sẽ bận bịu lắm.
– … …..
Cả nhà mỗi người một câu đến khi cha rửa mặt, tắm rửa xong vào nhà chuẩn bị ngủ thì ngưng. Ánh sáng trăng già lạnh lẽo rải trên mặt Đông Hồ. Mấy con muỗi bắt đầu vo ve xung quanh. Cúc tỷ nhóm bụi xả trong phòng xong thì cả nhà vào trong, đi ngủ. A Phúc đã gọn gàng lên giường, cả ngày nay chạy loạn nên chắc mệt mỏi lắm rồi.
Mặc dù buổi trưa ngủ nhiều, Mai vẫn ngủ rất nhanh. Cơ thể cô vẫn cần nghỉ ngơi thêm. Tiếng côn trùng râm ran như điệu ru buồn tẻ.
Sáng hôm sau, nương dẫn Cúc tỷ ra hái mấy đọt rau non ngoài vườn. Cơm sáng là rau nấu canh tôm với cá kho. Cha muốn ăn cơm sớm hơn chút để đi đến nhà vị lang y mời đến xem bệnh cho Mai. Sương sớm vẫn còn là đà trên mặt nước.
Nương và Cúc tỷ mang chậu giặt quần áo ra cầu nước. Cầu nước là hai miếng gỗ rộng cỡ gang tay ghép lại bằng dây đai. Cầu dài khoảng hơn năm thước (1 thước đất = 0,47 m). Một đầu cầu ghim chặt xuống mặt đất, đầu còn lại đưa ra mặt nước. Đầu cầu này có gắn thêm miếng gỗ lớn để chậu giặt đồ hoặc người đứng trên đó. Tối qua, cha và Bình ca đều đứng tắm ở đây.
Mai thấy nương và Cúc tỷ vò một loại trái khô cho ra ít bọt rồi giặt chung quần áo trong chậu. Các tiện nghi ở đây thật ít, súc miệng bằng nước muối loãng, tắm nước sông lóng phèn trong lu; nấu ăn bằng nước mưa, có nhà không có lu đựng nước thì dùng nước sông lóng phèn nấu ăn luôn.
Phụ nữ thỉnh thoảng gội đầu bằng trái cây khô (là trái bồ kết phơi khô – nướng than) ra bọt tương tự như loại dùng giặt quần áo, nhưng có mùi hơn một chút.
Lúc cha về thì mặt trời đã lên, sương tan dần. Đỗ lang y đi phía sau cha, vai quàng hộp gỗ chữ nhật đã cũ. Cha nương bận rộn mời lang y ngồi, rót nước mát rồi kêu Mai ngồi xuóng ghế đẩu gần đó. Vị Đỗ lang y hơn bốn mươi tuổi một chút, có một chòm râu ngắn dưới cằm. Giọng nói ông khác so với gia đình Mai.
Ông từ vùng khác đến đây được gần mười năm. Mà ông cũng hay đi lại nhiều nơi, có khi đi tìm mua thuốc, hái lá thuốc hoặc trị bệnh cho người bệnh ở xa. Mấy ngón tay ông dài, có vết nâu trong móng tay chắc là nước thuốc. Ông nhìn kỹ gương mặt Mai rồi gật gật đầu.
– Không tệ, hồi phục rất nhanh.
Sau đó ông mới vạch vết thương trên đầu Mai xem xét. Mai rất muốn hỏi về khả năng tụ máu trong não hay di chứng. Nhưng cô bâng khuâng không biết ông hiểu không? Hơn nữa mấy kiến thức này không phải ai ở thời này cũng biết.
– Sau này, sau này cháu có bị đau lại không?
Mai rất khéo léo chọn từ.
– Có lúc cháu quên, hơi choáng váng nữa.
Đỗ lang y nghe vậy cũng không nhăn mày, mà đưa tay bắt cổ tay phải của cô. Mai điều hoà hơi thở, lặng im chờ khoảng vài phút. Đỗ lang y buông tay đứng dậy nhìn cô. Phía sau ông cả nhà Mai đều trông mong nhìn, chờ nghe ông nói.
– Vết thương bên ngoài không sao rồi, tâm mạch điều hoà. Ta sẽ kê thêm đơn thuốc uống thêm ba thang nữa.
Ông ngưng một chút rồi chậm rãi nói tiếp:
– Sau này có choáng váng hay buồn nôn thì đến tìm ta.
– Dạ, tạ ơn lang y.
Đỗ lang y đi đến cái bàn, tự mình bốc thuốc chia làm ba gói đưa cho nương Mai. Bà nói cảm ơn, đưa tay nhận thuốc. Sau đó bà nhìn chồng như hỏi ý. Ông gật đầu rồi rót thêm nước vào ly cho lang y.
Ba đứa bé nghe lang y nói thế cũng yên lòng, biết ý cha nương nên cùng nhau vào gian trong. Nương Mai cũng đi vào hướng mấy cái túi, lấy trong đó ra một cái túi vải nhỏ. Mai kéo tay Cúc tỷ, nói nhỏ vào tai tỷ:
– Nhà mình còn tiền không tỷ? Tiền thuốc cho muội hết bao nhiêu?
– Lúc đi ông nội đưa hai xâu tiền mua gạo mang về, thuốc và tiền chữa bệnh cho muội hơn một xâu.
Mai thở dài.
– Gạo ở đây giá rẻ hơn ở làng mình, cha nói còn bao nhiêu tiền thì mua hết, mua được một tạ (1 tạ =10 yến = 100 cân = 60kg).
Bình ca ngồi nghe hai tỷ muội nói chuyện cũng lên tiếng. Chắc cha nương đã có tính toán.
– Về nhà ông nội sẽ la đó.
– Cũng chịu thôi, hôm đó muội làm cả nhà hoảng hồn. May mắn là bây giờ muội không sao.
Bên ngoài cha nương đang tiễn lang y đi về. Cúc tỷ vội ra ngoài dọn cơm sáng lên bàn. Mai và a Phúc đã ăn cơm trước giờ đang cắt mấy trái chuối chín mang lên bàn.
– Con ngồi đi, nếu có choáng váng hay buồn nôn phải nói nương biết nghe không?
– Dạ.
Mai không nhịn được nên hỏi:
– Nương, mình còn bao nhiêu tiền?
– Hả? còn bảy mươi tám văn.
Nương nghĩ nghĩ rồi trả lời. Bình thường Mai không hỏi về tiền bạc trong nhà. Con bé mới mấy tuổi, đâu biết cái này, chưa chắc đếm được đến trăm văn nữa là. Lần này nó bị thương, tốn không ít tiền nên mới hỏi.
– Trưa nay nương đi mua gạo tẻ và khoai lang, ngày mai mang về cho ông nội.
Bà nói tiếp, vừa nhìn như hỏi ý chồng.
– Ừ, nàng mua một tạ gạo tẻ, còn bao nhiêu thì mua khoai hết. Lúc bà nội a Bình hỏi ta sẽ giải thích.
– Dạ.
– Đi qua Lưu huynh đi, lúc nãy ta về ngang thấy Bùi bá đã đến rồi.
Cả nhà vội vàng lấy nón, khăn, khép cửa nhà, nối đuôi nhau đi ra. Nương nhét túi vải tiền vào trong ngực áo. Áo thời này có thắt lưng nhỏ và được choàng sang một bên. Phía bên trong hay may thêm một túi nhỏ đựng tiền, khăn tay hay các thứ linh tinh.
Nắng sớm ấm áp, gió thổi nhè nhẹ như trôi đi những lo toan, bắt đầu ngày làm việc bận rộn. A Phúc cúi đầu tìm cỏ gà, chốc chốc dừng lại nên tụt xuống cuối hàng. Mai vừa đi vừa nhớ lại cuộc nói chuyện của cha nương vừa nãy. Bảy mươi tám văn mua được một tạ gạo và khoai lang nữa, tiền ở đây thật có giá. Nếu là tiền đồng (đúc bằng đồng) thì càng có giá hơn.
Đi xa như vậy mà còn muốn mua gạo, khoai mang về. Vậy chắc giá gạo ở làng chài cao hơn, cũng phải thôi, ở làng chài ven biển, kế đó là mấy dãy núi, tuy không cao nhưng cũng không thích hợp trồng lúa hay khoai. Dân làng chài muốn tiết kiệm thì sẽ đi vào các làng trong vũng này để mua gạo, khoai, mấy loại trái cây hay kim chỉ, vải vóc.